221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
652550
Cơ chế nào kiểm soát chất lượng?
1
Article
null
Bỏ thi tốt nghiệp THCS:
Cơ chế nào kiểm soát chất lượng?
,

Kỳ họp thứ 7 (Quốc hội khóa XI) vừa thông qua Luật Giáo dục sửa đổi, trong đó tán thành bỏ kỳ thi THCS. Dịp này, kỳ thi tốt nghiệp THCS cuối cùng vừa kết thúc. Chung quanh sự kiện này, dư luận xã hội rất ủng hộ, đồng thời mong muốn ngành giáo dục và đào tạo có cơ chế để kiểm soát chặt chẽ chất lượng giáo dục.

Chủ tịch Hội đồng thi THCS Tây Sơn, Gò Vấp cùng 2 học sinh chứng kiến niêm phong đề thi

Bỏ thi tốt nghiệp THCS cũng làm giảm bớt áp lực nặng nề thi cử. Nhưng bỏ thi tốt nghiệp THCS, vậy những địa phương vốn xét tuyển vào lớp 10 dựa trên kết quả thi tốt nghiệp sẽ lại phải tổ chức một kỳ thi nữa? Liệu việc luyện thi, học thêm có giảm bớt? Vấn đề đặt ra lớn hơn, lâu dài hơn, là làm thế nào kiểm soát được chất lượng giáo dục THCS sau khi bỏ kỳ thi này?

Cơ chế nào và điều kiện nào?

Theo ý kiến của các cấp quản lý, các chuyên gia giáo dục, cũng cần nhận thức, cần hiểu đầy đủ ý nghĩa của chủ trương bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS. Bỏ thi, nhưng không bỏ việc đánh giá, một hoạt động gắn với dạy và học trong nhà trường như bóng với hình. Nói cách khác, bỏ thi tốt nghiệp THCS là thay hình thức đánh giá chất lượng này (thi tốt nghiệp) bằng hình thức đánh giá chất lượng khác, nhẹ nhàng, đỡ tốn kém hơn, nhưng phải thực chất hơn.

Không có cách nào khác, giải pháp đầu tiên là phải có sự chuyển động tự giác và tích cực của cả bộ máy quản lý giáo dục từ cơ sở, vừa tạo điều kiện học sinh có động lực, vừa là đòi hỏi tất yếu của sự phát triển. Trước hết, vai trò hiệu trưởng các trường THCS, các giáo viên, nhất là giáo viên lớp 9 phải kiểm soát chặt chẽ quá trình học tập gắn với nâng cao chất lượng giờ dạy; nhất là phải kiểm soát chặt chẽ các kỳ kiểm tra từ 15 phút, kiểm tra một tiết đến kiểm tra học kỳ. Các kỳ kiểm tra này là cơ sở tính điểm tổng kết học kỳ, tổng kết cả năm học.

Do tính chất phân cấp, vai trò quản lý của phòng giáo dục và đào tạo (cấp quận, huyện) cơ quan có chức năng kiểm tra, thanh tra, giám sát phát hiện và xử lý là chủ yếu, phải được nâng lên hơn nữa (vì bằng tốt nghiệp THCS do Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo quận, huyện ký). Ðiều này càng phù hợp khi hiện nay, Nhà nước đang chủ trương cải cách hành chính, tăng cường quyền tự chủ và phân cấp quản lý cho cơ sở. Sự đánh giá công bằng, khách quan chất lượng dạy và học của các trường THCS trong địa bàn quận, huyện cũng sẽ trở thành sự thách thức năng lực quản lý giáo dục cấp phòng.

Có cơ chế quản lý lại phải có điều kiện, làm thế nào để các trường đánh giá chính xác việc dạy, việc học của giáo viên, học sinh, khi mà bài kiểm tra một tiết, kiểm tra học kỳ đều do các trường tự ra đề, liệu có xảy ra tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi?".

Do đó, sở giáo dục và đào tạo, cơ quan quản lý giáo dục cao nhất ở các địa phương phải thường xuyên kiểm tra, thanh tra sâu sát các quận, huyện. Nhất là các sở cần sớm tổ chức được ngân hàng đề thi thông qua việc thành lập các phòng khảo thí và kiểm định chất lượng, phù hợp với cơ chế tổ chức bộ máy chủ quản - Bộ Giáo dục và Ðào tạo - hoặc ít nhất, sở giáo dục và đào tạo các địa phương cũng phải là nơi thẩm định đề kiểm tra của các trường; tạo mặt bằng chất lượng đề kiểm tra các trường đồng đều.

Sự thành lập phòng khảo thí và kiểm định chất lượng, việc tổ chức ngân hàng đề thi tại các sở càng trở nên cần thiết, vì nếu như bỏ thi tốt nghiệp THCS, các địa phương nhiều năm nay tổ chức xét tuyển vào lớp 10 dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THCS, tất yếu sẽ phải tổ chức một kỳ thi tuyển đầu vào.

Một điều kiện nữa, góp phần bảo đảm chất lượng giáo dục THCS vừa thực chất, vừa đáp ứng yêu cầu mục tiêu cấp học - đó là giảm hợp lý nội dung chương trình (CT), sách giáo khoa (SGK) THCS.

Với CT, SGK cấp THCS hiện nay, trong khi thời lượng học của các trường THCS chỉ một buổi/ ngày là phổ biến, sẽ dẫn đến hiện tượng cái không nặng hóa nặng, cái không quá tải thành quá tải. Việc giảm hợp lý CT, SGK cấp THCS cần theo hướng giảm bớt "chất" hàn lâm, lý thuyết, tăng "chất" thực hành.

Không phải không có lý khi các nhà sư phạm của thế giới đã tổng kết quy luật nhận thức của học sinh phổ thông qua ba kênh sau: "Nghe - quên, Nhìn - nhớ, Làm - hiểu". Quy luật nhận thức ấy có chuyển hóa thành chất lượng giáo dục hay không còn tùy thuộc vào sự đổi mới phương pháp giảng dạy của người thầy, vào lòng yêu nghề, thiết tha với nghề, vào ý chí của người thầy muốn vượt lên sự khô cứng của cách truyền thụ thầy đọc - trò chép lâu nay, đem lại sinh khí, sức sống tươi mới của nghề dạy học để đào tạo những con người trẻ tuổi có năng lực tư duy độc lập và sáng tạo.

Quan trọng và lâu dài gắn với đổi mới phương pháp, là đổi mới cách tổ chức giáo dục của nhà trường, từ mô hình nhà trường học một buổi, sang nhà trường học hai buổi/ ngày, với sân chơi, bãi tập, nhà tập thể dục thể thao... Cơ chế ấy, điều kiện ấy, chắc chắn sẽ góp phần tạo động lực tích cực cho học sinh, học nhẹ nhàng hơn, nhưng lại bảo đảm chất lượng giáo dục thực chất hơn.

Một chủ trương mới, những bước đi đầu tiên bao giờ cũng còn lúng túng. Nhưng nếu phù hợp với thực tiễn, sẽ tạo động lực cho sự vận động và phát triển của cả ngành học, bậc học.

  • Kim Dung (Nhân Dân)
     

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,