221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
663788
Thi chọn HSG quốc tế: Hải Dương có bị "xử ép"?
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Thi chọn HSG quốc tế: Hải Dương có bị 'xử ép'?
,

(VietNamNet) - "Sự cố" sai sót về đề thi tuyển Olympic Toán quốc tế tưởng đã yên sau quyết định của Bộ GD-ĐT. Chẳng ngờ, quyết định sửa sai ấy lại tiếp tục bị phản ứng dữ dội. Sáng ngày 13/6, VietNamNet nhận được phản ánh của trường THPT Nguyễn Trãi (Hải Dương) và Sở GD-ĐT tỉnh này về những "quyết định kỳ cục" của Bộ GD-ĐT.

Soạn: AM 442333 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Ông Phan Tuấn Cộng (giữa), Phí Văn Dương (phải) và bà Nguyễn Lan Phương (Hiệu trưởng) trong buổi tiếp xúc với phóng viên VietNamNet.

Ông Phan Tuấn Cộng, Hiệu phó trường THPT Nguyễn Trãi (Hải Dương) trình bày với VietNamNet:

Ngày 1/6, Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD -ĐT) Trần Văn Nghĩa ký công văn triệu tập học sịnh dự tập huấn chọn đội tuyển dự thi Olympic Toán quốc tế năm 2005. Trong văn bản này, thứ tự của 6 học sinh về tham gia lớp tập huấn như sau:

1.Đỗ Quốc Khánh, lớp 12, trường THPT Lê Quý Đôn, TP Đà Nẵng. 2.Trần Trọng Đan, lớp 12, trường THPT Năng khiếu, Hải Phòng. 3. Nguyễn Nguyên Hùng, lớp 12, khối chuyên Toán - Tin, trường ĐH Sư phạm Hà Nội. 4.Nguyễn Trường Thọ, lớp 12, khối chuyên Toán - Tin, trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội. 5.Lê Đình Huy, lớp 12, trường THPT Nguyễn Trãi, Hải Dương. 6.Trần Chiêu Minh, lớp 12, trường THPT Năng khiếu ĐHQG TP.HCM.

Sau đó, vào ngày 16/6, cũng ông Trần Văn Nghĩa lại ký công văn triệu tập đội tuyển, trong đó giữ nguyên danh sách chính thức và thứ tự 5/6 em ở trên. Riêng trường hợp Lê Đình Huy bị rớt xuống hàng dự bị, cùng với 3 thí sinh khác đến từ trường THPT Hà Nội - Amsterdam và của khối chuyên Toán - Tin (trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội) mới được gọi vào.

Phóng viên: Thưa ông, đến lúc này nhà trường và Sở GD - ĐT Hải Dương đã biết kết quả bài thi cụ thể của Huy chưa?

Ông Phan Tuấn Cộng: Kết quả cụ thể chúng tôi chưa hề biết. Hôm 1/6, nhận được giấy triệu tập, Huy đã lên Hà Nội và dự đội tập huấn ở khách sạn trên đường Bà Triệu. Cho đến sáng nay (sáng 13/6-NV) chúng tôi mới nhận được văn bản triệu tập em Huy là dự bị (văn bản ngày 10/6). Từ Hà Nội, Huy cũng rất hoang mang, điện về cho chúng tôi đề nghị "các thầy cần có ý kiến với thanh tra xem xét lại vì đến lúc này em cũng chưa biết được bao nhiêu điểm..".

- Nhà trường có kiến nghị gì về 2 quyết định này của Bộ GD-ĐT hay không?

- Chúng tôi chưa kịp họp tổ chuyên môn và ban giám hiệu nhà trường cũng chưa kịp họp. Nhưng về phần tôi, với tư cách cá nhân là người phụ trách đội tuyển toán của trường và trực tiếp dạy em Huy, tôi thấy khá bức xúc. Đã nhiều năm nay, Hải Dương có các giải nhất trong kỳ thi Toán quốc gia, có học sinh lọt vào vòng 2. Nhưng năm nay là năm đầu tiên, Hải Dương có học sinh dự thi Olympic Toán quốc tế.

Lâu nay, trên dư luận đề cập tới đề thi chọn đội tuyển dự thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 46 là "đề cũ". Việc gọi dự bị và chính thức là cách sửa sai cho việc "đề thi vi phạm quy chế" như lãnh đạo Bộ nói. Như vậy, việc đã sai lại càng sai và Bộ GD-ĐT thật mâu thuẫn trong các quyết định của mình.

Thứ nhất, nếu khẳng định đề thi vi phạm quy chế, thì phải huỷ cuộc thi và tổ chức lại, chứ không thể chữa cháy theo kiểu: Loại bỏ phần sai, chỉ lấy phần đúng để đánh giá. Thứ hai, nếu không tổ chức thi lại, thì phải giữ nguyên kết quả của đợt thi trước.

- Vậy thì ông kiến nghị Bộ "sửa sai" như thế nào?

- Thứ nhất, nếu công nhận đề thi phạm quy chế thì phải tổ chức thi lại vòng 2 cho 47 em đã lọt qua vòng 1. Thứ 2, nếu sát hạch để chọn 6 em thi quốc tế sắp tới, thì phải thi cả 9 em chứ không thể chỉ 4 em trong danh sách dự bị thi với nhau.

- Thưa ông, thời gian đi thi sắp đến nơi rồi, lại còn những thủ tục xuất nhập cảnh,v.v...Nếu tổ chức thi lại cho 47 em thì có khả thi không?

- Thực ra, chỉ tổ chức thi và chấm trong 3 ngày, đã có thể có kết quả. Hoặc nếu không, phải sát hạch cả 9 em chứ.

- Ở đây có một giả thiết được đặt ra: Như ông nói, đây là năm đầu tiên Hải Dương có học sinh lọt vào đội tuyển thi Toán quốc tế. Liệu có phải Hải Dương "vận động hành lang" để có suất này; nhưng sau khi có kết quả thì đã bị phát hiện và do đó, kết quả xét lại mới đưa Huy xuống hàng dự bị?

- Thực ra, từ khi báo chí thông tin về "sự cố" đội tuyển toán đến nay, có nhiều luồng dư luận khác nhau, nhưng chưa có dư luận nào như giả thiết trên cả. Nếu nói về chuyện "móc ngoặc" giữa các địa phương thì Hải Dương ít có điều kiện tiếp cận với các chuyên gia hơn. Những năm trước, Thanh Hóa liên tục có HS trong đội tuyển quốc tế và có kết quả cao, cũng có dư luận từng nghĩ đến chuyện Thanh Hóa "quan hệ tốt". Nhưng những năm gần đây thì thành tích này của Thanh Hóa ít đi, thì giải thích thế nào.

- Hiện tại, Huy đang bị sức ép tâm lý khá căng thẳng. Nếu tổ chức thi lại cho 9 em để sát hạch lần cuối, Huy vẫn bị loại ra thì sao?

- Những điều xảy ra gây rất nhiều bức xúc cho nhà trường và ảnh hưởng tâm lý không tốt tới Huy. Việc sửa sai phải đúng quy chế, cho dù Huy thi lại có rớt nhưng đó là sự công bằng. Có thể Huy không trúng vào đội tuyển 6 em đi thi Olympic vào tháng 7 tới, nhưng với cách làm công bằng, em sẽ thanh thản, chứ không phải cái kiểu hành xử không rõ ràng như thế này.

- Là người hướng dẫn các em đội tuyển toán và nhiều năm liên tục có thành tích, ông có nghĩ, nếu một năm nào đó mà học sinh không đạt thành tích cao thì người phụ trách sẽ chịu nhiều áp lực từ phía đồng nghiệp, lãnh đạo trường, lãnh đạo Sở, thậm chí cả lãnh đạo tỉnh nhà hay không?

-Nhiều năm gần đây thành tích ổn định nên cũng không có vấn đề gì.

- Xin cảm ơn ông.

Ông Nguyễn Bá Đang, Phó phòng Trung học phổ thông, Sở GD-ĐT Hải Dương: Tại sao lại 5 em chính thức?

Tại sao lại đưa Huy xuống danh sách dự bị? Tại sao là 5 em chính thức chứ không phải 4 hay 3 em chính thức, còn lại là dự bị? Một điều khó hiểu nữa là các em lại không biết điểm của mình như thế nào? Điều này thật khó chấp nhận. Chúng tôi sẽ có văn bản kiến nghị với Bộ về vấn đề này.

Đối với bất kỳ một cuộc thi nào khi đã "thổi còi" chính thức thì diễn biễn cuộc thi đến lúc công bố quyết định thì không thể thay đổi giữa chừng "bớt khâu này, đổi khâu khác". Cho nên, nếu Bộ công nhận có sai thì không thể sai chỉ 1 HS. Sai thuộc về khâu tổ chức chứ không thể đổ lỗi cho HS.

Ông Phí Văn Dương, Tổ trưởng tổ Toán trường THPT Nguyễn Trãi: "Khuất tất" không thể đổ dồn về một HS tỉnh lẻ"

Tôi không trực tiếp dạy Huy, nhưng tôi hiểu rất rõ về gia đình của em: rất nghèo! Huy là con út trong gia đình có 3 anh em. Cả ba đều học rất giỏi. Chị gái Huy là HS chuyên Toán của tôi, tốt nghiệp ra trường năm 2001. Anh cả tên Sơn là HS chuyên Lý, đã tốt nghiệp ĐH Kiến trúc.

Khi nhận được thông báo triệu tập (ngày 1/6),  chúng tôi đều rất vui mừng vì đây là lần đầu tiên Hải Dương có HS dự tuyển Toán quốc tế. Niềm vui chưa bao lâu thì nhà trường lại nhận được công văn chuyển Huy từ chính thức xuống là 1 trong 4 HS trong đội tuyển dự bị.

Điều trớ trêu của công văn này mà chúng tôi coi việc sửa sai của Bộ "càng sửa càng sai" ở chỗ: Nếu cuộc thi có vấn đề thì phải tổ chức lại cuộc thi tương tự, chứ "khuất tất" không thể đổ dồn về một HS của Hải Dương.

Điều sai nữa là, nếu Bộ công nhận việc sửa sai bằng việc bác công văn ngày 1/6 thì công văn ngày 10/6 phải được người cấp cao hơn (Cục trưởng hoặc Thứ trưởng...) ký ban hành. Đằng này, cả hai công văn đều cùng một người ký.

  • Thực hiện: Hạ Anh - Kiều Oanh

Theo dòng sự kiện:

 Ý kiến của bạn về vấn đề này:

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,