Sinh viên Trung Quốc thận trọng việc du học
Mấy năm gần đây, sinh viên Trung Quốc trở nên thận trọng hơn với chuyện du học. Lượng SV nước này đi học ở nước ngoài đã giảm dần kể từ năm 2003. Nguyên nhân là do thị trường giáo dục bậc cao ở nước này phát triển hơn, chi phí du học cao và cơ hội việc làm dành cho SV du học giảm.
Nhiều năm trước đây, du học để học bậc cao là ước mơ của tất cả SV tốt nghiệp ĐH ở Trung Quốc. Mặc dù vẫn muốn đi du học, ngày nay, SV Trung Quốc phải tính toán hợp lý khi quyết định.
Liu Chang, 22 tuổi, vừa tốt nghiệp trường ĐH Sư phạm Bắc Kinh đã xếp hàng chờ đợi để nói chuyện với ông Wayne Sigler, giám đốc tuyển sinh của trường ĐH Minnesota tại triển lãm Giáo dục Quốc tế 2005. Liu cho biết, cô muốn hỏi nhiều câu cụ thể trước khi quyết định có du học hay không.
Ông Sigler cho hay, các SV ông đã gặp gỡ tại triển lãm đều rất thận trọng với quyết định du học. Trrường ĐH Minnesota có 15 nhân viên giải đáp, có lẽ là lượng nhân viên nhiều nhất tại triển lãm, song, vẫn có hàng dài các SV chờ hỏi han thông tin.
Theo Cai Junjie, giám đốc trung tâm tư vấn du học hàng đầu tại Trung Quốc Beijing JJL, trong năm 2003, khoảng 123.000 SV Trung Quốc học cao học tại nước ngoài. Nhưng đến năm 2004, chỉ có 115.000 SV Trung Quốc du học. Ông Cai dự đoán năm nay lượng SV du học sẽ lại giảm sút.
Ông Cai cho biết, việc quan trọng là SV phải định rõ mục đích của mình trước khi du học. May mắn là SV Trung Quốc đã nhận ra điều này và thận trọng hơn trong quyết định du học.
Do chính sách nới lỏng visa năm nay, lượng đơn xin cấp visa tại đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc đã tăng trong 6 tháng đầu. Trong khi đó, lượng đơn xin cấp visa đi các nước khác giảm. Mỹ vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của SV Trung Quốc du học, tiếp đó là Anh, Canada và Australia.
Theo Nick Davison, nhân viên visa đại sứ quán Anh tại Bắc Kinh, lượng đơn xin cấp visa đi Anh giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, tình trạng này không riêng gì Anh. Đơn xin cấp visa đi các nước khác, trừ Mỹ, đều giảm.
Song Lijun, giám đốc văn phòng Trao đổi và Hợp tác Quốc tế Ủy ban Giáo dục thành phố Bắc Kinh giải thích, sự sụt giảm lượng SV tới các nước khác học tập là dấu hiệu cho thấy thị trường giáo dục của Trung Quốc đang phát triển.
Ông Song nhận định điều này là tự nhiên. Bởi, chính sách mở rộng trường đại học, đào tạo bậc cao ở Trung Quốc đã nở rộ. Ngoài ra, thị trường việc làm có tính cạnh tranh cao cũng là một yếu tố quan trọng thu hút SV. SV học xong tại nước ngoài và trở lại Trung Quốc không còn là chuyện hiếm. Cung tăng làm giảm nhu cầu.
Ông Song cho biết một số SV Trung Quốc du học nước ngoài và trở về nước cũng bị thất nghiệp. Do tình trạng này, SV trở nên thận trọng hơn khi đi du học.
Ngoài ra, Davison ở đại sứ quán Anh nói thêm: tỷ giá hối đoái cao cũng khiến chi phí sinh hoạt ở châu Âu và các nước khác trở nên đắt đỏ hơn đối với SV Trung Quốc. Mặt khác, Trung Quốc đang đẩy mạnh hợp tác với các viện giáo dục nước ngoài. SV có thể tham gia khoá học du học tại chỗ.
Trong khi đó, các bậc cha mẹ Trung Quốc cũng kém hào hứng khi cho con em là học sinh THPT đi du học vì các em dưới 18 tuổi thường kém độc lập và tự quản, lại dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tiêu cực.
-
Vũ Minh Thương (Theo Tân Hoa Xã/Trung Hoa nhật báo)