(VietNamNet) - Do có dịp đến thăm, quan sát và tiếp xúc với các đồng nghiệp ở ĐH Thanh Hoa, tôi muốn chia sẻ những cảm nhận qua một góc nhìn cụ thể, bằng những câu chuyện nhỏ về hướng đi và tốc độ phát triển của ĐH Thanh Hoa.
Theo một kết quả xếp hạng các trường ĐH của ĐH Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc), Thanh Hoa có mặt trong số top 200 các trường nổi tiếng thế giới |
Vừa qua, trong chuyến thăm Hoa Kỳ, khi đến thăm ĐH Havard, Thủ tướng Phan Văn Khải đã bày tỏ quyết tâm: VN cần thiết phải xây dựng một trường ĐH tầm cỡ quốc tế để góp phần phát triển kinh tế, xã hội trong tương lai. Havard quả là một hình mẫu cho một ĐH kiểu đó, đáng để chúng ta hướng tới, học hỏi, rút ra những kinh nghiệm thích hợp và quý giá trong nhiều lĩnh vực.
Và lúc này, Chủ tịch Trần Đức Lương đang thăm Trung Quốc, nơi ĐH Thanh Hoa, ĐH hàng đầu của Trung Quốc, đang vươn mạnh lên tầm quốc tế trong một tương lai gần.
Do có dịp đến thăm, quan sát và tiếp xúc với các đồng nghiệp ở ĐH Thanh Hoa, tôi muốn chia sẻ những cảm nhận qua một góc nhìn cụ thể, bằng những câu chuyện nhỏ về hướng đi và tốc độ phát triển của ĐH Thanh Hoa theo mô hình kết hợp: đào tạo - nghiên cứu khoa học công nghệ - sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ cao (nghiên cứu ứng dụng máy gia tốc).
Câu chuyện bắt đầu từ một Hội nghị quốc tế năm 1998 ở Tsukuba, Nhật Bản. Một GS của ĐH Thanh Hoa báo cáo về tình hình đào tạo, đặc biệt là nghiên cứu sản xuất máy gia tốc tuyến tính electron, viết tắt là LINAC.
Điều tôi quan tâm nhất là ý định Thanh Hoa triển khai ứng dụng LINAC trong lĩnh vực kiểm tra an ninh (chống khủng bố) và hải quan (chống gian lận thương mại). Cụ thể là dự án chế tạo các hệ tự động kiểm tra các container, gọi tắt là CIS đặt ở các cửa khẩu quốc tế.
Biết rằng, đây là một lĩnh vực ứng dụng tổng hợp các công nghệ cao khác nhau, gồm công nghệ điện tử, cơ khí chính xác, kỹ thuật hạt nhân, tin học và máy tính ..., nên tôi thầm nghĩ rằng, sẽ còn nhiều năm nữa, ĐH Thanh Hoa mới đạt trình độ các nước phương Tây.
Lý do của sự nghi ngờ đó thật đơn giản: những “cỗ máy” phức tạp CIS với chùm tia electron của máy gia tốc, giá bán 14-15 triệu USD, chỉ mới xuất hiện ở vài nước công nghiệp phát triển nhất.
Ở Mỹ, khi đến thăm các hãng AS&E (Boston) và EG&G (Los Angeles), chúng tôi chỉ thấy những hệ CIS nhỏ, sử dụng các máy phát electron tốc độ dưới 1000 keV (đơn vị đo năng lượng). Còn các hệ CIS sử dụng chùm gia tốc cao hơn, khoảng 2000 đến 10.000 keV chỉ sản xuất ở Anh, CHLB Đức và Pháp. Chính trong thời đó, ở cửa khẩu Thẩm Quyến, Hải quan Trung Quốc cũng đã mua trọn gói và lắp đặt 2 cỗ máy lớn loại này.
Nhưng, chỉ 3 năm sau, năm 2001, khi đến Bắc Kinh dự cuộc họp thường niên của Hội Máy gia tốc tương lai châu Á Thái Bình Dương (ACFA), tôi thực sự ngạc nhiên khi nghe GS. Lâm và TS. Đặng thông báo: ĐH Thanh Hoa, ngoài sản xuất các loại máy gia tốc LINAC, đã cho xuất xưởng một loạt thiết bị hoàn chỉnh CIS, kích cỡ khác nhau.
TS Đặng dẫn tôi tham quan một cơ sở của ĐH Thanh Hoa. Lướt nhanh qua các khu giảng đường và phòng thí nghiệm, tôi đến thẳng khu sản xuất. Tôi đã tận nhìn những hệ máy khác nhau thích hợp với những yêu cầu địa hình khác nhau.
Thăm tòa nhà đồ sộ, trụ sở của công ty NUCTECH, còn có tên khác là Công ty Đông Phong, do ĐH Thanh Hoa thành lập, chuyên đảm nhận công việc sản xuất, tiếp thị, bán hàng, bảo hành các sản phẩm khác nhau về công nghệ hạt nhân, trong đó, có các hệ máy CIS, tôi kết thúc một chu trình khảo sát 3 mắt xích (giảng đường, phòng thí nghiệm đào tạo nghiên cứu và công ty sản xuất thương mại) sống động.
Đến đây, tôi thực sự khâm phục những bước phát triển nhanh chóng của các nhà khoa học Thanh Hoa, và thoáng chút áy náy về những nghi ngờ của mình 3 năm về trước, trong hội nghị Tsukuba.
Tuy vậy, một câu hỏi có thể đặt ra: về lĩnh vực công nghệ hạt nhân, ĐH Thanh Hoa đã đạt tầm cỡ quốc tế chưa?
Để trả lời, tôi xin kể tiếp về câu chuyện gặp lại TS. Đặng, 3 năm, vào đầu năm 2004 ở một hội nghị khoa học tại Guang-ju, Hàn Quốc. Bây giờ, TS. Đặng đã là một GS, dù còn trẻ, tuổi chưa quá 40.
Sau khi tốt nghiệp ĐH, anh được gửi qua CHLB Đức theo học chương trình nghiên cứu sinh về máy gia tốc. Nhận bằng Tiến sĩ, về nước, anh được giao nhiệm vụ đúng như chuyên môn đào tạo: giảng dạy và phụ trách phòng thí nghiệm máy gia tốc, dần dần tham gia công việc ở xưởng nghiên cứu chế các hệ máy kiểm tra container CIS.
Gặp tôi ở Guang-ju, anh cho biết đã được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Máy Gia tốc của ĐH Thanh Hoa.
Anh còn cung cấp cho tôi những thông tin mới nhất về sự phát triển công nghệ và mở rộng thị trường các sản phẩm CIS của Thanh Hoa.
Về công nghệ, ĐH Thanh Hoa đã đi tắt đón đầu, sánh vai với những hãng truyền thống của phương Tây, đưa ra những sản phẩm mang thương hiệu THSCAN với những chức năng phong phú và hiện đại nhất.
Đó là loại thiết bị cố định với chùm electron gia tốc mạnh nhất, có thể cho phép phát hiện một sợi dây thép mảnh 1mm giấu sau lớp thép dày 100mm và kiểm tra tự động 40 container loại lớn trong một giờ.
Đó là loại bán di động bao gồm máy móc và các mô-đun tháo lắp dễ dàng, cho phép dịch chuyển giữa những bến cảng gần nhau. Và sản phẩm thứ ba, loại máy lưu động; được bố trí trên một hoặc hai xe ôtô, trong một ngày có thể di chuyển giữa nhiều cửa khẩu biên giới trên đất liền.
Về thị trường, THSCAN hoàn toàn chiếm lĩnh thị trường nội địa, trang bị cho Hải quan Trung Quốc suốt chiều dài bờ biển và biên giớ rộng lớn. Nếu 10 năm trước đây, chỉ sử dụng 2 hệ mua của nước ngoài, nay họ đã sử dụng 42 hệ THSCAN. Đặc biệt, sản phẩm của Đại học Thanh Hoa đang xâm nhập mạnh thị trường thế giới, xuất khẩu ra gần 20 nước và khu vực như Australia, Hàn Quốc, Iran, Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Thổ Nhĩ Kỳ, Venezuela v.v...
Những con số trên đây có lẽ là lời đáp cho câu hỏi đặt ra ở trên về trình độ của một lĩnh vực công nghệ hạt nhân của ĐH Thanh Hoa.
Dĩ nhiên, không phải lĩnh vực nào ở trường này cũng đạt được tầm cỡ thế giới như vậy. Có lẽ vì thế, chính họ cũng đặt mức phấn đấu để có thể đạt danh hiệu ĐH tầm cỡ quốc tế trong thời gian sớm nhất trong những thập niên đầu thế kỷ 21 này.
Dù ĐH Thanh Hoa đã trải qua lịch sử phát triển ngót 100 năm (1911-2005) để có quy mô đồ sộ gồm 11 trường với 40 khoa, 87 phòng thí nghiệm và ngót 10 nhà máy, hàng ngàn giáo sư và trên 100 ngàn sinh viên đã được đào tạo và để có được vị thế tiếp cận tầm cỡ quốc tế như ngày nay.
Dĩ nhiên, những con số ngất ngưỡng kia không làm nản lòng chúng ta. Vì chúng ta đang trong kỷ nguyên hội nhập quốc tế với những điều kiện thuận lợi chưa bao giờ có trước đây. Vì tầm cỡ quốc tế của một ĐH không đồng nghĩa với quy mô, mà là tương thích với điều kiện cụ thể của một quốc gia.
Con đường ĐH Thanh Hoa đi qua không phải y hệt con đường mà một ĐH nào đó của Việt Nam sẽ đi.
Nhưng chắc chắn, chúng ta có thể rút từ những thành công và vấp váp của ĐH Thanh Hoa những bài học kinh nghiệm rất bổ ích. Và từ ĐH Thanh Hoa chúng ta có thể hình dung cái mốc thời gian để một trường đại học Việt Nam đạt tầm cỡ quốc tế. Thời gian đó không thể tính bằng hàng năm, mà phải hàng chục năm. Hơn nữa, nếu không có những chủ trương, biện pháp cụ thể, lộ trình cụ thể thì mọi ý định, nguyện vọng, ước mơ cũng chỉ là giấc mơ đẹp mà thôi.
-
GS.TS Trần Thanh Minh
Theo dòng sự kiện |
VietNamNet Sinh viên Trung Quốc thận trọng việc du học Tiền phong Giáo dục Trung Quốc: Đột phá để phát triển Người lao động Trung Quốc: Số sinh viên nước ngoài du học tăng kỷ lục Trung Quốc xây dựng môi trường học trực tuyến cho học sinh phổ thông Tuổi trẻ TQ: SV cần được hướng dẫn về tư duy sáng tạo Thanh Niên Trung Quốc: Điểm đến của sinh viên ngoại quốc Mạng Giáo dục Edu-Net |