(VietNamNet) - Đó là nội dung cuộc toạ đàm giữa các nghiên cứu sinh của Quỹ giáo dục Việt Nam Hoa Kỳ (VEF Fellows) và VietNamNet hôm 29/7. Trong số VEF fellows tham gia tọa đàm, 4 người hiện đang giảng dạy tại các trường ĐH danh tiếng của Mỹ.
Giám đốc VEF Phạm Đức Trung Kiên mở đầu với việc nhắc lại đề nghị của Thủ tướng Phan Văn Khải trong "Ngày Giáo dục" nhân chuyến thăm Mỹ vừa qua. Sau một ngày gặp gỡ, lắng nghe thuyết trình của các GS hàng đầu, phân tích cặn kẽ tình hình giáo dục ở VN theo quan điểm của họ, Thủ tướng đứng lên đáp lời rằng VN rất muốn xây dựng một trường ĐH đẳng cấp quốc tế.
Về phía VEF, cách đây khoảng 2 năm, một buổi tối, 19 nghiên cứu sinh VEF khoá đầu tiên có họp mặt tại Washington D.C. Khi đó, mọi người đã bàn đến nhu cầu cần có một ĐH mang đẳng cấp quốc tế.
Lý do giản dị xuất phát từ bữa trưa với đại sứ VN Nguyễn Tâm Chiến và Chủ tịch VEF. 90% câu hỏi đặt ra là sau khi đi học ở Mỹ, các em sẽ làm gì tại VN? Trong cuộc trò chuyện thân mật đó, mọi người đã đưa ra câu trả lời, trong tương lai, VN sẽ đủ nhân lực để mở một trường ĐH mới.
Câu nói của Thủ tướng ở ĐH Harvard xuất phát từ nhu cầu thực tế: nếu VN không tổ chức những môi trường làm việc như vậy, thì tất cả những người giỏi đều có cơ hội đi chỗ khác làm việc.
Chẳng hạn, với các nghiên cứu sinh (NCS) VEF, vào Mỹ thì không vào hẳn được vì bị giới hạn, nhưng khả năng sang các nước thứ ba là điều chắc chắn. Chất xám được đào tạo rồi, nhưng không tạo cơ hội làm việc thì sẽ mất.
Thế nào là ĐH đẳng cấp quốc tế?
Nhà báo Lương Bích Ngọc: Chúng ta thống nhất nhu cầu về một trường ĐH đẳng cấp quốc tế là có thực.Vậy, các bạn ở đây có thể giúp cho độc giả hình dung thế nào là một trường ĐH đẳng cấp quốc tế? Và theo các bạn, chúng ta cần những điều kiện gì để thành lập và phát triển?Trong đó: yếu tố gì là quan trọng nhất? Tài chính, nhân lực hay cơ chế?
Trường đẳng cấp quốc tế là phải đào tạo ra SV mà sau khi tốt nghiệp có thể nộp đơn vào các trường cao hơn tại Mỹ. Sau đó là nguồn nhân lực. Hầu hết các giáo viên tại ĐH Manila đều học ở Mỹ. Hiện chúng ta có rất nhiều NCS ở Mỹ và đa số đều đã tham gia giảng dạy ở Mỹ. Trường ĐH đẳng cấp quốc tế cần thu hút cả SV trong nước và quốc tế. Đó là nguồn duy trì sự phát triển của trường. Khi người ta đã làm được, tại sao mình không làm được?
Trịnh Văn Thắng (UNC): Ấn tượng lớn nhất của tôi khi học tập tại UNC là hệ thống thư viện ở mức "đỉnh cao". Khả năng cập nhật của thư viện ở đó rất mới, tài liệu cập nhật đến từng tháng.
Phong cách dạy của họ cũng "đỉnh", tức là mình được tự do khám phá và tư duy rất mở. Thi cử cũng rất mở, không nhất thiết phải ngồi trên bàn giấy và theo một barem chặt chẽ. Họ tạo điều kiện cho mình tư duy theo một logic nào đó. Sau khi dạy lý thuyết xong, trường có chương trình bắt buộc SV thực tập về y tế cộng đồng, sống với dân và làm thật.
Cái nữa là sự liên kết giữa trường ĐH tầm cỡ quốc tế với các trường khác. Điều này tạo cho SV tầm nhìn rộng. Tôi ở trường này, nhưng lại biết về trường kia và biết các thầy ở trường kia để tìm hiểu.
Ngô Đức Anh (ĐH Houston, Texas): Một trường ĐH có 2 chức năng chính là giảng dạy và nghiên cứu. Nghiên cứu để hỗ trợ giảng dạy và giảng dạy để phục vụ nghiên cứu.
ĐH tầm cỡ quốc tế, về mặt nghiên cứu, cần có những công trình nghiên cứu cũng tầm cỡ này. Tức là công trình phải được xuất bản trên những tạp trí khoa học quốc tế, tạo cơ hội giao tiếp với các nhà khoa học trên thế giới.
Một điều thuận lợi lớn của trường ĐH đẳng cấp quốc tế tại VN là sự phong phú trong đề tài nghiên cứu.
Khi tôi học ở Thái, Australia hay ở Mỹ, rất khó để tìm được một đề tài nghiên cứu vì cứ "hở" ra cái gì là người ta làm. Còn ở VN, riêng trong ngành của tôi thì không thiếu đề tài. Vì mình có thể lấy những đề tài người ta đã nghiên cứu ở nước ngoài, và hoàn thành tại VN. Đó sẽ là những đề tài mang tầm cỡ quốc tế được nhiều người quan tâm.
Có khi một đề tài đã được làm đi làm lại ở nước ngoài, đến mức thông tin đã bão hoà, nhưng nếu làm ở VN thì lại là thông tin mới. Vấn đề quan trọng là làm sao để khi đi báo cáo ở các hội nghị quốc tế được các tờ báo quốc tế chấp nhận.
Nguyễn Văn Thắng (khoa Công nghệ sinh học, ĐH Houston, Texas): Tôi muốn nhấn mạnh tiêu chí để đánh giá một trường ĐH đẳng cấp quốc tế.
Thứ nhất là con người. Một trường ĐH đẳng cấp quốc tế thì người thầy phải đạt trình độ quốc tế. Chúng ta đã biết đó là người phải có các công trình được đăng trên các tạp chí quốc tế. Mà đã có thầy giỏi thì nhất định phải chọn những trò giỏi.
Thứ hai là cơ chế. Có nhân lực giỏi rồi, sẽ nghiên cứu ra sao, theo cơ chế nào? Tôi lấy một ví dụ: trước đây chúng ta tập trung nghiên cứu lúa rất nhiều. Bao nhiêu năm nghiên cứu đủ mọi loại giống lúa nhưng vẫn "đói". Chỉ có một cơ chế khoán 10 thôi, chúng ta đã xuất khẩu gạo. Điều này khẳng định: cơ chế là điều kiện tiên quyết.
Thứ ba, một trường ĐH quốc tế cần phải có thước đo giá trị. Giá trị ở đây là trí tuệ. Trí tuệ được thể hiện ở khía cạnh thứ nhất là chương trình giảng dạy. Bắt buộc chương trình giảng dạy phải là chương trình quốc tế. Khía cạnh thứ hai là SV, cũng phải theo tiêu chuẩn quốc tế, ví dụ, phải có điểm TOEFL tối thiểu 550. Thứ ba là thước đo về thư viện.
Hà Hữu Toàn (ĐH Houston, Texas): Ở Mỹ, để đánh giá một trường ĐH, người ta thành lập một uỷ ban độc lập và đánh giá theo một số yêu cầu cơ bản nào đó. Từ đó, công nhận trường này là trường chuẩn hay đạt yêu cầu ở cấp độ nhất định.
Như vậy ở VN, muốn có một trường ĐH quốc tế, cần phải có một cơ chế đánh giá độc lập. Cơ quan này không nhất thiết là của VN mà có thể của một tổ chức quốc tế nào đó như UNESCO chẳng hạn. Mặt khác, trường ĐH tầm cỡ quốc tế không chỉ dựa vào sự so sánh giữa nước này với nước khác mà phải ở quy mô toàn cầu.
Phạm Đức Trung Kiên: Muốn kiếm được thầy giỏi, trẻ về dạy cần phải có khung cảnh để họ làm việc, sinh sống. Khung cảnh phải phù hợp với gia đình, con cái họ. Rõ ràng, không thể xây dựng trường tại trung tâm Hà Nội hay TP.HCM vì chỉ 30 năm nữa với đà phát triển này sẽ vô cùng chật chội, bức xúc, đi làm sẽ bị tắc đường.
Như vậy, cũng cần phải tính trước khung cảnh phát triển của trường, làm sao để trường ĐH đó có bề rộng phát triển, có sự an toàn cho gia đình, con em của giảng viên. Trường RMIT mở một khuôn viên ở phía nam TP.HCM mà không phải ở trung tâm.
Cơ chế "đặc khu"
Nhà báo Lương Bích Ngọc: Bạn Thắng có nói để xây dựng một trường ĐH tầm cỡ quốc tế thì cơ chế là yếu tố quan trọng nhất. Vậy các bạn có thể nói rõ hơn, cần một cơ chế như thế nào thì mới xây dựng được một trường ĐH đẳng cấp quốc tế?
Nguyễn Văn Thắng: Tôi có may mắn được dự buổi làm việc của Thủ tướng tại ĐH Harvard. Nếu tìm ra một cơ chế để phát triển thì sẽ mất rất nhiều thời gian để bàn bạc. Hãy nhìn ngay mô hình của một nước nào đó ở gần, đã làm trước chúng ta.
Để xây dựng một trường ĐH đẳng cấp quốc tế ở VN, cần bắt tay với các trường hàng đầu ở Mỹ. Nhiều học giả Mỹ có nói: MIT đã có một phân hiệu hợp tác với Singapore mang tên Singapore MIT. Phân hiệu này rất phát triển. Trong khu vực châu Á, Singapore MIT đứng hàng số 1. Chúng ta hãy học xem họ làm thế nào.
Như anh Kiên có nói, các GS Harvard từng tuyên bố: trường Harvard chưa giúp ai trên thế giới này nhưng sẵn sàng giúp VN vì VN là một đất nước đặc biệt đối với họ.
Trịnh Văn Thắng: Tôi đề cập tới khía cạnh thiết thực với đời sống của anh em hơn. Tôi và rất nhiều người ở đây đã chứng kiến tình huống: anh em học ở Mỹ về, vào công tác ở một số trường ĐH trong nước dài là 6 tháng và nhanh là 1 tháng rồi rời đi.
Hỏi tại sao, họ trả lời: "Lương quá thấp" hay "Không chịu được vì học mà không được dùng". Còn một lý do nữa, họ tự tin vào bản thân, nhưng từ "tự tin" lại được hiểu thành "tự kiêu", thế là cũng "hỏng".
Như vậy, có thể tóm tắt 3 yếu tố để những người đi học nước ngoài về có thể yên tâm làm việc trong nước: Phải có đồng lương ổn định để yên tâm cống hiến; Phải được dùng cái mình đã học; Nghiên cứu và giảng dạy phải đi đôi với nhau. Ngoài ra, cần phải có một tổ chức nào đó gần giống với chức năng của một Công đoàn, bảo vệ quyền lợi cho người cán bộ giảng dạy ở một trường ĐH quốc tế.
Một điều quan trọng nữa là phải bớt đi những rào chắn không cần thiết, bớt đi những thủ tục rườm rà, phức tạp. Đừng để người muốn làm nghiên cứu phải trải qua quá nhiều thủ tục, vì như vậy nhiều lúc đề tài mất đi tính thời sự, làm sao nghiên cứu?
Nhà báo Lương Bích Ngọc: Giả sử được là Hiệu trưởng một trường ĐH đẳng cấp quốc tế, bạn sẽ cần cơ chế gì để có thể phát triển?
Vũ Chính Thiện (ĐH Houston, Texas): Theo tôi, cần phải mạnh dạn xin một cơ chế đặc biệt, kiểu như "các đặc khu kinh tế" ở Trung Quốc, tức là được phép cấp bằng theo tiêu chuẩn quốc tế mà không phải trực thuộc Bộ GD-ĐT. Cũng không phải trực thuộc một ĐH nước ngoài nào mà chỉ nên bắt tay hợp tác với họ.
Chúng ta cần có một chương trình tự soạn và áp dụng, coi đó như một chương trình thử nghiệm và không phải tuân theo các quy định chung. Nên chăng, ta thử xây dựng 1 trường ĐH theo mô hình mới. Nếu tốt thì đó sẽ là trường ĐH tiên phong để những nơi khác học tập theo.
Hoàng Vân (ĐH John Hopkins): Tài chính của trường ĐH cũng rất quan trọng. Hiện nay, ngân sách của một trường ĐH công lập là do chính phủ cấp.
Một trường ĐH quốc tế mà phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách nhà nước thì rất khó khăn. Do vậy, cần phải có một cơ chế mở để trường ĐH đẳng cấp quốc tế có thể huy động nguồn tài chính từ các nơi khác, như từ nước ngoài hoặc các khối tư nhân trong nước.
Trường đó nên được toàn quyền quản lý nguồn tài chính của mình. Chính phủ có thể có giám sát ở mức độ nhất định nhưng trường vẫn nên được quyền tự chủ nhiều hơn về chi tiêu tài chính. Nói cách khác, cần một cơ chế độc lập về tài chính.
Lương Viết Nhiệm: Bản thân tôi đã có 10 năm kinh nghiệm làm giảng viên. Khi sang Mỹ họ, tôi thấy rằng chương trình giảng dạy ở đó rất mở, tạo cho SV nhiều lựa chọn. Chương trình của ĐH đẳng cấp quốc tế cũng nên đa dạng như vậy để SV có quyền lựa chọn và định hướng xem tương lai họ sẽ làm gì.
Vấn đề thứ hai là lương bổng cho thầy. Nhiều anh chị đi học ở nước ngoài và về giảng dạy tại trường ĐH nhà nước, lương thấp nên phải làm ngoài để đảm bảo chi phí. Do vậy, cần phải có một cơ chế mở về lương.
Có trường hợp các thầy do lương thấp, phải đi làm dịch vụ. Đã đi làm dịch vụ thì tất nhiên thời gian dành cho nghiên cứu sẽ giảm đi. Đó là một thực tế đang xảy ra ở mọi nơi từ rất lâu rồi và cần phải thay đổi. Vấn đề nữa là việc thực hành cho SV. Một khi giảng lý thuyết thì cần có một mảng thực hành đi kèm.
Hà Hữu Toàn (khoa Y tế công cộng, ĐH Houston, Texas): Xin bàn thêm về vấn đề cơ chế. Trong ngành giáo dục, cần có một cơ chế mở hơn nữa, tức là Hiệu trưởng hoặc các nhà quản lý cần phải tạo cho các giảng viên điều kiện tự do trong nghiên cứu hoặc hợp tác. Giáo viên cũng phải tạo cho sinh viên điều kiện như vậy. Nếu nhìn lại tình hình ở VN hiện nay, thì những tư duy mở thế này chưa có.
Nguyễn Văn Thắng: Cơ chế mở trong giáo dục là chìa khoá dẫn tới sự thành công của nền giáo dục Mỹ. Một câu hỏi đặt ra: Tại sao nền giáo dục sau ĐH ở Mỹ lại phát triển như vậy? Câu trả lời rất đơn giản: Dân chủ trong giáo dục. Điều này được thể hiện như thế nào?
Tôi chỉ lấy một ví dụ nhỏ, vai trò của người thầy hướng dẫn đối với người làm tiến sĩ giống như một người bạn. (Chứ không phải là...cụ, là ông nội, là bố...). Trách nhiệm của mỗi người thầy không phải là bắt học trò phải giỏi theo mình, mà phải tìm thấy những đốm lửa le lói trong đầu mỗi SV và thổi bùng nó lên thành một "núi lửa".
Bắt đầu xây dựng ĐH đẳng cấp quốc tế ngay từ bây giờ!
Nhà báo Lương Bích Ngọc: Chúng ta nên đi theo một lộ trình như các nước đã đi, cụ thể ngay sát chúng ta là Trung Quốc hay sẽ làm một bước đột phá để có thể chỉ sau 5 năm nữa, chúng ta có được một trường ĐH như vậy? Nếu đi theo hướng thứ hai, chúng ta cần bước đột phá mạnh mẽ nhất là gì?
GS Trần Thanh Minh: ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc) mặc dù được đầu tư rất mạnh nhưng họ cho rằng có thể đạt tầm cỡ quốc tế trong thế kỷ 21. Đó là họ nói khiêm tốn, còn tôi nghĩ rằng, chắc không đến giữa thế kỷ 21 đâu.
Xây dựng một trường ĐH không phải chuyện "đùa". Vì thế, tôi thống nhất đó là câu chuyện của 10-20 năm. Nhưng trong 10-20 năm ấy, trách nhiệm của chúng ta là phải cố gắng, phấn đấu để câu nói của Thủ tướng trong buổi làm việc tại Harvard trở thành hiện thực.
Vũ Chính Thiện: Xây được một trường ĐH đẳng cấp quốc tế chỉ trong 5 năm là điều khó. Bác Hồ đã nói: "Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người". Nếu chỉ trong 5 năm, chúng ta sẽ không thể có một trường tốt. Nhưng nếu trong 50 năm hay 100 năm thì chúng ta sẽ có một nền móng rất vững chắc.
Nhà báo Lương Bích Ngọc: Nhưng chúng ta đã có nguồn nhân lực, có thể tìm được sự hỗ trợ từ bên ngoài, quyết tâm của Chính phủ đã thể hiện rất cao . Hơn nữa như anh Kiên đã nói, chúng ta cần phải có một ĐH làm hoa tiêu. Nếu như trong 20 năm nữa, đến 1 ĐH đẳng cấp quốc tế chúng ta chưa có thì làm sao có thể tác động để tạo ra "khoán 10 trong giáo dục"?
Phạm Đức Trung Kiên
: Theo tôi, trong 5 năm, chúng ta có thể làm được vì đã có những yếu tố mà các bạn vừa nói và có nhiều ví dụ trên thế giới. RMIT bắt đầu có giấy phép hoạt động chỉ trong vòng 3 năm. Mới đây, RMIT đã khai trương trụ sở tại TP.HCM.Như vậy, vấn đề cơ sở hạ tầng, con người đã bắt đầu có từ 2 năm trước. Cơ chế thì cần Thủ tướng quyết định. Bộ GD-ĐT cũng đã đồng ý.
Bản thân tôi thấy điều này là khả thi. Xét từ ví dụ của trường Rice University, Houston là một trong những trường có học phí đắt nhất nước Mỹ. Cách đây 5 năm, ông Giám đốc Rice University sang Đức để giúp xây dựng một trường ĐH tầm cỡ quốc tế cho Đức với kinh phí do phía Đức lo.
Tháng 9 này, tôi hy vọng sẽ mời được ông sang đây để nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm. Ông ấy là người có rất nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này, biết rõ bao nhiêu năm thì làm được, cần bao nhiêu tiền, bắt đầu như thế nào...
Nhân đây tôi cũng xin chia sẻ về vấn đề tài chính. Hôm họp với Thủ tướng tại Harvard có nhắc tới vấn đề tài chính. Ông chủ toạ có nói: "Nước VN chỉ cần bớt mua một máy bay Boeing là đủ xây một trường như vậy". Càng nghĩ, càng thấy điều này chí lý.
GS Trần Thanh Minh: Tôi cho rằng, cần phải có một văn bản cụ thể từ Chính phủ về vấn đề này. Tôi chia sẻ ý kiến của anh Kiên. Đó là, chúng ta không thể chờ đến khi nào có đầy đủ "mâm, bát, đũa", đủ 15 - 20 khoa, ngành đào tạo thì mới tuyên bố bắt đầu xây trường.
Ngay từ bây giờ, ta bắt đầu đề ra tiêu chí về nhân lực, nội dung chương trình giảng dạy, phòng thí nghiệm, thư viện có đẳng cấp quốc tế, đội ngũ giảng dạy và cách lựa chọn người học ra sao... bắt đầu từ những ngành VN đang cần.
Sau 5 năm, ta sẽ có 2-3 khoa, rồi 5 năm nữa có thêm 4-5 khoa. Và như vậy sau 20-30 năm nữa, sẽ có một trường với quy mô tương đối đầy đủ. Nhưng rõ ràng, bắt đầu phải là 5 năm, không thể sớm hơn.
"Dựng" và được phép "dựng" ĐH đẳng cấp quốc tế: Ai đủ khả năng?
Nhà báo Lương Bích Ngọc: Nếu ngân sách do Nhà nước cung cấp giao cho Bộ GD-ĐT làm thì liệu có xây dựng được một trường ĐH tầm cỡ quốc tế như mong muốn không? Còn nếu do tư nhân đứng ra làm, kêu gọi ngân sách để thành lập thì liệu cơ chế có cho phép không?
Nguyễn Văn Thắng: Đây là vấn đề rất nhiều người quan tâm. Muốn đất nước phát triển cần có nhân lực. Muốn có nhân lực cần có trường và muốn có trường thì Nhà nước cần có một cơ chế đặc biệt để tạo ra trường đó.
Chúng ta cần phải đi từ cả hai kênh, thứ nhất là từ Chính phủ và thứ hai là các nguồn huy động cá nhân trong và ngoài nước. Cần một tổ độc lập để thực hiện việc đó. Như vậy, cơ chế phải đặc biệt và độc lập thì mới phát triển được.
Vũ Chính Thiện: Tôi nghĩ rằng, để đạt mục tiêu trong 5 năm có một trường ĐH với 2-3 khoa mà phải đi xin ngân sách từ chính phủ rồi đàm phán với Bộ Tài chính thì sẽ rất khó khăn.
Để xin được cơ chế rất nhỏ là vay không lãi suất thì quá trình đàm phán có thể kéo dài cả năm. Do đó, nếu làm theo cách của quốc tế như đi vay ở đâu đó hay đầu tư cổ phần, vay không lãi suất ở các tổ chức nào đó...tức là theo kiểu không vì lợi nhuận thì khả thi hơn. Bằng cách này, nhiều trung tâm ở Mỹ đã thành công.
Phạm Đức Trung Kiên: Tôi cho rằng, đối với VN, tiền không phải là "vấn đề" vì rất nhiều nước muốn giúp VN. RMIT là một trường tư ở VN. Theo tôi biết, thì tổng cộng quỹ để RMIT xây trụ sở là 37 triệu USD, trong đó 15 triệu USD do một Foundation cho, 15 triệu USD do World Bank đầu tư và 7 triệu còn lại là do RMIT Australia bỏ vào qua một hình thức nào đó. Đây là một ví dụ cho thấy VN được nhiều sự ưu ái. Rõ ràng, tiền không phải vấn đề đối với chúng ta, mà chính là cơ chế.
Nhà báo Lương Bích Ngọc: Từ khi có Luật doanh nghiệp mới ra đời, tạo ra mặt bằng bằng phẳng cho doanh nghiệp tư nhân và nhà nước cùng phát triển thì sản xuất, dịch vụ đã có những bước tiến đáng mừng. Nên chăng chúng ta coi giáo dục là một "thị trường" và trường ĐH đẳng cấp quốc tế là một "doanh nghiệp" trong thị trường đó để dần dần không phải chỉ 1 mà sẽ có nhiều trường ĐH đẳng cấp quốc tế ra đời và cùng phát triển? Nói cách khác nên chăng có một luật nào đó để coi giáo dục ĐH là một thị trường?
GĐ VEF: Tôi nghĩ điều đó là hợp lý vì ở đâu cũng cần có công và tư. Khi Thủ tướng sang Mỹ, Ngài đã nghe các GS thuyết trình về giáo dục ở VN với chủ đề: Nguy cơ và Thách thức. Trong tiếng Hán, từ "Nguy cơ" được ghép từ hai chữ: Hiểm nguy và Cơ hội. Giáo dục VN đối phó với nhiều hiểm nguy nhưng chúng ta phải nhìn thấy những cơ hội. Cơ hội ở đây chính là trường ĐH đẳng cấp quốc tế!
-
Dẫn chương trình: Bích Ngọc
-
Tường thuật: Huyền Trang
-
Biên tập: Hạ Anh
-
Ảnh: Lê Anh Dũng
Ý kiến của bạn: