221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
691836
Hàng ngàn HS giỏi có điểm bài thi dưới trung bình
1
Article
null
Hàng ngàn HS giỏi có điểm bài thi dưới trung bình
,

(VietNamNet) - Thống kê ngẫu nhiên khoảng 10 trường ĐH công bố điểm thi năm 2005 cho kết quả, gần 1.300 thí sinh được cộng điểm thưởng học sinh giỏi (HSG), nhưng bài thi 3 môn chỉ dưới điểm 15.

Soạn: AM 510047 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Nếu so với mức điểm chuẩn dự kiến như các trường năm nay (có trường 25,5; có trường 27,5) thì số thí sinh là HSG trượt ĐH chắc chắn sẽ còn nhiều hơn.

Ở đây, chúng tôi chỉ "lọc" những trường hợp có điểm bài thi quá "tệ" (dưới mức trung bình 15 điểm/3 môn). Quá "tệ" là bởi, năm nay, đề khối A năm nay không hề khó. Bằng chứng là những "cơn mưa" điểm 10 và số thí sinh có điểm bài thi tuyệt đối 30/30 lên tới hàng trăm mà báo chí đề cập nhiều ngày nay.

Cụ thể, tính ở mức điểm từ 0 tới dưới 10, ĐH Kinh tế quốc dân có 17 em. Đó là  "khiêm tốn" nếu so với con số của ĐH Kinh tế TP.HCM (28 em), ĐH Cần Thơ (36 em) hay ĐH Thương mại (45 em).

Còn tính ở mức điểm từ 10 tới dưới 15, ở ĐH Kinh tế quốc dân "góp" 49; ĐH Y Dược TP.HCM có cả trăm em. 186 là con số của ĐH Nông lâm TP.HCM, còn 221 và 298 là những con số tương ứng với ĐH Kinh tế quốc dân TP.HCM và ĐH Cần Thơ.

HSG được cộng điểm thưởng nếu đạt điểm bài thi tốt nghiệp THPT loại giỏi trở lên và có kết quả học tập của năm lớp 12 đạt loại giỏi. Cùng với đó là những ràng buộc khá "chặt chẽ": Tổng điểm bài thi từ 48 trở lên và không có môn nào dưới mức điểm 6,5.

Ấy thế nhưng, khi đi thi ĐH, dù gặp phải đề thi "phổ thông" như năm nay, các em không kiếm nổi cho mình đủ 15 điểm của ba môn thi.

Ông Ngô Sĩ Đại, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Gia Lâm, Hà Nội) lý giải: thi ĐH và thi tốt nghiệp THPT có những điểm khác nhau. Thi tốt nghiệp những 6 môn, môn nọ sẽ "cõng" môn kia, còn thi ĐH lại chỉ có mỗi 3 môn,  yêu cầu cao hơn...

"Vênh" quá, phổ thông ơi...

 "Tổng kết ngẫu nhiên này nói lên rất nhiều thứ", GS Toán học Văn Như Cương nhận xét.

"Đề thi ĐH năm nay không quá khó so với đề thi tốt nghiệp phổ thông. Như vậy, những HS đã tốt nghiệp loại giỏi phổ thông rồi thì rõ ràng phải làm bài đạt ít nhất 20 điểm chứ không thể dưới mức trung bình được. Chẳng qua, chúng ta đã tương đối nghiêm túc khi coi thi ĐH. Và ngược lại, khi trông thi tốt nghiệp cũng như xét học bạ cho học sinh phổ thông lại làm không nghiêm".

GS Cương cho rằng, việc xét HSG chưa làm nghiêm khắc, đặc biệt khi xét học bạ. Các thầy cô thường nâng đỡ khi ghi học bạ lớp 12. Tất nhiên, trong số đó, có những vấn đề nể nang khác xảy ra.

Điều này cũng được ông Lê Văn Đồng, Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa chia sẻ. Theo ông Đồng, chuyện này có nhiều nguyên nhân. Trong đó, có nguyên nhân từ cách xếp loại, đánh giá HSG của một số trường phổ thông, cách trông thi và chấm thi của một số hội đồng để sao cho HS đó được công nhận là tốt nghiệp loại giỏi.

Một nguyên nhân khác, do tiêu chuẩn đánh giá của 2 kỳ thi không  hoàn toàn trùng khớp với nhau. 2 kỳ thi đều có nền tảng chung là kiến thức văn hoá nhưng rõ ràng không đồng nhất về chuẩn mực và yêu cầu cụ thể. Vậy nên có độ vênh nhất định.

Thống kê ngẫu nhiên trên có phần trăm tất yếu, song cũng có phần trăm không tất yếu. Đó là sự ngược nhau quá lớn giữa 2 kỳ thi. Các nhà trường và Sở GD-ĐT cần phải xem lại.

Có quá "liều lĩnh"?

Cách đây nhiều năm, khi vẫn còn chế độ HSG được tuyển thẳng vào ĐH, đã có hàng ngàn trường hợp lợi dụng chính sách này để kiếm suất vào ĐH. May mắn, sau đó Bộ GD-ĐT đã bỏ chế độ này và chỉ duy trì việc cộng điểm thưởng khi thi ĐH năm thứ nhất (những HSG thi lại năm sau sẽ không được hưởng chế độ này nữa). Nhiều trường ĐH, khi được thăm dò ý  kiến, còn thẳng thừng đề nghị nên "cắt" cả chế độ cộng điểm thưởng này.

Ông Nguyễn Bá Đang, Phó phòng Trung học phổ thông, Sở GD-ĐT Hải Dương cho rằng, xoá bỏ cộng điểm còn  tránh được rất nhiều tiêu cực. Bởi nhiều em có điểm cộng học sinh giỏi nhưng  vẫn trượt ĐH. Ngược lại, nhiều em đậu được ĐH mà có cần đến điểm cộng, điểm thưởng gì đâu?

Theo ông Lê Văn Đồng, chuyện gia đình học sinh cố mọi cách để con em mình đạt loại giỏi, mong cộng 1- 2 điểm ĐH là cả một vấn đề rất lớn đã gây bức xúc cho nhiều nhà trường mà không thể giải quyết được. 

Nhưng, điều lo lắng hơn cả không phải là những tiêu cực lẻ tẻ, cá biệt trong chuyện "chạy" các suất học sinh giỏi nhằm vớt thêm 1 - 2 điểm thưởng để cộng vào cho đủ điểm trúng tuyển ĐH.

Mà, trong kế hoạch cải tiến tuyển sinh vào năm 2008, sẽ "gộp" 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT với ĐH. Điều này có nghĩa, vai trò của kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ cực kỳ quan trọng trong việc tuyển sinh ĐH.

GS Văn Như Cương cho rằng, điều đó là vô lý. Bởi, mới bỏ thi tốt nghiệp THCS từ năm 2006. Vấn đề thi vào lớp 10 như thế nào, vẫn chưa biết. Thế rồi, đến năm lớp 12 lại vẫn thi tốt nghiệp mà lại còn lấy điểm tốt nghiệp để xét vào ĐH. "Cứ tình trạng này, lấy điểm tốt nghiệp để xét ĐH, ắt hẳn, việc xem thi sẽ tiêu cực".

Khi hoạch định ra chiến lược này, các nhà làm chính sách tuyển sinh cũng nghĩ tới những tiêu cực phát sinh khi giao quyền tự chủ về địa phương. Sự lộn xộn, kết quả thi tốt nghiệp THPT đẹp đẽ và hiện tượng hàng ngàn HSG có điểm bài thi dưới trung bình như trên là những tín hiệu chứng  tính chính xác của kỳ thi tốt nghiệp THPT còn nhiều điều bất ổn.

Năm 2003, khi phổ điểm toàn quốc lần đầu tiên công bố với trên 70% bài thi của thí sinh có điểm dưới trung bình, người ta đã thấy một "sự thật rùng mình" về chất lượng giáo dục phổ thông.

Dù sau đó, đã có nhiều phân tích, lý giải, phân bua từ các nhà quản lý khi cho rằng tính chất của 2 kỳ thi hoàn toàn khác nhau, nên không thể lấy kết quả của kỳ thi này để "soi" vào chất lượng của kỳ thi kia. Nhưng rồi, qua hai năm với kỳ thi ba chung, sự "vênh" nhau vẫn tiếp tục bộc lộ.

Người ta chỉ thấy những "điều chỉnh" trong đề thi ĐH trong nỗ lực kéo dần khoảng cách giữa 2 kỳ thi này. Chưa hề thấy những thay đổi, những chuyển biến bứt phá đáng kể nào của toàn bộ hệ thống giáo dục phổ thông để tiến cho kịp với kế hoạch "sáp nhập 2 kỳ thi thành một" dự kiến vào năm 2008 tới.

Khi trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ, tiến sĩ Molly Lee, chuyên gia giáo dục ĐH của UNESCO, đã khuyến cáo: muốn đổi mới giáo dục ĐH phải đổi mới bắt đầu từ giáo dục phổ thông vì giáo dục ĐH là sự tiếp nối, không thể tách rời khỏi giáo dục phổ thông.

Vậy thì,  “cắt khúc” riêng ĐH để đầu tư, đổi mới khi nền tảng cơ bản của nó là giáo dục phổ thông chưa tìm thấy sự tin cậy cần thiết, liệu có ổn chăng?

Trường Số TS có tổng điểm trên 25 Số TS có tổng điểm từ trên 10 đến 15 Số TS có  tổng điểm từ 0 đến 10 Tổng số HSG được cộng điểm thưởng
ĐH Kinh tế quốc dân HN 1253 49 17 2124
ĐH Kinh tế TP.HCM 368 221 28 2122
ĐH Thương mại 101 103 45 677
ĐH Bách khoa Hà Nội 1006 9 3 1425
ĐH Nông lâm TP.HCM 77 186 16 1265
ĐH Y Hà Nội 180 4 0 311
ĐH Y Dược TP.HCM 412 100 14 1630
ĐH Cần Thơ 51 298 36 1098
ĐH Đà Lạt 5 6 0 46
ĐH Quy Nhơn 9 15 1 96
ĐH Vinh 29 28 18 175
ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn TP.HCM 8 70 3 511
ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn HN 11 17 1 319
ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) 318 5 0 440
ĐH Văn hóa 0 11 1 51

   (Thống kê: Trần Hoàng Minh - Trung tâm Game Online, công ty VASC, trên cơ sở dữ liệu của các trường ĐH)

  • Hạ Anh

Ý kiến của bạn:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,