“Tôi thật cảm động trong khi giới trẻ đang bị chi phối bởi nhiều vấn đề của xã hội, vẫn có một học sinh cảm nhận được vẻ đẹp sâu sắc của dòng văn học hiện thực trước Cách mạng. Bài văn của em xứng đáng được điểm 10”.
Nhà văn Kim Lân đã nói như vậy về bài văn được điểm 10 của Nguyễn Thị Thu Trang.
| ||
|
Ông tâm sự: “Sau khi thấy báo chí đăng tin em Trang được điểm 10 môn Văn, tôi bị bất ngờ. Tôi xin số điện thoại trực tiếp gọi cho Trang. Nhưng khi đó, cháu rất rụt rè. Thế là từ bất ngờ, tôi chuyển sang nghi ngờ “Chắc có ai nâng đỡ, chứ làm gì lại có thí sinh đạt 10 điểm môn Văn, kiểu như trong bóng đá, đưa U16 đi đá ở lứa tuổi U12…”.
-Thế sau khi được đọc bài văn của Trang, ông có còn nghi ngờ?
Khi các báo đăng bài văn, ngay buổi sáng hôm đó, cháu Trang đã chủ động gọi điện cho tôi nói: “Báo đã đăng bài văn của cháu”. Lần này tôi thấy cháu tự tin hơn rất nhiều.
Đọc xong bài văn, chỉ với 3 tiếng đồng hồ mà cháu làm được như vậy thì điểm 10 là hoàn toàn xứng đáng. Tôi nghĩ nếu mình đi thi chắc cũng chỉ được đến 8 điểm là cùng. Và bây giờ, nếu các anh có hỏi tôi về nội dung, những cái hay của câu chuyện, tôi cũng không thể nói được hết.
Khi viết "Vợ nhặt", tôi viết theo tình cảm, một cách tự nhiên, nó như là sự thăng hoa nhưng cốt truyện lại hóa ra rất chặt chẽ. Bởi mình đã có sự say mê tự nhiên, mình đã có một chủ đề tư tưởng sẵn rồi. Chính cái chủ đề nó bắt mình, làm mình phải viết như thế, phải nghĩ về những con người ấy như thế. Và tự nhiên những chi tiết đó đã xuất hiện ra như thế.
Những chi tiết như: quạ kêu, mùi đống rấm, tất cả hình ảnh về những xác chết... đều đến rất tự nhiên. Chính bạn đọc, người đọc đã khám phá ra cho tôi nhiều hơn. Bài viết của Trang đã thêm một lần khám phá ra cái mới của tác phẩm…
- Ông muốn nói, bài viết của Trang đã khám phá thêm những cái mới về tác phẩm của ông, mà những người trước đó chưa hề đề cập đến?
- Đúng thế ! Khi tôi được đọc bài văn của cháu tôi thực sự bị bất ngờ ghê gớm. Tôi không thể tưởng tượng được một đứa trẻ với vốn sống chưa có được bao nhiêu, mà cái vốn sống về những năm của nạn đói lại càng không có, thế mà làm sao cháu lại nhìn ra cái đói đó để phân tích được một cách kỹ càng mà lại hợp tình hợp lý, nâng cao được những nội dung của câu chuyện đến như thế. Tôi nói thật, nói như thế này hơi buồn cười, nhưng nó lại là sự thật thế: Thủ khoa là Trạng chứ gì? Cháu Trang đã là Trạng Văn rồi chứ còn gì nữa!
Khi đọc toàn bài văn của Trang phân tích về “Vợ nhặt” của tôi, nói thật Trang đã tìm ra sự mới mẻ hơn so với những bài của những cây “đại thụ” như GS Đỗ Đức Hiểu, GS Đỗ Kim Hồi... Dù họ là những vị giáo sư đã từng viết rất hay.
Nhưng bài văn của cháu viết cũng không kém phần tinh xảo, sâu sắc và cũng không kém phần khám phá, không kém phần có những phát hiện mới ở trong đấy. Ví dụ như cháu lại ví truyện của tôi có cái gì giống với Đôtôiepki của Nga-một nhà văn viết về những người cùng khổ.
Từ trong hoàn cảnh đen tối, lòng thương nó nâng con người lên. Từ ví dụ như thế, tôi thấy cháu này không phải chỉ đọc của tôi mà đã đọc của nhiều người. Vì vậy, trình độ cảm nhận về văn chương của cháu cũng rất tinh tế. Tôi tâm phục, khẩu phục và thấy điểm 10 rất là đích đáng.
- Trước đây những người viết phê bình về văn của ông chưa có ai ví “Vợ nhặt” với văn của Đôtôiepki?
- Đúng thế! Và cũng chưa có ai nói đến chữ hiếu của anh cu Tràng cả, mà trong này cháu lại nói đến chữ hiếu của Tràng. Quả nhiên đúng như thế thật. Trước đây, nhân vật Tràng rất nhố nhăng đến khi có vợ thì về nói chuyện với mẹ rất lễ phép và tự dưng quý trọng mẹ mình vô cùng. Cảm thấy yêu thương ngôi nhà, yêu thương mảnh vườn của mình, yêu thương cả những công việc rất đỗi bình thường. Sự phát hiện đó của Trang rất đẹp đẽ.
-Vậy sự phát hiện đó của em Trang có nằm ngoài ý đồ của nhà văn khi ông viết “Vợ nhặt” không?
-Thông thường thì bạn đọc phát hiện, mổ xẻ tác phẩm giúp nhà văn, chứ nhà văn khi viết thì cũng chưa nghĩ được sâu sắc đến thế. Tôi thấy bài viết của cháu Trang đã nâng tầm truyện “Vợ nhặt” của tôi.
-Trong bài viết của mình, Trang có trích dẫn một câu của ông, khi ông nói về ý đồ viết chuyện “Vợ nhặt”. Điều đó chứng tỏ, từ lâu Trang đã theo sát hoạt động của nhà văn ?
-Trong một lần đi nói chuyện về tác phẩm này, tôi có nói với mọi người đại ý rằng: Người ta viết về cái đói, cái khát thì nó bi thảm, đau thương và tối tăm, nhưng tôi muốn viết trong cái đói, cái khát ấy, con người ta hướng về sự sống, khao khát về sự sống. Chính sự khao khát ấy đưa đến một sự thật là, có cùng khổ người ta mới thành thương yêu đùm bọc được nhau, chứ cùng sướng thì chưa chắc đã có sự thương yêu.
Sau đó báo chí có đăng. Trong bài viết của mình, cháu Trang đã trích dẫn rất đúng ý mà tôi đã nói. Đây có lẽ là ý không có trong sách vở, nhưng cháu lại biết để trích dẫn, rồi lấy đó làm chủ đề xuyên suốt để phân tích trong bài viết của mình. Tôi cho rằng, không phải tự nhiên nắm bắt được đâu, mà phải yêu câu chuyện mình đọc, phải yêu người viết thì Trang mới có tình cảm, mới dõi theo và biết được câu nói ấy của tôi.
Điều đặc biệt nữa là nhà văn không thích hình ảnh cờ đỏ sao vàng ở cuối truyện, bởi vì tình yêu đến, thương yêu nhau đến như thế, đến buổi sáng quét sân là hết chuyện rồi. Họ cho rằng, việc đưa hình ảnh sao vàng lấp lánh là gượng ép.
Thế nhưng Trang đã phân tích hình ảnh đó thật đẹp và rất hợp với logic của câu chuyện. Bởi vì, thương yêu nhau đến mấy mà không có Cách mạng thì cũng chôn vùi hết cả. Mà mở cho những con người này sống thì phải đi theo Cách mạng, phải có Cách mạng. Tràng sẽ tham gia Cách mạng, sẽ đi bộ đội. Đấy là thực tế của xã hội lúc bấy giờ. Khi tôi viết xong anh Nguyễn Đình Thi cũng khen tôi chỗ đấy.
Theo tôi đấy là sự tinh tế trong việc cảm nhận của cháu Trang. Và tất nhiên, tôi hiểu để viết được như thế cháu cũng phải đọc nhiều bài của các bậc thầy đã từng viết về tác phẩm. Dù học thầy nhưng khi viết, Trang lại viết theo cảm nhận của mình chứ không phải viết theo lối bắt chước thầy. Đấy là sự sáng tạo. Và theo tôi cháu Trang là một người già dặn hơn nhiều so với lứa tuổi. ở tuổi của cháu mà lại thích được đến thế, phân tích được sâu sắc như thế thì thật cảm động. Tôi phải cảm ơn Trang !
- Ngoài việc phân tích, Trang còn nhận xét “thiên truyện thể hiện rất thành công khả năng dựng chuyện, dẫn chuyện…”. Một học sinh phổ thông lại dám nhận xét về bút pháp của một nhà văn, ông có tự ái ?
- Sao lại tự ái? Trang nói thế là trúng đấy. Chính tôi viết là có cảnh, bao giờ cũng vào một cảnh ngộ. Nhận xét đó làm sao mà có thể tự ái được, mà phấn khởi quá đi chứ. Phải cảm ơn cháu nữa chứ. Tôi nói thật, một ông khác mà khen thì thiên hạ chú ý ít thôi, nhưng bây giờ một học sinh ít tuổi mà khen thế thì báo chí cũng phải chú ý. Trong thời điểm hiện nay, thanh niên quan niệm về văn học có nhiều rắc rối lắm, nên việc một người trẻ như thế mà phân tích kỹ càng, đến nơi đến chốn lại phân tích rất ngay ngắn về tư tưởng như vậy là đáng quý lắm.
- Thưa ông, được biết đã có nhiều người làm luận văn thạc sĩ về truyện ngắn này, nhưng dường như chưa ai có những phân tích mới mẻ như của Trang, dù bài văn viết rất ngắn?
- Tôi đã gặp rất nhiều người làm luận văn thạc sĩ về tác phẩm này, và hiện có một số người cũng đang làm. Họ đã gặp tôi và nói chuyện, nhưng nói thật, cái này (bài văn của Trang-PV), lại ngang với bậc thầy. Nó chẳng khác gì so với bài của các vị.
Nhưng tôi cũng phải nói đi nói lại, chắc là cháu Trang có đọc bài viết của các bậc thầy thì mới có được những nhận xét, đánh giá sâu sắc như thế. Vì vậy, nếu trước đây nghi ngờ thì bây giờ (sau khi được đọc bài văn của Trang-PV) trong tôi cái sự nghi ngờ đấy đã biến mất và thay vào đó là sự cảm phục, quý mến. Nhân gặp các anh, tôi muốn nói lời cảm ơn cháu Trang, cảm ơn cả các thầy cô đã dạy cháu.
- Nhưng thật buồn, khi một học sinh giỏi văn như vậy lại thi vào Đại học Kinh tế - ngành Tài chính, kế toán?
Tôi nghĩ, cháu là người yêu văn, kính trọng nghề văn. Nhưng nghề văn không phải là trò chơi, nên việc theo được là gian truân lắm. Sự thực tôi nghĩ nếu Trang mà đi vào văn chương, tôi tin rằng sẽ viết rất khá. Việc phân tích tác phẩm của Trang thật là đáng nể, có khẩu khí và văn phong của một nhà phê bình, một nhà lý luận.
Tôi thấy gia đình Trang không phải dồi dào về kinh tế cho lắm, cho nên cháu phải đi vào một nghề gì đấy thiết thực hơn. Ngày xưa có ai sống chuyên về nghề văn đâu, như Nam Cao, Nguyễn Công Hoan viết văn nhưng kiếm sống bằng nghề dạy học, còn Ngô Tất Tố thì kiếm sống bằng nghề thuốc... Người ta có thể làm tài chính kế toán để kiếm sống nhưng vẫn có thể viết văn. Tôi tin rằng, nếu Trang thực sự đam mê nghề văn thì sau này dù làm tài chính cháu cũng sẽ viết văn.
- Xin cảm ơn ông!
-
Bá Kiên - Nguyễn Tú (Tiền Phong)
Ý kiến của bạn:
-
(Theo Tiền phong)