Theo Luật giáo dục (sửa đổi) năm 2005, ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, học sinh không phải đóng thêm bất kỳ khoản nào khác. Thế nhưng, nhiều trường ở TP.HCM vẫn “tung” ra khá nhiều khoản thu vào dịp đầu năm học này.
Niềm vui ngày khai trường của con trẻ chưa vơi thì nhiều phụ huynh đã phải lo chạy những khoản tiền đầu năm nặng trĩu...
Học phí thì ít, "linh tinh phí" thì nhiều!
Sáng 5/9, một phụ huynh đón con khai giảng ở Trường tiểu học Phùng Hưng (Q.11) cho biết: Chưa tính khoản hội phí hội phụ huynh, số tiền mà chị phải đóng cho nhà trường là trên 300.000đ. Trong đó, có khoản 120.000đ tiền học thêm ngày thứ bảy rất “công khai, minh bạch”. Tuy đây là buổi học không bắt buộc nhưng chị giải thích: “Không lẽ người ta đi học mà mình không đi, như thế liệu con mình có bị đối xử phân biệt hay không!”.
Một phụ huynh có con học ở Trường tiểu học Hòa Bình (Q.11) lại lo lắng bởi một lẽ khác: số tiền mà chị phải đóng là quá lớn so với điều kiện kinh tế gia đình. Con chị học lớp bán trú nên phải đóng đến trên 600.000đ ngay đầu năm học.
Chị thắc thỏm: “Đóng một lúc ngần ấy tiền không phải là chuyện đơn giản! Tôi đi bán vé số ngày được khoảng 40.000đ, chồng chạy xích lô nhưng vì bị hạn chế thời gian lưu thông nên bữa có bữa không, trong khi nhà có đến bốn miệng ăn và biết bao nhiêu thứ tiền phải chi khác. Làm sao có ngay số tiền lớn thế này!”.
Theo thông báo của Trường tiểu học Hòa Bình, số tiền mà HS bán trú phải đóng là 515.000đ, học một buổi là gần 300.000đ với cả chục loại phí khác nhau. Ngoài các khoản “chính phí” còn có các khoản “linh tinh phí” như tiền mua cờ, tiền quĩ lớp, tiền mua bảng đen, photo bài thi học kỳ (không có trong thông báo)... đã đẩy số tiền mà phụ huynh phải đóng lên 632.000đ.
Trong các khoản chính phí ấy, HS bán trú ngoài việc phải đóng tiền cơ sở vật chất chung là 30.000đ còn phải đóng thêm tiền cơ sở vật chất phục vụ bán trú là 150.000đ/năm. Mức học phí buổi thứ hai cũng khá cao nếu xét theo qui định về học phí của bậc học THCS và THPT: 30.000 đ/tháng (học phí bậc THCS là 15.000 đ/tháng). Không hiểu vì lý do gì, trong khi chúng tôi ghi lại thông báo của trường thì bảo vệ đến và giật phăng tờ thông báo ấy rồi vò viên lại và nói rằng không được ghi!
Trong khi đó, Trường tiểu học Hạnh Thông (Q.Gò Vấp) lại thu tiền nhưng không nói rõ đó là tiền gì mà chỉ nói chung chung “tiền đầu năm”! Chiều 5/9, trong vai phụ huynh, chúng tôi đến trường hỏi các khoản tiền phải đóng đầu năm học.
Cô nhân viên phụ trách cho biết chưa có thông báo chính thức nhưng cứ đóng 200.000đ trước đi, các khoản khác đóng sau. Chúng tôi hỏi đó là khoản tiền gì thì cô nhân viên này chỉ giải thích đúng một câu: tiền tạm ứng đầu năm - sáng 6/9 chúng tôi quay lại trường để tìm hiểu phía phụ huynh thì được biết đây là tiền tạm ứng của lớp bán trú (?).
Còn số tiền mà một HS lớp 7 Trường THCS Nguyễn Văn Phú (Q.11) phải đóng cũng lên tới... 405.000đ. Ngoài các khoản “chính phí” như học phí, cơ sở vật chất, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn chiếm phần nhỏ (tổng cộng 171.000đ), các khoản “linh tinh phí” vẫn chiếm phần lớn số tiền mà phụ huynh phải đóng khi lên đến 234.000đ!
Trong đó hội phụ huynh: 140.000đ; ấn phẩm: 15.000đ, photo kiểm tra: 15.000đ, kỷ yếu: 45.000đ, tiền quĩ: 3.000đ... Số tiền này không phải nhỏ đối với gia đình lao động nghèo, nhất là khi thời hạn đóng tiền quá cập rập (trước ngày 20/9 phụ huynh phải đóng hoàn tất các khoản tiền nói trên). “Số tiền ấy đối với chúng tôi đúng là khá lớn nhưng nếu cho thời gian thư thả thì chúng tôi có thể xoay xở được, đằng này thời gian lại quá eo hẹp...”, một phụ huynh cho biết như thế.
Các trường làm khó phụ huynh?
Trả lời trên báo chí mới đây, ông Huỳnh Công Minh, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết sở đã trực tiếp yêu cầu các trường nghiêm túc thực hiện kỷ cương của ngành, không được lạm thu. Tuy nhiên, quan sát các khoản thu của nhiều trường có thể thấy ngoài học phí và bảo hiểm được thu theo một mức thống nhất, các khoản còn lại hoặc nhiều hoặc ít, hoặc có hoặc không đều tùy các trường qui định!
Không chỉ với các khoản thu đầu năm mà ngay cả một số “thủ tục” do các trường đưa ra cũng làm khó phụ huynh và HS. Không ít phụ huynh không đồng tình với qui định của Trường THCS Ngô Tất Tố (Q.Phú Nhuận) khi bắt buộc HS phải mang một kiểu giày do trường qui định, sai lệch một ít cũng không được chấp nhận.
Một phụ huynh bức xúc: “Vào năm học nhà trường mới thông báo về đồng phục, giày dép trong khi những thứ ấy chúng tôi phải chuẩn bị từ trước để các cháu còn có cái mà mang đến trường chứ. Trường qui định phải mang giày thể thao một màu trắng, nhưng chúng tôi lỡ mua giày có lẫn một ít đường viền hay màu nào khác đều không được chấp nhận. Như thế thì lãng phí và làm khó phụ huynh quá”.
Một phụ huynh có con học Trường tiểu học Phan Văn Hân (Q.3) cũng cho biết ngoài học phí và cơ sở vật chất, trường còn thu thêm các khoản khác như vệ sinh phí (12.000đ), nha khoa (20.000đ), quĩ phụ huynh HS (120.000đ), kiểm tra học kỳ (11.000đ)...
“Mai mốt đi họp chắc lại có những khoản linh tinh khác nữa, mỗi lần họp phụ huynh là mỗi lần thông báo đóng tiền. Năm trước hai đứa con học chung trường nên các khoản linh tinh này xin được giảm một nửa, năm nay chỉ còn một đứa nhưng các khoản đóng vẫn vậy. Mà không biết trường thu vệ sinh phí để làm gì mà tôi thấy điều kiện vệ sinh ở trường không tốt lắm, sân trường thì khá bừa bộn” - phụ huynh này thở dài, nói.
Đó là chưa kể một số thứ linh tinh khác mà nhiều trường buộc HS phải mua như bìa bao, túi đựng bài kiểm tra của trường, rồi cả cặp táp, giày dép, mũ nón theo mẫu, sổ liên lạc, phiếu xin phép...
Bước vào năm học mới chưa bao lâu, không ít gia đình lại lao đao vì các khoản tiền nặng trĩu phải đóng cho con em đến trường. Nỗi lo ấy càng ám ảnh hơn trong những ngày tới khi các cuộc họp phụ huynh đầu năm diễn ra bởi là lúc vô số khoản thu được thông báo rộng rãi. Làm sao chấm dứt được nạn lạm thu này mỗi khi vào đầu năm học? Đó vẫn còn là câu hỏi day dứt cần sớm có lời đáp từ phía các đơn vị quản lý giáo dục.
(Theo Tuổi Trẻ)
Ý kiến của bạn: