"Tôi đang là một nghiên cứu sinh (NCS) và không phải là người hưởng học bổng 322.Về việc gia hạn tại trường nơi tôi đang học là một việc làm bình thường của những người có học bổng cũng như tự túc. Bởi vì chúng tôi thừa biết là làm nghiên cứu không thể khẳng định được anh có thành công hay thất bại trong khoảng thời gian anh đã định trước" - bạn đọc Hoàng Trung tham gia diễn đàn "du học bằng Ngân sách Nhà nước".
Trước hết, tôi xin trình bày sự khác biệt giữa nghiên cứu và học theo theo khóa học. Việc học theo khóa là anh lên lớp nghe giảng và làm bài thi theo yêu cầu của lớp học (cách này thường ở bậc đại học và đào tạo thạc sỹ) còn NCS thì anh phải tự làm đề cương nghiên cứu, rồi chủ động tìm tài liệu nghiên cứu và viết ra những lý thuyết của anh về đề tài anh chọn. Như vậy, không có từ “Đúp” cho NCS.
Rất có thể, một công trình nghiên cứu chẳng bao giờ mang lại một kết quả khả quan. Nhưng từ đó, để mở ra các hướng nghiên cứu tiếp theo. Và những người được gia hạn không phải là những người như ông Phúc cố tình định nghĩa.
Một điểm nữa để củng cố lời nhận định trên là, ông Phúc có nói trường yêu cầu gia hạn vì họ được “tiền”? Thử hỏi với các nước tiên tiến với các trường ĐH nổi tiếng trên thế giới, họ giữ được danh hiệu của họ vì tiền hay vì chất lượng đào tạo? Đây là một câu hỏi dành cho không riêng ông Phúc mà cả lãnh đạo Bộ GD-ĐT.
Chúng tôi khẳng định rằng, các trường có tiếng không bao giờ họ chỉ nghĩ về tiền, mà họ nghĩ về chất lượng giáo dục là chính (tất nhiên là chất lượng đi đôi với tài chính). Tôi đưa ra đây hai ví dụ cụ thể để chứng minh cho ban điều hành thấy.
Tôi đã từng được biết ít nhất một trường hợp học bằng tiền của phía Việt Nam (không phải 322) nhưng bị đuổi về ngay sau khi kết thúc học kỳ thứ nhất vì không đủ tiêu chuẩn học tiếp. Vậy họ vì cái gì? Và 2 người học theo học bổng của trường nhưng bị cắt học bổng sau một năm vì không đạt được những yêu cầu tối thiểu mặc dù khi cấp học bổng họ vẫn nói là học bổng trị giá 3,5 năm.
Tôi lại biết hai trường hợp học theo HB của 322 nhưng sau khi 322 không cấp tiếp học bổng thì trường sẵn sàng cấp tiền học phí để 2 SV đó hoàn thành nốt luận văn của mình. Vậy thì họ vì cái gì?
Ông Phúc nói "Tại sao cùng một trường mà người chỉ cần 3 năm mà người lại cần 4 năm?". Vậy sao ông không tự hỏi là những SV đã được cử đi chỉ có 3 năm, còn các SV mới hiên nay lại được 4 năm cho dù cùng trường và cùng khóa? Còn nói đổ lỗi cho thư mời của trường thì chúng tôi xin khẳng định là thư mời của trường ghi rất rõ là 3 năm (kéo dài thành 4 năm). Nếu không tin, hãy mở lại hồ sơ lưu tại Bộ và sẽ nhìn thấy các thư mời này (và đã đều phải dịch ra tiếng Việt).
Tóm lại, tôi nghĩ, ông Phúc nên trả lời anh em nghiên cứu sinh như sau: "Chúng tôi ủng hộ những trường hợp xin gia hạn dựa trên các kết quả của các NCS đã đạt được và ý kiến nhận xét đánh giá của thầy hướng dẫn cũng như nhà trường về mặt thời gian. Còn kinh phí, vì khuôn khổ của dự án, vì những bất cập chưa lường hết được nên Ban điều hành 322 mong các NCS tự túc hoặc tìm từ các nguồn khác”
Hoàng Trung - lưu học sinh Việt Nam tại Australia
Mời các bạn tham gia diễn đàn: