221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
708282
Giáo dục ĐH Trung Quốc: Đương đầu với gánh nặng học phí
1
Article
null
Giáo dục ĐH Trung Quốc: Đương đầu với gánh nặng học phí
,

Nếu sự vận hành của một đất nước có thể so sánh với một con người, người ta có thể liên tưởng cơ sở hạ tầng vật chất (như đường cao tốc, cảng, cao ốc) hoạt động như một cơ thể; và hệ thống tài chính của nó (như các thị trường vốn, ngân hàng và các công ty bảo hiểm) như là máu lưu thông trong mạch máu chạy khắp cơ thể. Nhưng trung tâm điều khiển là nhân lực tài năng. Nó đại diện cho bộ não.

Soạn: AM 552113 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Một phòng thi trong kỳ thi ĐH tại Bắc Kinh tháng 6 vừa qua (Ảnh: Thành Lợi)

Bên cạnh những thế mạnh như chi phí hoạt động thấp, cơ sở hạ tầng tốt và hệ thống tài chính ngày càng tiến bộ, lực lượng nhân sự tài năng của Trung Quốc ngày càng gia tăng. Đó là một trong những lý do khiến nhiều công ty đa quốc gia (MNC – multinational corportation) mở hoạt động ở nước này.

Cơn lũ sinh viên tốt nghiệp

Trong khi Trung Quốc vẫn là một địa điểm lý tưởng cho sản xuất cần nhiều nhân công, các MNC đang chuyển sang hướng sản xuất tập trung công nghệ nhiều hơn – và trong một vài trường hợp, thậm chí chuyển cả mảng Nghiên cứu và Phát triển (R&D) sang Trung Quốc. Do đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài chú ý nhiều hơn đến mảng giáo dục đại học của Trung Quốc. Lĩnh vực này tập trung hàng triệu kỹ sư cử nhân tốt nghiệp hàng năm bổ sung vào lực lượng lao động của Trung Quốc.

Tuy nhiên, các sinh viên và phụ huynh có nhiều cảm nghĩ trái ngược về cải cách giáo dục trên trung học của Trung Quốc. Trong khi các sinh viên nhập học vào các trường đại học khá dễ dàng, họ lại gặp khó khăn trang trải học phí leo thang và vất vả hơn nữa tìm được một công việc tốt sau khi ra trường.

Trước kia, thi đỗ kỳ thi tuyển sinh đại học từng rất gian nan. Sau thời gian 10 năm tạm dừng vì cách mạng văn hóa, vào năm 1977 – 78, 11,6 triệu sinh viên ở Trung Quốc lại ngồi vào kỳ thi tuyển sinh đầu vào lần đầu tiên, đua tranh lấy 400.000 chỉ tiêu. Có nghĩa là trong số 29 thí sinh, chỉ có một sinh viên được tuyển.

Gần đây, đặc biệt từ năm 1999, việc nới rộng đầu vào được thực hiện. Năm ngoái, con số tuyển sinh cho các trường đại học và cao đẳng tăng lên tới 4,47 triệu, gần gấp 7,3 lần so với năm 1990. Có gần 7 triệu thí sinh cả thảy, nghĩa là hơn một nửa sẽ đủ tiêu chuẩn vào đại học. Thực tế, tại một số thành phố lớn như Bắc Kinh, và Thượng Hải, tỷ lệ phần trăm có thể lên tới 70 – 80%.

Đầu vào tăng khiến đầu ra cũng tăng, tạo điều kiện cho các chủ lao động lựa chọn. Năm ngoái, 2,39 triệu sinh viên tốt nghiệp gia nhập lực lượng lao động Trung Quốc, khoảng phân nửa trong số đó có bằng đại học. Với thời gian học thông thường khoảng 3 - 4 năm, trong vài năm tới, lượng sinh viên mới tốt nghiệp sẽ vượt quá 4 triệu. Cuộc cạnh tranh giành những công việc tốt vì thế cũng trở nên dữ dội.

Vì tấm bằng cử nhân đã trở nên ngày càng phổ biến, nhiều sinh viên Trung Quốc đã tốt nghiệp đang học lên cao hơn. Năm ngoái, số sinh viên vào các chương trình sau đại học tăng lên 330.000, 11 lần cao hơn so với năm 1990.

Gánh nặng học phí

Trong khi đường vào giảng đường đại học dường như đã trở nên dễ dàng hơn với một người Trung Quốc bình thường, một số vẫn cho rằng khó có thể trang trải được chi phí. Trước đây, sinh viên đại học chỉ cần trả một khoản phí danh nghĩa vài trăm nhân dân tệ một năm. Tuy nhiên, kể từ năm 1997, học phí đã tăng lên đáng kể. Gần đây, chi phí lên từ 5.000 nhân dân tệ tới 7.000 nhân dân tệ hàng năm.

Chi phí cho các khóa học đại học được ưa chuộng như y và ngoại ngữ, có thể lên tới 10.000 nhân dân tệ. Nếu tính cả chi phí sinh hoạt, chi phí tối thiểu cho một sinh viên Trung Quốc học sau đại học có thể lên tới 10.000 nhân dân tệ hàng năm, nhiều gấp 3 lần thu nhập ròng hàng năm của một nông dân.

Mặc dù Trung Quốc rõ ràng đang tiến hành các biện pháp làm giảm gánh nặng tài chính cho sinh viên từ các gia đình nghèo thông qua các chương trình học bổng và hỗ trợ tài chính, việc thực hiện thực tế của chương trình cải tổ này khá khác nhau giữa các tỉnh thành.

Cuối tháng trước, Trương Bảo Thanh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục công khai chỉ trích tám tỉnh, nói rằng 6 năm sau khi thực hiện chính sách hỗ trợ tài chính cho giáo dục, các tỉnh này hiếm khi cấp các khỏan vay tài chính cho sinh viên có khó khăn.

Thiếu hỗ trợ tài chính kịp thời, các sinh viên nghèo cảm thấy không thể trang trải nổi chương trình đại học. Thực tế, không chỉ những gia đình nghèo, mà thậm chí cả những gia đình có thu nhập ở mức trung bình cũng cảm thấy khó khăn.

ÔngTrương đã đề cập vào nhiều dịp rằng tổng thu nhập của ông và vợ ông chỉ đủ để trang trải học phí đại học cho một đứa con. Trước đây, vào được giảng đường đại học là tấm vé chắc chắn thoát ra khỏi đói nghèo cho một sinh viên nghèo Trung Quốc. Họ chỉ cần chuyên tâm học để đạt điểm cao. Nhưng ngày nay, họ đối mặt với gánh nặng nữa là tìm cách kiếm đủ tiền để thực hiện được ước mơ này.

Học hành gần như là con đường duy nhất cho người nghéo vươn lên những vị trí cao hơn trong xã hội, tình thế hiện nay sẽ làm tăng khoảng cách vốn có giữa kẻ giàu và người nghèo ở Trung Quốc trong tương lai.

Sinh viên cũng phải đối mặt với những vấn đề khác nữa. Thậm chí nếu họ trả nổi học phí, một khi họ tốt nghiệp, kiếm được công việc tử tế còn khó hơn. Có nghĩa là họ sẽ tốn nhiều thời gian hơn để hoàn lại khoản vay học phí vốn đã cao.

Hơn nữa, với lượng cung cao, các chủ lao động thường đưa ra mức lương ‘bèo’. Trong khi một vài năm trước, lương cơ bản cho một sinh viên tốt nghiệp đại học trong các thành phố lớn là khoảng 2.000 tới 3.000 nhân dân tệ một tháng, hiện nay giảm xuống còn 1.000 tới 2.000 nhân dân tệ. Có nghĩa là nhiều cử nhân kỹ sư chỉ kiếm vừa đủ sống ở các thành phố như Bắc Kinh và Thượng Hải. Sự mở rộng cấp tốc của hệ thống giáo dục đại học của Trung Quốc cũng có ảnh hưởng tiêu cực lên chất lượng giảng dạy. Hiện nay, các trường đại học Trung Quốc đang bận rộn xây dựng những tòa nhà cao tầng hơn và nguy nga hơn – chưa nói đến chuyện trang trí cho khuôn viên trường – bận đến nỗi họ dường như quên mất nguyên lý cơ bản là một trường đại học tốt là từ thế mạnh của giảng viên, chứ không phải từ vẻ hào nhoáng của các giảng đường.

Chất lượng: có phần xuống?

Một dấu hiệu phản ánh việc thiếu sự đầu tư vào đội ngũ giảng viên là việc tăng đáng kể tỷ số sinh viên trên giảng viên trong vòng 10 năm qua, tới 15:5 vào cuối năm ngoái.

Thêm vào đó, khủng hoảng giáo dục đại học – vốn đã nghiêm trọng – nay lại còn thêm phần phức tạp với một "bí mật" mà ai cũng biết, đó là một vài học viện không tên tuổi tiếp thị họ như là một bộ phận của các đại học danh tiếng hơn của Trung Quốc. Vì đồng tiền, những học viên "dưới tiêu chuẩn" này khó có thể có một chương trình đào tạo chất lượng, nhưng một số các đại học nổi tiếng của Trung Quốc chấp nhận, và đôi khi thậm chí còn giúp đỡ các học viện nói trên bằng cách cho phép họ làm chi nhánh của trường.

Vào ngày 8/9, tờ Nhật báo Thanh niên Trung Quốc đăng tải một bài báo trích lời bình luận của ông Trương rằng học phí đại học đã lên quá mức một người Trung Quốc bình thường có thể trang trải. Với địa vị đặc biệt của tờ Nhật báo Thanh niên Trung Quốc, tờ báo do Hội đồng Trung ương của Liên đoàn Thanh niên Cộng sản quản lý, bài báo này gợi ý rằng các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đang lên kế hoạch xem xét vấn đề này.

Có lẽ đây là một dấu hiệu rằng sau 26 năm cải tổ kinh tế, Trung Quốc đang sẵn sàng xem xét một số vấn đề xã hội một cách nghiêm túc.

  • Nguyễn Thùy Mai (Theo The Business Times - Sài Gòn Tiếp Thị)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,