221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
710234
Lần đầu tiên, Hà Nội “chấm điểm” trường học
1
Article
null
Lần đầu tiên, Hà Nội “chấm điểm” trường học
,

 

Ngày 22/9, Giám đốc Sở GD- ĐT Hà Nội đã ký Quyết định số 1775/QĐ-SGD&ĐT về việc ban hành Quy định tạm thời các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục trường phổ thông thành phố Hà Nội.

Soạn: AM 558077 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Học sinh trường THCS Trưng Vương -một trường có chất lượng dạy và học cao của thành phố Ảnh:

Như Quy định tạm thời chỉ rõ, thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông nhằm xác định mức độ đáp ứng với mục tiêu giáo dục và góp phần thúc đẩy chất lượng giáo dục của ngành GD-ĐT.

Quyết định này cũng cho biết, sau khi ban hành bộ tiêu chuẩn làm căn cứ kiểm định chất lượng, Sở GD-ĐT sẽ triển khai thí điểm tại một số trường phổ thông ngay trong năm học này.

 

Như vậy, Hà Nội là địa phương đầu tiên và duy nhất cho đến nay thực hiện việc đánh giá chất lượng các nhà trường theo tiêu chuẩn.  

 

Dưới đây là cuộc trao đổi với ông Dương Nguyên Hồng, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục về việc triển khai quyết định này.

 

- Chất lượng giáo dục đang là mối quan tâm, lo lắng của toàn xã hội. Việc Sở ban hành Quy định tạm thời các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục trường phổ thông hẳn cũng xuất phát từ yêu cầu nâng cao chất lượng, thưa ông?

 

- Đúng là đã đến lúc cần đánh giá thực chất chất lượng giáo dục hiện nay đến đâu, bởi đây là vấn đề mà cả ngành, học sinh, cha mẹ học sinh và xã hội đòi hỏi.

 

Lâu nay, việc đánh giá chất lượng vẫn được Sở tiến hành thường xuyên và cũng đạt những mục tiêu nhất định. Tuy nhiên, việc  làm đó chưa dựa trên một bộ tiêu chuẩn với những tiêu chí cụ thể nhằm có được một thước đo chung.

 

Hiện nay, người ta đánh giá chất lượng giáo dục rất khác nhau và một trong những nguyên nhân là do chưa có cái chuẩn chung. Vì chưa có “thước đo” chung nên bản thân các nhà trường cũng khó xác định chất lượng giáo dục của mình đang ở đâu so với mục tiêu để từ đó, có biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả.

 

Chính vì thế,  Bộ GD-ĐT đã thành lập Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, nghĩa là đã khởi động công tác kiểm định.

 

Hà Nội là thủ đô và là thành phố có điều kiện để thực hiện công tác kiểm định nên Sở GD-ĐT cố gắng triển khai việc này trước. Ban hành bộ tiêu chuẩn, triển khai thí điểm việc kiểm định nhằm giải quyết nhu cầu nội tại của Hà Nội, đồng thời góp phần vào công tác đánh giá chất lượng chung của toàn quốc.

 

Đó là về lâu dài, còn trước mắt, việc làm này của Hà Nội cũng là để thực hiện chỉ thị năm học 2005-2006, trong đó có nêu một nhiệm vụ trọng tâm là bắt đầu công tác kiểm định chất lượng giáo dục.

 

Thêm nữa, năm 2006, Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực, kỳ thi tốt nghiệp THCS không còn nữa và kiểm định chất lượng sẽ góp phần để phục vụ cho công tác  tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2006-2007.

 

- Với những mục tiêu như ông vừa nói, đây thực sự là một trong những giải pháp cơ bản nâng cao chất lượng giáo dục. Nhưng để có được cái chuẩn chung ấy, thước đo là rất quan trọng. Xin ông cho biết, “công cụ” dùng trong kiểm định chất lượng nhà trường là gì và có dễ “sử dụng” không?

 

- Chúng tôi đã xây dựng và tạm thời ban hành Bộ tiêu chuẩn gồm 5 tiêu chuẩn, 16 tiêu chí và 85 chỉ số giáo dục.

 

Trong 5 tiêu chuẩn ấy, có 4 tiêu chuẩn thuộc về các điều kiện bảo đảm chất lượng, 1 tiêu chuẩn thuộc về chất lượng “sản phẩm” giáo dục, được thể hiện ở mức độ gia tăng về kiến thức, kỹ năng, thể lực, các năng lực xã hội sau một quá trình được giáo dục.

 

5 tiêu chuẩn này được cụ thể hóa thành 16 tiêu chí và được chia nhỏ thành 85 chỉ số. Hầu hết, các chỉ số này đều được quy ra điểm. Tổng điểm sẽ là 1000, trong đó 600 điểm cho các điều kiện bảo đảm chất lượng, 400 điểm cho chất lượng sản phẩm. Tôi cho rằng, với các chỉ số được định tính nhiều thì việc áp dụng sẽ thuận lợi.  

Đưa ra các tiêu chuẩn, tiêu chí và chỉ số, rồi quy các chỉ số đó ra điểm, các ông dựa trên căn cứ nào?

- Đánh giá chất lượng giáo dục khác hẳn với đánh giá chất lượng sản phẩm của các ngành khác vì phải đánh giá được mức độ gia tăng về kiến thức, kỹ năng cơ bản, khả năng tư duy, phẩm chất nhân cách, thể lực, năng lực hoạt động xã hội… của học sinh sau một quá trình giáo dục.

 

 Hiện nay, trên thế giới, mỗi nước kiểm định chất lượng một cách riêng. Chúng tôi cũng đã tham khảo công tác kiểm định của nhiều nước, những tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông đã được UNESCO đưa ra trong Chương trình hành động Dakar, những kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chương trình Giáo dục.

 

Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy đây là một vấn đề mới và khó, đặc biệt trong điều kiện của chúng ta. Có những thứ chỉ cần kiểm định được chất lượng các điều kiện hay quy trình để tạo ra sản phẩm đó là có thể công nhận được chất lượng sản phẩm, nhưng cũng có thứ có thể đánh giá trực tiếp trên sản phẩm.

 

Song như tôi nói ở trên, sản phẩm giáo dục khác hẳn với sản phẩm của các ngành khác. Và từ kinh nghiệm của thế giới, căn cứ vào điều kiện cụ thể, chúng tôi đã xây dựng Bộ tiêu chí bao gồm cả đánh giá điều kiện để tạo ra “sản phẩm” và chất lượng của “sản phẩm”. Còn điểm số, chúng tôi căn cứ vào mức độ quan trọng của chỉ số đối với chất lượng giáo dục để định ra điểm.

 

Tuy nhiên, đây chỉ là quy định tạm thời. Trong quá trình thực hiện thí điểm, chắc chắn sẽ bổ sung, điều chỉnh để bộ tiêu chuẩn ngày càng hoàn thiện hơn. Trong quyết định cũng đã ghi rõ điều này.

 

- Thưa ông, với bất kỳ một quy trình kiểm định nào thì cũng có 2 phần “ đánh giá trong” và “đánh giá ngoài”. Vậy sau quyết định này, Sở sẽ triển khai như thế nào?

 

- “Đánh giá trong” có thể hiểu đơn giản là quá trình tự đánh giá. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phổ biến, tập huấn để các trường nắm rõ được công tác kiểm định cũng như cách tự chấm điểm.

 

Sau đó, các trường sẽ thành lập hội đồng kiểm định chất lượng, gồm giám hiệu, đại diện các tổ chức chính trị trong nhà trường và giáo viên giỏi, có uy tín.

 

Căn cứ trên thang điểm, các trường sẽ tự cho điểm và gửi cho chúng tôi. Còn để “đánh giá ngoài”, Sở sẽ thành lập hội đồng kiểm định chất lượng của ngành, thường trực là một tổ công tác có nhiệm vụ trực tiếp xuống các trường tiến hành kiểm định. Năm học này, chúng tôi dự kiến sẽ thí điểm “đánh giá ngoài” mỗi bậc học năm trường.

 

- Xin cám ơn ông.

 

5 tiêu chuẩn kiểm định:

 

1. Tổ chức quản lý nhà trường gồm 4 tiêu chí, 28 chỉ số, điểm tối đa 200

2. Đội ngũ cán bộ giáo viên gồm 5 tiêu chí, 22 chỉ số, điểm tối đa 200

3. Cơ sở vật chất gồm 3 tiêu chí, 17 chỉ số, điểm tối đa 150

4. Các hoạt động xã hội gồm 2 tiêu chí, 4 chỉ số, điểm tối đa 50

5. Kết quả học tập và rèn luyện của học sinh gồm 4 tiêu chí, 13 chỉ số, điểm tối đa 400

 

Các mức đánh giá:

Tốt từ 900 điểm trở lên, được chia làm 2 mức. Mức 1 từ 950 đến 1000 điểm. Mức 2 từ 900 điểm đến 950 điểm.

Khá từ 750 điểm trở lên, được chia làm 3 mức. Mức 1 từ 850 điểm đến 900 điểm. Mức 2 từ 800 điểm đến 850 điểm. Mức 3 từ 750 điểm đến 800 điểm.

Đạt yêu cầu từ 600 điểm trở lên, được chia làm 3 mức. Mức 1 từ 700 điểm đến 750 điểm. Mức 2 từ 650 điểm đến 700 điểm. Mức 3 từ 600 đến 650 điểm.

Dưới 600 điểm là không đạt yêu cầu.

 

 (Theo Hà Nội Mới)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,