221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
711776
Chuyển cấp học bổng sang cho vay du học
1
Article
null
Chuyển cấp học bổng sang cho vay du học
,

Tôi là một nghiên cứu sinh đang học tập tại Australia, tuy không bằng nguồn ngân sách Nhà nước, nhưng đã tiếp xúc nhiều với các du học sinh đang học bằng nguồn học bổng này và hiểu rõ những khó khăn của các bạn cũng như của Bộ GD-ĐT. Tôi đã vài lần nêu lên kiến nghị của mình về việc quản lý học bổng nhà nước trên một số diễn đàn và cho một cán bộ của Bộ GDĐT nhưng chưa hề nhận được một phản hồi nào. Nhân dịp VietNamNet mở lại diễn đàn về vấn đề này, tôi hi vọng lần này ý kiến của mình sẽ được quan tâm.

Soạn: AM 564184 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản trong ngày đón lãnh đạo quốc gia sang thăm nước này (Ảnh: VYSA)

Trước hết, phải nói chủ trương cấp học bổng cho sinh viên ra nước ngoài học là hoàn toàn đúng đắn, là một sự đầu tư có hiệu quả rất cao cho đất nước. 

Tuy nhiên, ai cũng thấy đất nước ta còn nghèo, ngân sách hạn hẹp nên không thể cấp học bổng cao như những tổ chức quốc tế khác (AusAid, VEF, Ford Foundation…). 

Với một ngân sách hạn chế thì việc cấp học bổng thấp và giới hạn chặt thời hạn khóa học là rất cần thiết để có thể tăng tối đa số lượng học sinh được gửi đi học. 

Bởi vậy, có thể thấy rất rõ các bạn SV, nghiên cứu sinh đi học bằng ngân sách Nhà nước vất vả hơn những người đi bằng những nguồn học bổng khác rất nhiều, nhất là những lúc đồng đô la Mỹ mất giá và vật giá ở nơi họ học tập gia tăng. Chắc chắn những lo toan vật chất đó sẽ có ảnh hưởng không ít thì nhiều đến kết quả học tập nghiên cứu, làm giảm đi hiệu quả đầu tư của nhà nước khi cấp học bổng cho các bạn đó đi học. 

Làm cách nào để giải quyết vấn đề này? 

Phía sinh viên thì yêu cầu được tăng học bổng, gia hạn thời gian học và nghiên cứu. Tuy nhiên, tăng học bổng, theo tôi không phải là một giải pháp hay, nhất là trong khi ngân sách đào tạo còn rất hạn hẹp và nhu cầu đào tạo còn rất lớn. 

Bởi vậy, tôi đề nghị phương án sau, hi vọng sẽ giúp Bộ GDĐT vừa tối đa được số SV đi du học vừa tránh được SV đi học mà không an tâm học hành vì học bổng quá ít. 

Hiện nay, Bộ GDĐT cấp học bổng toàn phần cho sinh viên, nghĩa là cả tiền học phí lẫn chi phí ăn ở. Tôi đề nghị, thay vì cấp học bổng như hiện nay, Bộ GDĐT chuyển sang cho vay đi du học theo nguyên tắc như sau:  

Tất cả những ai đủ tiêu chuẩn đi học sẽ được Bộ GDĐT cho vay tín chấp không lãi suất một khoản tiền nhất định. Số tiền này có thể bao gồm học phí và chi phí sinh hoạt tối thiểu hoặc chỉ là học phí tùy từng trường hợp. Người được cho vay sẽ tự quyết định có vay khoản tiền này đi du học hay không tùy thuộc vào khả năng tài chính của cá nhân. Bộ GDĐT và hội Sinh viên Việt Nam ở các nước sẽ cung cấp thông tin về mức sống, giá cả để những người được vay quyết định. Nếu thấy không đủ, người được vay có thể tìm thêm các nguồn tài trợ khác như từ gia đình, cơ quan đang công tác, các quĩ khuyến học, các ngân hàng thương mại… 

Trong hợp đồng cho vay đi học, Bộ GDĐT sẽ qui định tổng số tiền cho vay cố định (mặc dù có thể được giải ngân thành nhiều đợt) và sẽ không được tăng thêm trong bất kỳ trường hợp nào.  

Nếu người được vay cần phải gia hạn khóa học thì họ phải tự tìm nguồn tài chính cho thời hạn học thêm này. Nếu vì lý do trượt giá nên số tiền Bộ GDĐT cho vay không đủ chi phí sinh hoạt thì người được vay cũng phải tự bù vào. 

Tuy nhiên, Bộ GDĐT có thể xem xét một phương án cho vay thêm có lãi suất một khoản tiền nhỏ để bù vào việc vật giá ở nước sở tại gia tăng hoặc du học sinh phải gia hạn khóa học vì những lý do chính đáng. Khoản vay này hoàn toàn tách biệt khỏi khoản vay đi học ban đầu. Nó sẽ có thời hạn vay trả rõ ràng và có lãi suất tương đương hoặc chỉ thấp hơn một chút với lãi suất thương mại. 

Đối với khoản vay đi học ban đầu (gồm học phí và chi phí ăn ở tối thiểu) người được vay sau khi học xong, về nước sẽ được xem xét xóa nợ hoàn toàn nếu có thành tích học tập tốt, về đúng hạn, quay lại làm việc cho cơ quan cũ. 

Nếu người được vay quay về nhưng không đạt đủ những chỉ tiêu trên thì Bộ GDĐT sẽ đánh giá và xóa cho một phần nợ (50-90%) và người được vay sẽ có trách nhiệm hoàn lại số tiền còn nợ trong vòng 5-10 năm. Một số trường hợp bỏ học hoặc vi phạm pháp luật của nước sở tại bị trục suất về nước thì sẽ phải trả lại toàn bộ số tiền đã được cho vay. 

Đến đây, sẽ có ý kiến cho rằng, còn những người trốn ở lại không về nước thì sao? 

Thứ nhất, các nước khi cấp visa cho sinh viên nước ngoài đều có những loại visa đặc biệt yêu cầu phải rời khỏi nước họ sau khi hoàn thành xong khóa học (J1 ở Mỹ, Ausaid ở Úc). Bộ GDĐT có thể yêu cầu các đại sứ quán các nước ở Việt nam chỉ cấp cho sinh viên đi theo diện này những loại visa như vậy. 

Thứ hai, Bộ GDĐT có thể nhờ Đại sứ quán Việt Nam ở các nước sở tại hoặc chính các trường mà du học sinh sang học quản lý hộ chiếu của những sinh viên này. Điều này có thể gây một số khó khăn cho sinh viên nhưng có thể đưa vào hợp đồng cho vay, nếu chấp nhận thì sinh viên vay tiền đi du học (coi như một dạng thế chấp như trong các hợp đồng vay thương mại). 

Thứ ba, Bộ GDĐT có thể thông báo các trường hợp trốn ở lại cho Bộ Ngoại giao và các cơ quan cửa khẩu để bất cứ khi nào, những người này quay về Việt Nam sẽ bị giữ lại và buộc phải trả nợ. Số tiền cho vay sẽ được tính lãi suất từ khi họ bỏ trốn. 

Cuối cùng, nếu những người trốn lại này không bao giờ quay về Việt Nam nữa thì chúng ta cũng không lấy làm tiếc vì họ thật sự không phải là người Việt Nam, họ có quay về cũng chẳng giúp được gì cho đất nước. 

Nếu thực hiện giải pháp này tôi thấy có một số cái lợi sau: 

- Bộ GDĐT có thể cấp nhiều học bổng hơn vì sẽ không phải lo tăng học bổng gia hạn thời gian học.

- Sinh viên được cho vay đi học sẽ không kêu ca, đỏi hỏi vì mức học bổng thấp nữa, họ đi học là quyết định của họ, nhà nước chỉ trợ giúp tài chính thôi chứ không phải cấp học bổng như trước.

- Bộ GDĐT có thể giao việc quản lý vay nợ cho một ngân hàng thương mại, vừa chuyên nghiệp hơn vừa giảm tải cho Bộ GDĐT.

- Các thành phần khác trong xã hội có thể đóng góp thêm vào quá trình đào tạo này, giúp giảm tải cho ngân sách nhà nước và tăng số lượng sinh viên đi du học. 

Trên đây là giải pháp của tôi, chắc chắn còn nhiều bất cập, nhưng hi vọng cũng có một gợi ý nào đó cho Bộ GDĐT.

  • Giang Le (Australian National University)

  • Mời tham gia diễn đàn- Du học bằng ngân sách Nhà nước

  • "Gia hạn nghiên cứu là chuyện bình thường"

  • Du học sinh 322 tại Australia kêu cứu

  • "Người giỏi thì 3 năm cũng làm xong tiến sĩ"

  • "Nếu gia hạn, ai cũng muốn kéo dài"

  • "Đề án 322 từng cấp sinh hoạt phí 4 năm

  • "NCS 322 có thể tự tìm kinh phí để gia hạn"

  • "Nên cấp sinh hoạt phí theo căn cứ trung bình"

  • "Lần lữa để vòi tiền, có xứng danh nhà khoa học-"

  • Bộ GD-ĐT phản hồi "đơn cứu xét" của NCS 322

  • Thư ngỏ của một NCS 322

  • 'Không nên cứng nhắc theo thư mời nhập học"

  • Học tiếng Đức, sao phải thi tiếng Anh?

  • NCS Đức nói gì về "đơn cứu xét" của NCS Australia-

    Ý kiến của bạn:

  • ,
    Ý kiến của bạn
    Ý kiến bạn đọc
    ,
    ,
    ,
    ,