(VietNamNet) - Bên lề Hội nghị tập huấn trắc nghiệm khách quan cho hơn 10 tỉnh phía Nam từ hôm nay đến ngày 13/10, VietNamNet đã trao đổi chi tiết với TS Nguyễn An Ninh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) về quá trình chuẩn bị cho kỳ thi trắc nghiệm toàn quốc được tổ chức trong năm học này.
Ông Ninh cho biết: Sẽ có hơn 2.000 cộng tác viên cả nước tham gia ngân hàng đề thi. Đề thi được in sẵn phát cho từng thi sinh. Máy tính tự động xáo trộn thứ tự câu cũng như thứ tự các phương án A,B,C; D. Các thí sinh ngồi cạnh nhau có đề thi giống nhau về nội dung nhưng không giống nhau về thứ tự các câu trắc nghiệm.
- Thí sinh cần phải lưu ý gì khi làm bài thi trắc nghiệm, thưa ông?
- Vì bài thi trắc nghiệm sẽ được chấm trên máy quét quang học nên cùng với đề thi có sẵn, thí sinh được phát một Phiếu trả lời trắc nghiệm.
Đối với phương pháp trắc nghiệm, thí sinh thường phải làm động tác “tô đen” một số điểm trên văn bản để máy quét quang học ghi nhận các tọa độ và xử lý. Đây là điểm mới đối với đa số thí sinh Vì vậy, các em cần hết sức lưu ý làm đúng những điều được hướng dẫn.
Thí sinh nên dùng bút chì để làm bài thi để nếu mắc lỗi, có thể xóa đi cho dễ. Giấy thi bằng giấy đặc thù và đã có mã hóa không thể thay thế (2 màu). Khi chấm bài, giấy chạy qua máy và xử lý bằng chương trình tính của máy và đạt như… máy đếm tiền, rất đảm bảo.
Mặc dù phương pháp thi trắc nghiệm mới được áp dụng ở nước ta, song thực tế cho thấy, thí sinh nắm bắt rất nhanh quy trình kỹ thuật; vấn đề là ở chỗ cần hướng dẫn thí sinh thực hiện các động tác thật cẩn thận, chính xác.
- Vậy công tác chấm bài thi trắc nghiệm của thí sinh sẽ được tiến hành như thế nào?
- Chấm thi trắc nghiệm được thực hiện ở những trung tâm chấm thi do Bộ GD-ĐT tổ thức. Cụ thể, ở kỳ thi trắc nghiệm ngoại ngữ, năm nay sẽ tổ chức chấm ở 3 trung tâm Bắc - Trung - Nam. Trên máy quét chuyên dụng với phần mềm chấm thi, mỗi máy có thể chấm 5.000-10.000 bài/giờ.
Trong khâu chấm thi trắc nghiệm việc cách li, giám sát, bảo mật được thực hiện như đối với thi tự luận theo quy chế, nhưng chặt chẽ và “tại chỗ”.
- Sự chuẩn bị máy chấm được thực hiện như thế nào? Nếu như máy trục trặc thì sẽ xử lý ra sao?
Sau khi thi xong, các Hội đồng thi gom bài về các Trung tâm chấm thi và dùng máy chấm chung. Không thể có chuyện máy chấm trục trặc bởi máy rất đắt tiền, khoảng vài trăm triệu đồng.
Hiện tại, có 4 máy chấm và mới đây, đã tiến hành chấm thử ở Hải Phòng rất tốt. Dự kiến từ nay đến lúc thi chính thức, sẽ có trên 20 máy chấm và nơi nào nhiều bài thi thì sẽ được nhiều máy.
- Tờ giấy thi phẳng thì máy mới chấm được nhưng trong quá trình vận chuyển bị nhàu nát thì xử lý như thế nào?
- Khi thu bài thấy bài có sự cố rách giấy thi, giáo viên phải lập biên bản; lúc đó mới không bị trách nhiệm. Còn nếu bài rách mà không lập biên bản thì giám thị phải chịu trách nhiệm. Tất nhiên sẽ có biện pháp xử lý tùy từng hoàn cảnh để bảo vệ quyền lợi thi cử của thí sinh.
- Ưu điểm của thi trắc nghiệm là gì, thưa ông?
- Đề thi trắc nghiệm gồm mấy chục câu hỏi được lấy ra ngẫu nhiên, theo những yêu cầu nhất định, từ ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm. Ngân hàng câu hỏi được xây dựng quanh năm. Do đó, có đủ thời gian để gia công những câu trắc nghiệm với độ chính xác cao. Hơn nữa, có thể xác định các đặc trưng của câu hỏi trước khi làm đề thi.
Với hình thức thi trắc nghiệm, thời gian làm bài của thí sinh có thể rút ngắn, chỉ bằng 1/3 hay một nửa thời gian thi tự luận, cho phép tổ chức thi nhanh, gọn, giảm bớt tốn kém.
Về chống gian lận, có thể nói trắc nghiệm là phương pháp có hiệu quả nhất. Vì đề thi gồm rất nhiều câu hỏi nên có thể tránh được “rò rỉ” thông tin theo kiểu truyền đi do “nhớ được” trong lúc làm đề, coi thi.
Hiện nay, phần mền tin học cho phép xáo trộn từ một đề thi gốc thành nhiều phiên bản (nội dung giống nhau nhưng thứ tự câu hỏi khác nhau) tạo cho nhóm sinh viên ngồi cạnh nhau không thể tham khảo bài làm của nhau. Khi chấm thi các bài thi được quét bằng máy chấm với tốc độ 5.000-10.000 bài/giờ nên không ai có thể thực hiện được hành vi gian lận dưới sự giám sát trực tiếp tại chỗ của Hội đồng thi.
Điều quan trọng hơn cả là thi trắc nghiệm năng lực của thí sinh được đánh giá chính xác, điều mà mỗi kỳ thi đều phải đặt ra. Đạt được như vậy là do đề thi trắc nghiệm có nhiều câu hỏi có thể trải khắp nội dung môn học, cho phép kiểm tra được một cách có hệ thống và toàn diện kiến thức và kỹ năng ở nhiều cấp độ, mặt khác tránh được việc học tủ, dạy tủ. Bản thân cách thi trắc nghiệm cũng đánh giá được một khả năng quan trọng mà người học cần tích lũy, đó là năng lực giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng - mỗi câu trắc nghiệm (đặt ra 1 vấn đề) chỉ có khoảng 1-2 phút để thí sinh giải quyết; cũng có nghĩa là thí sinh phải có kiến thức thật sự về môn học mới có thể làm được việc đó…
- Xin cảm ơn ông!
-
Bài, ảnh: Cam Lu