(VietNamNet) - Năm 2006, học sinh (HS) lớp 12 cả nước sẽ thi trắc nghiệm môn Ngoại ngữ. Các địa phương đang gấp rút triển khai tập huấn cho giáo viên (GV) và HS làm quen. Dẫu đã có sự đồng thuận vì thi trắc nghiệm sẽ cho kết quả khách quan hơn, nhưng vẫn còn băn khoăn: Sợ quy trình ra đề khó "nhận diện" được người giỏi? Không ít trăn trở về quyền lợi cho HS cũng được đặt ra...
Thi trắc nghiệm, HS muốn có kết quả tốt thì phải cố gắng học...(Ảnh Cam Lu) |
Đầu tháng 10 vừa qua, Hải Phòng đã tổ chức thi thử cho 22.000 HS từ nội thành đến ngoại thành. Kết quả, có khoảng 60% HS đạt điểm trung bình trở lên; trong đó, có 25% đạt khá và giỏi.
Giám đốc Sở Giáo dục Trần Xuân Đình bộc bạch: kết quả khảo sát thi thử đầu năm như vậy là tạm ổn, đến cuối năm HS tự tin hơn để phấn đấu...
Tháng 11 này, TP.HCM tiến hành thí điểm thi thử. Ngân hàng đề thi trắc nghiệm môn ngoại ngữ đã được Sở GD-ĐT chuẩn bị cách đây 2-3 năm và đã triển khai ở một số trường theo cách: mỗi đề thi đã có khoảng 30% trắc nghiệm.
Đến thời điểm này, tất cả GV dạy ngoại ngữ của Phú Thọ đã được tập huấn cách dạy và làm đề thi trắc nghiệm, GĐ Sở GD - ĐT Phan Văn Lân khẳng định. Trực tiếp hướng dẫn là chuyên viên của Cục Khảo thí và trường ĐH Ngoại ngữ. Công việc "tiếp sức" cho thi trắc nghiệm cũng mới dừng ở đó vì máy chấm chuyên dụng chưa mua. Tuy nhiên, từ nay đến tháng 1/2006 (thời điểm Bộ tổ chức thi thử trắc nghiệm cho HS lớp 12 toàn quốc) - Phú Thọ sẽ tổ chức kỳ thi thử cho HS làm quen...
Ông Nguyễn Hoàng Nhi, GĐ Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp cho hay, đầu tháng 11 này, Sở tổ chức cho 35 trường cấp 3 thi thử và đầu tháng 12, sẽ tổ chức ra đề thi trắc nghiệm thử một lần nữa trước khi tổ chức thi chính thức ở học kỳ 1.
Trước mắt, Sở sẽ tập trung mỗi trường 1 tổ trưởng ngoại ngữ và 1 GV tiếng Anh thống nhất cách ra đề. Sau đó, 35 trường sẽ về tổ chức thi, nộp đề và đáp án cho Sở để từ đó rút kinh nghiệm cho việc ra đề chung cho toàn tỉnh. Mỗi trường chuẩn bị 50 câu, lượng câu hỏi trắc nghiệm từ 35 trường cũng khá lớn để chọn lọc.
Cùng với đó, địa phương sẽ tham khảo các đề thi của các nơi đã tổ chức thi thử trước như Hải Phòng… nên cũng không có gì khó khăn lắm trong việc tổ chức thi trắc nghiệm”, ông Nhi quả quyết.
Cô Nguyễn Thị Hương Lan, GV tiếng Anh khối 12 (trường THPT Nguyễn Tất Thành) cho biết, tại kỳ kiểm 1 tiết đã triển khai thi trắc nghiệm thử. Đề được ra theo đúng quy định của Bộ: mỗi đề 50 câu với thời gian làm bài 45 phút, từng câu có 4 lựa chọn. Các đề thi phải được xáo trộn để HS ngồi gần nhau không trao đổi bài được...Lớp học có 50 HS nhưng mới chỉ làm được 30 đề khác nhau.
Tháng 11 tới, trường sẽ cho HS thi đề trắc nghiệm môn ngoại ngữ trong kỳ thi học kỳ 1. Hiệu trưởng Vương Dương Minh cho biết, có thể HS chưa quen, nhưng trường coi đó là điều kiện để HS quyết tâm phấn đấu đến cuối năm đạt kết quả tốt hơn. Bởi, kỳ thi học kỳ chỉ là một kỳ thi bình thường, không có tính chất ganh đua gây căng thẳng... nên lấy kết quả từ thi trắc nghiệm là chính xác nhất.
Băn khoăn
Dù khẳng định những ưu thế của hình thức thi này, ông Minh vẫn băn khoăn, đề trắc nghiệm dễ đánh giá đúng người lười nhưng lại khó phát hiện người giỏi. Bởi, đề dạng này bao hàm kiến thức rộng hơn nhưng mới chỉ yêu cầu HS tích đáp án đúng, chưa cho biết quá trình suy nghĩ của học trò nên rất khó "nhận diện" người giỏi.
Ông Mạch Đình Đàm, GV tiếng Anh trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Khánh Hòa) băn khoăn, "khó khăn lớn nhất đối với GV làm nhiều đề, nhiều dạng nên mất nhiều thời gian. Hơn thế nữa lại phải xáo trộn đề làm sao để HS ngồi gần nhau không thể copy được...".
Phó GĐ Sở GD-ĐT Cần Thơ, Nguyễn Quý Đôn lại lo lắng liệu thí sinh có làm đúng theo quy định không: mang bút chì, cách tô đậm phương án lựa chọn đúng quy định hay không
Khác với các địa phương, tỉnh Bình Dương chọn phương án: chờ sau khi Bộ GD-ĐT tiến hành thi thử trắc nghiệm cả nước vào tháng 1/2006 rồi sẽ liên tục tổ chức các kỳ thi thử cho HS.
GĐ Sở GD - ĐT Nguyễn Văn Rua cho biết: Hội đồng khoa học tỉnh đã xây dựng đề án thi trắc nghiệm không chỉ có môn tiếng Anh mà một số môn khác từ 1 năm nay. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là khâu kỹ thuật có phần phức tạp, cần phải hướng dẫn tỷ mỷ cho HS. Chẳng hạn: tô màu vào phiếu trả lời sao cho đúng độ thì máy quét mới hiển thị; trong trường hợp tô nhầm hoặc muốn thay đổi câu trả lời, thí sinh dùng tẩy tẩy sạch chì ở ô cũ nhưng nếu xóa “quá tay” liệu ô có bị mất?...
-
Kiều Oanh - Cam Lu