221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
723734
Sáng 6, chiều 1
1
Article
null
Sáng 6, chiều 1
,
Hay tin các trường trung học cơ sở ở huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đang dạy chương trình lớp một cho học sinh lớp sáu, tôi bán tín bán nghi, bèn hỏi người bạn có quê ngoài ấy. Ông bạn xác nhận: "Nhiều lắm". Tôi lên đường...
Soạn: AM 599544 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Thầy Quận đang hướng dẫn
cho các em ghép vần

Cứ tưởng ông Đoàn Dụng - Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) huyện Bình Sơn sẽ giấu nhẹm chuyện khó tin này nhưng ông xác nhận ngay: "Có đấy, nhiều năm rồi chứ không phải năm nay".

Rồi ông nói thêm: "Chúng tôi đang chữa căn bệnh thành tích đấy". Chuyện ông Dụng đang "chữa bệnh thành tích" cho chính cái ngành mà ông phụ trách đã thật sự "nóng" lên trong dư luận, nhất là trong đội ngũ giáo viên.

Không nên giấu dốt

Trò chuyện với tôi chung quanh việc học sinh lớp 6 mà không biết chữ, ông Dụng luôn nhắc đến câu "không nên giấu dốt". Câu này chẳng mới nhưng với một người như ông, vừa nhậm chức trưởng phòng giáo dục huyện mà xới lên những chuyện nhạy cảm ấy, quả là... gan cùng mình!

"Khi còn làm hiệu trưởng Trường THPT Vạn Tường, cứ mỗi kỳ thi vào lớp 10, tôi thấy học sinh "dính" điểm không (0) quá nhiều. Lục tìm học bạ của các em này, lại thấy nhiều em trong số đó đạt danh hiệu học sinh tiên tiến! Tôi quá buồn và luôn tâm niệm rằng, hễ có điều kiện là tôi sẽ dẹp ngay cái trò "thành tích" hết sức phù phiếm này. Thế rồi trên phân công tôi về làm Trưởng phòng GDĐT Bình Sơn. Việc đầu tiên là tôi nghĩ ngay đến điều tâm niệm ngày nào".

Mở đầu câu chuyện "chữa bệnh thành tích", ông Dụng đã "chiếu chậm" một quãng đời làm nghề dạy học và những day trở của mình như thế.

Tôi khích ông: "Cả nước đang nhiễm dịch bệnh này chứ riêng gì huyện ta đâu mà ông chạy chữa cho mệt?". Ông Dụng bảo: "Tôi ghét nhất là thói giả dối. Tôi đã từng nói với các hiệu trưởng rằng, tôi không chấp nhận trường nào cũng lên lớp 100% đâu đấy! Chỉ có thánh thần mới không phải lưu ban, chứ còn học trò, làm gì có chuyện trường nào cũng đạt 100% tỉ lệ học sinh lên lớp? Càng giấu dốt ở cấp học dưới bao nhiêu, càng khổ cho cấp học trên bấy nhiêu".

Không chỉ "dọa" suông, nhiều khi giữa trưa, ông Dụng lặn lội lên tận một ngôi trường nào đó ở vùng cao hẻo lánh để dự giờ một giáo viên, mà ông hay tin rằng anh ta đang... say rượu! Những cú "vi hành" không định trước ấy đã giúp ông "chộp" được nhiều chuyện cười ra nước mắt.  

Tìm bệnh

Soạn: AM 599540 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Dạy ghép vần cho lớp 6

Bước vào năm học 2004-2005, các trường trung học cơ sở trong huyện Bình Sơn nhận được cái "trát" của Phòng GDĐT huyện. Nội dung của "công điện khẩn" này là chuẩn bị tinh thần khảo sát toàn diện học sinh lớp sáu vừa mới tuyển sinh.

Đề kiểm tra do Phòng GDĐT huyện ra. Yêu cầu đầu tiên đối với các trường là: Tuyệt đối trung thành với năng lực của từng em. Không châm chước, không gà bài, không cho các em chép theo của bạn. Nghĩa là một cuộc kiểm tra nghiêm như kỳ thi đại học! Theo đó, các cán bộ của phòng "bí mật" về kiểm tra bất cứ trường nào mà không cần phải báo trước. Nếu trường nào thực hiện không nghiêm, hiệu trưởng trường đó sẽ chịu kỷ luật.

Ông Dụng đã nói là làm, không lơi khơi. Tôi nghe giáo viên ở Bình Sơn kể, có hôm ông cùng các cộng sự phải mang theo mỳ tôm để ăn qua trưa giữa rừng một cách bí mật. Trường vừa được kiểm tra ấy cứ tưởng đoàn đi nơi khác, không ngờ buổi chiều họ quay trở lại nên mọi sự đối phó chiếu lệ khi sáng bị bại lộ. Ông hiệu trưởng trường nọ bị một trận kiểm điểm te tua.

Đợt kiểm tra đã làm lộ sáng bao nhiêu góc tối bị khuất lấp mấy chục năm nay: 171 em điểm 0 và 416 em điểm 1... Mà đề có khó gì đâu. Môn văn - tiếng Việt thì chỉ đọc cho chép lại, còn môn toán thì cộng trừ nhân chia số nguyên. Thế mà cũng bỏ giấy trắng hàng loạt. Ông Dụng xa xăm: "Thực ra tôi không quá bất ngờ với kết quả như thế, chỉ có điều là muốn đo sự trung thực của các trường tới đâu và số lượng những em lớp sáu mù chữ là bao nhiêu để mà có cách chữa thôi".

Sáng sáu chiều một

Tình cờ tôi ngang qua một dãy phòng của Trường Trung học cơ sở Bình Thạnh và lấy làm ngạc nhiên khi nghe thầy giáo gõ nhịp cây thước xuống bàn: "ê, bờ ê bê; on cờ on con, bê con". Cả lớp đọc theo thật rập ràng. Giải đáp thắc mắc ấy của tôi, thầy hiệu trưởng Hồ Văn Tâm nói bằng một khái niệm rất tù mù: "Đó là lớp học sáng sáu chiều một, anh à".

"Dạ thưa, nghĩa là...". "Là buổi sáng những em học sinh ấy ngồi ở lớp sáu, nhưng buổi chiều chúng tôi phải dạy cho chúng chương trình lớp một!".

Như để chứng minh cho điều mình vừa nói ấy không phải là chuyện đùa, anh Tâm lôi trong góc tủ ra một tập bài thi. Toàn bộ đề kiểm tra môn văn-tiếng Việt, tôi đếm cả thảy là 101 chữ. Trên 20 bài thi nhưng các em chỉ viết đúng mỗi cái tên của mình, còn lại toàn là tiếng... ngoài hành tinh!

Tôi vẫn không tin, bèn viết hai chữ "Dung Quất" ra giấy rồi chỉ một em đọc. Mặt thằng bé trông rất sáng nhưng nó đọc méo cả mồm mà không ra được hai từ Dung Quất. Không biết rồi đây nó và những chiến hữu "sáng sáu chiều một" của nó liệu có trở thành chủ nhân tương lai của khu kinh tế như người ta vẫn thường nói trong các bài diễn văn mỗi lần động thổ một công trình nào đó ở Dung Quất này không?

Anh Đặng Quận - thầy giáo trực tiếp đứng lớp, nói: "Tôi phải phân thân làm hai ông thầy: Vừa dạy trung học cơ sở vừa dạy tiểu học ngay đối với một học sinh. Thật khó cho tôi và các đồng nghiệp, nhưng trường phân công nên phải cố".

Anh Tâm chen vào: "Ban giám hiệu phải động viên các thầy, chứ đây là sản phẩm từ các trường tiểu học mà chúng tôi phải gánh, chứ phải phần việc của chúng tôi đâu. Cứ cho lên lớp ào ào, cứ "phổ cập học sinh giỏi" toàn trường nên mới có tình trạng này đấy".

Theo "lộ trình" của lớp học thì đến cuối học kỳ I năm nay, gần hai chục em "ngoại hạng" ấy phải đọc được chữ và làm được các phép tính. Thầy Tâm nói rằng, nhà trường đã có kinh nghiệm trong việc dạy lớp "sáng sáu chiều một" này rồi, vì năm ngoái cũng đã dạy một lớp như thế. Có điều, năm học vừa rồi, nhà trường buộc phải để bốn em lưu ban, vì... hết cách!

Tôi hỏi thầy Tâm: "Thế buổi sáng, các em này học kiểu gì?". "Thì học được chữ nào hay chữ đó thôi. Chúng tôi phải cố cho các em đọc được chữ để mai này nếu các em có vô làm công nhân trong Khu kinh tế Dung Quất thì cũng tính được ngày công mà nhận lương chứ!".

Tôi nghe như có hàng ngàn mũi kim đang găm vào người mình khi hiểu rằng, để kiếm miếng cơm trong cái khu kinh tế đồ sộ ấy, nếu chỉ biết đọc và làm phép tính không thôi, người ta cũng không nhận vào đâu thầy Tâm ạ!

Chữa bệnh tận gốc

Hỏi chuyện các thầy trực tiếp dạy các lớp đặc biệt này, ai cũng có một nhận xét chung rằng, đó là hệ quả tất yếu của căn bệnh thành tích mà các trường tiểu học đã "phấn đấu" mấy chục năm nay. Riêng thầy hiệu trưởng thì bổ sung thêm: "Đó còn là kết quả của một căn bệnh khác: Bệnh vô trách nhiệm đối với các em!".

Thật ra, dạy theo cách "sáng sáu chiều một" ấy cũng là chuyện chẳng đặng đừng, vì chữa bệnh thành tích kiểu này chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề mà thôi. Nghe tôi nói thế, ông Dụng lắc đầu: "Bắt đầu từ năm học này, hễ trường nào có học sinh lớp sáu mà đọc chữ không được thì hiệu trưởng tiểu học phải chịu kỷ luật; học sinh thi vào lớp mười mà bị điểm 0 thì hiệu trưởng cấp hai cũng chịu kỷ luật!".

"Như thế thì anh ép các trường quá. Lỗi do học sinh nữa chứ!". Ông Dụng: "Tôi đồng ý là lỗi có phần của các em, nhưng lớp sáu mà đọc không được, thi lớp mười mà điểm không thì tại sao hiệu trưởng các trường ấy vẫn công nhận tốt nghiệp cho các em? Phòng có ép phải tốt nghiệp 100% đâu mà sợ?".

Bằng cách ấy, tôi tin là ông Dụng cùng tập thể những nhà giáo tâm huyết với nghề sẽ chữa được căn bệnh mà lâu nay ai cũng kêu. Và tôi cũng tin rằng, Quảng Ngãi không phải là tỉnh duy nhất trong cả nước này có học sinh lớp sáu mà đọc không được chữ. Chỉ có điều, người ta biết được ở Quảng Ngãi có chuyện "lạ" này là do ông Dụng là người không biết nói dối và dám nhìn thẳng vào căn bệnh để có cách chữa trị mà thôi.

(Theo Trần Đăng - Lao Động)

Ý kiến của bạn:

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,