221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
725356
Giảm tải tiểu học: Hai bên cùng "ngóng"
1
Article
null
Giảm tải tiểu học: Hai bên cùng 'ngóng'
,

(VietNamNet) - Tin giảm tải chương trình tiểu học năm 2005-2006 được Bộ GD-ĐT thông báo từ đầu năm học khiến không ít phụ huynh khấp khởi... Đã gần một học kỳ trôi qua nhưng chủ trương "giảm tải" xem ra vẫn nằm trên giấy. Các đơn vị thực thi nghe mà không biết giảm 15% những nội dung gì. Còn Bộ đang "ngóng" giải pháp từ địa phương...

Soạn: AM 604947 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Học sinh trường tiểu học Phan Chu Trinh (Hà Nội) trong giờ học toán (Ảnh: H.A)

Bộ chờ cơ sở...

Bên lề hội nghị giao ban Giám đốc Sở GD-ĐT ở cả nước vừa tổ chức ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Đặng Huỳnh Mai nhìn nhận, việc giảm tải sẽ căn cứ trên đề xuất thực tế từ địa phương.

Trong học kỳ một, tùy phương pháp giảng dạy, mỗi địa phương đề xuất các biện pháp cần giảm tải. Từ đó, Bộ sẽ ban hành một hướng dẫn chi tiết để thực hiện ở học kỳ 2...

Viện Chiến lược Chương trình giáo dục và Vụ Tiểu học (Bộ GD - ĐT) khẳng định, qua 3 năm thực hiện chương trình và sách giáo khoa (SGK) bậc tiểu học cho thấy hiện tượng quá tải là có thực. Có tiết học phải hoàn thành quá thời gian quy định 30 phút mà kéo dài gần gấp đôi, học sinh (HS) về nhà còn phải làm bài tập (kể cả HS học 2 buổi/ngày).

Bộ cũng nhìn nhận thực tế: hơn 8 triệu HS tiểu học ở các điều kiện kinh tế - xã hội không giống nhau, học chung 1 bộ SGK thì không phù hợp. Bởi vậy, "tải" mỗi nơi sẽ nặng, nhẹ khác nhau.

Theo trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD - ĐT Hà Nội) Phạm Xuân Tiến thì HS Hà Nội không thấy nặng nên không cần giảm tải. Thậm chí, một bộ phận phụ huynh HS muốn con phải được học nâng cao...

 Tuy nhiên, HS vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khi tiếng phổ thông cũng chưa nói sõi, việc học tiếng Việt rất khó. Chưa kể đến kiến thức các môn Toán, Đạo đức, Tự nhiên - Xã hội....

Theo Vụ tiểu học, nhu cầu của một bộ phận phụ huynh muốn con học nâng cao đã dẫn đến tình trạng giáo viên (GV) đưa thêm kiến thức bên ngoài vào giảng dạy; gây ra hiện tượng quá tải ở các môn Toán, tiếng Việt. Nguyên nhân khác, một bộ phận GV ở các vùng thành phố, thị trấn... tổ chức dạy thêm - học thêm cũng tạo nên dư luận về sự quá tải của chương trình... 

Cơ sở ngóng Bộ...

Phó Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ GD-ĐT) Lê Tiến Thành cho hay, giảm tải không có nghĩa là cắt xén cơ học lượng kiến thức trong chương trình và SGK mà chỉ khống chế thời lượng qui định giảng dạy của từng tiết học. Cụ thể, HS sẽ phải học đủ số lượng bài nhưng GV có quyền chủ động tăng thời gian giảng dạy ở những nội dung khó, giảm tiết hoặc đi lướt những nội dung sơ sài, dễ hiểu...

Có vẻ như quen làm theo hướng dẫn, nên khi Bộ GD-ĐT giao quyền chủ động giảm tải 15%, nhiều nơi thấy lúng túng khi thực hiện.

Hiệu trưởng trường tiểu học Nghĩa Tân, Cầu Giấy (Hà Nội) Nguyễn Trần Vỵ so sánh: Chương trình cũ (chương trình cải cách) môn tiếng Việt, HS lớp 1 học 23 tuần xong toàn bộ phần âm + vần = biết đọc, biết viết. Như vậy, dư luận cho rằng quá tải. Nhưng, chương trình hiện nay (chương trình tiểu học 2000) HS chỉ học phần âm + vần trong vòng 18 tuần. Vậy, "tải" cần giảm ở chỗ nào? 

Hay như môn Toán, ở chương trình cũ, HS lớp 1 được học 10 số đầu và 5 dấu phép tính thì dư luận đã cho rằng quá tải. Nhưng, chương trình Tiểu học 2000, HS lớp 1 vẫn học 5 dấu phép tính và 100 số đầu.

Ông Vỵ cũng thấy SGK và phân phối chương trình hiện nay có những vấn đề cần bàn. Sách tiếng Việt vẫn còn những bài khó đối với HS cấp 1; trong yêu cầu còn có những bài rất dài... Ví dụ: lớp 3 có bài yêu cầu HS viết về trận bóng đá. Hay chương trình thủ công lớp 4 có chương Kim chỉ, HS nữ học còn vất vả chứ chưa nói đến HS nam.

Theo quy định của Bộ, các trường có thể tổ chức hướng dẫn HS hoạt động thể dục thể thao (TDTT) ngoại khóa, tối thiểu mỗi ngày có 30 phút tập luyện... không tính thời gian nghỉ giữa giờ và tập thể dục giữa buổi.

Tuy nhiên, trường tiểu học Nghĩa Tân không sắp xếp được vì 30 phút tương đương với 1 tiết học, mà lịch học 2 buổi/ngày đã kín. Hơn nữa, mỗi ngày HS đã học 7 tiết và thêm tiết nữa sẽ vi phạm dạy quá tải đối với HS...

Chị Lê Minh Hảo, GV chủ nhiệm lớp 4C của trường cho hay, nếu trông chờ vào đề xuất của GV qua giảng dạy học kỳ 1 (chỉ 8 tuần) khó đánh giá đúng, vì phần kiến thức nặng chủ yếu nghiêng về học kỳ 2. Hơn nữa, chương trình còn dàn trải, cần phải có một chuẩn kiến thức nội dung cho tất cả các môn học thì mới có đánh giá khách quan.

Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Phạm Xuân Tiến đề xuất, biện pháp giảm tải là tăng cường thời lượng học 2 buổi/ngày. Vì trong chương trình này sau mỗi buổi học thứ hai hằng ngày đều có 1 tiết hướng dẫn học cho HS. Cùng với đó, GV phải tăng cường đổi mới phương pháp giảng dạy để biến những bài phức tạp thành bài không phức tạp, và ngược lại...

4 nguyên tắc giảm tải

 Phải đảm bảo yêu cầu giáo dục cơ bản và toàn diện.

- Đảm bảo tính hệ thống và đặc thù của từng môn học, cấp học; đồng thời, phải đảm bảo tính liên tục, khớp nối giữa các cấp học phổ thông. 

- Đảm bảo sự công bằng trong giáo dục (đáp ứng nhu cầu phát triển của mỗi HS, phù hợp với đặc trưng vùng miền).

- Giảm tải song vẫn đảm bảo yêu cầu "tiếp cận trình độ giáo dục phổ thông ở các nước phát triển trong khu vực và thế giới"...

"Trích báo cáo của Vụ tiểu học-Viện Chiến lược chương trình giáo dục (Bộ GD - ĐT)"

  • Kiều Oanh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,