Sinh viên "chấm điểm" giảng viên là chuyện nên làm, bởi sẽ tạo sức ép để họ cố gắng tự làm mới mình, thường xuyên trau dồi kiến thức và kinh nghiệm giảng dạy, không bị tụt hậu. Nhiều bạn đọc bày tỏ ý kiến.
Trao đổi thông tin giữa thầy và trò là chuyện thông thường tại các trường ĐH nước ngoài |
Họ tên: Vũ Lan Hương
Địa chỉ: C5-P16-Ngõ 68-Xuân Thuỷ-Cầu Giấy-HN
Email: pink_baby8404@...
Bạn tôi đang học ở Trung Quốc kể rằng, ở bên đó cũng có kiểu “chấm điểm thầy cô”. Thông thường, cuối mỗi học kỳ, các trường phát cho HSSV một tờ giấy để chấm điểm cho các giáo viên vừa dạy mình. Điểm được chấm theo thang 100 và chia thành nhiều mục như phương pháp giảng dạy, sự cập nhật và đa dạng về kiến thức, sự nhiệt tình với SV…
Sau khi tổng kết điểm, sẽ có xếp thứ hạng từ cao đến thấp. Những giáo viên được điểm cao nhất sẽ được khen thưởng còn những ai xếp cuối thì bị khiển trách, phê bình. Chính kiểu chấm điểm cho giáo viên này đã đánh giá khá chính xác về chất lượng giáo viên và đem đến một môi trường sư phạm thực sự dân chủ trong các trường học của Trung Quốc. Mỗi giáo viên đều nhận thức được ưu, khuyết điểm của mình nhờ nhận xét của học sinh. Vì thế, họ phải luôn luôn cố gắng tự làm mới mình, thường xuyên trau dồi kiến thức và kinh nghiệm giảng dạy để không bị tụt hạng.
Trung Quốc là một nước ảnh hưởng rất lớn của Nho giáo và vai trò của người thầy cũng rất được đề cao. Thế nhưng, họ vẫn mạnh dạn áp dụng phương thức “chấm điểm thầy cô". Bởi lẽ, nếu SV góp ý chính xác và xuất phát từ mong muốn nâng cao chất lượng dạy và học thì phương pháp này không hề “hạ thấp” vai trò của người thầy.
Bản thân tôi ủng hộ việc “chấm điểm thầy cô” nhưng tất nhiên, cần phải chú trọng giáo dục thái độ của SV. Các SV phải nhận thức được rằng việc này có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của họ. Họ sẽ được học những giảng viên mà họ đánh giá là tốt. Tránh tình trạng “a dua” hoặc “ghét” thầy cô nào vì quá nghiêm khắc hoặc ghét môn học đâm ra “ghét” luôn người dạy.
Họ tên: Nguyễn Tuấn Khanh
Email: nguyenkhanhtuan@...
Tôi cho rằng việc đánh giá chất lượng giảng dạy qua thông tin phản hồi từ học sinh là hết sức cần thiết.
Tuy nhiên, tôi nhận thấy những lựa chọn đưa ra để lấy ý kiến về việc đánh giá chất lượng giáo viên chưa gắn kết chặt chẽ với mục tiêu cuối cùng của công tác giáo dục và đào tạo, đó là nâng cao chất lượng dạy và học.
Vì vậy, thay cho việc đánh giá chất lượng giáo viên một cách trực tiếp và thiếu cơ sở thuyết phục, tôi cho rằng cần, thăm dò ý kiến học sinh về nguyện vọng và khuyến khích học sinh tham gia ý kiến xây dựng, làm phong phú thêm nội dung môn học và làm sinh động thêm phương pháp truyền đạt và khích lệ học sinh trong quá trình rèn luyện tư duy độc lập, sáng tạo khi tiếp thu kiến thức mới cũng như luận giải những vấn đề của thực tiễn mà chương trình giảng dạy không thể đề cập hết.
Điều đó không những giúp giáo viên có sự điều chỉnh thích hợp mà còn tạo ra môi trường đào tạo cởi mở, tăng cường trao đổi thông tin giữa thầy và trò; đồng thời góp phần rèn luyện, phát huy tính tự lập, sáng tạo của học sinh và làm cho chương trình, nội dung đào tạo đi vào thực chất.
Phiếu thăm dò ý kiến được thiết kế phù hợp cũng sẽ giúp các cấp có trách nhiệm thu thập được thông tin cần thiết để ngoại suy về chất lượng giáo viên và chất lượng học sinh.
Họ tên: Vũ Thị Hạ
Địa chỉ: 515-Điện Biên Phủ, TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương
Email: ha@...
Tôi đã từng là SV của một trường ĐH được coi là trọng điểm của cả nước. Tôi mới ra trường và may mắn thay tôi đã đi làm ngay sau khi rời ghế nhà trường nhưng tôi không quên những năm tháng học đại học.
Là một trường trọng điểm nên nhà trường luôn chú trọng đến năng lực của đội ngũ giảng viên giảng dạy trong trường. Ngoài những giảng viên đã dạn dày kinh nghiệm và có trình độ giảng dạy tốt, vẫn còn tồn tại một số người chưa thực sự yêu nghề nên dẫn đến tình trạng SV không thích học môn học của thầy, coi giờ học đó là giờ "đi chơi'. Trong khi đó, thầy cũng không có biện pháp để cải thiện tiết học của chính mình. Thử hỏi, đó có phải là một nhà giáo tận tuỵ với nghề?
Chính vì vậy, tôi rất đồng ý với việc "trò chấm điểm thầy". Đó là cách tốt nhất để nhà trường biết được năng lực thực sự của đội ngũ giảng viên trong trường và có hướng giải quyết, nâng cao chất lượng giảng dạy đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của SV.
Họ tên: Người lặng lẽ
Địa chỉ: Đà Nẵng
Tôi không đồng ý với 2 lý do tiêu biểu liên quan đến việc đánh giá chất lượng giảng dạy thông qua ý kiến của SV.
Nói rằng, vì truyền thống của người Việt thì cần phải thấy rõ sự khác nhau giữa những người thầy ngày trước và hôm nay. Những người thầy ngày trước thực sự là những người có tài và có tâm thật sự.
Còn hôm nay thì sao? Không phải là số đông nhưng có rất nhiều người không thực sự tâm huyết với nghề, với sự nghiệp trồng người. Chưa kể hàng loạt vụ tiêu cực ở các trường Đại học mà báo chí đã phản ảnh. Đau lòng hơn, một giảng viên trẻ ở ĐH Đ. đã than thở :"muốn đem nhiệt huyết của mình phục vụ sự nghiệp giảng dạy nhưng đụng vào đâu cũng thấy gai góc!"
Còn cho rằng, SV chưa đủ trình độ để đưa ra những nhận xét chính xác về các hoạt động giảng dạy là không hiểu gì về SV cả!
Tôi muốn nói đến những SV học hành nghiêm túc, luôn hướng đến phương hướng, mục đích rõ ràng khi đi học và họ biết họ cần những gì để có thể từng bước vào đời. Giống như một người khách hàng luôn biết mình cần mua những gì, họ tiếp cận và cập nhật thông tin rất nhanh chóng. Họ đều đã trưởng thành và có nhận thức nhất định.
Họ tên: Lam Han Thanh
Địa chỉ: California, USA
Email: lamhhanthanh@...
Theo tôi, mỗi sinh viên, học sinh nên được trao cho một bản questionnaire để họ (tự nguyện không bắt buộc) đánh giá việc giảng dạy của thầy trên tinh thần đánh giá góp ý xây dựng để cả thầy và trò đều thăng tiến. Kết quả việc đánh giá của trò về thầy sẽ chỉ có thầy hay những người có thẩm quyền được biết. Ở các nước tiên tiến, người ta đều làm vậy cả. Ngay cả việc đi nhà thương, sau khi ra viện, nhà thương sẽ trao bệnh nhân một bản questionnaire xin bệnh nhân đánh giá chất lượng phục vụ của bác sĩ, nhân viên bệnh viện. Nhà thương họ sẽ xem xét những đánh giá góp ý để điều chỉnh hòng sau này phục vụ tốt hơn.
Họ tên: Nguyễn Minh Tuấn
Địa chỉ: Hà Nội
Email: ng_m_tuan_hanoi@...
Tôi được biết, hiện nay nhiều trường phổ thông cũng sử dụng biện pháp lấy ý kiến học sinh về giáo viên. Các em học sinh con rất nhỏ, chưa đủ hiểu biết để làm một việc lớn như vậy. Thường thì việc lấy ý kiến học sinh chính là dịp để một số học sinh hư trả đũa các thầy cô nghiêm khắc. Đó là chưa nói đễn đạo lý của người Viêt: Thầy cô như cha mẹ. Đối với SV, nhận thức có khá hơn, nhưng cũng không nên lấy ý kiến về thầy, mà chỉ nên lấy kiến tự đánh giá về kết quả mình đã thu được đối với môn học. Trên cơ sở đó, người thầy sẽ xem xét để điều chỉnh biện pháp giảng dạy để sinh viên tiếp thu được tốt hơn.
Ý kiến của bạn: