221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
728418
SV...ọp ẹp?
1
Article
null
SV...ọp ẹp?
,

Có thể bạn sẽ kết luận vội vàng như thế nếu chỉ căn cứ vào các bảng điểm môn Giáo dục thể chất ở khá nhiều trường ĐH, CĐ. Đặc biệt ở trường ĐH Văn hoá HN, Giáo dục thể chất được SV xếp đầu bảng trong danh sách các môn học “tử thần”. 

Danh sách điểm thi của họ là những dãy số kéo dài toàn 0, 1, 2, 3 và rất nhiều lớp có đến 100% SV thi trượt. 20% SV của trường này bị treo bằng chỉ vì giáo dục thể chất.

Môn học “khét tiếng”

Ngồi trong sân ký túc xá nhìn sang khu nhà màu xanh có ghi dòng chữ lớn Bộ môn Giáo dục thể chất, nhóm SV năm thứ 3 ĐH Văn Hóa HN khẳng định: “Nếu có một cuộc bình chọn thì có lẽ bất cứ SV nào của trường này sẽ bỏ phiếu cho Giáo dục thể chất là... môn học đáng sợ nhất. Khó có thể tìm thấy trong trường này một SV chưa từng thi lại một trong các môn của giáo dục thể chất”.

Một bạn là SV lớp Quản lý văn hoá nói: “Ngay từ năm thứ nhất, khi mới bước vào trường, chúng tôi đã được các anh chị khoá trên phủ đầu rằng đây là một môn khét tiếng. Trượt cả lớp là chuyện thường. Lớp nào khá thì được hai đến ba người trên 5 điểm. Lớp tôi có gần 60 người và chưa kỳ thi nào tôi hy vọng mình nằm trong con số 2 đến 3 người may mắn đó.”

Liệu SV ĐH Văn Hóa có hơi cường điệu môn học này không? Sự thực là chính thầy Chủ nhiệm Bộ môn Giáo dục thể chất Hoàng Chính Tâm cũng khẳng định: “Có khá nhiều lớp chẳng có ai qua được".

Thầy cho biết, tỷ lệ trượt của môn Lý thuyết Giáo dục thể chất rất lớn. Mỗi khoá trường có khoảng 800 SV tốt nghiệp, nhưng có đến 20 hoặc thậm chí là 30% trong số đó không thể tốt nghiệp vì không trả nợ đủ các môn Giáo dục thể chất”.

Theo thầy Hoàng Chính Tâm, số lượng SV không được cấp bằng tốt nghiệp vì thiếu chứng chỉ giáo dục thể chất năm học vừa qua khoảng 160 SV. Đây đã là một con số tiến bộ. Vì con số này ở thời điểm trước là rất lớn.

SV thì kêu trời: có những môn thể dục đã được chúng tôi đầu tư, đánh vật cả 4 năm mà cũng không qua nổi. Có cả những SV tốt nghiệp đến mấy năm trời vẫn còn thấy tên trong danh sách những nợ môn giáo dục thể chất.

Ngay ở thời điểm chúng tôi có mặt ở trường cũng gặp mấy cựu SV và SV năm thứ 4 đi xin thi lại môn Lý thuyết Giáo dục thể chất từ... năm thứ nhất.

Và nếu bạn có dịp đi qua trường ĐH Văn Hóa, hãy thử ghé qua và mục sở thị bảng điểm Giáo dục thể chất của họ. Lớp Phát hành sách 21B có 64 SV thì 100% sở hữu số điểm từ 0 đến 4.

39 SV của lớp Âm nhạc 24 cũng đồng loạt... điệp khúc thi trượt.

Lớp Âm nhạc 23 với 45 SV số phận cũng không thể bi đát hơn, dù đó là bảng điểm của đợt thi được ghi chú rõ: học lại hè.

May mắn làm sao, lớp Phát hành sách 23A có đến sáu SV được điểm 6 trong tổng số 65 SV.

Lớp Phát hành sách 22A có đến... ba SV được 5 điểm trong tổng số 45 SV. Và ngay cả bảng điểm của các lớp Du lịch 10C, Du lịch 11A, bảng điểm thi lại, vẫn chứng kiến những nỗi buồn thi trượt.    

SV đang ọp ẹp?

Nguyên nhân ở đâu mà SV lại phải sở hữu những bảng điểm gây sốc này? Chương trình học quá nặng chăng, hay yêu cầu gắt gao?

Thầy Hoàng Chính Tâm thì lắc đầu: “Chúng tôi thực hiện theo khung chương trình cho phép của Bộ là 150 tiết cho toàn khoá học. Năm nội dung môn học là: lý thuyết, bơi, điền kinh, cầu lông hoặc bóng bàn.

Chúng tôi không đòi hỏi cao về những kỹ thuật siêu việt vì đây là một trường không chuyên về thể thao, thậm chí trường này còn thuộc khối Nhân văn rất đông SV nữ”.

“Nhảy xa của chúng tôi chỉ là 2.80m là qua. Chạy 100m chỉ cần 19,5 giây là các em đạt hết. Với môn bơi, chỉ cần đạt đến 25m là các em có thể dừng lại thở.

Yêu cầu rất thấp nhưng SV thì vẫn không đạt. Họ không thể đạt vì họ vẫn coi đây là môn học phụ và không ý thức được tầm quan trọng của nó. SV bỏ học, SV đi muộn. SV ra  trường đến vài năm mà cũng không buồn quay về trường để trả nợ. Ý thức kém. Dù thế nào thì SV trường này vẫn chỉ ở mức tinh thần thể dục Nguyễn Công Hoan”.

Thầy Hoàng Chính Tâm đã dạy môn học này 33 năm. Liệu những vị lãnh đạo trường có quan tâm đến hiện tượng điểm rất kém này? Thầy Tâm bảo: “Hiệu trưởng  cũng đã từng thắc mắc với tôi. Phòng đào tạo cũng từng đi dự giờ.Và tôi tin là chất lượng bài giảng của tôi tốt.

Tôi có barem điểm đàng hoàng. Và tôi không thể cho điểm những bài thi lý thuyết sai chính tả. SV chép bài của nhau chép nhầm “hệ nội tiết” thành “hệ mật thiết”.

Tôi dạy: người ta dùng thỏ, chuột để thử các thí nghiệm thì họ viết: nhà em nuôi trâu để thí nghiệm. SV không học. Họ đang trêu tôi chứ không phải đang làm bài kiểm tra. Có những bài thi Lý thuyết thể dục nhưng SV lại viết truyện cổ tích. SV không biết tính phần trăm”.

Rất nhiều lớp có từ 90 đến 100% SV trượt và phải chăng họ đều ý thức kém và “có vấn đề về trí tuệ” hay thể trạng của SV quả thật là ốm yếu, ọp ẹp?

4 năm loay hoay với hệ hô hấp và công thức Pi-nhê

Chúng tôi đến rất nhiều lớp học, xuất hiện nhiều lần ở sân trường và không cho rằng toàn bộ SV trường này có chung những biểu hiện về thể trạng yếu ớt.

SV các khoá mới cao lớn và có thể trạng tốt hơn các khoá trước, điều này cũng phù hợp với những khảo sát về chiều cao đang tăng dần lên của thanh niên Việt. Điểm số của SV ở những bộ môn khác ngoài giáo dục thể chất cũng không có gì bất thường.

Rất nhiều bạn trong KTX đã đưa cả vở ghi chép cho nhóm PV đối chiếu. Một bạn ở lớp Quản lý văn hoá nói với chúng tôi rằng: “Tôi đã dành 4 ngày, 5 đêm để nghiền ngẫm 30 trang lý thuyết này mà lần thi thứ nhất tôi vẫn trượt, chính xác là cả lớp tôi trượt.

Có những người dành cả 4 năm chỉ để trả lời câu hỏi về hệ hô hấp và công thức Pi nhê mà vẫn trượt, vẫn treo bằng. Lớp tôi có những người lười học nhưng cũng có nhiều người chăm học. Họ phải học bằng được trước khi thi vì môn này đáng sợ.

Lần học đầu tiên chúng tôi không có câu hỏi ôn tập. Lần học lại kiến thức chúng tôi được rút đi còn 20 trang và bắt đầu có câu hỏi ôn tập. Lần thi sau học lại lớp tôi đã lác đác có vài ba nhân vật đỗ. Lệ phí cho 1 lần học lại của chúng tôi đã tăng từ 10.000 lên 15000đ.”

“Nếu các bạn nhìn đề thi Lý thuyết môn giáo dục thể chất của chúng tôi, các bạn có thể sẽ ngạc nhiên. Câu thứ nhất thầy hỏi chúng tôi về một trong tám hệ cơ quan cơ thể người: hệ tuần hoàn, hệ bài tiết, hệ hô hấp... Chúng tôi cứ ngỡ đang được làm một bài kiểm tra Sinh học phổ thông.

Câu thứ 2 thầy yêu cầu chúng tôi áp dụng công thức Pi nhê để tính toán và phân tích từ những số đo của chính cơ thể mình. Chúng tôi đi thi bằng kiến thức thầy giảng nhưng làm xong bài rồi vẫn chẳng biết là mình đã làm tốt hay không. Chúng tôi không có giáo trình và chúng tôi chẳng có chuẩn kiến thức nào ngoài kiến thức từ thầy”.

Khi phóng viên chúng tôi hỏi thầy Hoàng Chính Tâm rằng: “Thầy đã từng đi tìm hiểu nhiều nguyên nhân khác nhau của hiện tượng điểm kém này chưa. Và thầy có ý định cải thiện những bảng điểm của SV không”? Câu trả lời của thầy là “không”.

Thầy bảo: “Chúng tôi đã làm hết sức. Vấn đề là ý thức học tập của SV. SV còn lười học chúng tôi còn cho điểm thấp”. Khi chúng tôi hỏi: “Liệu bạn có cho rằng SV đang bị gây áp lực bằng điểm số?”, SV trả lời: “Đó là điều chúng tôi nghĩ tới chứ không dám nói ra”.

Thầy còn nói về các biện pháp cứng rắn của tổ bộ môn Giáo dục thể chất do thầy đảm nhiệm rằng: chúng tôi cương quyết không nhận phong bì của SV và phụ huynh. Giáo viên nào nhận phong bì sẽ bị kỷ luật. Đôi khi SV đem chùm vải, hay cá mực đến biếu thầy để xin qua chúng tôi chỉ lấy vài quả lấy may. Nhưng bất cứ trường hợp nào cần “vớt” vì quá yếu chúng tôi đều họp tổ bộ môn. Ngay cả khi SV là cháu ruột của tôi cũng vẫn bị trượt như thường”.

Vậy là trong một tương lai gần những bảng điểm trượt dài vỏ chuối kiểu này vẫn song hành cùng SV ĐH Văn Hóa. Và khi họ vẫn học các môn GDTC trong một tâm trạng hoang mang, đối phó, “kiểu gì cũng trượt” thậm chí cả sợ hãi, bế tắc thì đến bao giờ họ mới có một môn học đáng yêu?

(Theo Thu Hà - SVVN) 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,