Chuyển tất cả GV sang chế độ hợp đồng. Như vậy, GV luôn tự hoàn thiện mình, tránh trường hợp đại đa số có tâm lý ỷ lại đã vào biên chế thì không thể nào đuổi việc được, bạn Uông Đỗ Tùng bày tỏ về chuyện "chấm điểm thầy".
Đã từng là SV học chính quy, bằng 2, học ở nước ngoài và tham gia rất nhiều lớp đào tạo liên kết với nước ngoài tại Việt Nam, tôi nhận thấy việc đánh giá giáo viên là hoàn toàn cần thiết.
Việc đánh giá trình độ giáo viên sẽ đưa việc nâng cao trình độ của một bộ phận không nhỏ của giáo viên các trường ĐH vào quỹ đạo nâng cao chất lượng giáo dục. Chỉ có một số ít SV khi còn ngồi ghế nhà trường mới nhận ra trình độ của các giáo viên. Nhưng vì quyền lợi của cá nhân nên không dám công khai ý kiến của mình. Còn khi ra trường, tôi tin rằng hơn 50% SV sẽ đánh giá trình độ giáo viên rất thấp, những điều học được trên nhà trường gần như áp dụng rất ít vào công việc.
Khi học ở trường hiện nay, giáo viên có 2 khuynh hướng:
1/ Một số rất ít giáo viên dạy có thể trình độ cao nhưng khi thi hết môn ra đề khó đánh trượt hơn 50% để một phần nâng cao uy tín cá nhân của mình so với đồng nghiệp, một phần vì lý do gì thì chính họ mới hiểu và đây là nỗi ám ảnh của SV.
2/ Khuynh hướng thứ 2 chiếm rất nhiều trong giáo viên hiện nay là việc dạy học rất lơ mơ, nhất là dạy bằng 2 và tại chức. Nhưng để khỏi bị chỉ trích thì khi ra đề thi, gần như cho SV qua để lấy thành tích và thỏa mãn tâm lý của phần lớn SV. So với bộ phận trên thì đây là hậu quả cực kỳ tai hại cho SV khi ra trường nói riêng và nền giáo dục nói chung.
Đánh giá giáo viên theo tôi là cực kỳ cấp thiết đối với việc hội nhập nền giáo dục của Việt Nam với thế giới.
Đối với khuynh hướng thứ nhất, việc đánh giá sẽ giúp giáo viên nhận thức lại chính mình vì phần lớn SV khi ngồi trên giảng đường đều đã phải trải qua kỳ thi tuyển chọn vào ĐH.
Vấn đề đây chính là nằm ở giáo viên. Nếu giáo viên khi chấm thi để hơn 50% hoặc 50% SV đỗ thì giáo viên này nên đi học lại phương pháp truyền đạt của mình.
Còn đối với khuynh hướng thứ 2 thì có lẽ không phải bàn. Trên các phương tiện thông tin đại chúng lâu nay nêu nên hiện tượng học giả bằng thật nhưng lại quên đi một nguyên nhân không nhỏ là lỗi của giáo viên vì kết quả cuối cùng là rất nhiều SV ra trường bằng khá giỏi nhưng không áp dụng được vào thực tế.
Tôi xin có 1 kiến nghị, tôi nghĩ là kiến nghị này sẽ chắc chắn 90% thay đổi nền giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục của Việt Nam hiện nay:
Chuyển tất cả giáo viên kể cả các giáo sư, tiến sỹ sang chế độ hợp đồng. Có như vậy, giáo viên sẽ luôn tự hoàn thiện mình, tránh trường hợp đại đa số có tâm lý ỷ lại đã vào biên chế thì không thể nào đuổi việc được.
Việc này áp dụng cả cho các giáo sư, tiến sỹ vì con người ta không phải lúc nào cũng ở đỉnh cao. Các giáo sư, tiến sỹ của chúng ta có giỏi thì cũng chỉ vào một thời điểm nhất định chứ không thể cả đời giỏi được, hưởng lương cho chức vị ấy cả đời được. Phải để cho lớp trẻ có trình độ lên và hưởng lương theo trình độ và cống hiến của mình tại những thời điểm nhất định. Việc đánh giá giáo viên cũng là một phần để đánh năng lực và cống hiến của giáo viên đó. Còn khi không đáp ứng được nhu cầu thì nên xin sang các trường khác hoặc khoa khác có trình độ phù hợp với mình và hưởng lương theo công hiến của mình.
-
Uông Đỗ Tùng ( 59 ngõ Thông Phong, Đống Đa, Hà Nội. email: ud_tung@...)
Theo dòng sự kiện:
Ý kiến của bạn: