221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
734751
Hành trình vạn dặm của Giáo sư Tuệ
1
Article
null
Hành trình vạn dặm của Giáo sư Tuệ
,

Tháng 6/2005, một tờ báo đưa mẩu tin nhỏ: GS.TS Huỳnh Hữu Tuệ, Việt kiều Canada, đã được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm bộ môn Xử lý thông tin, một bộ môn mới của khoa Điện tử Viễn thông, Trường ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội.

Soạn: AM 626321 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Giáo sư Huỳnh Hữu Tuệ: "Chúng ta sẵn sàng trả 20.000 đôla/năm (học bổng Nhà nước) để gửi một sinh viên Việt Nam ra ngoài học, tại sao ta không dành một phần số tiền ấy để có đủ ngân sách đào tạo ở trong nước mà vẫn ra được tiến sĩ có trình độ cao"

Giáo sư Tuệ trở thành trí thức Việt kiều đầu tiên giữ chức vụ chủ nhiệm một bộ môn tại một trường ĐH ở Việt Nam.

Những chuyến bay tự trả tiền

Tin thì nhỏ nhưng sự việc không nhỏ. Năm 1976, tại một hội nghị về vật lý, Giáo sư Tuệ quen Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, lúc đó đang là Viện trưởng Viện Vật lý. Năm 1999, khi hai người gặp lại, ông Hiệu đang xúc tiến thành lập Trường ĐH Công nghệ, trực thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội.

Ông Hiệu đã tha thiết đề nghị Giáo sư Tuệ tham gia giảng dạy giúp ĐH Quốc gia và sau đó là gây dựng bộ môn Xử lý thông tin cho trường. Lời đề nghị ban đầu: "Tôi trả cho ông tiền ăn ở, tiền lương, tiền máy bay ông tự trả". Tài chính thì chỉ có thế nhưng sự nhiệt tình của ông Hiệu đã làm Giáo sư Tuệ "bị đổ". Năm 2002, ông về giảng dạy ĐH Quốc gia bốn tháng, năm 2004 ông về sáu tháng và năm 2005 ông về tám tháng để đảm đương chức vụ chủ nhiệm bộ môn.

Ông Tuệ kể: "Không có ông Hiệu, tôi không về ĐH này. Hồi năm 2000, khi tôi đưa cả vợ tôi, Carole, về Việt Nam, tuần nào ông ấy cũng đến đón hai vợ chồng tôi đi chơi. Một lần, dù bận họp Trung ương Đảng ông ấy vẫn ra tận phi trường đón vợ chồng tôi. Máy bay trễ tới ba tiếng đồng hồ ông ấy vẫn đợi. Một người như ông Hiệu mà làm được chuyện đó làm cho tôi cảm động. Bà nhà tôi chỉ biết than khổ cho cả chồng lẫn ông Hiệu. Vì bà ấy biết, không chờ ông Hiệu đề nghị ở lại Việt Nam, chồng bà đã chấp nhận rồi".

Cũng vì biết chồng không thể bỏ quê, bà Carole đã lẽo đẽo theo ông về Việt Nam đến cả chục lần.

Mỗi lần về Việt Nam, ông mang theo đủ loại sách. Từ năm 1976 đến nay, tính sơ sơ ông đã "vác" về Việt Nam được trên 1.000 quyển sách quý. Cậu học trò tên Tân vẫn nhớ hôm gọi taxi ra đón thầy ở sân bay Nội Bài, chẳng hiểu vì sao mà thầy chê taxi nhỏ quá. Đến khi ông xách ra vài bao sách, nặng đến 120 ký thì Tân mới vỡ lẽ. May mà hãng hàng không thông cảm chỉ lấy thêm 185 đôla tiền cước.

Ở ĐH Laval (Canada), mỗi năm Giáo sư Huỳnh (tên thường gọi của ông ở Canada) thường giải quyết công việc trong sáu tháng, thời gian còn lại ông... chu du khắp thế giới. Tuy nhiên, trước núi công việc ở Việt Nam, cuối năm 2004, ông đã phải xin nghỉ hưu để dành nhiều thời gian hơn cho Việt Nam. Ông chỉ còn hướng dẫn vài học trò đang làm tiến sĩ.

Rồi tiếp đó là thay cả địa điểm làm việc thường xuyên, "thay" cả thu nhập. Lương của ông ở Canada là 10.000 đôla một tháng, giờ chỉ còn bằng mức lương một giảng viên ĐH của Việt Nam, cộng với 180.000 đồng/ngày để trả tiền cho căn phòng khoảng 20 mét vuông trên tầng ba khách sạn Cầu Giấy và 100.000 đồng tiền ăn mỗi ngày. Từ ngày nhậm chức chủ nhiệm bộ môn, ông được trả thêm tiền vé máy bay. "Một giờ giảng bên kia tối thiểu được trả 100 đôla, ở đây thì khác. Nhưng tôi biết mình đã được đối xử rất tốt so với các đồng nghiệp tại Việt Nam", ông Huỳnh nói.

"Phải lấp đầy ngay những lỗ hổng tri thức..."

Ở tuổi 65, thầy Tuệ trông như mới 50 bởi ông rất nhanh nhẹn, hoạt bát. Ông làm việc trung bình 70 giờ một tuần. Ông còn đi giảng thêm cho sinh viên hoặc nói chuyện với các bạn trẻ về vấn đề học tập, hướng dẫn học trò làm luận án tiến sĩ, nghiên cứu sinh cả thứ bảy, chủ nhật.

Lúc nào cũng có một đám học trò vây quanh nhằm "tận dụng" thầy mọi nơi mọi lúc. Ông vui ra mặt: "Đây là cậu Tân, cô Hồng đang làm tiến sĩ, tay này chuẩn bị bảo vệ luận án thạc sĩ, đây là người yêu nó...". Lễ tân khách sạn Cầu giấy cũng đã quen trả lời: Thầy Tuệ ở tầng ba. "Sở dĩ tôi quyết tâm về lâu dài với ĐH Công nghệ cũng vì chúng nó. Nhiều em xuất sắc, rất ham học và có khát vọng lớn nhưng không có người hướng dẫn, không có điều kiện đi du học".

Ông cho rằng cách giáo dục của Việt Nam có một nhược điểm lớn là không quan tâm đến thế hệ kế thừa. Người ta đang quan tâm đến thành tích Olympic 5, 10, 15, 20 tuổi nhiều hơn việc đào tạo ra ngay tại trong nước những tiến sĩ, thạc sĩ thực sự giỏi và có tâm huyết. Tấm bằng tiến sĩ của Việt Nam có đấy nhưng ít ai dùng vì xã hội chưa coi trọng thực lực của họ, trong thái độ đó có hàm ý là tiến sĩ được đào tạo dỏm.

"Trí thức là tài sản của đất nước. Tôi thấy đúng như ông Võ Văn Kiệt (nguyên Thủ tướng Chính phủ) nói, chất xám của mình đang bị phung phí một cách phi lý không tưởng tượng nổi. Chúng ta đang có lỗ hổng rất lớn về mặt cán bộ nghiên cứu và cán bộ giảng dạy cấp cao. Lỗ hổng về con người mới là vấn đề của cả xã hội", ông thở dài. Thời gian dạy đã đủ để ông nhận xét "Nhiều sinh viên Việt Nam hiện rất lười học, tư duy thụ động, tuy nhiên, vẫn có một số rất xuất sắc, tư duy vững vàng. Nếu làm tốt việc đào tạo và có thầy giỏi thì số này không phải 1% mà là 20-30%".

"Chiến lược gửi người ra ngoài để đào tạo thành tiến sĩ là một chiến lược dài hạn.Chúng ta sẵn sàng trả 20.000 USD/năm (học bổng Nhà nước) để gửi một sinh viên Việt Nam ra ngoài học. Gửi đi 10, sẽ chỉ có 1-2 người về nước ngay để cống hiến. Như vậy lỗ hổng tri thức thật khó lấp đầy theo thời gian... tại sao ta không dành một phần số tiền ấy để có đủ ngân sách đào tạo ở trong nước mà vẫn ra được tiến sĩ có trình độ cao. Cũng phí tổn đó, hoàn toàn có thể đào tạo được 4-5 tiến sĩ mà trình độ tương đương với bên ngoài ?".

GS Tuệ không giấu ý định vẫn định cư tại Canada, nhưng ông tỏ ra rất nặng lòng "Tôi muốn  các bạn trẻ được đào tạo tại Việt Nam có thể trở thành những nhà khoa học ngang hàng quốc tế".

(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,