221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
733533
Đặc cách GS Ngô Bảo Châu: 2 kiến nghị với Thủ tướng
1
Article
null
Đặc cách GS Ngô Bảo Châu: 2 kiến nghị với Thủ tướng
,

Chỉ nên công nhận GS, nhất là dạng đặc cách cho những giảng viên là công dân Việt Nam và đang làm việc tại Việt Nam. Những trường hợp dành thời gian giảng dạy chủ yếu ở nước ngoài, kể cả người còn giữ quốc tịch Việt Nam thì chỉ nên công nhận GS danh dự nếu họ có đóng góp đặc biệt cho sự phát triển giáo dục Việt Nam.

Soạn: AM 626341 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Các GS được công nhận năm 2005 trong buổi lễ trao giấy chứng nhận ngày 13/11 tại Văn Miếu vừa qua (Ảnh: H.A)

Đó là ý kiến của bạn Hoàng Tâm Giao, nghiên cứu sinh ĐH Melbourne, Australia nhân chuyện Hội đồng Nhà nước về chức danh GS đề nghị đặc cách công nhận chức danh GS đối với Ngô Bảo Châu. 

Để rộng đường dư luận về vấn đề công nhận chức danh GS, PGS của Việt Nam hiện nay, VietNamNet đăng tải ý kiến này và mong nhận được ý kiến phản hồi của bạn đọc.

Tôi có dịp học và công tác cùng với hai anh Nguyễn Hữu Đức và Ngô Bảo Châu, một người đã được đặc cách công nhận GS năm ngoái và một người đang được đề nghị đặc cách công nhận GS năm nay. 

Năm 1989, tôi học cùng anh Châu tại một lớp tiếng Anh bằng A buổi tối của ĐHSP Ngoại ngữ. Khi đó, anh còn rất trẻ, vừa đạt HCV Olympic Toán quốc tế tại Australia, còn tôi là giảng viên trường ĐH Tổng hợp 

Với anh Đức, tôi có thời gian cùng công tác ở Đoàn trường ĐH Tổng hợp HN đầu những năm 90. Anh là người giỏi toàn diện, lúc đó vừa là giảng viên Khoa Vật lý vừa là một trong số các Bí thư Đoàn trường xuất sắc (hai người tiền nhiệm của anh là GS.TS Mai Trọng Nhuận, hiện là Phó GĐ ĐHQG Hà Nội và Tiến sĩ Đỗ Quốc Anh, hiện là Chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT).  

Tôi còn nhớ hình ảnh anh Đức nhiều lần lên Văn phòng Đoàn trường tay cầm một phong bì to, trong đó là bài báo sắp gửi cho tạp chí Khoa học Quốc tế. 

Với năng lực khoa học xuất sắc, việc cả hai anh Đức và Châu đều rất sớm thành đạt trong con đường khoa học: anh Đức trở thành GS trẻ nhất của Việt Nam vào năm ngoái còn anh Châu trở thành GS Toán của ĐH quốc tế ở tuổi ngoài 30 là điều không ngạc nhiên. 

GS do trường ĐH quyết định. Tuy nhiên, việc công nhận GS đặc cách thì lại khác.

Để phân tích đúng thực chất của vấn đề, trước hết có thể xem cơ chế và đặc biệt là tiêu chuẩn chính để công nhận GS ở các nước có nền giáo dục tiên tiến mà Nghị quyết đổi mới giáo dục ĐH vừa quyết định hướng theo. 

Về cơ chế, có nhiều điểm khác hẳn với việc phong GS ở VN hiện nay nhưng tôi chỉ nêu vài điểm căn bản.  

Ở các nước này, GS là chức danh khoa học công nhận cho người có trình độ chuyên môn sâu và cao nhất nên Chính phủ không can thiệp cụ thể, mà chỉ định hướng tiêu chuẩn và để các trường ĐH, kể cả trường công lập toàn quyền quyết định số lượng xét duyệt. 

Số GS hay PGS không phải cứ đều đặn tăng hàng năm mà được khống chế ở một tỉ lệ nhất định trong tổng số giảng viên và được trường quyết định theo nhu cầu, khối lượng công việc nghiên cứu, đào tạo của từng bộ môn, trung tâm và khả năng chi trả lương của trường.  

Việc xét duyệt mang tính cạnh tranh cao vì các giảng viên nước ngoài cũng có thể nộp đơn tham dự. Do vậy, GS không phải là danh hiệu ở mọi nơi mọi lúc. Một GS ở trường này nếu hết hợp đồng sang trường khác có thể chỉ là PGS. 

Tiêu chuẩn chính hay điều kiện cần để được phong GS không phải số năm giảng dạy đủ dài từ khi có bằng TS đến PGS, rồi từ PGS đến GS như ở Việt Nam hiện nay mà trước hết là số lượng và đặc biệt chất lượng công trình (tức số bài báo hay sách được đăng, xuất bản ở những tạp chí chuyên ngành, nhà xuất bản uy tín thế giới). Đó là một trong hai lí do chính khiến độ tuổi trung bình của GS các nước này thấp (lí do kia là điều kiện nghiên cứu tốt).

Điều kiện đủ là người được công nhận GS phải công tác hay phục vụ cho cơ sở đào tạo đã công nhận mình. Còn trường hợp công nhận GS danh dự thì khác. 

Tôi không được đọc cụ thể qui chế công nhận GS của Việt Nam, nhưng từ tiêu chuẩn của các trường tiên tiến nói trên mà giáo dục ĐH VN đang hướng tới, rõ ràng việc phục vụ tại nơi đã công nhận GS cho mình nên là một tiêu chuẩn chính yếu bắt buộc 

Do vậy, dù hiện nay, cấp công nhận GS ở VN khác với các nước tiên tiến, vẫn không thể bỏ qua nguyên tắc chính vừa nêu, tức người được Chính phủ VN công nhận GS phải có phần lớn thời gian giảng dạy nghiên cứu tại một cơ sở đào tạo trong nước. Qui định này sẽ có tác dụng lớn là động viên khuyến khích giảng viên VN đang ở trong nước phấn đấu, còn đang ở nước ngoài quay về nước làm việc.  

Từ sự phân tích đó, tôi nghĩ việc anh Nguyễn Hữu Đức được đặc cách bỏ qua tiêu chuẩn thời gian từ khi được công nhận PGS là hoàn toàn đúng mức. Bởi, qui định cứng nhắc này không phản ánh thực chất năng lực nghiên cứu, trái với các nền giáo dục tiên tiến, nên có thể bỏ qua theo xu hướng cải cách giáo dục.

Với trường hợp anh Châu, đang là giảng viên full-time của một trường ĐH nước ngoài thì việc công nhận danh hiệu GS VN đặc cách có thể phạm vào nguyên tắc chính hoặc lại phải đặc cách quá nhiều tiêu chuẩn do vậy không nên làm.  

Nếu lý do là công nhận để tôn vinh tài năng hơn hẳn hay “quá giỏi” càng thừa vì họ đã khẳng định điều đó bằng vị trí  làm việc tại các trường ĐH danh giá ở các nước có nền giáo dục, khoa tiên tiến hơn VN nhiều. 

Nếu công nhận cho anh Châu, tại sao không công nhận cho nhiều GS hay PGS gốc Việt khác cũng rất giỏi và đang làm việc tại các nước tiên tiến? 

Tóm lại, nếu công nhận GS đặc cách như vậy chỉ càng khuyến khích trí thức VN ở lại làm việc nước ngoài bởi sau đó, họ sẽ vẹn cả đôi đường. 

Hai kiến nghị với Thủ tướng 

-  Chỉ công nhận GS, nhất là dạng đặc cách cho những giảng viên là công dân VN và đang làm việc tại VN. Những trường hợp dành thời gian giảng dạy chủ yếu ở nước ngoài, kể cả người còn giữ quốc tịch Việt Nam thì chỉ nên công nhận GS danh dự nếu họ có đóng góp đặc biệt cho sự phát triển giáo dục VN. 

-  Chỉ đạo triển khai nhanh chóng cụ thể thực hiện Nghị quyết đổi mới giáo dục ĐH mà Chính phủ vừa ban hành, trong đó có việc chuyển phong chức danh khoa học về các cơ sở nghiên cứu khoa học và đào tạo. Chính phủ chỉ nên yêu cầu các trường (đặc biệt các trường trọng điểm được tài trợ nghiên cứu lớn từ Ngân sách Nhà nước) đưa tiêu chuẩn các công trình nghiên cứu đăng trên các Tạp chí Khoa học có uy tín của khu vực và thế giới làm bắt buộc. 

Tăng chất lượng và đẳng cấp theo chuẩn quốc tế của GS, PGS đang phục vụ chủ yếu cho nền giáo dục VN mới là mục đính chính của cải cách giáo dục VN chứ không phải giảm độ tuổi. Ngay cả với cơ chế hiện nay, GS có thể về hưu muộn hơn những người khác ít nhất 5 năm và các trường với quyền tự chủ trong tương lai nhiều khả năng sẽ mời các GS làm việc đến 70 tuổi như các nước tiên tiến.

  • Hoàng Tâm Giao (nghiên cứu sinh ĐH Melbourne, Australia)

Ý kiến của bạn về chuyện công nhận chức danh GS, PGS ở Việt Nam:

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,