(VietNamNet) - Du học bằng học bổng: hàng nghìn du học sinh có thể phù hợp với miêu tả này. Có bằng PhD ở tuổi 25: hàng trăm người trẻ cũng có niềm tự hào tương tự. Đạt Huy chương Đồng Olympic quốc tế khi lớp 11: cũng phải có đến hàng chục nhân vật như thế. Nhưng, vẫn còn nhiều điều khác để nói về Nguyễn Thúc Dương, kỹ sư của British Telecommunications (BT), hãng viễn thông lớn nhất Anh quốc.
Kỳ 1: Vũ Đình Hoà: Người gắn bó với Olymic Toán quốc tế
Kỳ 2: Phan Thị Hà Dương: Về nước là điều tất nhiên
Dương (ngoài cùng bên trái). Đây là ảnh đội tuyển HSG Toán lớp 5, thành phố Hà Nội (năm 1990). 7 năm sau, trong này có 1 HCV, 3 HCB Toán quốc tế, 1 HCĐ Tin quốc tế. |
1. Tại hội thảo quốc tế lần thứ 6 về thương mại điện tử (Sixth International Conference on Electronic Commerce - ICEC04) ở Hà Lan năm 2004, giải báo cáo xuất sắc nhất đã thuộc về một sinh viên trẻ 24 tuổi. Ở đây, cậu sinh viên này trình bày một giải pháp mới để đảm bảo kết quả của những cuộc giao dịch tự động trên máy tính.
Đó là Nguyễn Thúc Dương, nghiên cứu sinh Tiến sỹ ngành Trí tuệ nhân tạo của ĐH Southampton, một trong Top 5 ĐH ở Anh trong lĩnh vực khoa học máy tính.
Một năm sau, dưới sự hướng dẫn của giáo sư Nick Jennings - một tên tuổi nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo, Dương bảo vệ xuất sắc luận văn tiến sỹ và được nhận về làm ở bộ phận nghiên cứu và phát triển của BT.
BT là công ty viễn thông hàng đầu của Anh chịu trách nhiệm về toàn bộ hệ thống hạ tầng viễn thông của nước này. BT đang có một kế hoạch lớn: Đầu tư gần 20 tỷ đô la, từ nay đến năm 2010 để thay thế công nghệ điện thoại đã lạc hậu của Anh sang công nghệ cao.
Trở thành một mắt xích trong kế hoạch này, Dương rời Soton, quê hương của con tàu Titanic mà cậu đã gắn bó trong 3 năm để chuyển về Ipswich, một thành phố ven biển thanh bình, nơi đóng đô của bộ phận nghiên cứu của BT.
Đội bóng ĐH Southampton tại SVUK Cup lần 2 (năm 2004) |
2. Là con trai duy nhất của một giảng viên khoa Hoá, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) và một cán bộ ngành Điều khiển học, Viện Khoa học Việt Nam nên Dương được thừa hưởng trí thông minh và một nền giáo dục tương đối tốt. Những năm học chuyên ở trường cấp 2 Trưng Vương và cấp 3, khối chuyên ĐH KHTN Hà Nội là môi trường xúc tác cho những tố chất này.
Lần đầu tiên Dương biết đến máy tính là cuối năm lớp 6, khi cùng 2 cô bạn chuyển từ trường Trưng Nhị sang Trưng Vương và phải đi học thêm vì ở trường mới có môn này. Những khái niệm cơ bản như GW Basic và Turbo Pascal được tiếp thu theo kiểu "vịt nghe sấm".
Nhưng môn học mới lạ này dần trở nên cuốn hút đến mức năm lớp 8 hầu như ngày nào cũng phải lượn ra Lý Thường Kiệt thuê máy. Cứ 2000 đồng/tiếng ở thời điểm mà 300-500 đồng một cái bánh mì cho đến khi được sở hữu chiếc máy đầu tiên của mình nhờ tiền vay mượn thêm của mẹ (hồi ấy giá máy đắt hơn nhiều so với bây giờ).
Cũng như hàng nghìn tên con trai khác, hồi đầu biết máy tính Dương chủ yếu dùng thời gian vào việc chơi trò chơi, sau thì thử táy máy viết chương trình và càng ngày càng mê... Giải nhất cuộc thi Tin học trẻ thành phố năm lớp 10 với phần mềm soạn thảo tiếng Việt trên DOS là mở đầu cho một loạt thành tích Tin học sau này.
Đội tuyển Việt Nam tại IOI 96 tổ chức ở Vezprem, Hungary |
3. Kể về kỳ thi HSG Tin quốc tế năm 1996, Dương cho rằng mình gặp may khi đúng ngày thi chọn đội tuyển thì đối thủ chính, Bùi Quang Minh, một cậu bạn cùng lớp 11 Tin chuyên Tổng hợp không may bị quai bị. Sự "may mắn" này đã nhường Dương 1 suất trong 4 đại diện Việt Nam "đem chuông đi đánh xứ người".
Olympic Tin quốc tế (IOI: The International Olympiad in Informatic) ra đời năm 1989 do đề nghị của UNESCO. Kỳ thi đầu tiên có 13 nước tham dự, hiện tại IOI thường thu hút hơn 70 nước. Đến nay, Việt Nam tham gia trọn vẹn cả 17 kỳ IOI. |
Cảm giác lần đầu tiên xuất ngoại là vừa vui vừa sợ. Đất nước Hungary rất đẹp và thơ mộng nhưng mọi sự không đơn giản và thơ mộng với đội tuyển. Món truyền thống là mì tôm được mang theo nhưng không có đồ để nấu và mấy cậu học trò sáng tạo phải cưa đôi chai Coca để làm đồ đựng.
Câu chuyện vui của một bác bên Bộ Giáo dục trước ngày tiễn đoàn lên đường "đêm qua ngủ mơ thần báo mộng đoàn Việt Nam được 4 HCV, đập chết đoàn Trung Quốc" làm cả hội cười thoải mái vừa đỡ áp lực vừa được khích lệ tinh thần.
Những giờ thi căng thẳng, giây phút báo kết quả hồi hộp, những hoạt động giao lưu hết mình như đá bóng, ném đĩa..., không khí nhộn nhịp trong đêm lửa trại, hát hò... với Dương là những ấn tượng không phai trong thời học sinh.
Lần đầu vinh dự đại diện đất nước đi thi, lần đầu lúng túng chui người vào một bộ com-lê, lần đầu bập bõm dùng tiếng Anh để giao tiếp, và lần đầu biết lang thang tìm mua một món quà để về tặng cô bạn gái thân thiết... Vậy mà đã 10 năm.
Dương trong ngày nhận bằng tốt nghiêp ĐH |
4. Vào thẳng ĐH, ngồi chưa ấm chỗ ở vị trí lớp trưởng lớp trưởng lớp CNTT K42, ĐH KHTN Hà Nội, Dương nhận được học bổng AusAid sang du học tại trường ĐH Wollongong, Australia.
Ba năm ở Australia, ngoài bằng cử nhân xuất sắc chuyên ngành An ninh hệ thống, Dương còn kịp thêm vào bộ lý lịch của mình các giải thưởng Ross Nelon, Pearson Education dành cho SV có điểm trung bình cao nhất trong năm, 1 thành viên trong đội tuyển của trường đứng ở Top 5 trong cuộc thi lập trình giữa SV các trường ĐH Australia và New Zealand và chứng nhận đai xanh Teakwondo.
Cho đến giờ, Dương vẫn coi thời gian sống ở Australia là giai đoạn thú vị nhất trong đời du học của mình. Kỷ niệm đong đầy là những đêm thức thâu đêm để chơi... game, những buổi chiều đá bóng, đá cầu và những chuyến dã ngoại cuối tuần trong khung cảnh mênh mông và thanh bình của xứ sở Kangaroo.
Sang Anh, Dương làm nghiên cứu tiến sỹ về giao dịch tự động và những vấn đề liên quan. Lĩnh vực này có ứng dụng rất tốt trong những môi trường thương mại điện tử. Đây là thời gian tích luỹ kinh nghiệm hữu ích cho công việc tại BT bây giờ.
Lang thang trong một lễ hội đường phố ở Venise, Italia |
5. Một ngày làm việc của Dương đều đặn như được lập trình: Sáng dậy 8h20, chuẩn bị ăn uống - 9h lái xe đi làm - 17h30 về nhà - khoảng 18h30 nấu cơm. Thời gian rảnh buổi tối xem tivi, chat chit với bạn bè hoặc dành cho những thú giải trí quen thuộc: chơi billard, tennis và những trận đá bóng với đồng nghiệp. Cuối tuần thường vi vu tới các vùng lân cận gặp gỡ bạn bè hoặc thỉnh thoảng xả hơi tại các sân golf.
Những kỳ nghỉ Hè, nghỉ Đông... được lấp đầy bằng các cuộc vi vu đó đây. Tất cả được ghi trên website riêng tự thiết kế www.duongnt.net như một kiểu hồi ký bằng hình ảnh về những chặng đường đã qua.
Chẳng quá đình đám như nhiều người trẻ được giới truyền thông chăm bẵm, sở hữu một cuộc sống lành mạnh, Dương là một kiểu sống của lớp trẻ mới: Biết lập thân và tận hưởng cuộc sống - Sớm thành công nhưng khiêm tốn và có cả một tương lai rộng mở phía trước.
10 năm, HC quốc tế chỉ là bước khởi đầu.
- Hoàng Lê
Kỳ 4: Ngô Bảo Châu: Mong một cơ sở đào tào Toán bậc cao ở Hà Nội
Ý kiến của bạn: