VietNamNet) - Bộ trưởng Giáo dục khá chủ động "đón trước" được những câu hỏi của đại biểu với nhiều câu trả lời tưởng như "kín kẽ". Tuy nhiên, vẫn bị Chủ tịch Quốc hội "bắt giò".
>>Mời quý vị góp ý về chất lượng trả lời chất vấn tại đây
Trước phiên trả lời chất vấn của các Bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đề nghị thử nghiệm "cải tiến trả lời chất vấn":
Các đại biểu cần suy nghĩ câu chất vấn và chọn câu có chất lượng nhất để hỏi trước. Người bị chất vấn có 20 phút để trả lời chất vấn tại hội trường, và sau đó có 40 phút để trả lời những câu hỏi đại biểu chưa hài lòng"."Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ lại định ra mức học phí 900.000 đồng..."
20 phút trong khuôn khổ cho phép giải trình những chất vấn "nổi cộm", Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển dành phần lớn thời gian cho câu chuyện học phí gây "sốc" cho dư luận thời gian qua. Vài phút còn lại là thời gian trình bày hướng phát triển của giáo dục đồng bằng sông Cửu Long.
Với sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng thể hiện trong khẩu khí mạnh mẽ và hùng hồn, Bộ trưởng Hiển dẫn ra 3 cơ sở chính đề điều chỉnh học phí, từ nghị quyết của Đảng, Nhà nước, tới luật Giáo dục mới, và đặc biệt là sự lạc hậu của chính sách học phí từ năm 1998 sau 7 năm thực hiện.
19 chất vấn trả lời bằng văn bản |
Những câu hỏi của 19 đại biểu Quốc hội gửi trước phiên chất vấn xoay quanh các nội dung: đề án điều chỉnh học phí, giáo dục đồng bằng sông Cửu Long, ngân sách giáo dục, chương trình, sách giáo khoa, thiết bị dạy học, chất lượng giáo dục, đề án đào tạo cán bộ ở nước ngoài và một số vấn đề khác. |
Bộ trưởng cũng trình bày kỹ càng mục đích của việc sửa đổi này nhằm đạt 4 mục tiêu: tăng nguồn lực cho giáo dục, cùng với nguồn lực nhà nước, phải huy động nguồn lực khác; làm tốt công bằng trong xã hội; tính toán tất cả các nguồn thu trong nhà trường chỉ vào khoản học phí chấm dứt lạm thu và cuối cùng là mục tiêu dùng chính sách học phí kết hợp với học bổng để điều chỉnh các học phí.
"Về con số gây sốc 900.000 đồng học phí ĐH mỗi tháng, "trước khi trình bày lý lẽ", Bộ trưởng Hiển xin phép Quốc hội "trình bày tâm tư: "Chúng tôi là cán bộ quản lý, vừa là giáo viên nên hiểu được trăn trở của HSSV, một trong những trăn trở lớn nhất là kinh phí. Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ lại đinh ra mức học phí 900.000 đồng. Trong đầu tôi, chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ đề xuất Chính phủ sẽ tăng học phí ĐH lên gấp 5 lần. Giả sử có ý nghĩ đó cũng không được phép! Vì Quốc hội không cho phép, dân không cho phép. Không một logic nào có thể hình dung ra việc đó".
Ông Hiển giải thích con số 900.000 chỉ là trường hợp đặc biệt.Không tăng học phí trong năm học này, nhưng Bộ GD-ĐT sẽ đề nghị Chính phủ sửa đổi quy định về cơ cấu chi từ nguồn học phí và cho phép trích một phần ngân sách để bổ sung cho quỹ tín dụng đào tạo. Qua đó, tạo điều kiện cho sinh viên vay tiền từ quỹ này để trang trải chi phí học tập.Đại biểu Triệu Thị Bình hỏi về căn cứ, cơ sở tăng học phí...sau khi Bộ trưởng GD đã dành tới gần 20 phút để "thuyết trình" cho câu chuyện này. |
Sự giải thích, về lý lẽ, khá chặt chẽ đến cái mức hầu như không còn chất vấn nào về học phí tiếp sau đó (ngoại trừ chất vấn của đại biểu Triệu Thị Bình - Yên Bái được Chủ tịch Nguyễn Văn An đã nhắc nhở rằng câu hỏi này...thừa).
40 phút "đối mặt" với các chất vấn của 8 đại biểu đã được Bộ trưởng Giáo dục xử lý không mấy khó khăn với nhiều câu trả lời đón trước được nội dung.
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Vy (Sơn La) hỏi tới 2 câu hỏi mà theo nhận xét của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An là vẫn hiền lành". Đại biểu Lê Thị Kim Dung thay vì đi thẳng vào vấn đề cần hỏi lại lan man trình bày một số nội dung của GD ĐBSCL.Tinh thần "hỏi hóc, hỏi khó" giáo dục của hai đại biểu Nguyễn Lân Dũng và Nguyễn Ngọc Trân lại chưa thấy phát huy như thông lệ.
Ông Nguyễn Lân Dũng mang lại câu hỏi mà lần trước ông đã nêu để nhận lại câu trả lời cũng hao hao lần trước (sự phối hợp giữa Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam với Bộ GD-ĐT trong chuyện làm chương trình và sách giáo khoa). Đại biểu Nguyễn Ngọc Trân gay gắt quá đà nên vô hình chung lại đẩy câu hỏi vốn sắc sảo thành "khuyên bảo" (khiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An nhắc nhở "đại biểu chất vấn chứ không phải khuyên") để rồi nhận được câu trả lời khá chung chung (đại biểu Trân hỏi và khuyên "Bộ trưởng nên bình tĩnh, có số liệu và dự báo khi làm một dự án nào đó, chứ còn bằng tình cảm, nhiệt tình để sửa đổi...thì đồng chí còn đi từ vấp váp này sang vấp váp khác...").
Chủ tịch "bắt giò"
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội (CT) Nguyễn Văn An cũng đã "bắt giò" một số câu trả lời chưa rõ ràng của Bộ trưởng (BT) Giáo dục. Đó là khi "xoáy" vào các chi tiết cụ thể.
Tình huống 1: Không nhớ là trình năm nào
ĐB Nguyễn Thị Hồng Vy (Sơn La): "Chế độ làm việc 40 giờ/tuần đối với giáo viên (GV) trực tiếp giảng dạy mà chúng tôi kiến nghị là giảm giờ dạy định mức, giảm giờ dạy tiêu chuẩn. Trong khi công chức, viên chức các đơn vị hành chính sự nghiệp đều được nghỉ ngày thứ 7, nếu làm việc sang ngày thứ 7 thì được hưởng 150 - 200% mức lương ngày thường. Điều này không công bằng với đội ngũ GV, nên chúng tôi đề nghị sửa đổi ngay quyết định 243 và quyết định 1712 về quy định chế độ làm việc của GV phổ thông và ĐH, CĐ.
Vấn đề nữa là trong văn bản trả lời của Bộ trưởng có ghi "Bộ GD - ĐT và Bộ Nội vụ đã nghiên cứu để thay đổi định mức lao động, biên chế giáo viên trên lớp với những nội dung rất cụ thể..." Đây là câu trả lời không có gì mới so với kỳ họp thứ VII và những kỳ trước đó. Vậy đề xuất của Bộ tại sao không được chấp nhận? Trách nhiệm thuộc về ai?
BT Nguyễn Minh Hiển: Chế độ làm việc 40 giờ tuần đối với ngành GD đúng đã đặt ra từ năm 1999. Bản thân ngành cũng như các địa phương rất cố gắng cho nên một số địa phương thực hiện tương đối tốt vấn đề này.
Còn việc tính toán định mức thế nào về giờ giảng của GV,quả tình là việc không chỉ mình ngành GD có thể làm được. Thành thử chúng tôi cũng đã phối hợp với các đồng chí ở Bộ Nội vụ để ngồi tính lại định mức cho GV. Tuy nhiên, hiện nay mới ở trong gia đoạn bàn thảo và cũng chưa giải quyết được việc này ngay. Kể cả việc tính định mức cho GV dạy 2 buổi/ngày.
Còn trách nhiệm thì trước hết là của ngành chúng tôi. Có lẽ cũng chưa thật tích cực, chủ động ...Tuy nhiên ngành Nội vụ cũng nên chia sẻ với chúng tôi một chút trách nhiệm trong việc này.
ĐB Hồng Vy: Bộ trưởng nói chờ Bộ Nội vụ. Nhưng thực ra khi xem trong Nghị định 71 thì tôi thấy, khi Bộ đề xuất lên thì Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu để ban hành văn bản. Trong nội dung trả lời của Bộ trưởng cũng đã có quy định những nội dung rất cụ thể. Vậy tại sao vẫn chưa đề xuất tới Bộ Nội vụ? Chúng tôi đề xuất giảm định mức cả bậc ĐH, CĐ nhưng trong văn bản trả lời chỉ đề cập đến cấp THPT
...BT Nguyễn Minh Hiển: Ngay trong quá trình đặt câu hỏi thì ĐB đã trả lời giúp tôi rồi. Tức là, chúng tôi đã chuẩn bị khá đầy đủ, chi tiết...Giờ chỉ còn bàn bạc giữa hai bên để sớm ban hành văn bản đó...
CT Nguyễn Văn An: Giữa hai bên là bên nào?
BT Nguyễn Minh Hiển: Giữa ngành GD và ngành Nội vụ, để xem xét về biên chế về định mức GV. Tất nhiên, đây là vấn đề nhạy cảm vì động đến 1 triệu GV. Khi xét về biên chế, định mức, vấn đề tiền lương cũng phải cân nhắc, làm sao để giải quyết tổng thể vấn đề một bài toán chung về biên chế, tiền lương...Chứ riêng ngành GD chắc không làm nổi..
Khi "giò" bị bắt sai.. |
Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Nguyễn Văn An nhận định động thái "rút đề án" điều chỉnh tăng học phí của Bộ GD-ĐT là "vội vàng". Bởi, có những ý kiến góp ý không hẳn là xác đáng. Lẽ ra, Bộ nên tiếp tục chỉnh sửa thay vì "rút". Tuy nhiên, sau 20 phút giải lao, trở lại với phiên chất vấn Bộ trưởng tiếp theo, Chủ tịch "xin lỗi" vì bắt giò sai, bởi đề án điều chỉnh học phí mới là dự thảo, chưa phải là chính sách nên nói rằng "rút lại là chưa chính xác". |
CT Nguyễn Văn An: Tôi xin phép được hỏi xen vào, kể ra thì điều hành không được hỏi (cười). Bộ GD - ĐT đưa đề án trình Bộ Nội vụ xem xét từ năm nào?
BT Nguyễn Minh Hiển: Thời gian thật cụ thể thì chúng tôi cũng không nhớ được. Nhưng ngay sau năm 1999 có Nghị định của Chính phủ về vấn đề này thì chúng tôi đã bàn với Bộ Nội vụ. Nhưng bản cuối cùng, phương án cuối cùng thì chúng tôi xin báo cáo là không nhớ cụ thể.
CT QH Nguyễn Văn An: Lần cuối cùng là bao giờ? Kể ra không được hỏi nhưng thấy chị Hồng Vy cũng hiền quá (cười) là từ năm 1999 đến bây giờ mà hai bên chưa trình được với Chính phủ phương án. Sau 6 năm, như thế là sớm hay quá muộn?
BT Nguyễn Minh Hiển: Trong thời gian đó cũng không phải hoàn toàn không làm gì. Nhưng giải quyết tổng thể thì đúng là từ năm 1999 chưa giải quyết được triệt để. Một số địa phương thì cũng đã thực hiện từng bước còn phạm vi cả nước thì chưa làm được.
Tình huống 2: SV cam kết với nhà trường, nhưng nhà trường do ai quản lý?
ĐB Vũ Thị Huệ: Gần đây có báo đưa tin: Đối tượng được miễn học phí được mở rộng ra 100% hệ chính quy sư phạm, với cam kết, sau khi ra trường giáo sinh sẽ làm việc trong ngành Giáo dục, nhưng sau 7 năm thực hiện, Bộ Giáo dục vẫn chưa phân công như đã cam kết với sinh viên?
Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển: Chắc là chưa phân công được. Có lẽ, vấn đề lớn hiện nay là không có biên chế. Bộ trưởng không thể phân công công việc cho giáo viên được. Đã có rất nhiều anh chị em ra trường tìm được việc làm, còn ở vùng nông thôn thì khó hơn.
ĐB Vũ Thị Huệ: Khi vào trường SV đã có cam kết với Bộ, sau khi ra trường, SV sẽ được phân công công việc, nhưng sau khi ra trường, cam kết đó không được thực hiện?
BT Nguyễn Minh Hiển: Bộ trưởng không cam kết chuyện đó, nhưng khi vào trường, SV có cam kết thật. Chúng tôi sẽ suy nghĩ tiếp.
CT Nguyễn Văn An: Đúng là sinh viên cam kết với nhà trường chứ không phải với Bộ GD, nhưng nhà trường do ai quản lý?
BT Nguyễn Minh Hiển: (cười) Đúng là có vấn đề đó, nhưng tỉnh không có biên chế. Ở đây, phải xem xét bài toán sức ép biên chế.
CT Nguyễn Văn An: Bộ trưởng nên có hướng dẫn cho các tỉnh. Đã có cam kết thì phải thực hiện.
- Kiều Oanh - Phan Công - Hạ Anh (lược thuật)