(VietNamNet) - "Tôi mong muốn xây dựng được một cơ sở đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ trong ngành Toán lý thuyết và ứng dụng ở Hà Nội. Cơ sở này tổ chức theo hình thức các graduate school trong các trường ĐH lớn phương Tây, SV có thể được trang bị các kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu và có thể theo học các bài giảng của các nhà Toán học có uy tín. Nhiều nhà Toán học Mỹ, Pháp sẽ sẵn sàng tham gia giảng dạy trong một cơ sở như vậy".
GS Ngô Bảo Châu bày tỏ trong cuộc trò chuyện với VietNamNet.
Kỳ 1: Vũ Đình Hoà: Người gắn bó với Olymic Toán quốc tế
Kỳ 2: Phan Thị Hà Dương: Về nước là điều tất nhiên
Kỳ 3: Nguyễn Thúc Dương- Huy chương Olympic chỉ là bước khởi đầu
Đội tuyển IMO Việt Nam (Ngô Bảo Châu đứng thứ 3 từ trái sang) |
- Chúc mừng anh được đề nghị đặc cách công nhận GS. Cảm giác của anh khi nhận được tin này? Trước đó, anh phải thực hiện thủ tục gì không?
Cảm ơn, tôi cảm thấy rất vui và tự hào.
Cuối năm 2004, khi các anh ở viện Toán có gợi ý tôi làm đơn đề nghị công nhận chức danh GS, tôi cũng hơi đắn đo. Về phương diện thuần tuý khoa học, tôi không nghĩ là mình không xứng đáng, nhưng về phương diện đào tạo thì tôi chưa có đóng góp gì nhiều.
Sau khi suy nghĩ kỹ, tôi đã gửi cho các anh ấy đơn vì tin rằng việc được công nhận GS sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn trong các kế hoạch công tác nghiên cứu và đào tạo của tôi trong tương lai ở VN.
- Tức là anh sẽ về Việt Nam làm việc?
Tôi hy vọng thời gian tới sẽ về công tác đều đặn ở Viện Toán học. Tôi sẽ sắp xếp công việc ở Paris 11 để có thể về Hà Nội mỗi năm 1 đến 2 tháng, hy vọng là nhiều hơn nữa trong tương lai.
Giáo sư ở VN giống Viện sỹ ở Pháp
Ngô Bảo Châu cùng mẹ, PGS Trần Vân Hiền và Giáo sư Henri Regemorter |
- Có người cho rằng, quan trọng không phải là trẻ hoá độ tuổi phong GS, mà là nâng cao chất lượng PGS, GS Việt Nam. Anh có đồng tình với ý kiến này?
Tôi nghĩ việc phong chức danh GS là cần thiết. Với hình thức này, nhà nước công nhận một cách chính thức thành quả của một sự nghiệp KH. Làm việc có danh chính ngôn thuận, chức danh rõ ràng vẫn hơn.
Nhưng một mặt khác, vì nó là chức danh, chứ không phải chức vụ cụ thể, nên việc phong ai, già hay trẻ, tôi không nghĩ là sẽ ảnh hưởng nhiều đến sự tiến bộ của giáo dục ĐH.
1993, Bảo Châu bắt đầu làm việc với ông Gérard Laumon. Ông hướng dẫn anh luận văn thạc sỹ, rồi luận án tiến sỹ với đề tài “Bổ đề cơ bản của Jacquet”, khá gần với “bổ đề cơ bản của Langlands” mà trường hợp đặc biệt là nhóm unita. Khi xong luận án, anh làm việc trên một số bài toán khác và có một số thành công. Sau đó, một số nhà Toán học uy tín khuyên anh nên quay lại với bổ đề cơ bản của Langlands. Sau 2 năm, anh thực hiện được một bước tiến rõ rệt vào hè năm 2003 trong thời gian ở HN. Những tháng tiếp theo, kết hợp với một số kết quả ông Laumon thu được trước đó, 2 thầy trò hoàn thành chứng minh bổ đề cơ bản cho nhóm unita. |
Ở các nước phương Tây, chức danh GS không thuần tuý danh dự như ở nước mình, mà là một chức vụ đi kèm với một số trách nhiệm và quyền lợi cụ thể.
Chức danh này không do một hội đồng cấp nhà nước xét, mà HĐ khoa học của khoa trực tiếp chọn. Thường thì việc lựa chọn này rất gay gắt vì tương lai của một khoa, một trường phụ thuộc nhiều vào việc có tuyển được GS giỏi hay không. Danh tiếng của khoa, trường cũng phụ thuộc vào thành tích khoa học của các GS và giảng viên.
Cách phong GS ở VN hơi giống với việc phong Viện sĩ ở Pháp. Ở Pháp, Viện sĩ là một chức danh có tính chất danh dự. Thường thì tuổi trung bình của các Viện sĩ tương đối cao. Tất nhiên là ta khó có thể so sánh mặt bằng chung của GS VN với Viện sĩ Pháp trên phương diện khoa học.
- Phần việc quan trọng của các PGS, GS là nghiên cứu khoa học. Nhưng, có quá nhiều dư luận rằng việc NCKH của nước ta không hiệu quả. Có kinh nghiệm ở một môi trường thuận lợi hơn, anh có đóng góp ý kiến về việc này?
Theo tôi biết, chuyện làm đau đầu những người tâm huyết với giáo dục ĐH là việc tuyển chọn cán bộ trẻ. Liệu ta có tuyển được những người ưu tú nhất, sẽ là bộ mặt giáo dục ĐH Việt Nam trong 10 năm nữa hay không.
Hiện tại, giảng viên ĐH thường không nghèo, có nhiều người còn khá giàu, nhưng để được như vậy họ phải dạy thêm khá nhiều và trong điều kiện đó khó đòi hỏi ở họ một công tác KH nghiêm túc.
Nếu ta không định lôi kéo những người ưu tú nhất bằng lương thì trước mắt cần tạo cho họ một điều kiện làm việc đủ tốt. Tôi không bàn đến những ngành KH thực nghiệm cần thiết nhiều loại thiết bị thí nghiệm, chắc vấn đề này còn nhức đầu hơn nhiều. Nhưng các ngành KH lý thuyết như Toán cũng cần các trang bị tối thiểu là một phòng làm việc yên tĩnh, một máy tính nối mạng ổn định, và một thư viện chuyên môn.
Theo như tôi biết, ở Hà Nội chỉ có đúng một thư viện Toán nằm ở Viện Toán, ở các trường thì hầu như không có hoặc có thì rất nghèo nàn. Các cán bộ giảng dạy không có phòng làm việc, chỉ có một phòng sinh hoạt chung tương đối náo nhiệt, không thể làm việc được.
Trong xây dựng cơ sở hạ tầng, phải chăng ta đã ưu tiên vào những chỗ mang tính hình thức mà bỏ qua những cái có thể cải thiện điều kiện làm việc.
Say sưa với việc tìm những chân trời mới
Báo cáo thành tích sau giải Nhất Toán quốc tế |
Chương trình này có mục đích tầm xa là thống nhất lý thuyết số, hình học đại số vá lý thuyết biểu diễn.
- Nó có ứng dụng gì trong Toán học hiện đại, mở rộng hơn là ảnh hưởng gián tiếp trong cuộc sống?
Một bộ phận lớn của Toán lý thuyết không phát triển theo những đòi hỏi thực tế của cuộc sống mà theo các đòi hỏi nội tại của nó. Không phải vì thế mà nó hoàn toàn tách rời khỏi đời sống thực tế.
Các vệ tinh khó mà phóng được nếu ta không giải được các hệ phương trình rắc rối xác định quĩ đạo của nó. Hay như để nén thông tin, nén ảnh cũng phải nhờ đến những thuật toán toán học. Hoặc cách google xây dựng database của họ để giúp ta có thể tìm được đủ loại thông tin trên mạng cũng là một thuật toán.
Có những người biết cách sử dụng những kiến thức đã có để ứng dụng vào thực tế và có những người khác say sưa hơn với việc tìm những chân trời mới.
Nhiều người đang kỳ vọng anh sẽ đoạt được giải thưởng Fields (được coi là giải Nobel của Toán học, dành cho các nhà Toán học tuổi dưới 40). Năm nay, anh 33, anh có nghĩ mình đủ thời gian đạt được điều này?
Tôi nghĩ người làm khoa học không có mấy ai làm việc để mong đoạt một giải thưởng.
"Làm khoa học không được gián đoạn"
- Khoa học cơ bản, nhất là Toán không phải là con đường dễ dàng và dễ giàu. Nhiều tài năng Toán đã chuyển sang những hướng đi khác. Anh có tâm sự gì với lớp đàn em giỏi Toán cũng ấp ủ khát vọng này?
Tôi nghĩ việc nhiều cựu HSG Toán chuyển sang các ngành nghề khác không hẳn là chuyện đáng buồn mà nên vui vì hầu hết họ đều thành công. Có hơi buồn một chút ít là khi nghĩ về quá khứ, có một số anh chị phải bỏ Toán vì họ không có lựa chọn nào khác. Sự khắc nghiệt của cuộc sống bắt họ phải từ bỏ ham mê khoa học.
Nếu có một tâm sự với các bạn trẻ hơn, tôi chỉ xin nhắn là các bạn may mắn hơn nhiều lớp đàn anh vì các bạn có lựa chọn. Đúng là khoa học không phải là con đường dễ dàng và dễ giàu, nó là một con đường chông gai, nên cần có đủ niềm tin và say mê để lựa chọn con đường này. Đổi lại, phần thưởng sẽ là những cảm xúc, những chân lý mà bạn sẽ khó đến gần nếu chọn một con đường khác.
- Theo ý kiến riêng của anh thì trong 30 năm qua, Toán học Việt Nam có thành tựu gì đáng kể? Và triển vọng trong tương lai?
Tôi không có cái nhìn tổng quan để có thể phát biểu về thành tựu của Toán học Việt Nam trong 30 năm qua. Trong một số ngành hẹp mà tôi có biết ít nhiều như Đại số giao hoán, Lý thuyết kỳ dị, hay Topo đại số, ta đều có các chuyên gia thuộc loại cứng, có uy tín trên thế giới. Tôi không bi quan về tương lai của Toán học VN vì trong khoảng 5, 7 năm trở lại đây, có nhiều bạn trẻ có tiềm năng đã lại đến với Toán học. Và họ có điều kiện để học hành đến nơi đến chốn.
Cái đáng lo lắng là sau khi đã được đào tạo nghiêm túc, liệu họ có điều kiện tiếp tục nghiên cứu khoa học hay không. Làm Toán nói riêng, làm khoa học nói chung là một hoạt động không được có gián đoạn. Tôi chưa thấy ai, nghỉ hẳn nghiên cứu KH trong vòng 2,3 năm để dạy thêm hay làm việc khác với mục đích kiếm sống, lại có thể bắt tay lại được với công việc nghiên cứu một cách thật sự.
"Tôi tự thấy mình cần phải học tiếp"
- Được biết anh cùng Lê Tự Quốc Thắng và Nguyễn Tiến Dũng tìm cách kết nối giúp giới Toán học trong nước. Anh có thể cho biết cụ thể hơn về dự định này được không?Anh Lê Tự Quốc Thắng và anh Nguyễn Tiến Dũng đang tích cực xây dưng một mạng lưới các nhà Toán học VN làm việc ở nước ngoài. Mạng lưới này có thể rất có ích trong việc giúp những người đi sau.
Ở Pháp, ông Lionel Schwartz, GS ĐH Paris 13 và tôi, cùng với phía Việt Nam, GS Đinh Dũng, viện CNTT, ĐHQG HN và GS Hà Huy Khoái, Viện Toán học, tổ chức mạng lưới Formath Vietnam với mục đich ủng hộ hợp tác nghiên cứu Toán học giữa VN và Pháp và đào tạo các nhà Toán học trẻ cho Việt Nam. Số SVVN đang làm hoặc chuẩn bị làm luận án tiến sĩ ở Pháp có thể kể đến hàng chục. Nếu đây đều là các luận án thật sự có chất lượng, thì sẽ là một con số đáng kể với ngành toán Việt Nam.
Tôi có một mong muốn lớn là xây dựng được một cơ sở đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ trong ngành Toán lý thuyết và ứng dụng ở Hà Nội. Cơ sở này tổ chức theo hình thức các graduate school trong các trường ĐH lớn phương Tây, SV có thể được trang bị các kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu và có thể theo học các bài giảng của các nhà toán học có uy tín. Nhiều nhà Toán học Mỹ, Pháp sẽ sẵn sàng tham gia giảng dạy trong một cơ sở như vậy.
Anh có hay về Việt Nam?
Thường năm nào tôi cũng về HN. Một vài năm trước tôi có tham gia hướng dẫn một nhóm SV trường ĐHSP HN nên về dạy thường xuyên hơn. Hiện tại, hai SV trong nhóm đã sang Paris làm luận án tiến sĩ, nên tôi tạm dừng các khoá giảng dạy ở HN.
- Sau thành công của một người chồng là vợ, trong sự trưởng thành của một học trò xuất sắc là…?
Cảm ơn VietNamNet đã cho tôi dịp phát biểu trên mặt báo. Nhân đây, tôi xin bày tỏ sự biết ơn của mình với thầy cô giáo cũ. Tôi nghĩ về anh Phạm Ngọc Hùng, người thầy Toán đầu tiên của tôi, thầy Tôn Thân, anh Lê Tuấn Hoa, anh Vũ Đình Hoà, anh Nguyễn Minh Đức, anh Đỗ Đức Thái, thầy Phạm Hùng và những người đã truyền lại cho tôi niềm say mê với Toán học.
Tôi nhớ đến các cô giáo dạy văn, cô Phương mà cả lớp vỡ lòng tôi gọi là mẹ, cô Vi Ba ở trường Trưng Vương, cô Hằng trường Trưng Nhị và cô Hoa ở khối chuyên Toán Tổng hợp, các cô dạy chúng em môn học khó nhất là học làm người.
Đã qua tuổi 30, tôi vẫn tự thấy mình cần phải học tiếp.
-
Hoàng Lê (thực hiện)
-
Ảnh tư liệu do gia đình cung cấp
Kỳ 5: Đinh Tiến Cường: Một trong những kỳ vọng của Toán Việt Nam
Ý kiến của bạn: