(VietNamNet) - Việc "sinh viên (SV) "chấm điểm" thầy đã diễn ra ở một số khoa của các trường ĐH đơn lẻ từ mấy năm gần đây, nhưng... "thất bại". Lý do, giáo viên chưa quen vì như thấy bị xúc phạm. Còn SV cũng chưa nhận thức đúng vai trò tham gia đánh giá, đôi lúc cũng sợ trù úm nên kết quả đánh giá không khách quan. Tuy nhiên, SV chấm điểm thày đã là một trong những tiêu chí kiểm định chất lượng, là kênh thông tin để từng trường khẳng định thương hiệu ..."
PGS-TS Nguyễn Phương Nga; "Cần thành lạp các Hội Cựu SV trong các trường ĐH làm cầu nối với các SV đã tốt nghiệp để cập nhật thực tế..." | ||
PGS.TS Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm đảm bảo chất lượng đào tạo và nghiên cứu phát triển giáo dục (ĐHQG Hà Nội) chia sẻ khi trao đổi với VietNamNet xung quanh vấn đề trò "chấm điểm" thầy.
- Bà nhìn nhận như thế nào khi việc SV "chấm điểm" thầy đã là một trong tiêu chí bắt buộc dùng kiểm định chất lượng các trường ĐH trong khi vấn đề này vẫn còn khá lạ với các SV hiện nay?
- Để SV tham gia đánh giá các hoạt động nói chung của nhà trường đặt ra ở thời điểm này là hơi muộn nhưng phải làm. Điều này cũng nằm trong yêu cầu của bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng các trường ĐH đã được Bộ GD-ĐT ban hành. Khi đã là quy định thì muốn hay không, các trường cũng phải làm để được kiểm định.
Từ năm 2001, đã có những khoa hoặc bộ môn đơn lẻ thực hiện mang tính chất thí điểm. Nói thực, lúc đầu áp dụng thì SV cũng ngại, khi tiếp xúc phiếu đánh giá, SV cũng hoang mang. Vì theo truyền thống của Việt Nam, SV không muốn đánh giá người thầy.
- Đâu là "rào cản" kiến SV hoang mang, ngần ngại?
-Đầu tiên là do một bộ phận SV chưa hiểu được ý nghĩa của việc đánh giá nên chưa tham gia nghiêm túc. Mặt khác, có thể các em băn khoăn kết quả đánh giá đó liệu có tác dụng tích cực hay không.
Vấn đề nữa là các trường sử dụng kết quả đánh giá đó như thế nào? Một điều tối kỵ mà các nước cũng áp dụng trong quá trình xử lý kết quả là không được dùng cái đó để quyết định nhân sự hay nâng lương hạ lương... Nên đưa lại thông tin đó cho mỗi GV để tự nhìn nhận. Bên cạnh đó, cần có lớp đào tạo bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ thường xuyên.
Nhiều giáo viên cũng chưa hiểu hết ý nghĩa của việc để trò đánh giá, cho nên cũng ngại "bị" học trò" chấm điểm. Thực tế, năm 2002, 2003, khoa Công nghệ (ĐHQG Hà Nội) đã làm và cho kết quả tốt thế nhưng phải dừng lại. Lý do: khi kết quả trả cho GV thì họ cảm thấy chưa quen.
- Vậy làm thế nào để giáo viên không cảm thấy bị xúc phạm và SV "vào cuộc" được thoải mái hơn trong việc này?
- Chưa biết đánh giá của SV đúng hay sai, nhưng khi đã có đánh giá từ tập thể lớp thì GV có thể có phản ứng. Đây cũng là lý do khoa Công nghệ chọn giải pháp tạm dừng.
Vấn đề đặt ra là phải làm sao để GV hiểu, việc đánh giá không làm ảnh hưởng đến quyết định nhân sự. Còn nơi nào sử dụng phiếu đánh giá phải chuẩn bị tư tưởng cho cả giáo viên và SV; đồng thời, phải chứng minh được phiếu dùng đã được chuẩn hóa. Nếu chất lượng phiếu không tốt thì cũng cho kết quả tồi...
Trung tâm chúng tôi cũng đã hoàn phiếu đánh giá với mức độ ngắn - dài tùy thuộc vào mục đích kiểm định của nhà trường. Phiếu đánh giá có cả sự tham gia của nhà tuyển dụng. Các nhà tuyển dụng là "kênh" thông tin về sự vênh giữa kiến thức đào tạo trong nhà trường với kỹ năng đáp ứng yêu thực tế.
- Quá trình điều tra thông tin làm phiếu, điều gì dẫn đến sự e ngại của giáo viên không muốn SV đánh giá?
- Với mỗi môn học, đều có phần thuyết trình và phần trao đổi giữa giáo viên và SV. Hiện chưa có số thống kê về năng lực giảng dạy của giáo viên đạt đến mức độ nào. Tuy nhiên, số giáo viên trong quá trình giảng bài phải đầu tư thời gian cho việc sử dụng công nghệ mới theo yêu cầu bài giảng thì không nhiều. Điều này cũng có nhiều lý do: gia đình không có máy móc thiết bị; cơ sở vật chất tạo điều kiện cho giáo viên tiếp cận công nghệ mới ở trường còn hạn chế.
Muốn làm được, các trường phải có phòng máy riêng cho giáo viên, trong đó, trang bị tất cả mọi thiết bị, bàn làm việc... Mặt khác, năng lực của giáo viên cũng còn hạn chế. Có những giáo viên có khả năng, có năng lực nhưng quỹ thời gian dành làm nhiều việc giảng dạy kiêm nhiệm nên không còn thời gian đầu tư cho bài giảng thật hay và tốt? Cũng có giáo viên chưa hài lòng nhưng mức lương không đủ sống bị chi phối bởi nhiều cái nên họ phải đi dạy thêm....
- Đặt mục tiêu đánh giá nhưng lại không đề ra những quy định thưởng phạt. Như vậy có đồng nghĩa với việc các đơn vị "làm cũng được mà không làm thì cũng chẳng sao" và quy định trở thành vô nghĩa?
- Việc đánh giá không đặt mục tiêu lên - xuống lương, nhưng nếu giáo viên được đánh tốt nhiều lần liên tục thì đương nhiên sẽ khen thưởng. Vấn đề đặt ra là nhà trường phải có những chính sách quy định có những lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trên cơ sở tập hợp kết quả đánh giá...
- Cũng có không ít giáo viên nhìn nhận, vẫn còn một bộ phận SV chưa đủ trình độ đánh giá giáo viên cũng như chương trình đào tạo. Điều này có ảnh hưởng đến việc triển khai bắt buộc ở các trường không cho kết quả chính xác?
- Điều này cũng chưa hẳn đúng 100%. Thực tế, giáo viên lên lớp giảng hay hay không; hoặc lên lớp mà cứ đọc bài hoặc cứ chăm chú vào sách và bỏ sách ra là "gẫy" thì SV biết ngay và có thể đánh giá được. Còn chương trình đào tạo có đáp ứng nhu cầu nghề nghiệp của các em hay không thì năm thứ nhất chưa biết được, nhưng lên đến năm thứ 3, 4 các em đánh giá tốt. Bởi đã có sự hiểu biết, va chạm cuộc sống nên với một nghề cụ thể, các em không biết 100% nhưng cũng đủ biết để nhận xét với ngành nghề này thì đòi hỏi kỹ năng, kiến thức gì....
Hiện nay, có một số trường do đặc thù nghề nghiệp, ví dụ như ĐH Hàng hải, có những quan hệ rất mật thiết với những nơi tuyển dụng nên nắm rất chắc là SV của họ đang làm việc ở đâu... Việc làm này rất có lợi: một là cập nhật chương trình đào tạo và bản thân SV dù muốn hay không cũng nhớ về cội nguồn.
Chương trình đào tạo hiện nay "bị" đánh giá nặng về lý thuyết một phần do nhiều trường không có tổ chức giữ liên lạc với SV sau khi ra trường nên không nắm được thực tế. Trong hội thảo với các trường ĐH thì nhiều trường cũng đề xuất nên thành lập các Hội Cựu SV để hàng năm có khảo sát, đánh giá chương trình đào tạo ra sao và khả năng có được việc làm sau khi ra trường như thế nào.
- Xin cảm ơn bà!
-
Kiều Oanh (thực hiện)
Ý kiến của bạn?