(VietNamNet) – Các ý kiến từ trường ĐH Công nghệ, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Sư phạm Hà Nội...khi trao đổi với VietNamNet đều cho rằng cần thiết phải có sự tham gia đánh giá của đối tượng thụ hưởng giáo dục.
Ông Hồ Sỹ Đàm Chủ nhiệm bộ môn Mạng và truyền thông, trường ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội): "Cần khôi phục"
Ông Hồ Sỹ Đàm, Chủ nhiệm bộ môn Mạng và Truyển thông, trường ĐH Công nghệ. |
Từ năm 2001 đến hết 2003, khoa Công nghệ - nay là trường ĐH Công nghệ thuộc ĐHQG Hà Nội) - đã phát phiếu điều tra xã hội học gồm 48 câu hỏi để SV nêu ý kiến về mọi hoạt động của nhà trường.
Để SV nói những nhận xét xác đáng là đã cho các em quyền để rèn bản tính làm người chủ động. Không nên để SV có tâm lý "bị trị", thậm chí có ấm ức nhưng không được nói. Tạo cho SV tính chủ động cũng là một yếu tố trong GDĐH. Đồng thời, để SV thấy trách nhiệm hơn trong quá trình dạy và học ở trường.
48 câu hỏi để SV đánh giá cả quá trình dạy và học chứ không chỉ có trò "chấm" ông thầy. Tuy nhiên, việc triển khai cũng gặp khó khăn về kinh phí cũng như quan điểm của một số người. Kinh phí "rót" đầu tư triển khai đánh giá mất đứt 20 triệu một năm.
Hai năm đầu, khoa chọn giải pháp: những thông tin liên quan đến thầy chỉ cá nhân người trực tiếp xử lý giữ (khi BGH cần thông tin gì thì cung cấp) nhưng mỗi thầy đều nhận một phong bì gồm những thông tin liên quan để các thầy tự xử. Đến năm thứ 3, những nhận xét của SV được tập hợp gửi tới cá nhân từng thầy và thêm một nấc nữa là Chủ nhiệm bộ môn, để người quản lý trực tiếp bộ môn đó biết và điều chỉnh.
Đến năm 2004 tôi không còn phụ trách vấn đề này nữa và cũng không hiểu lý do gì công việc lại dừng lại. Cá nhân tôi cho rằng: Nếu muốn nâng chất lượng đào tạo, hạn chế bệnh thành tích và những nhận xét cảm tính thì phải khôi phục lại việc để SV tham gia đánh giá các hoạt động của trường...
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, GĐ Trung tâm đảm bảo chất lượng và khảo thí (trường ĐH Sư phạm Hà Nội): "Nên để SV tham gia thường xuyên..."GĐ Trung tâm đảm bảo chất lượng và Khảo thí (trường ĐH Sư phạm Hà Nội)Nguyễn Thị Bích Ngọc |
Các thầy nghĩ rằng cứ dạy theo chương trình khung của Bộ GD - ĐT thì chẳng cần đánh giá. Thực tế, chương trình đào tạo chưa cập nhật yếu tố đánh giá từ phía SV. Nếu triển khai ở một số khoa, cũng chỉ hỏi và SV thường kêu: chương trình quá nặng...Những nhận xét chỉ là định tính, chưa đánh giá một cách định lượng. Ví như, mới dừng lại ở những phiếu hỏi SV về đánh giá phương pháp giảng dạy của thầy có hiểu bài không? phương pháp giảng như thế nào?
Cách thu nhận ý kiến tốt nhất nên làm lúc SV bắt đầu đi thực tập (khoảng năm thứ 3, thứ 4). Ngoài hỏi ý kiến SV đang học, cũng nên hỏi những SV đã tốt nghiệp và đi làm.
Vấn đề đặt ra: phải phổ biến cho mọi người rằng đánh giá phương pháp giảng dạy và nội dung chương trình là cần thiết. Bởi thực tế vẫn tồn tại quan niệm "không có đảm bảo chất lượng thì SV vào trường ĐHSP vẫn nhiều...".
Do đó, phải để cho SV - những người thụ hưởng - tham gia đánh giá phương pháp giảng dạy của thầy, nội dung chương trình một cách thường xuyên hơn... Đồng thời, cho SV có quyền phản ánh và GV cũng nhận thầy sự cần thiết để SV tham gia đánh giá. Để triển khai hiệu quả thì nhà trường phải có cơ chế, quy định tạo thành tiền lệ để triển khai đồng bộ, có hệ thống. Tuy nhiên, cơ chế cũng cần xác định rõ vấn đề đánh giá không nhằm mục đích thưởng phạt, mà qua đó thấy đuợc những điểm yếu để giúp và trao đổi...
Ông Đinh Tuấn Dũng, GĐ Trung tâm khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (trường ĐH Kinh tế quốc dân): "Sau phản hồi của SV: Đã giảm 20% nội dung trùng lặp"
Ông Đinh Tuấn Dũng, GĐ Trung tâm khảo thí (trường ĐH Kinh tế quốc dân) |
Thực tế, SV hiểu và tiếp thu bài thầy giảng đã là tốt. Nhưng nếu đặt vấn đề là SV hiểu ở mức độ sâu sắc để đánh giá bài giảng của thầy thì hơi quá sức. Vì khả năng tiếp thu bài giảng của từng SV là khác nhau.
Dẫu vậy, vẫn nên khuyến khích chuyện phản hồi của SV đối phương pháp giảng dạy của thầy. Vì thực tế, có những thầy kiến thức thì tốt nhưng phương pháp của thầy làm cho SV tiếp thu kiến thức còn hạn chế. Nhưng chỉ nên đặt vấn đề thông qua " kênh" SV để thầy cải tiến đổi mới phương pháp giảng dạy.
Khi SV đã quen với phương pháp học chủ động thì họ sẽ thích cách giảng theo phương pháp chủ động. Nhưng phần lớn SV học ĐH của ta hiện nay chưa có phương pháp tự học, tự nghiên cứu. Nhiều thầy rất muốn đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng đó nhưng SV cảm thấy như vậy nhanh quá ....
Nguyên nhân có lẽ bắt nguồn từ hệ thống đào tạo phổ thông và HS đã quen phương pháp "thầy giảng - trò ghi". Để rèn phương pháp kỹ năng này là cả một quá trình. Nhiều HS học rất giỏi ở phổ thông nhưng lên ĐH năm thứ nhất thấy bỡ ngỡ vì phương pháp giảng dạy của thầy nhiều khi cũng chưa hiểu hết.
Quá trình đào tạo ĐH là quá trình đổi mới phương pháp và tư duy. Việc tiếp thu ý kiến phản hồi của “khách hàng” cũng cần thiết. Nhưng cách tiếp thu ý kiến phản hồi của SV phải theo nhiều kênh. Mới đây, lãnh đạo nhà trường đã tổ chức buổi đối thoại và SV không chỉ nhận xét thầy mà còn phản ánh toàn bộ hoạt động của trường. Trên cơ sở ý kiến của SV chỗ nào tốt, chỗ nào chưa tốt trường đã xem xét và có cải tiến.
Nếu có ý kiến phản ánh về thầy thì trường áp dụng phương pháp: mỗi lớp có tờ phản ánh về tình hình của lớp và thầy hàng tuần, thứ 5 lớp trưởng phải tổng hợp tình hình, báo cáo lên khoa. Các khoa sẽ báo cáo BGH để xử lý...
Đánh giá thầy và chương trình là hai vấn đề khác nhau. Chúng tôi đã có nhiều cuộc điều tra đánh giá về chương trình đào tạo toàn bộ của một khoá. Nhiều SV nhận xét có những môn học trùng nhau. Tất cả ý kiến từ phía SV nhà trường đều xem xét, nếu có ý kiến SV đánh giá theo cảm tính thì nhà trường cũng đã có giải thích rõ hơn để SV hiểu về công tác đào tạo của trường.
Đồng thời, Nhà trường chỉ đạo những bộ môn có ý kiến SV phản ảnh để điều chỉnh nhằm tiết kiệm thời gian và tăng hiệu quả môn học. Cho nên, trước đây chương trình đào tạo là 240 đơn vị học trình (ĐVHT), nay rút xuống còn 180 ĐVHT, giảm gần 20% những nội dung trùng lắp.
-
Kiều Oanh