Tôi tán thành ý kiến của các tác giả bài báo “Công nhận GS: Tính điểm bài báo chưa hợp lý” và “Công nhận GS: Cẩn thận với tác giả ‘ma’”. Đây là những ý kiến đáng quan tâm cho việc tính điểm công trình khoa học trong quá trình xét phong chức danh GS, PGS ở Việt Nam. Tiếp theo ý kiến của hai tác giả nói trên, xin nêu ra một vấn đề khác trong việc tính điểm cho các bài báo khoa học mà chúng ta vẫn đang làm.
Theo cách tính điểm này, các bài báo chuyên ngành trên các tạp chí được xem là “tạp chí quốc tế” sẽ có cùng một số điểm như nhau, bất kể đó là “tạp chí quốc tế” kiểu nào. Thông qua hội đồng chức danh GS, PGS của Việt Nam, các tạp chí được xếp hạng ở Top dưới (và thậm chí kể cả những “tạp chí quốc tế” không được xếp hạng) sẽ nghiễm nhiên được đưa lên đứng đồng hạng với các tạp chí Top ten.
Một bài báo đòi hỏi rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc của nhiều người lại được đánh đồng với một bài báo trên một tạp chí “thường thường bậc trung”!
Trong khi đó trên thế giới, các tạp chí chuyên ngành có uy tín vốn đã được xếp hạng từ lâu. Các tác giả của những bài báo được chọn đăng trên những tạp chí hàng đầu có quyền tự hào về các công trình khoa học của mình.
Một cách để xếp hạng các tạp chí chuyên ngành là dựa vào số lần được các đồng nghiệp trích dẫn, thể hiện qua một hệ số gọi là Impact factor. Impact factor càng cao thì tạp chí càng nổi tiếng trong giới khoa học, và dĩ nhiên càng khó để một bài báo được chấp nhận đăng ở đó.
Hàng năm, có một tổ chức (Thomson ISI) sẽ phụ trách việc tính toán Impact factor cho các tạp chí chuyên ngành, xin xem thêm ở đây: http://www.sciencegateway.org/impact/. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là hệ số này chỉ dùng để so sánh các tạp chí trong cùng một chuyên ngành. Có những chuyên ngành hẹp, các tạp chí liên quan sẽ ít người đọc và trích dẫn, sẽ có Impact factor thấp, nhưng vẫn là tạp chí có uy tín của chuyên ngành đó.
Lấy ví dụ cho một vài tạp chí chuyên ngành của ngành Hóa chẳng hạn. Các GS trong hội đồng chức danh GS, PGS ắt hẳn phải biết Journal of the American Chemical Society (Impact factor khoảng 7) hay Angewandte Chemie International Edition (Impact factor khoảng 9) là những tạp chí hàng đầu của ngành Hóa. Những người trong ngành Hóa chắc chắn biết là muốn đăng các công trình khoa học vào các tạp chí này là một điều hết sức khó khăn.
Thường phải cần nhiều thời gian, công sức không chỉ của một người mà của nhiều người, và ý tưởng của công trình phải thật sự thú vị. Trong khi đó, để đăng được một bài báo trên một tạp chí “thường thường bậc trung” như Journal of Molecular Catalysis (Impact factor khoảng trên 2) thì chắc chắn sẽ dể dàng hơn gấp nhiều lần. Và nếu ai đó muốn chạy theo số lượng, thay vì đăng một bài báo trên tạp chí có Impact factor cao, họ có thể chia nhỏ ra thành nhiều bài và gởi đăng ở các tạp chí có Impact factor thấp! Dĩ nhiên những nhà khoa học uy tín chẳng ai làm vậy cả.
Thế nhưng khi đánh giá công trình khoa học để xét phong GS, PGS ở Việt Nam, Journal of the American Chemical Society và Journal of Molecular Catalysis được chúng ta đánh đồng đẳng cấp.
Và thậm chí, Journal of the American Chemical Society còn được chúng ta đánh đồng với nhiều tạp chí không tên tuổi khác có Impact factor khoảng dưới 0.1, hay thậm chí với nhiều tạp chí không được xếp hạng!
Càng vô lý hơn, với cách tính điểm dựa trên bình quân đầu người của ta, tác giả chính của một bài báo trên Journal of the American Chemical Society (do có chất lượng hơn nên cần nhiều tác giả hơn), lại có thể có điểm thấp hơn tác giả thứ nhì hay thứ ba (thường không có đóng góp nhiều) của một bài báo trên một tạp chí không tên tuổi nào đó (do đơn giản hơn nên số lượng tác giả ít hơn)!
Cách đánh giá phản khoa học như vậy ắt hẳn chỉ có ở Việt Nam mình. Lại được danh chính ngôn thuận dùng để đánh giá năng lực của những người làm khoa học ở Việt Nam!
-
TS Phan Thanh Sơn Nam (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM)