,
221
483
Du học
duhoc
/giaoduc/duhoc/
741690
Nhà ở Pháp: Nỗi đau đầu của du học sinh
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
,

Nhà ở Pháp: Nỗi đau đầu của du học sinh

Cập nhật lúc 05:36, Thứ Năm, 08/12/2005 (GMT+7)
,

Sẵn sàng trả tiền thuê, ngay cả khi không ở, tầng 7: Không có cầu thang máy, bị đồng hương "bắt nạt"...là những nỗi đau đầu với SV khi sang Pháp du học. Bài viết dưới đây của một lưu học sinh tại Pháp kể lại những "nỗi đau đầu" đó.

Soạn: AM 643618 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Các SV nước ngoài theo học tại Pháp

Sẵn sàng trả tiền thuê, ngay cả khi không ở! 

Thị trường nhà ở Pháp không chỉ đông đúc vì số lượng người thuê lớn, mà còn đắt về mặt giá cả. Với SV Pháp, giá một căn hộ đơn, đủ bếp, xí, tắm, thường ít nhất là 500 euro/tháng, nhưng DHS thường chỉ có thể chi trả khoảng 200 - 300 euro/tháng.  

Điều này đồng nghĩa với việc nhiều bạn phải tìm đến thị trường nhà cửa “ngầm”, ở các căn hộ hẻo lánh, xa trung tâm, không có hợp đồng thuê nhà, hay thiếu thốn về các điều kiện vật chất khác. Nhưng ngay cả khi đã cắn răng chịu “sống khổ”, người thuê nhà vẫn phải lo lắng hàng loạt chi phí. Ngoài tiền đặt cọc, thường là 1 năm hay 6 tháng, SV còn phải đóng thêm tiền bảo hiểm nhà. Cả 2 khoản này cộng lại thành một gánh nặng tài chính đáng kể, nhất là khi phải trả ngay lập tức, trước khi dọn đến ở. 

Chủ nhà người Pháp còn chú ý đến khả năng trả tiền thuê, dựa vào thu nhập hàng tháng. Các bạn có học bổng có thể dễ dàng chứng minh qua giấy tờ học bổng, nhưng đối với phần lớn SV lĩnh “gia đình trợ”, thì vấn đề này vô cùng khó khăn. Có bạn may mắn tìm được người tốt, đứng ra giới thiệu, bảo lãnh, nhưng cũng không ít người bị chủ nhà thẳng thừng từ chối chỉ vì vấn đề giấy tờ. 

Cũng chính vì những khó khăn trong việc tìm nhà ở mà nhiều bạn không dám về VN trong ngày nghỉ, lễ Tết, sợ bị mất chỗ ở. Một số khác, tuy về nhà 3 tháng liền, nhưng vẫn cắn răng trả tiền thuê, không cắt hợp đồng. Trả tiền nhà, ngay cả khi không sử dụng, để đảm bảo chỗ ở cho năm sau, bởi vì chỉ nghĩ đến việc “khởi động lại” là cũng đủ toát mồ hôi hột rồi! 

Tầng 7: Không có cầu thang máy! 

Nhiều bạn tưởng tượng, ở một quốc gia văn minh như Pháp thì nhà cửa hẳn “xịn” hơn hẳn ở VN. Quả thực, xứ sở Gôloa có thể tự hào về các tòa lâu đài, biệt thự, villa nguy nga, lộng lẫy, nhưng bên cạnh đó, cũng có không ít những căn hộ thiếu thốn “quá sức tưởng tượng”.

Bạn Trâm, thuê nhà ở quận 11 Paris, cho biết: “Lần đầu tiên bước vào nhà, mình muốn khóc luôn. Tường lở loét, tróc ra từng mảng, cửa kéo rỉ sắt, lại không có hợp đồng thuê, nhưng trả tiền rồi, đành chịu…” Bạn Phương, nhà ở quận 6 thì kể, “Chỉ đến khi sang đây thuê nhà tôi mới cảm thấy quý không gian rộng rãi của mình ở nhà!”. 

Trung tâm thành phố Paris được quy hoạch theo lối kiến trúc cổ. Nhiều tòa nhà đã tồn tại được cả thế kỉ mà ít được trùng tu, cải tạo. Nhiều tòa nhà khác ra đời vào những năm 30, 40 thế kỉ XX, trước chiến tranh, sau này tuy được “vun vén”, nhưng vẫn hạn chế về nhiều mặt. 

Giữa những năm 60, thành phố có chính sách khuyến khích cải tạo, lắp đặt thang máy, lò sưởi, ống thoát nước, theo nhu cầu người dân có khả năng chi trả. Nhiều người từ chối đóng góp, chấp nhận tiếp tục sống với các điều kiện cũ. Nhưng khi mức sống lên cao, việc ở trong những căn hộ cũ này là bất khả thi, việc cải tạo cũng không còn thực hiện được nữa do điều kiện kiến trúc mới. Người chủ cũ chuyển đến nơi khác, còn căn hộ thì nguyên trạng, qua tay những người nghèo hơn, hoặc bỏ không, coi như “của để dành”. 

Với làn sóng DHS sang Pháp, những căn hộ “ngủ quên” này lại được đem ra trưng dụng. Một bạn ở quận 6, Paris (gần vườn hoa nổi tiếng Luxembourg) cho biết, nhà bạn ở tầng 7, nhưng không có…thang máy. Căn hộ 9m2 của bạn có cả bếp, và bồn tắm kê sát…giường ngủ. Ở nóc nhà, cống thoát nước thường xuyên tắc, mỗi lần rửa tay là hàng chục phút đợi nước thoát. Muốn được tắm, thường xuyên phải đi tàu điện ngầm đến “nhờ” người quen.  

Khổ đủ đường về điều kiện vật chất thiếu thốn, DHS còn bị bắt nạt ngay chính bởi những người đồng hương của mình. 

D, nghiên cứu sinh ngành Xã hội học, kể: “Mới đầu, mình tưởng là Việt kiều, có thể tin tưởng được, ngờ đâu…”. Thời gian đầu, D tìm đến thuê nhà một nữ “Việt kiều lâu năm ở Pháp”. Bà thường nói thương SV, “ưu tiên giá rẻ”. Có điều, vào những ngày đông rét buốt, lò sưởi của khu nhà thuê thường xuyên không hoạt động, người thuê lẩy bẩy vì giá rét. Nhưng mỗi lần phản ánh, chủ nhà lại phẩy tay, với bằng chứng là mỗi lần bà đến thu tiền thuê nhà, lò sưởi lập tức lại chạy ro ro! Thực ra, đó là những ngày duy nhất có lò sưởi chạy!  

Một anh Việt kiều khác, thuê nhà gần, nhận DHS làm nhân công “chui” với giá rẻ mạt. Nhưng một lần bỏ người yêu là DHS, anh này đột ngột chuyển nhà, mất tích luôn với số tiền lương chưa trả của rất nhiều bạn. 

Bất an và bạo động

Đợt bạo động ở Paris vừa qua đã khiến không ít bạn lo ngại, đặc biệt là các bạn sống ở ngoại ô Paris. Giá tiền thuê ở vùng ngoại ô thường rẻ hơn hẳn so với trung tâm thành phố. Bởi vậy, tuy phải đi học xa, nhưng nhiều bạn vẫn tặc lưỡi chấp nhận. 

Bạn có thể khắc phục những khó khăn trên bằng cách hỏi kinh nghiệm những người đi trước; viết thư đến các nhóm DHS VN, yêu cầu giúp đỡ như nhóm Những người bạn nnb@yahoogroups.com, GEVF gevf@yahoogroups.com, v.v...

Nên tìm hiểu kĩ các điều kiện, và tốt nhất là nên đến tận nơi kiểm tra cẩn thận trước khi thuê. Vững lòng tin vào bản thân, chuẩn bị giấy tờ và tiền bạc kĩ càng, việc tìm nhà ở khi sang Pháp sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Nhưng nhiều khu ngoại ô lại chính là ổ tệ nạn, nơi có tỉ lệ thật nghiệp và bạo lực cao nhất nhì nước Pháp. Đi về vào buổi tối luôn có nguy cơ bị cướp giật hoặc tròng ghẹo vô lý. Một số nơi, vào những lúc nhập nhoạng, ở cửa nhà ga thường có những tốp chuyện móc túi, giật trộm, hoặc bặm trơn hơn, đứng ra trấn lột khách khi không có cảnh sát. SVVN thấp cổ bé họng, đành chịu làm nạn nhân cho những băng nhóm này. Đó là chưa kể nhiều lúc kì thị sắc tộc lên cao, người VN bị mắng chửi vô cớ. 

Nhiều bạn chọn ở khu nhà SV (residence d’université), nhưng chưa phải là đã hết lo ngại. Nhiều khu nhà kiểu này được xây ở ngoại ô, ngay sát khu vực có nhiều người nhập cư trái phép. Không phải là phổ biến, nhưng gần đây ở Pháp có hiện tượng người vô gia cư tấn công, đột nhập vào các tòa nhà có chủ nhưng bỏ trống để chuẩn bị xây mới, hoặc các căn hộ đang chờ người dọn đến. 

Ở khu kí túc xá gần nơi có nhiều người nhập cư trái phép, những cuộc “ghé thăm” bất chợt không hiếm. Lúc tức giận vì không tìm được địa điểm “chiếm đóng”, hoặc vì lý do này khác, những người đột nhập này trút giận lên việc phá phách tòa nhà. Những nơi công cộng như nhà vệ sinh, hành lang, cầu thang, bậc cửa, trở thành mục tiêu phá hoại.  

K, sống ở Cachan, kể rằng mặc dù lúc trước kí túc xá của bạn có đến 8 nhà tắm, nhưng hiện giờ chỉ còn 2 có thể dùng được. Nhà vệ sinh hôi thối, bốc mùi, nút giật nước cũng như cửa đóng thường xuyên hỏng do có người ngoài vào phá hoại. Tường nhà chi chít những lời chửi thề, tục tĩu… Nhiều bạn sống ở phía Bắc Paris, gần Saint Denis, hàng ngày phải tận mắt chứng kiến nhiều tệ nạn xã hội phơi bày trước mắt. 

Góp gạo thổi cơm chung 

Khó khăn của việc thuê nhà đã khiến nhiều bạn tìm đến giải pháp chấp nhận ở chung, ngay cả với người lạ. Tìm một căn hộ to thường đơn giản hơn so với một phòng bé, độc lập, đơn lẻ. Ngay cả việc đảm bảo với chủ về khả năng trả tài chính cũng trở nên dễ dàng hơn trước. Với nhiều bạn, qua mạo hiểm ở chung, đã tìm được người bạn tốt, cùng chia sẻ cuộc sống khó khăn nơi đất khách quê người. Nhưng có không ít những câu chuyện đáng buồn xảy ra. 

Có những kẻ lợi dụng thời gian ở chung, đã giữ lấy bộ chìa khóa, không trả lại khi chuyển đi nhà mới, đồng thời, lợi dụng người kia khi đi vắng, lẻn vào nhà ăn cắp séc, thẻ nhà băng, thẻ tàu, v.v... 

Ở Pháp, nếu một cặp một nam, một nữ ở chung thì giá thuê có thể rẻ hơn, ngoài ra còn có thể nhận trợ cấp từ chính phủ. Cũng chính vì lý do này, nhiều đôi SV nam nữ đã “góp gạo thổi chung cơm” ngay cả khi giữa hai bên không có “lửa”. Hậu quả tất yếu là chuyện quan hệ tình dục bừa bãi, ảnh hưởng đến kết quả học tập. Gia đình ở quá xa, chỉ đến khi “sự đã rồi” mới giật mình ngỡ ngàng…

  • Lê Thanh Tâm (nghiên cứu sinh tại Pháp)

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
Quảng cáo
,
,
,