(VietNamNet) - Khi "trót lọt" qua cửa Quốc hội với Nghị quyết 40 năm 2000, dư luận ngạc nhiên không biết Bộ GD-ĐT "đào" đâu ra 2 năm để làm thí điểm phương án phân ban trước khi triển khai đại trà. Đến bây giờ, sau 5 năm có Nghị quyết, sau 3 năm thí điểm, dư luận lại đặt dấu hỏi: Với đề xuất phương án mới, không biết đã là lần cuối cùng Bộ GD-ĐT điều chỉnh phân ban hay chưa?
"Không biết khi lên cấp 3, mình sẽ học theo chương trình phân ban nào nhỉ?" (Ảnh: Nguyên Vũ) |
Báo cáo hẵng, rồi hoãn...
Chương trình phân ban ở phổ thông đang thí điểm, lẽ ra nếu được chuẩn bị thấu đáo thì đã triển khai đại trà trong toàn quốc từ năm học 2003-2004, như tinh thần của Nghị quyết số 40 được Quốc hội thông qua từ năm 2000 theo tờ trình mà Bộ GD-ĐT tham mưu.
Vậy mà đến thời điểm này, sau 5 năm, chính Bộ lại đang phân vân cân nhắc giữa 2 phương án "phân ban kiểu gì đây"? Đó là 2 phương án vừa trình Hội đồng quốc gia giáo dục để thảo luận vào phiên họp cuối năm.
Cách thứ nhất, tổ chức phân thanh hai ban từ lớp 10 như đang làm hiện nay (có bổ sung môn Ngoại ngữ vào ban Khoa học Xã hội và Nhân văn) và phương án thứ hai là phân thành ba ban từ lớp 10 (ngoài 2 ban "nâng cao" như phương án 1, có dạng "ban cơ sở" dành cho HS không thiên về thế mạnh nào).
Với 2 phương án này, "cái đích" của phân ban sẽ là: đến năm học 2008-2009, học sinh cấp 3 sẽ được học đủ chương trình phân ban của 3 lớp 10, 11, 12.
Đây là sự lựa chọn hoàn toàn khác so với những gì đã "định chọn cách đây hơn 6 tháng". Khi đó, phương án phân hai ban ở lớp 10 và 11, đến lớp 12 phân thành bốn ban đã được Bộ GD-ĐT lựa chọn đề nghị Chính phủ xem xét để điều chỉnh.
Nhìn lại, mới thấy sự "liều mình" của Bộ GD-ĐT. Vì rằng, phải đến năm học 2002-2003 mới có sách thí điểm để HS lớp 10 "tập dượt", năm 2000 đã báo cáo ngon lành (và được thông qua) rằng sẽ thí điểm 2 vòng và bồi dưỡng giáo viên 2 lượt trước Quốc hội khoá 9, để rồi, được thông qua với Nghị quyết 40, như là một cơ sở pháp lý để việc làm thí điểm phân ban được tiến hành trôi chảy.
Sự "dọn đường" này dẫn tới lối lắt léo là, đến năm 2003, phải xin tạm lùi phương án phân ban để tiếp tục nghiên cứu chứ chưa thể làm đại trà được. Cái đích 2006-2007 triển khai đại trà trong toàn quốc như báo cáo trở thành "không tưởng".
Nếu nói về "bề dày nghiên cứu"phân ban thì Bộ đã từng có kinh nghiệm thí điểm trong thực tiễn từ năm 1992 với phương án ba ban hẹp và sớm (ngay từ lớp 10). Sau bảy năm, với quy mô thí điểm ở 53 tỉnh, thành, 216 trường, chương trình đã phải dừng thí điểm vì những bất hợp lý và thiếu khả thi của nó. Trước đó, cũng đã có một lần thí điểm chuyên ban nhưng chỉ ở vài trường trên toàn quốc.
Làm sách xoành xoạch
Việc làm sách giáo khoa có ảnh hưởng trực tiếp tới những xáo động này.
Cần nhắc thêm một sự kiện để thấy lý do không thể "về đích" như báo cáo. Đến tháng 10 năm 2003, Viện Chiến lược và chương trình giáo dục vừa có báo cáo kế hoạch hoàn thiện chương trình và chuẩn các môn học giáo dục phổ thông và tiến hành công việc này từ tháng 11/2003 đến tháng 4/2004.
Tức là, dù đã làm sách giáo khoa để đưa ra thí điểm, đến lúc này, Bộ GD-ĐT mới bắt tay vào xây dựng chương trình chuẩn. Có nghĩa, lại hì hục làm sách giáo khoa mới nữa cho đúng quy trình (có "chuẩn" mới làm sách).
Trở lại với thời điểm này, trong khi đang trình để xin ý kiến về 2 phương án phân ban, Bộ lại tiếp tục công việc hoàn thiện sách giáo khoa theo hướng phân ban. Công việc này đang được làm gấp rút. Bởi, theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, đến tháng 1/2006, đã phải thẩm định SGK lớp 10 theo chương trình nâng cao và hoàn thành vào cuối tháng 2/2006.
Như 2 phương án mới nhất, SGK sẽ gồm hai loại: SGK theo chương trình chuẩn cho tất cả các môn và SGK theo chương trình nâng cao cho tám môn phân hóa. HS sẽ học theo chương trình, SGK nâng cao đối với các môn nâng cao và học theo chương trình, SGK chuẩn cho các môn còn lại.
Tức là, ở cấp THPT có một bộ sách gồm 2 loại: SGK biên soạn theo chương trình chuẩn cho tất cả các môn học và SGK biên soạn theo chương trình nâng cao cho 8 môn học phân hóa gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và Ngoại ngữ. Liệu tốn kém công sức, tiền của như vậy có mang lại cho chương trình THPT phân ban một chương trình hợp lý, khoa học, được thực tiễn chấp nhận không, khi những vấn đề đang tồn tại vẫn chưa tìm được lời giải thích hợp?
Im lặng là...
So với những chính sách như: tăng học phí hay sửa đổi quy chế tuyển sinh, chuyện phân ban thuộc nội dung không dễ bàn luận bởi tính phức tạp của nó. Dù rất nhiều nỗ lực, báo giới cũng khó lòng tiếp cận với những người làm chính sách "phân ban giáo dục" để thấu cho mọi nhẽ của vấn đề.
Có lẽ, sự thận trọng này của những người làm chính sách "phân ban giáo dục" tuân thủ nguyên tắc của một nhà Vật lý người Nga: ”Không nên để cho công chúng tham gia vào các vấn đề khoa học, bởi lẽ thực tại khách quan tồn tại ngoài khả năng nhận thức và ý muốn của công chúng”. Dù rằng, trả lời trước Quốc hội về những chính sách đang soạn sửa của mình, Bộ trưởng Giáo dục luôn tỏ thái độ cầu thị: “Các dự án chúng tôi chuẩn bị với một trách nhiệm rất cao. Không ai tài gì mà có thể một lúc nghĩ được mọi vấn đề mà phải trong quá trình tìm tòi, nghiên cứu, lắng nghe ý kiến chứ mình chủ quan cho là mọi việc tốt rồi là lại phạm sai lầm lớn hơn...”.
Nếu đúng là được làm một cách khoa học, không phải "báo cáo không thành có", chỉnh sửa xoành xoạch, vài tháng lại "đùng một cái" trình phương án mới...thì câu chuyện phân ban không đến cái mức nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu giáo dục và dư luận đề cập mà vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng, đến mức đặt vấn đề: Chỉnh nữa hay dừng việc thí điểm?
-
Hạ Anh
Ý kiến của bạn: