(VietNamNet) - "Cuộc ma-ra-tông" vào các trường ĐH Mỹ sẽ có kết quả tốt hơn nếu khởi động ít nhất trong 3 năm. Bài viết chi tiết của bạn Phạm Khoa, sinh viên trường ĐH Bates (Mỹ) giới thiệu chi tiết sự chuẩn bị cho cuộc đua này.
Các SV quốc tế theo học tại Mỹ |
Lớp 10: Khởi động
Hiện nay, nhu cầu du học Mỹ của HSVN ngày càng tăng cao khiến cuộc cạnh tranh vào các trường ĐH Mỹ trở nên khốc liệt. Đối với các bạn muốn giành một suất học bổng ĐH thật hậu hĩnh thì nhiệm vụ lại còn khó hơn gấp bội. Một phần vì nhiều trường tỏ ra cẩn thận hơn trong các khoản chi tiêu, bao gồm cả việc cung cấp học bổng cho SV quốc tế. Ngoài ra, HSVN còn phải đấu chọi với số lượng DHS ngày càng đông từ những quốc gia đang phát triển khác như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Để có thể vào được trường mơ ước, bạn cần phải vạch ra kế hoạch dài hạn cho việc apply càng sớm càng tốt. Tìm trường và tìm học bổng là một quá trình lâu dài đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại tìm tòi và học hỏi. Không ai có thể bảo đảm cho bạn một suất học bổng toàn phần, và cũng không website nào có thể bán cho bạn một chiếc vé vào Harvard. Bạn có thể thu thập thông tin từ bạn bè, thầy cô hoặc là trả tiền để nhận được sự hỗ trợ từ các website trên Internet, nhưng thành công cuối cùng vẫn phụ thuộc chủ yếu vào chính bản thân bạn.
Nếu bạn vẫn còn lưỡng lự hoặc chưa chắc chắn về kế hoạch tương lai của mình thì đây là thời điểm lý tưởng để cân nhắc trước khi bạn quyết định đầu tư thời gian, công sức và tiền bạc vào việc du học Mỹ.
Bạn có thể hỏi thăm các anh chị khóa trước đã và đang du học hoặc là tham khảo những tài liệu ở Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) ở Hà Nội và TP.HCM về học tập cũng như cuộc sống ở Mỹ. Sau đó, đặt ra một số câu hỏi cho chính mình:
-
Tại sao tôi muốn đi du học?
-
Tại sao tôi lại chọn Mỹ?
-
Khả năng học vấn và tiếng Anh của tôi phù hợp với những trường tầm cỡ nào?
-
Gia đình có thể hỗ trợ tài chính cho tôi bao nhiêu?
-
Sau khi học ở Mỹ xong thì tôi sẽ làm gì?
Nếu sau quá trình tìm hiểu bản thân, bạn nhận ra rằng du học Mỹ dường như không phải con đường thích hợp thì có lẽ bạn tập trung vào những mục tiêu sống khác của mình. Còn nếu bạn quyết tâm đi Mỹ thì hãy xắn áo quần, lên xe, đội mũ bảo hiểm để chuẩn bị bắt đầu tăng tốc cho cuộc đua đầy thú vị này.
Lớp 11: Tăng tốc
1. Tìm hiểu
Bắt đầu quá trình nghiên cứu về các trường ĐH Mỹ. Những yếu tố quan trọng cần lưu ý là: khả năng được cấp học bổng, vị trí và quy mô của trường, những môn học bạn dự định chính, các cơ hội học tập ở nước ngoài. Cố gắng lập ra một danh sách gồm khoảng 20 trường bạn yêu thích vào cuối mùa hè.
Ngoài ra, bạn nên theo dõi thường xuyên tin tức trên các tờ báo lớn cũng như các diễn đàn và websites để cập nhật thông tin mới nhất về công tác tuyển sinh và các cơ hội học bổng.
2. Lấy các kỳ thi
Học và tham gia các kỳ thi chuẩn hóa: TOEFL, SAT, ACT...Thi sớm vô cùng quan trọng vì bạn sẽ có thời gian để thi lại nếu như điểm thi lần đầu tiên không được như mong đợi.
3. Bắt đầu quá trình “networking”
Ngoài việc truyền đạt cho bạn kinh nghiệm, những "tay trong" này còn có thể "đánh bóng" bạn với những người trong văn phòng tuyển sinh, giúp bạn phần nào có lợi thế hơn so với những bạn sinh viên khác. Lưu ý khi liên lạc với những sinh viên đại học này thì nhớ đeo bám đều đặn vì họ thường rất bận nên có thể vô tình quên đọc hay trả lời mail của bạn. Phải nhấn mạnh rằng networking là một yếu tố quan trọng có thể góp phần không nhỏ vào thành công của bạn.
4. Ngoại khóa
Nếu như chưa bao giờ quan tâm hoạt động ngoại khóa ở cấp 3 thì đây là thời điểm tốt nhất để bạn bắt đầu. Tích cực tham gia các hoạt động trong trường cũng như địa phương bạn cư ngụ. Ví dụ như viết báo tường, quản lý CLB Tiếng Anh, dạy học cho trẻ em nghèo...Ngoài thành tích học tập, nhân viên tuyển sinh còn chú ý không ít đến thành tích ngoại khóa trong trường và ngoài xã hội của bạn. Mỹ quan niệm rằng một nền giáo dục tốt là phải đào tạo con người xuất sắc toàn diện - đạt thành tích cao trong trường và hăng hái nhiệt tình trong các hoạt động xã hôi.
5. Công việc học tập
"Tui có nhiều việc phải chuẩn bị quá nên chắc phải slack off ở trường một tí." Không bao giờ! Nên nhớ rằng, các trường đại học sẽ nhìn vào bảng điểm của cả cấp 3 cho nên bạn không muốn bị điểm xấu vào bất kỳ năm nào. Đối với hầu hết các trường ĐH, thành tích trong những năm phổ thông là thước đo quan trọng nhất để xem liệu bạn có khả năng theo đuổi nổi giáo trình nặng nề ở bậc ĐH hay không.
Quan trọng hơn nữa, bạn sẽ cần xin thư giới thiệu của thầy cô khi nộp hồ sơ vào ĐH - một trong những yếu tố quyết định số phận của bạn. Do đó, nếu như công việc học tập của bạn xuống dốc và gây ấn tượng không tốt với thầy cô thì nhiều khả năng rằng những lá thư giới thiệu trong tương lai sẽ không tốt như mong muốn.
Lớp 12 - Học kỳ I: Nướt rút
1. Rút ngắn danh sách các trường cần apply
Không ai cấm bạn apply 50 trường. Nhưng apply nhiều trường và không đầu tư đủ thời gian để chăm chút cho hồ sơ của từng trường thì khả năng đậu của bạn sẽ không cao.
Ngoài một tình trạng cá nhân chung, hầu hết mỗi trường đều yêu cầu bạn viết thêm từ một đến ba bài luận bổ sung và các bài luận thêm của từng trường khác nhau. Ngoài công đoạn tốn thời gian nhất là viết essay, bạn còn phải điền hàng loạt các đơn khác nhau, sau đó còn đeo bám với các nhân viên tuyển sinh.
Như đã nói nhiều lần, thi vào đại học Mỹ là một quá trình lâu dài và liên tục do đó bạn không nên xem nhẹ việc đầu tư thời gian. Bạn có thể yêu cầu các trường gửi bộ hồ sơ xin học trong dịp hè để khi vào năm học, sẵn sàng điền đơn và chuẩn bị những giấy tờ liên quan.
2. Tìm hiểu thêm về trường:
Nếu bạn có điều kiện (nhất là những bạn đang học high school ở Mỹ), nên đến thăm các trường sẽ apply hoặc là tham dự những buổi tiếp đón do trường tổ chức ở khu vực mình cư ngụ. Ngoài việc thu thập thêm thông tin, đây còn là một cách chứng minh niềm đam mê và nhiệt thành của bạn đối với trường.
Vào đầu năm học khi việc học tập chưa quá bận rộn, bạn tranh thủ thời gian tiến hành các buổi phỏng vấn với trường. Nếu đến tham quan trường thì có thể phỏng vấn ngay tại đó, còn nếu không thì trường có thể phỏng vấn bạn qua điện thoại.
3. Lấy lại các kỳ thi:
Nếu không hài lòng với điểm SAT và TOEFL lần đầu, bạn nên đăng ký thi lại. Cho dù bạn đã chuẩn bị và học rất nhiều cho lần đầu tiên, bạn vẫn cần ôn lại hoặc ít nhất là lướt qua những gì đã học để giúp 'refresh' kiến thức của bạn. Theo kinh nghiệm của nhiều người, điểm thi của lần hai, lần ba thường cao hơn so với lần đầu. Còn cao hơn bao nhiêu thì phụ thuộc nhiều yếu tố khác nữa.
Điểm những kỳ thi này, đặc biệt là SAT và ACT càng cao thì cơ hội nhận học bổng sẽ cao hơn.
4. Thư giới thiệu:
Các thầy cô thường rất bận rộn, nhất là ở những trường lớn. Cho nên, bạn cố gắng tiếp cận mục tiêu càng sớm càng tốt và cho mỗi người ít nhất một tuần để viết. Thông thường thì các trường yêu cầu 2 hoặc 3 thư giới thiệu.
Người viết thư giới thiệu nên là người thân quen và có cảm tình tốt với bạn. Vì ngoài các chi tiết về học hành, họ còn đánh giá và nêu lên cảm nghĩ về những khía cạnh khác của bạn như là tiềm năng lãnh đạo, cách ứng xử và quan hệ với bạn bè và thầy cô...
Deadline!!! Luôn chú ý đến hạn chót nộp hồ sơ cũng như lịch hẹn phỏng vấn. Cố gắng đừng chủ quan dẫn đến việc chậm trễ hồ sơ hoặc quên phỏng vấn. Các bạn ở VN lưu ý rằng bình thường gửi thư từ VN qua Mỹ mất khoảng 2 tuần, còn nếu sử dụng những dịch vụ chuyển phát nhanh như UPS, DHL, FedEx thì cũng mất tầm 3-5 ngày. Do đó, nên hoàn tất hồ sơ càng sớm càng tốt và nếu còn dư thời gian thì ngồi xem đi xem lại những chi tiết trong bộ hồ sơ để tránh những lỗi nhỏ đáng tiếc.
Lớp 12 - Học kỳ II: Về đích
Thông thường, bạn sẽ bắt đầu nhận được thư thông báo chấp nhận hoặc từ chối vào khoảng đầu tháng 4, và trễ nhất là trong tháng 5. Đây là lúc bạn phải quyết định chọn trường cho mình. Khi chọn trường, bạn nên cân nhắc nhiều yếu tố khác nhau vì bạn sẽ học ở đại học trong vòng 4 năm, một thời gian không ngắn. Một vài vấn đề bạn cần lưu tâm khi chọn trường là: mức hỗ trợ tài chính, giáo trình học, vị trí trường, các hoạt động ngoại khóa và thể thao... Bạn nên liên lạc với SVVN hoặc SV quốc tế đang học các trường đó để nghe ý kiến và kinh nghiệm của họ về môi trường học tập cũng như sinh hoạt. Qua trao đổi với những người có một kiến thức nền tương tự, bạn sẽ phần nào hình dung ra được viễn cảnh của các trường và từ đó bạn có thể cân nhắc xem bạn có thích hợp không.
Theo các thông kê không chính thức, trên 30% sinh viên ở Mỹ chuyển trường sau năm đầu tiên. Lý do chủ yếu là họ nhận ra rằng họ không thích hợp với trường đã chọn. Mặc dù rằng ưu tiên lớn nhất của SVVN chúng ta là tài chính nhưng tìm một trường phù hợp với bạn cũng quan trọng không kém vì đây là nơi bạn sẽ học tập và sinh sống cho bốn năm ý nghĩa nhất của đời bạn.
Sau khi quyết định chọn trường thì bạn sẽ gửi thư đồng ý và tiền đặt cọc cho trường. Đối với những trường bạn không chọn, hãy dành chút thời gian viết thư từ chối một cách lịch sự đồng thời cảm ơn trường.
Cuối cùng bạn chờ trường gửi bản I-20. Khi có I-20 trong tay rồi thì bạn sẽ bắt đầu tiến hành xin visa.
-
Phạm Khoa (ĐH Bates)
Mời các bạn chia sẻ kinh nghiệm du học của mình với độc giả VietNamNet với các bài viết, câu chuyện của mình và bạn bè. Bài viết gửi theo địa chỉ: bangiaoduc@vasc.com.vn. Cảm ơn và mong nhận được sự hợp tác của các bạn.