(VietNamNet) - Việc công nhận GS, PGS sẽ do các trường ĐH đảm nhiệm. Nếu các trường phát triển mạnh thì có thể sẽ xem xét đến việc giải tán Hội đồng Nhà nước (HĐNN) về chức danh GS.Những người đã được bổ nhiệm PGS, GS ở những trường đại học lớn nước ngoài sẽ được đặc cách xét tiêu chuẩn GS,PGS Việt Nam...
GS Đỗ Trần Cát: "Tôi đã đề xuất ý kiến, những người Việt Nam được bổ nhiệm PGS, GS tại những trường nằm trong Top 100 của thế giới... sẽ được xét đặc cách" (Ảnh: K.O) |
GS Đỗ Trần Cát, Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước về Chức danh Giáo sư, cho biết như vậy khi trao đổi về những vấn đề mới trong quy định về chức danh GS, PGS đang sửa đổi hiện nay.
Trường đại học phải trình quy hoạch phát triển
Cùng với nghị quyết đổi mới giáo dục ĐH, việc bổ nhiệm GS, PGS đã có những sự "cựa mình". Ông có thể tiết lộ về những động thái này?
Tháng 11/2005, chúng tôi đã gửi bản dự thảo mới nhất về việc "Tiêu chuẩn và quy định bổ nhiệm chức danh GS, PGS" tới các trường ĐH, Viện nghiên cứu và bộ, ban, ngành liên quan. Hiện tại đã nhận được ý kiến phản hồi từ 60 cơ sở, đa số đều ủng hộ. Chúng tôi sẽ tổng hợp và biên tập lại, để Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển trình Thủ tướng ngay trong tháng này.
Những nét mới trong bản dự thảo lần này là gì?
Tinh thần chung của Luật Giáo dục mới là tăng quyền tự chủ cho cơ sở. Công tác xét phong GS, PGS cũng sẽ theo hướng đó.
Đầu tiên là việc phân cấp cho các trường bổ nhiệm. Việc bổ nhiệm phải đi liền với việc giao nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể và có điều kiện để hoàn thành các nhiệm vụ. Các trường có thể tự gia giảm.
Các cơ sở như thế nào sẽ được quyền bổ nhiệm GS, PGS?
Trong ngạch viên chức (Viên - Chính - Cao cấp), GS được xếp vào hạng cán bộ cao cấp và PGS xếp tương đương với giảng viên chính. Hiện nay, theo quy định nhà nước, việc bổ nhiệm cán bộ cao cấp là do Bộ chủ quản. Nếu các cơ sở được Bộ chủ quản ra quyết định cho phép thì được chủ động việc này.
Đối với các trường phải được quyền phân cấp bổ nhiệm của Bộ GD-ĐT.
Viện nghiên cứu nào được phép đào tạo NCS thì cũng coi là cơ sở giáo dục ĐH.
Có người lo rằng, việc để các trường tự chủ có thể dẫn đến tình trạng loạn... giáo sư. Như vậy, có biện pháp gì để kiểm soát số lượng và chất lượng GS, PGS?
Thực tế, Việt Nam đang thiếu rất nhiều PGS, GS nên không hạn chế về số lượng mà ngược lại, khuyến khích hơn. Chuyện lạm phát chắc là chưa có trong giai đoạn tới.
Với lộ trình này, các trường phải có quy hoạch phát triển (Xây dựng, tổ chức, cơ cấu) trong vòng 5 năm gửi lên Bộ. Cụ thể như: đào tạo những ngành nghề gì, bao nhiêu SV mỗi năm, mỗi bộ môn cần bao nhiêu GS, PGS...
Trên cơ sở đó, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét và phê duyệt. Tất nhiên, mỗi trường sẽ mỗi khác, có thể xê dịch, do nhu cầu phát triển của từng trường.
Lộ trình xét phong GS, PGS ở VN | |
|
GS phải đứng đầu một nhóm học thuật
GS Trần Quốc Vượng đã mở ra ngành khảo cổ học cho Sử học Việt Nam (Ảnh: Nguyên Vũ) |
Nếu dự thảo được phê duyệt, cách thức phong GS, PGS sẽ có những đổi khác gì?
Sẽ giống với một số nước phương Tây, chẳng hạn như Pháp.
Đầu tiên, những người có nguyện vọng xét duyệt nộp hồ sơ lên HĐNN để xét tiêu chuẩn.
Những người được công nhận tiêu chuẩn có quyền nộp hồ sơ vào bất cứ trường nào trong toàn quốc, để xét tuyển vào các vị trí PGS, GS của trường đó. Một người giảng dạy ở ĐH Bách khoa Hà Nội hoàn toàn có thể đâm đơn làm GS ở ĐHQG TP.HCM.
Ông vừa nhắc đến tiêu chuẩn GS, PGS chung của cả nước (do HĐNN xét). Với tinh thần đổi mới này, sẽ có gì khác so với những tiêu chuẩn đang áp dụng?
Về cơ bản vẫn như cũ nhưng có nâng lên một chút. Chẳng hạn, GS phải hướng dẫn chính 2 NCS, PGS phải hướng dẫn chính 2 thạc sỹ; Yêu cầu sử dụng thành thạo tiếng Anh trong lĩnh vực chuyên môn... Đây là yêu cầu tối thiểu để một ông PGS, GS có thể giao dịch quốc tế, hầu hết các Hội nghị khoa học quốc tế đều dùng Tiếng Anh.
Trước đây, tiêu chuẩn ngoại ngữ đối với PGS là 1 ngoại ngữ bất kỳ, và GS là 1 trong 5 thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung.
Có ý kiến cho rằng, điều kiện hướng dẫn chính ít nhất 2 luận án tiến sỹ đi ngược lại xu hướng trẻ hoá. Ông chia sẻ như thế nào với quan điểm này?
Là GS thì phải có học trò để thực hiện những ý tưởng của mình, phải thành lập ra một hướng chuyên môn riêng, thậm chí còn là người khai phá một trường phái khoa học. GS phải là người đứng đầu một nhóm khoa học trong các trường. Mà nhóm thì không thể chỉ có một học trò được.
Nước ngoài cũng như Việt Nam, không có GS nào chỉ có 1,2 học trò. Trừ những người đặc biệt xuất sắc, ví dụ như có công trình được giải lớn, thì bất chấp mọi quy định.
Liệu điều này có gây khó cho ứng viên GS, PGS trong những ngành có ít NCS hoặc bất cập khi xảy ra những chuyện chèn ép, không phân công học trò?
Sẽ phải dung hoà để phù hợp với thực tế không đồng đều của các ngành học. Như Kinh tế học, một GS có thể có vài chục NCS, một năm hướng dẫn 3-5 người là chuyện thường. Ngược lại, một số ngành kỹ thuật, công nghệ, khan hiếm hơn, thậm chí không có, nên không thuận lợi cho các thầy trong ngành đó.
HĐNN đang định chuẩn về "số lượng NCS hướng dẫn" cho các ngành nghề khác nhau. Tuy nhiên, đây mới chỉ là ý tưởng, và khó thực hiện.
Cụ thể, dựa vào những yếu tố nào để có thể ra quy định tiêu chuẩn hợp lý?
Tạm thời là bất khả thi. Vì chưa có một thống kê và nghiên cứu chính xác nên chưa thể đặt ra tiêu chuẩn cụ thể được.
Điều này không đơn giản nên cần phải có điều tra. Chưa kể, nếu làm thì chưa biết đây là nhiệm vụ của ai. Hiện tại, trong các văn bản chưa thấy đề cập, hay là đã có ở đâu mà mình chưa biết.
Đặc cách tiêu chuẩn cho GS, PGS các trường Top 100
Một số động thái trong thời gian gần đây chứng tỏ sự cởi mở trong việc xét phong. Điều này có được đẩy lên thành xu hướng hay chỉ là hiện tượng đặc biệt?
Đã và đang có xu hướng trẻ hoá. Tiêu chuẩn là những quy định chung, tuy nhiên vẫn có ngoại lệ đối với người có năng lực. Thực tế, đã có rất nhiều trường hợp được đặc cách về thâm niên giảng dạy, hay điều kiện có bằng tiến sỹ tối thiểu 3 năm...
Văn bản mới có thể sẽ có quy định mới (nếu không bị gạt đi): Đối với những người đã được bổ nhiệm PGS, GS ở những trường đại học lớn nước ngoài... thì sẽ đặc cách xét tiêu chuẩn, không phải qua HĐNN.
Cụ thể, lấy những tiêu chí gì để đánh giá trường X của nước Y là trường lớn một cách thuyết phục, tránh gây tranh cãi?
Tôi đã đề xuất ý kiến, những người Việt Nam được bổ nhiệm PGS, GS tại những trường nằm trong Top 100 của thế giới... sẽ được xét đặc cách (tất nhiên, còn phải thẩm định 1 số tiêu chuẩn khác) và được nhiều người ủng hộ.
Có rất nhiều bảng xếp hạng các trường Top, chúng ta theo xếp hạng nào?
Hàng năm, nhiều tổ chức, cơ quan vẫn công bố danh sách này. Chúng tôi chọn theo xếp hạng của một tổ chức của LHQ, hiện tại tôi chưa nhớ ra tên (cười).
Hệ thống GD của các nước không giống nhau và cũng khác Việt Nam, ta sẽ lựa chọn những bậc chức vụ nào trong hệ thống chức danh của họ để đặc cách GS, PGS, khi việc dịch nghĩa về mặt từ điển không phải lúc nào cũng chuẩn xác?
Đây cũng là một khó khăn. Tôi đã đi thăm quan, khảo sát về hệ thống GS, PGS ở rất nhiều nước. Mỗi nơi một khác, ví dụ như Trung Quốc, có trường như ĐH Vũ Hán, có đến 1000 GS.
Hay như ở Pháp, chức vụ Maitre de Conferences dù được dịch trong tiếng Việt là PGS đại học, nhưng chúng tôi cũng xem xét, tuỳ trường hợp mới quyết định công nhận tương đương, chẳng hạn những trường mà trong đó ngành anh/chị này làm PGS là ngành mạnh.
Xin hỏi, có một ký kết nào thoả thuận về việc công nhận tương đương giữa các nước không?
Hiện tại, Bộ GD-ĐT Việt Nam có ký kết 1 số thoả thuận về việc công nhận tương đương với 1 số nước. Nhưng, theo tôi hỏi thì mới ký với Belarus, và 1 nước nào đó ở Nga... Và hình như các ký kết đó chỉ nằm ở dạng các bằng cấp (Cử nhân, Thạc sỹ, Tiến sỹ..) mà không phải ở phần chức danh (GS, Phó GS). Cho nên, việc đòi hỏi có 1 chuẩn xác là điều không thể vào lúc này. Chúng ta hãy tạm bằng lòng với những tương đối thôi.
Có thể sẽ xem xét giải tán Hội đồng Nhà nước
Với việc phân quyền bổ nhiệm GS, PGS cho các trường, Viện, sẽ có thay đổi gì về chính sách lương GS, PGS?
Các trường được quyền tự chủ tài chính. Cụ thể các nguồn thu: từ học phí, ngân sách nhà nước cấp, tiền các đề tài, công trình, tiền tài trợ của các tổ chức quốc tế... nôm na là muốn chi gì thì chi, miễn là không vi phạm ngân sách.
Xu hướng là như thế, hình như đã có văn bản rồi. Trong phạm vi khoản tiền, hình như được quyền trả lương cho cán bộ gấp 2,5 hay 3 lần so với quy định của nhà nước.
Hiện tại, trở thành GS, PGS có được ưu tiên gì về mặt tài chính?
Về cơ bản, GS, PGS của ta chưa được nhận lương hay phụ cấp chức danh. Và, theo quy định, số giờ giảng theo yêu cầu định mức của họ còn phải tăng lên. Tức là, về mặt lý thuyết, thu nhập của họ sẽ ít đi (vì số giờ dạy được trả tiền cao giảm xuống).
Thông tư của Bộ Nội vụ năm 2002, thì các GS, PGS sẽ được nâng 1 bậc lương và việc nâng này không tính vào thời hạn tăng lương.
Văn bản là như vậy, nhưng trong thực hiện có những chậm chễ và không đồng đều. Thực chất như tôi biết thì không phải tất cả mọi người đều đã được.
Nhưng, ở khía cạnh khác, trở thành GS, PGS có thể giúp một giảng viên dễ nhận được tài trợ cho các đề tài, dễ có học trò hơn nếu đi dạy thêm...
Với nhiều tham vọng thay đổi như vậy, ông có nghĩ sẽ được phê duyệt luôn hay không? Và, trong trường hợp đó, các cơ sở có thể thích ứng ngay với những cách thức mới không?
Bản dự thảo có nhiều vấn đề. Tuỳ từng văn bản, nếu có chỗ nào khúc mắc thì phải lấy ý kiến thêm. Nếu không thì sẽ được quyết luôn.
Cá nhân tôi muốn càng được duyệt nhanh càng tốt. Các cơ sở ở dưới cũng đề nghị triển khai nhanh để kịp việc xét năm 2006, để chậm thì sẽ khó khăn.
Tuy nhiên, dù dự thảo được phê duyệt ngay năm nay, thì chắc chắn cũng phải cần một thời gian nhất định, có thể vài năm, mới triển khai lộ trình mới này một cách đồng bộ được.
-Thưa ông, nhân sự của HĐNN hiện tại như thế nào?
Hiện tại có 10 người và gần 300 vị kiêm nhiệm ở các HĐ ngành. Đây là những người làm việc ở các trường, các Viện.
Nếu phân quyền bổ nhiệm GS, PGS về các trường thì quyền lợi của HĐNN có bị thu hẹp?
(Cười) Theo cách nhìn của tôi, thì không đặt ra vấn đề quyền lợi của nơi này, nơi khác, mà là lợi ích của đất nước. Đây là xu hướng tất yếu thôi. Thậm chí, sau này, nếu các trường phát triển mạnh thì có thể sẽ xem xét đến việc giải tán Hội đồng này.
Điều này, còn phụ thuộc vào quyết định của chính phủ. Như Mỹ, họ để các trường toàn quyền chủ động. Còn Nga và Pháp vẫn có hội đồng để xét mặt bằng đó.
Xin cảm ơn GS!
· Hoàng Lê (thực hiện)
Danh xưng Giáo sư du nhập vào VN từ đầu thế kỷ 20, do ảnh hưởng của Pháp. Ban đầu, từ này dùng để chỉ những người làm công tác giảng dạy, nên có cả GS trung học, GS đại học... Sau đó, do nhiều thay đổi nên chỉ dành gọi ở bậc ĐH. Việc phong GS được chính thức thực hiện trong cả nước lần đầu vào năm 1980. Trước đó, đã có khoảng 30 người được phong GS rải rác trong hơn 20 năm: Lê Văn Thiêm, Nguyễn Xiển, Hồ Đắc Di, Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng... Hiện, hầu hết các quyết định này đã thất lạc, một số tìm lại được là do gia đình giữ được. Đến nay, đã có tổng cộng 1172 GS và 5565 PGS được nhà nước phong chức danh, trong đó hiện còn khoảng 500 GS và hơn 2000 PGS đang công tác. Người trẻ nhất ở thời điểm được công nhận giáo sư là TSKH Hoàng Ngọc Hà, ngành Khoa học trái đất (37 tuổi vào đợt phong năm 1996), hiện là Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ GD-ĐT. Ngô Bảo Châu coi như đã chính thức trở thành GS trẻ nhất nước. Tuần trước, GS Phạm Minh Hạc, chủ tịch HĐ chức danh GS nhà nước đã ký quyết định này. Hiện chỉ chờ (về mặt thủ tục) Văn phòng Thủ tướng có ý kiến là ra quyết định. |