(VietNamNet) - Đó là 1 trong 3 vấn đề được hầu hết các đại biểu tán đồng tại buổi gặp gỡ thông báo các Bộ ngành về những vấn đề đổi mới giáo dục (GD) ĐH và nhiệm vụ năm học mới do Bộ GD-ĐT tổ chức sáng nay (20/1).
Quanh cảnh buổi gặp gỡ (Ảnh: Hiền Lê) |
Cuộc họp có đại diện Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Khoa giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội, Hội Cựu giáo chức Việt Nam và Hội Khuyến học Việt Nam. Ba vấn đề thảo luận gồm: Xóa bỏ cơ chế Bộ chủ quản, Xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế và Phân ban trong giáo dục phổ thông...
Sau khi nghe Bộ GD-ĐT thông báo những vấn đề đổi mới GD 2006, nhiều ý kiến đề xuất: cả ba vấn đề Bộ đưa ra, để có "tham mưu" đúng đắn thì không chỉ trong thời gian ngắn và phải là ý kiến cả tập thể chứ không chỉ là quan điểm cá nhân.
Về vấn đề xóa bỏ cơ chế Bộ chủ quản, ông Nguyễn Hữu Tăng - Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, GDĐH của Việt Nam đã đến giai đoạn có nhiều trường đủ sức vươn lên tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Nếu để các trường tự lo, sẽ có rất nhiều trường vươn lên rất nhanh. Do vậy, rất hoan nghênh việc đặt vấn đề xóa bỏ cơ chế Bộ chủ quản. Tuy nhiên, việc thực hiện phải có lộ trình. Để thực hiện thành công, đòi hỏi lãnh đạo các trường phải có tầm.
"Đây sẽ là dịp để Bộ rà soát lại cấu trúc các trường ĐH cho hợp lý. Thậm chí, trường nào không đạt các tiêu chí đề ra có thể mạnh dạn cho giải tán. Bởi, khi vào tự quản sẽ có những trường phát triển nhanh và sẽ có những trường không phát triển lên được...", ông Tăng nói.
Khi tự quản, Bộ cũng nên để các trường chọn lựa GS và PGS. Nếu không chọn được thì giao các trường khác "đủ sức" chọn hộ, Bộ thẩm định khâu cuối. Như vậy, sẽ không cần tồn tại Hội đồng chức danh GD nhà nước.
Phó trưởng Ban Khoa giáo Trung ương Nghiêm Đình Vỳ tỏ ra thận trọng trước cách dùng từ "xoá bỏ cơ chế bộ chủ quản" và đề xuất cách gọi là "Tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường".
GS Phan Đình Diệu (chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về khoa học giáo dục của UBTW MTTQ VN) băn khoăn: Việc bỏ cơ chế Bộ chủ quản đã được bàn bạc từ lâu nhưng không đơn giản bỏ chủ quản của các cơ quan cấp trên. Đặt vấn đề này cần phải xem xét cơ cấu các trường. Vì khi bỏ cơ chế Bộ chủ quản, sẽ thay đổi cơ cấu rất quan trọng trong các trường....
Tiếp thu những góp ý trong thời gian ngắn, Bộ trưởng nhìn nhận: đổi mới GDĐH có nhiều nội dung với lộ trình thực hiện đến năm 2020. Do vậy, rất nhiều việc đòi hỏi ngành sẽ phải chuẩn bị kỹ, không thể vội vàng. Một số nội dung có thể triển khai ngay với những từ năm 2006 là xóa bỏ cơ chế Bộ chủ quản, Xây dựng đề án thành lập trường ĐH đẳng cấp quốc tế..
-
Kiều Oanh