(VietNamNet) - Ai sẽ chịu trách nhiệm giải quyết quyền lợi cho học viên, giáo viên khi SITC "biến mất"?Cuộc họp sáng nay giữa các bên liên quan sẽ đề cập những nội dung gì? VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Lại Hữu Miễn, Vụ phó Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ GD-ĐT).
Ông Lại Hữu Miễn: "Quan hệ giữa các Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ GD - ĐT và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội như thế nào chưa có văn bản hướng dẫn cho rõ" (Ảnh: Kiều Oanh) |
Ông Miễn cho hay, Bộ GD - ĐT hiện đang tìm một số tài liệu trên mạng xem người quản lý trung tâm SITC đang ở đâu; đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng tìm cách đấu tranh để bảo vệ quyền lợi cho người học.
Việc SITC mở các cơ sở tràn lan tại các địa phương không thông qua Bộ GD - ĐT là không đúng theo hướng dẫn của Bộ GD - ĐT.
Đến lúc SITC có những dấu hiệu sai phạm, Bộ đã phát hiện trong thời gian thanh tra từ tháng 7 đến tháng 10/2005 và có công văn đề xuất: "Nơi nào chưa báo cáo Sở GD - ĐT (như Đà Nẵng, Nha Trang, Khánh Hòa) để xin cấp phép hoạt động; Nơi nào dạy nghề thì phải báo cao Sở Lao động Thương binh và Xã hội; Mỗi chi nhánh phải có con dấu riêng chứ không được dùng con dấu của Trung tâm hoặc con dấu của Tổng Công ty chi nhánh tại Singapore".
Thời gian từ tháng 10/2005 đoàn kiểm tra đang chấn chỉnh thì các cơ sở của SITC trên toàn quốc lại rút lui vào đúng thời gian nghỉ Tết.
Học viên tại cơ sở 3 chi nhánh SITC tại Hà Nội đến đòi tiền khi nghe tin SITC biến mất (Ảnh: Trung Kiên) |
- Có sự lập lờ nào không khi SITC chỉ được Bộ cho phép mở cơ sở tại TP.HCM, trong khi tại Hà Nội và nhiều địa phương các cơ sở mở tràn lan và các Sở cấp phép hoạt động có báo cáo Bộ?
Việc SITC mở cơ sở tại Hà Nội đã thông qua Sở Kế hoạch - Đầu tư, UBND thành phố Hà Nội để mở cở sở tại 3 địa điểm chứ không qua Sở GD - ĐT Hà Nội. Chính vì thế Bộ yêu cầu phải báo cáo với Sở GD-ĐT và trực tiếp báo cáo với Bộ GD - ĐT (qua Vụ Giáo dục thường xuyên).
Việc SITC mở cơ sở tràn lan là sai. Sai vì hoạt động trên địa bàn nào phải báo cáo với cơ quan chuyên môn. Cụ thể: Sở Kế hoạch - Đầu tư kiểm tra về giấy phép đầu tư trí tuệ vào Việt Nam; Sở GD - ĐT kiểm tra về chương trình giảng dạy tại Việt Nam, kiểm tra mẫu chứng nhận vì không thể đem mẫu chứng nhận của TP.HCM cho Khánh Hòa, Đà Nẵng...
Theo ông, phía Việt Nam, trách nhiệm giải quyết quyền lợi cho giảng viên, học viên sẽ thuộc về ai khi xảy ra sự cố SITC "biến mất"?
Các văn bản quy định liên kết giữa Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ GD - ĐT phân biệt trách nhiệm mỗi Bộ khá rõ. Nhưng đầu mối chủ trì thì lại chưa có quy định rõ ràng. Vấn đề này hiện nay đang được nghiên cứu làm rõ.
Ví dụ: "Dính" đến chương trình thì Bộ GD - ĐT quản lý và các cơ sở báo cáo Sở và Bộ GD - ĐT; Cũng có những việc họ chỉ báo cáo Sở Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Kế hoạch và Đầu tư; hoặc "dính" đến đào tạo nghề thì Bộ Lao động Thương binh và Xã hội giải quyết...
Do đó, một doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp thì phải có một cơ quan làm đầu mối quản lý. Trên cơ sở đầu mối liên hệ với các Bộ thì mới nắm được tình hình chung.
Quan hệ giữa các Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ GD - ĐT và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội như thế nào chưa có văn bản hướng dẫn cho rõ. Hiện nay Bộ GD - ĐT cấp phép trên cơ sở cấp phép của Bộ Kế hoạch - Đầu tư - đây cũng là vấn đề cần phải xem xét.
Cái sai lầm của chúng ta là khi thành lập Trung tâm là phải có quy chế ngay, nhưng việc mở trung tâm có 100% vốn đầu tư nước ngoài thì mới có Thông tư liên tịch số 14/2005/TTLT-BGD&ĐT-BKH&ĐT "Hướng dẫn một số điều của Nghị định số 06/2000/NĐ-CP ngày 06/03/2000 của Chính phủ về việc hợp tác đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực khám chữa bệnh, giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học".
- Vậy Bộ GD-ĐT đã đề xuất hướng giải quyết trong cuộc họp liên bộ như thế nào?
Hướng giải quyết Bộ GD - ĐT đề xuất tại cuộc họp là phải đặt quyền lợi của người học trong quyền lợi chung của đất nước. Quyền lợi của người học phải được bảo vệ nhưng bảo vệ cũng phải rất tế nhị theo hướng tìm hiểu nguyên nhân từ cá nhân Trung tâm hay sai lầm của Tổng Công ty chi nhánh tại Singapore.
Nếu Tổng Công ty sai thì hướng xử lý sẽ khác. Nhưng vấn đề ở đây chúng tôi có cảm giác là cá nhân Trung tâm SITC cố ý làm sai...Cho nên phải có sự phối hợp giữa các Bộ ban ngành, kể cả Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Công an và Bộ GD - ĐT...tìm cách phối hợp giữa 2 nhà nước Việt Nam - Singapore để khắc phục tình trạng này.
- Nhóm PV Giáo dục
Theo dòng sự kiện:
Ý kiến của bạn: