Tờ Today Online của Singapore lại có bài báo về sự kiện SITC Việt Nam "biến mất". Một giám đốc của SITC tiết lộ rằng, mỗi lần SITC cần vốn, lên tới 125.000 đôla/lần, một nhóm các nhà đầu tư mới bị lôi kéo vào việc thành lập một trường mới . Mỗi lần như vậy, trường mới lại tiếp nhận hết số sinh viên theo năng lực hiện có trong khi học phí không đủ bù đắp chi phí.
Khi những học viên của SITC ở VN dự định đâm đơn kiện để lấy lại số tiền học phí đã nộp, họ mới vỡ lẽ việc điều hành các trường của SITC vô cùng lộn xộn.
Nguồn tin thân cận với SITC cho biết, trường này được điều hành dựa trên mô hình bán hàng đa cấp. Mỗi lần cần rót vốn, một nhóm các nhà đầu tư mới bị lôi kéo để thành lập các trường mới. 19 trường ở VN được thành lập trong vòng có 2 năm và 12 trong số đó hoạt động không có giấy phép của các sở giáo dục địa phương.
Mỗi tháng các cổ đông sẽ được trả 30-100 đôla/người. Angela Lee, một thương gia Singapore, bị lôi kéo để đầu tư 10.000 đôla vào công ty này cách đây 2 năm. Tuy nhiên, Lee đã từ chối đề nghị này vì bà cảm thấy mô hình kinh doanh đó có vấn đề. Bà cũng từ chối việc giúp SITC lôi kéo thêm các nhà đầu tư.
''Họ nói với tôi là đang sử dụng mô hình bán hàng đa cấp. Trong lĩnh vực giáo dục, bạn là người cung cấp dịch vụ. Làm sao bạn có thể điều hành công ty này theo mô hình bán hàng đa cấp dựa trên sản phẩm?'', Lee nói.
Một giám đốc của SITC cũng tiết lộ rằng mỗi lần SITC cần vốn, lên tới 125.000 đôla/lần, một nhóm các nhà đầu tư mới bị lôi kéo vào việc thành lập một trường mới . Mỗi lần như vậy, trường mới lại tiếp nhận hết số sinh viên theo năng lực hiện có trong khi học phí không đủ bù đắp chi phí.
Tháng 11/2004, do lo ngại về tốc độ thành lập thêm các trường mới, các giám đốc của SITC tại Singapore đã yêu cầu cố vấn người Đài Loan Michael Yu của họ ngừng mở thêm trường mới. Michael You lúc đó đang điều hành SITC tại Việt Nam. Trong vòng vài tháng, Michael Yu đã tiếp cập với các giám đốc và lần đầu tiên trực tiếp yêu cầu xin rót thêm vốn. Sự lộn xộn về tài chính bị phát hiện khi một giám đốc tới VN để kiểm tra chi tiết tài khoản trong tháng 6. Kết quả kiểm tra cho thấy các trường của SITC luôn trong tình trạng chi lớn hơn thu.
Do vậy, các giám đốc đã báo cảnh sát về hành vi của Michael Yu, người đã mất tích từ đó cho tới nay. Cũng theo vị giám đốc trên, hệ thống các trường của SITC, với vốn đầu tư 2 triệu đôla của 82 cổ đông Singapore, tự xưng là gồm các trường tại Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Campuchia và Singapore. Trên thực tế, nhiều trường này chưa bao giờ được thành lập.
Tháng trước, các trường tư của SITC tại VN sụp đổ trong tình trạng 1.000 nhân viên chưa được trả lương và 30.000 học viên đòi bồi hoàn học phí. Các trường này vẫn đóng cửa mặc dù có dán thông báo sẽ mở cửa vào thứ hai.
Một người quản lý trước đây cho biết SITC đã sử dụng ''phiếu khuyến học'' như một công cụ marketing. Bất kỳ ai cũng có thể mua phiếu này và bán lại để thu lợi nhanh chóng. Cụ thể là các phiếu này được bán thấp hơn học phí của khoá học 30 đôla. Khi tin tức về những khó khăn của SITC lan rộng, việc bán tháo phiếu khuyến học đã làm cho những phiếu này phút chốc trở thành các mẩu giấy vụn.
Ít nhất, một nhóm học viên VN dự định đưa SITC Holdings ra toà. Theo anh Nguyễn Hoàng Điệp, một cố vấn pháp luật 29 tuổi, người đã trả 3.600 đôla cho một khoá học thạc sĩ 4.500 đôla, khoảng 300 học viên theo học thạc sĩ (MBA)ở Hà Nội và TP.HCM đang kiện SITC về tội lừa đảo. ''Phần lớn các học viên MBA đang nắm giữ các vị trí quan trọng trong các cơ quan nhà nước. Chúng tôi sẵn sàng chi nhiều hơn để đòi lại công lý'', Điệp nói.
Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Singapore cho biết ''SITC là một doanh nghiệp không liên quan tới Chính phủ Singapore''. Bộ hy vọng các vấn đề ''sẽ được giải quyết nhanh chóng theo luật Việt Nam''.
-
Minh Sơn (Nguồn: Today Online)
Theo dòng sự kiện:
Ý kiến của bạn: