Vụ SITC: Tiên trách kỷ, hậu trách… ta
(VietNamNet) - "Sự kiện SITC" đối với từng gia đình có thể chưa hẳn là giới hạn của sự sinh tồn nhưng là cảnh báo đối với các dự án đầu tư nói chung. Doanh nghiệp đầu tư vốn, tạo công ăn việc làm cần được trân trọng nhưng luật pháp và quyền lợi của người dân còn cần được tôn trọng hơn.
Lại chỉ có "hộp thư lưu"?
Ngày 25/1, tấm biển hiệu của cơ sở 2 chi nhánh SITC Hà Nội vẫn còn, dù bên trong, nhân viên và giáo viên đã bất an vì sự biến mất của lãnh đạo người Singapore. (Ảnh: Kiều Oanh) |
"Tích tiểu thành đại, tổng số học viên đứng đường do SITC "thải ra" chừng 8.000. Cứ cho là mỗi người đóng 120 USD cho năm 2006 (phần lớn) thì đã là 960.000 USD. Ngoài ra, còn số tiền đóng học của 2005, nợ lương, nợ tiền nhà... Từ hệ thống quản lý tài chính Việt Nam, tôi thắc mắc là tại sao cơ sở này có thể ung dung chuyển một số tiền lớn như vậy qua “biên giới”. Một quan chức Bộ Tài chính bức xúc.
Tiền được họ xách tay hay chúng ta chưa có cơ chế trói chặt tiền ở nhà? Xét trên một thế cờ tướng thì khi bị “lừa”, rõ ràng trình độ của anh kém.
Với SITC, công luận cũng như nội bộ các cơ quan chức năng xôm tụ như thế nhưng chưa có cơ quan nào thực sự cảm thấy có trách nhiệm trong vụ đổ bể của cả một doanh nghiệp đầu tư 100% vốn nước ngoài này.
Bộ KH-ĐT cấp phép. Bộ GD-ĐT quản lý nhà nước. Các Sở GD-ĐT hoặc KH-ĐT quản lý tại địa phương. Ngỡ rằng chặt chẽ. Vậy mà, cuối cùng, hàng chục nhà quản lý người nước ngoài ở SITC cuốn gói cùng tiền bạc mà chẳng ai hay.
Nhớ mấy năm trước, một tay người Đài Loan đến Hà Nội mở trường Quốc tế châu Á rồi cũng làm một vố khiến hàng trăm SV điêu đứng. Moi mãi rồi cũng tìm ra mấy kẻ có lỗi. Không thẩm định kỹ hồ sơ. Kỷ luật. Bỏ vào “hộp thư lưu”. Chấm hết.
Cứ theo cái đà xử lý hậu quả của trường "quốc tế ma" kia, tới đây, sẽ vì ngoại giao, báo cáo lên xuống, đá bóng qua lại, chẳng ai bị cách chức, chịu trách nhiệm về điều gì cả. Lỗi là do đối phương quá ranh ma. Mọi sự sẽ lắng xuống. Các cơ quan chức năng sẽ tìm được cách giải quyết cho những học viên đã đóng tiền mà chưa được học. Ví như xếp thêm vào các Trung tâm tiếng Anh rải rác khắp đất nước. Thêm bát thêm đũa thôi.
Như đã nói ở trên, cái cần xem xét, đề phòng cao độ trong chương trình “hậu SITC”, trước tiên là hàng loạt các trung tâm đào tạo tương tự (600 hay hàng ngàn). Bởi họ có thể huy động tiền một cách mạnh mẽ ở mức độ lớn không kém SITC. Ví như một vài tập đoàn đầu tư nước ngoài, thu học phí cao gấp vài lần. Chỉ cần mở một chương trình khuyến mại đầu năm cũng có thể gom được một mớ chừng 500.000 USD. “Bốc” cùng mớ tiền này thì có thể yên tâm hạ cánh xuống bất cứ nơi nào trên thế giới, ung dung với cuộc sống an nhàn. Sau SITC, biết đâu không ít sẽ thấy ngon ăn, sao không làm thử?
Nếu SITC xảy ra ở các lĩnh vực khác...
Thực ra, trong lĩnh vực môi giới việc làm (lao động trong nước) những vụ việc tương tự đã xảy ra từ lâu nhưng ở phạm vi nhen nhúm. Thu vài ba trăm ngàn. Làm độ trăm người. Rồi đóng cửa. Tệ hơn là môi giới người đi lao động nước ngoài. Bộ LĐ-TB&XH phải cho công khai đăng tải những doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động. Cương quyết rút giấy phép của một số cơ sở không đủ chuyên môn. Tình hình được bình ổn dần. Tất nhiên thỉnh thoảng vẫn đâu đó có một vài nhân tài, có khả năng lao về làng xã, ăn chia hợp lý thu hút vốn của dân rồi…bùng.
Mà dân Việt Nam không phải là không cảnh giác! Chỉ là trong cái việc cung cấp tiền cho con trau dồi kiến thức thì nhờ truyền thống hiếu học hàng ngàn năm nay, chẳng gia đình nào tiếc.
Chứ tôi nhớ, hồi còn đi bán bảo hiểm nhân thọ cho một tập đoàn lớn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, câu hỏi số một của các khách hàng đều là: “Thế tôi đóng tiền cả đống vào đấy, họ phá sản, hay cầm tiền biến mất thì sao? Ai bảo đảm cho chúng tôi? Ai trả lại tiền?". Nhiều người nhất thiết không mua vì nghi ngại. Tất nhiên, đã được đào tạo kỹ càng nên chúng tôi luôn ứng phó: “Thứ nhất, tập đoàn này là một tên tuổi trong kinh doanh bảo hiểm nhân thọ trên thế giới đã mở công ty ở đây là chịu trách nhiệm rồi. Làm gì có chuyện đó. Thứ hai, chưa từng xảy ra sự vụ nào như thế trong ngành bảo hiểm…”.
Ai đeo bám tốt, cũng có người mua. Tâm lý chung là vẫn hoài nghi. Kể cả những đại lý như chúng tôi ngày đó, ai chẳng biết khi Công ty mẹ thành lập Công ty con (không phải chi nhánh) thường có những điều khoản như kinh doanh độc lập, không chịu trách nhiệm khi thua lỗ, phá sản… Chưa có vụ việc cuỗm tiền nào xảy ra trên thế giới với hãng bảo hiểm đó thôi chứ các hãng khác thì chưa biết.
Mà từ “chưa” nghe cũng mung lung lắm. Sau SITC, bỗng nhiên có kẻ thấy ngon ăn, làm thử, ẵm một mớ thì sao?
Cánh chủ thầu xây dựng những chung cư lớn cũng khoái gọi đầu tư. Điều gì sẽ xảy ra nếu có một nhóm nào đó thu được của 1.000 người? Trừ các chi phí lo lót, thu xếp cho gia đình thì cũng phải được vài chục triệu USD. Lại “quá” xứng đáng để biến mất như SITC.
Vài năm qua, thỉnh thoảng có lời đồn rằng ngân hàng này phá sản, ngân hàng kia mất khả năng thanh toán. Náo loạn. Ai cũng đòi rút tiền. Mỗi người bỏ vào độ 50 triệu. 1.000. 2.000. 10.000 khách hàng. Vài ngàn tỷ như chơi. Nếu mô hình SITC chuyển sang lĩnh vực này, điều kinh khủng sẽ xảy ra như thế nào?
Nhà nước quản không xuể: Nên thuê dịch vụ công
Có thể những ước đoán kia quá bi quan. Rủi ro trong kinh doanh luôn rình rập. Nhà nước chỉ có thể kiểm soát phần nào, còn lại, do thị trường quyết định.
Có thể sau này, chúng ta sẽ cám ơn SITC vì đã rung hồi chuông cảnh báo cho sự hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực quản lý nhà nước giữa các bộ, ban ngành.
Tăng cường kiểm tra, giám sát sự hoạt động của các doanh nghiệp. Về các Cơ sở giáo dục 100% vốn nước ngoài cũng như liên doanh liên kết (đều là những nơi thu tiền học phí rất cao từ vài trăm USD đến vài chục ngàn USD), cần có cơ chế quản lý tài chính thường xuyên như quy định rõ ràng thời điểm thu học phí. Bất kỳ khoản tiền nào thu được đều phải chuyển vào tài khoản sau một số ngày nhất định. Mọi khoản chi đều thông qua tài khoản để kiểm tra.
Sự quản lý về tài chính phải được thực hiện thường xuyên. Nếu các cơ quan quản lý Nhà nước không đủ thời gian và nhân lực thực hiện thì có thể ủy quyền cho các dịch vụ công. Thu lệ phí giám sát tài chính. Các bộ ngành cũng không đủ nhân lực để quản lý rải rác như vậy mà rõ ràng phải để địa phương thực hiện thông qua các khu vực dịch vụ công.
Doanh nghiệp đầu tư vốn, tạo công ăn việc làm cần được trân trọng nhưng luật pháp và quyền lợi của người dân còn cần được tôn trọng hơn.
Chúng ta chỉ nên trách chính bản thân đã không đưa ra được hành lang pháp lý chuẩn mực cho các doanh nghiệp thực hiện. Xem ra, đối với SITC thì đã quá muộn nhưng xét tổng thể thì vẫn kịp để phòng ngừa nhiều SITC trong tương lai. Thất bại là mẹ của thành công. Nhưng sẽ thật là tệ nếu bà mẹ đó vô sinh.
-
Trần Quang Hiển
Theo dòng sự kiện:
Ý kiến của bạn: