(VietNamNet) - "Trước đó, SITC Holdings đã nhờ một hãng luật lớn của Việt Nam khi thành lập SITC "mẹ" tại TP HCM. Họ tìm đến với tôi trong bối cảnh đặc biệt", luật sư Phạm Liêm Chính cho biết khi trao đổi với VietNamNet sáng 10/2.
LS Phạm Liêm Chính: "Không ngạc nhiên khi SITC đổ bể...." (Ảnh Kiều Oanh) |
9h30 ngày 23/12/2003, tôi đã gặp một êkíp các nhân viên, quản lý và vài người Singapore. Họ nói: hiện số người nước ngoài làm việc tại SITC theo hợp đồng ngắn hạn, không có giấy phép lao động cho nên không có thẻ cư trú. Họ cần được tư vấn.
Với vai trò luật sư tư vấn cho SITC trong năm 2004, tôi đã gặp các cơ quan chức năng như quản lý người nước ngoài, quản lý về văn hóa giáo dục, làm rõ những thủ tục cần thiết để hợp thức hóa cho hoạt động của SITC tại Việt Nam. Cụ thể là ổn định cho số người nước ngoài làm việc tại SITC thì phải có giấy phép lao động và thẻ cư trú hợp pháp.
Tiếp đó, tôi gặp Sở LĐ-TB&XH để làm rõ các bước cần thiết để hướng dẫn SITC hoàn thiện thủ tục pháp lý theo luật Lao động. Một trong những thủ tục để được cấp thẻ lao động tại Việt Nam (cũng như thẻ cư trú dài hạn tại Việt Nam) là phải có lý lịch tư pháp.
SITC đứng trước khó khăn khách quan là người nước ngoài chẳng có phiếu lý lịch tư pháp nên cũng không làm được thẻ lao động và thẻ cư trú. Thực tế, các giáo viên nước ngoài giảng dạy tại SITC lúc đó chủ yếu là Tây ba lô sang Việt Nam trong thời gian ngắn. Nếu yêu cầu họ về nước để xin chứng nhận tư pháp thì sẽ rất tốn kém, mà bỏ tiền túi thì không phải là mục đích của họ cho nên không làm được.
Khi SITC ký kết hợp đồng tư vấn, tôi cho rằng, trong suy nghĩ của họ, tại thời điểm cuối 2003 đầu 2004, họ muốn làm sai pháp luật Việt Nam. Nhưng khi được tư vấn làm theo pháp luật Việt Nam thì SITC gặp một số trở ngại.
Một là, tuyển giáo viên nước ngoài là những Tây ba lô nên không có sự ổn định nghề nghiệp tại Việt Nam. Họ không đáp ứng các tiêu chí của một vài thủ tục không thể thiếu để được cấp thẻ lao động và thẻ cư trú.
Hai là, vốn đầu tư của họ mỏng. Nếu làm theo tư vấn của luật sư thì SITC phải trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và thuế thu nhập cá nhân cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam nên sẽ ảnh hưởng đến túi tiền của họ.
SITC đã không làm theo tư vấn của luật sư vì 2 lý do nêu trên.
Họ không nghe theo tư vấn và muốn đi nhanh đồng nghĩa với cách làm chụp giật nên dẫn đến sụp đổ. Bởi vậy, tôi không ngạc nhiên khi nghe những tin tức về SITC biến mất trong thời gian này.
Nên yêu cầu chủ đầu tư đặt cọc
- Vụ trường Quốc tế châu Á "ma" mới vừa qua, nay thêm vụ SITC biến mất. Theo luật sư, bài học nào cần rút ra trong công tác quản lý?
Đó là những trường hợp hãn hữu và đương nhiên trong cả quá trình mở cửa của Việt Nam với hàng trăm doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực y tế, văn hóa và giáo dục.
Bài học rút ra ở đây là vấn đề hậu kiểm chưa nghiêm. Trong lĩnh vực này sẽ phải có tổ chuyên gia liên ngành gồm Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Tài chính và cả thuế nữa...
Nếu làm chặt khâu hậu kiểm thì sẽ tránh được sự sụp đổ của doanh nghiệp một cách đột ngột. Có nghĩa, sẽ phát hiện ra được những căn bệnh của doanh nghiệp và kéo những hồi chuông cảnh báo cho các doanh nghiệp cũng như các cơ quan chức năng. Từ đó, sẵn sàng có những hành động cụ thể để ngăn chặn sự sụp đổ lớn gây ảnh hưởng đến cộng đồng.
Mặt khác, các cơ quan chức năng trong nước nên có yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài cần thiết phải đặt một khoản tiền bảo lãnh đặt cọc tại ngân hàng. Để khi xảy ra sự cố liên quan đến trách nhiệm của nhà đầu tư sẽ dễ giải quyết cho khách hàng...
Với hai đề xuất đó, nếu cơ quan quản lý nhà nước làm tốt, có thể ổn định tình hình.
- Các cơ quan quản lý Việt Nam đang đặt vấn đề khởi kiện SITC nếu chủ đầu tư không quay lại phối hợp cùng giải quyết. Theo ông, như vậy có khả quan?
Theo thông tin gần đây thì các nhà đầu tư của Singapore vẫn tồn tại và hoạt động bình thường. Đó là dấu hiệu khả quan trong việc tìm giải pháp nào để buộc các nhà lãnh đạo SITC là những công dân Singapore phải có trách nhiệm đối với việc đóng cửa đột ngột các cơ sở dạy tiếng Anh tại Việt Nam.
Làm được việc đó hay không, đòi hỏi các chuyên viên pháp lý của các bộ, ngành liên quan phải phối hợp nghiên cứu thật chặt luật pháp Việt Nam và luật pháp Singapore. Cần thiết phải có sự phối hợp giữa 2 Chính phủ thì việc làm rõ trách nhiệm của SITC mới đạt hiệu quả mong muốn.
Nếu khởi kiện tại lãnh thổ Việt Nam, theo luật pháp Việt Nam và thông lệ quốc tế thì chúng ta phải triệu tập được bị đơn ra trước tòa án Việt Nam. Nếu bị đơn không sang thì phải có hình thức cưỡng chế. Mà cưỡng chế thì phải có nhà nước Singapore mới cưỡng chế được.
- Xin cảm ơn luật sư!
-
Kiều Oanh (thực hiện)
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam): "Vụ SITC càng rõ hơn tính hình thức của việc cấp phép" |
Khi xem xét hồ sơ, phải nói rằng SITC có đầy đủ, qúa nhiều các giấy phép, thủ tục liên quan. Vụ việc đổ bể này chứng tỏ tính không hữu dụng của cơ chế quản lý của nhà nước. Chúng ta thường chăm lo đến khâu cấp phép là coi như xong rồi. Mà vấn đề hậu kiểm mới là quan trọng. Vụ này càng rõ hơn tính hình thức của việc cấp phép. Tôi nghĩ, Nhà nước phải thiết kế xây dựng phát luật để nhà nước là trung tâm quyền lực của hệ thống hậu kiểm, trong đó người tiêu dùng, đối tác, bạn hàng, những người cạnh tranh… là những đối tượng tích cực tham gia vào công tác này. Về nguyên tắc, phải thiết lập một hệ thống pháp luật mà trong đó quy định rõ thẩm quyền thuộc về ai, nên quy về chỉ một cơ quan, để cũng chỉ cơ quan ấy chịu trách nhiệm. Như thế, sẽ hạn chế sự chồng chéo. Trong hệ thống pháp luật, chúng ta phải thiết kế để các luật chuyên ngành phải được ưu tiên áp dụng trước. Luật đầu tư chỉ quy định những nguyên tắc chung, cái khung. Chứ không thể nói rằng, một đơn vị cấp phép thành lập, rồi một đơn vị khác lại đi quản lý về mặt chuyên môn. Như vậy, có bất cập. Ví dụ, các công ty bảo hiểm được Bộ Tài chính cấp phép và quản lý hoạt động, hay ngân hàng nhà nước cấp phép hoạt động cho các ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam. Và các công ty, ngân hàng này có nghĩa vụ phải báo cáo hoạt động. Đây không phải là một quy trình khép kín mà là quy trình trong đó thẩm quyền có trách nhiệm phải chịu. Tương lai giáo dục, y tế cũng có thể sẽ theo hướng như vậy. Ngày 1/7/2006, Luật Đầu tư có hiệu lực, trong đó, cũng có những quy định, các lĩnh vực đầu tư chuyên ngành thì do luật chuyên ngành điều chỉnh. Như thế sẽ sâu sát hơn, trách nhiệm khi quy cũng cụ thể hơn.
|
Theo dòng sự kiện: