(VietNamNet) - Sáng nay, Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội sẽ nghe báo cáo về dự án luật Dạy nghề. Trong dự thảo này, nổi lên một số vấn đề, nếu không được giải quyết, có thể dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực cho hệ thống giáo dục nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng.
Phá vỡ tính hệ thống
Khung trình độ của 3 cấp dạy nghề chưa rõ |
Dạy nghề (DN) và trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo Luật giáo dục năm 2005. Như vậy, Luật giáo dục có thể được xem là luật khung mà các luật bên dưới nó không thể vượt ra ngoài luật khung được.
Việc tách dạy nghề để điều chỉnh bằng một bộ luật riêng thực chất là phá vỡ tính hệ thống của Luật giáo dục, đồng thời làm phức tạp cho hệ thống các trường TCCN và CĐ hiện nay, do các trường này đều tổ chức dạy nghề, TCCN và CĐ. Vấn đề là liệu chương trình dạy nghề trung cấp và chương trình dạy nghề CĐ khác gì với chương trình TCCN và CĐ? Nếu khác nhau thực sự thì việc tố chức dạy học, thi kiểm tra đánh giá, tổ chức kiểm định chương trình sẽ diễn ra thế nào?
Trong Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ IX Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX khẳng định “cơ cấu lại hệ thống đào tạo, hoàn thiện hệ thống đào tạo thực hành định hướng nghề nghiệp”.
Như vậy, theo tinh thần của Nghị quyết hệ thống đào tạo thực hành cần bao gồm cả TCCN, CĐ chứ không chỉ riêng dạy nghề để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống. Nếu tách riêng dạy nghề để có một luật riêng sẽ làm cho hệ thống mất tính thống nhất và trái với tinh thần của Nghị quyết trên.
Đào tạo liên thông sẽ gặp khó khăn
Khung trình độ của 3 cấp dạy nghề chưa rõ. Chưa có khảo sát, nghiên cứu nào nào từ phía thị trường lao động về nhu cầu loại lao động này, chú trọng về bên”cung” bỏ qua bên “cầu” không thích hợp với kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Chính vì thế, Bộ LĐTB&XH đang yêu cầu chính phủ Đức giúp đỡ trong Dự án đào tạo nghề để định nghĩa 3 trình độ dạy nghề như trong Luật giáo dục 2005.
Theo kế hoạch, dự án sẽ bắt đầu từ tháng 1/2006 sau khi kết thúc Dự án này với Bộ GD-ĐT vào cuối tháng 12/2005. Như vậy, bản chất trình độ của ba cấp dạy nghề sơ cấp, trung cấp và CĐ nghề Bộ LĐTB&XH hiện tại vẫn lúng túng chưa xác định được mà đã định luật hoá có thể là quá vội vàng. Do khung trình độ chưa rõ việc liên thông nhằm công nhận và miễn trừ thành tích học tập của người học sẽ khó thực hiện.
Điều kiện để liên thông giữa các trình độ hoặc giữa các chương trình đào tạo phải có kiểm định các điều kiện đảm bảo chất lượng để đảm bảo văn bằng hay chứng chỉ thoả mãn yêu cầu về giá trị. Song trên thực tế, mỗi Bộ lại có cơ quan kiểm định riêng nên việc đánh giá đúng chất lượng để hướng dẫn và quy định cho các trường thuộc hệ thống dạy nghề sang hệ thống CĐ, ĐH thuộc lĩnh vực giáo dục (hay ngược lại) không thể thực hiện được.
Đặc thù của dạy nghề mang tính chuyên ngành rất hẹp, trong khi giáo dục TCCN, CĐ, ĐH tính chất ngành nghề đào tạo rộng hơn nên việc liên thông cũng gặp phải khó khăn.
Ví dụ, dạy nghề công nhân Tiện (lao động trực tiếp như thể hiện trong Luật giáo dục) để liên thông sang trình độ CĐ, ĐH ở chuyên ngành Cơ khí chế tạo là điều rất khó khăn, do không có ngành đào tạo ĐH Tiện. (Kinh nghiệm này ở CHLB Đức rất rõ).
Quản lý nhà nước về dạy nghề: Dàn trải
Đây là vấn đề rất nặng trong dự thảo và đã vượt ra khỏi luật khung về phương diện quản lý Nhà nước. Luật giáo dục 2005 không đề cập đến bộ ngành nào sẽ quản lý nhà nước về dạy nghề. Thực chất, đây là trách nhiệm của Chính phủ phân công cho các cơ quan quản lý nhà nước khác nhau tuỳ thuộc vào yêu cầu nhiệm vụ và chức năng nhiệm vụ, cơ cấu bộ máy của Chính phủ. Nếu quy định cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề là Bộ LĐTB&XH trong Luật dạy nghề là việc làm cứng nhắc, loại bỏ vai trò của Chính phủ trong việc phân công nhiệm vụ cho bộ ngành bằng cách “luật hoá”.
Việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực GD&ĐT có thể còn gặp rắc rối trong quá trình quản lý các cơ sở giáo dục và dạy nghề ở nước ngoài. Thủ tục thành lập, đăng ký, và kiểm tra giám sát. Vụ việc mới đây của SITC càng cho thấy sự phức tạp rắc rối trong quản lý hiện nay, phần nào thuộc về trách nhiệm của Bộ LĐTB&XH, phần nào thuộc trách nhiệm của Bộ GD-ĐT…
Dự thảo Luật dạy nghề càng cho thấy việc đi ngược lại chủ trương cải cách hành chính của chính phủ là giảm bớt đầu mối quản lý - nhằm giảm chi phí giao dịch, biên chế và chí phí. Nhiều đầu mối quản lý nhà nước về dạy nghề dẫn đến dàn trải nguồn lực và lãng phí (cùng biên soạn giáo trình, chương trình, bồi dưỡng giáo viên, chi phí quản lý hệ thống, hiệu suất sử dụng cơ sở vật chất thấp, “cạnh tranh” nguồn lực, thiếu tính tiêu chuẩn trong cùng một quốc gia).
Những vấn đề khác
Khó khăn cho doanh nghiệp trả lương
Do chưa có nghiên cứu thực tiễn trong quá trình xây dựng 3 trình độ đối với dạy nghề nên việc trả lương sẽ gặp phải khó khăn do chưa biết được các doanh nghiệp liệu có chấp nhận trình độ CĐ nghề hay chưa? (chưa có nghiên cứu thực tiễn); liệu có sự trùng lặp trong việc trả lương của 2 bậc CĐ trong cùng một doanh nghiệp hay không? quy đổi thế nào giữa các thang bậc lương cũ (7 bậc) với bậc lương ở trình độ mới (Trung cấp nghề, CĐ nghề).
Khó khăn cho hội nhập kinh tế và hội nhập giáo dục
Bên cạnh đó, để có thể hội nhập kinh tế tốt hơn, trình độ của nhân lực được đào tạo cần được chuẩn hoá và tương đồng với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới nhằm mục đích trao đổi lao động, học tập cũng như việc tuyển dụng, trả lương trong các doanh nghiệp trong và ngoài nước ở Việt Nam. Sự không rõ ràng về các trình độ đào tạo sẽ dẫn đến những khó khăn trong các quyết định đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài (liên quan đến trả lương, bảo hiểm, tranh chấp lao động…) và có thể sẽ ảnh hưởng đến quá trình gia nhập WTO.
***
Để có một bộ luật thực sự đi vào cuộc sống, cần phải có những nghiên cứu đánh giá thật khách quan những mặt làm được và chưa làm được, những vấn đề cần tháo gỡ bằng luật pháp để phát triển giáo dục nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng.
Việc đánh giá công tác dạy nghề nói riêng và giáo dục nghề nghiệp nói chung không chỉ đánh giá ở các con số về quy mô mà thiếu đánh giá về chất lượng, những bất cập trong quản lý hệ thống hiện nay từ cấp trung ương đến cấp địa phương. Bộ LĐTB&XH dường như né tránh trong Tờ trình và trong Dự thảo những vấn đề phức tạp trong quản lý hệ thống.
Cần phải đánh giá về trách nhiệm và giải trình trước Quốc hội về ngân sách mà Bộ LĐTB&XH đã sử dụng và kết quả cũng như những tác động mà ngành lao động mang lại cho xã hội. Kể cả việc đánh giá khái quát sử dụng ngân sách dự án ADB với 121 triệu USD cho phát triển giáo dục kỹ thuật và dạy nghề.
Hai vấn đề cần quan tâm là Luật dạy nghề ra đời sẽ phá vỡ tính hệ thống của Luật giáo dục vừa được ban hành trên phương diện cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và dạy nghề, và tạo ra những phức tạp trong việc vận hành hệ thống.
Giải pháp tốt nhất nên có một bộ luật giáo dục nghề nghiệp và sự thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Nguồn lực đất nước còn thiếu thốn trăm bề mà lại bị phân tán, chia sẻ do cách làm manh mún, cục bộ sẽ không tránh khỏi những tổn thất to lớn.
-
Đức Hùng