Theo thống kê sơ bộ, hiện có gần 100 người Việt làm toán (hiểu theo nghĩa có công việc tương đối ổn định, và có làm việc nghiên cứu về toán, kể cả lý thuyết lẫn ứng dụng) đang định cư ở nước ngoài. So với tổng số các nhà toán học trên thế giới thì con số này chỉ là "muối bỏ biển", nhưng so với VN thì đây là con số đáng kể, và sẽ là một động lực quan trọng cho việc phát triển toán học của VN.
Người Việt làm toán ở nước ngoài: = 1/3 trong nước
GS NguyễnTiến Dũng (trái) và GS Phạm Hữu Tiệp |
Để so sánh, trong số các thành viên của Hội toán học VN (ở trong nước), có quãng 300 người "tích cực nghiên cứu", tức là có kết quả đăng báo trong mấy năm gần đây.
Tỷ lệ "người Việt nghiên cứu toán" ở nước ngoài so với ở trong nước có thể coi là bằng 1/3. Đấy là về số lượng người.
Còn nếu tính về "tổng sản phẩm" nghiên cứu toán học thì theo tôi, nhóm người Việt ở nước ngoài làm được nhiều hơn so với nhóm ở trong nước. Tính về trình độ thì có lẽ trình độ trung bình của những người làm toán ở các nước tiên tiến cao hơn so với ở VN nhiều, và do vậy trình độ trung bình của người Việt làm toán ở nước ngoài cũng cao hơn so với người Việt làm toán ở trong nước. (Ở đây không có ý gì chê bai người trong nước -- môi trường làm việc ở nước ngoài thuận lợi hơn nhiều so với ở trong nước và sự cạnh tranh ở nước ngoài cũng lớn hơn, nếu đạt kết quả thấp hơn mới là chuyện lạ).
Ví dụ như đồng nghiệp của tôi ở cùng khoa hầu như ai cũng có ít nhất một vài bài báo đăng ở các tạp chí thuộc loại "top 10" trên thế giới, và những người Việt làm toán ở nước ngoài mà tôi quen cũng đều như vậy.
Trong khi ở VN, cách đây ít lâu khi có một nhà toán học trẻ (từng đi du học ở Pháp) có một bài báo được đăng trên Advances in Mathematics (một tạp chí thuộc "top 10") đã thành một sự kiện được báo chí trong nước đưa tin.
Trong số những người Việt làm toán ở nước ngoài hiện nay, thì có một phần là Việt kiều lâu năm (rời khỏi VN từ trước 1954 hay 1975), hoặc là sinh ra trong một gia đình người Việt ở nước ngoài, ví dụ như GS Lê Dũng Tráng (hiện là trưởng Phân viện Toán của Trung tâm Vật lý Quốc tế, Trieste), GS Dương Hồng Phong (Colombia University), GS Tôn Thất Tưởng (Iowa), hay GS Frédéric Phạm (GS ở Nice đă nghỉ hưu từ hai năm nay, bố Việt mẹ Pháp).
Còn một phần không nhỏ là những người đi từ VN, du học ở nước ngoài sau 1975, rồi chọn ở lại nước ngoài, ví dụ như GS Vũ Kim Tuấn (ĐH West Georgia), GS Phạm Hữu Tiệp (Florida), GS Lê Tự Quốc Thắng (Georgia Tech), GS Đinh Tiến Cường (Paris 6), hoặc những người đã làm việc ở trong nước một thời gian dài rồi kiếm được việc ở nước ngoài, như GS Đinh Thế Lục (từng làm việc lâu năm ở Viện Toán Hà Nội, nay làm ở Avignon). Người Việt làm toán ở nước ngoài chủ yếu tập trung ở bốn nước Mỹ, Pháp, Canada và Úc (cũng là những nước có đông Việt kiều nhất).
Chất xám: Bị "chảy máu" hay được "xuất khẩu"?
Xem phần 1: Toán học Việt Nam: Danh và thực
Xem phần 2: Có phải làm toán là "ăn hại, tự sướng?" Xem phần 3: "Cơm áo không đùa với khách...Toán" Xem phần 4: Chuyện chức danh bằng cấp ở Việt Nam Xem phần 5: Tạp chí toán học của Việt Nam: Cần "quốc tế hóa" Xem phần 6: Học sinh giỏi Toán và hệ thống chuyên Toán |
Có những người ở VN thành kiến cho rằng việc "bỏ đi" làm ở nước ngoài thay vì về làm việc ở VN là "phản bội tổ quốc", "chảy máu chất xám".
Những ý nghĩ phiến diện này có lẽ xuất phát từ sự hiểu biết sai lệch về thế giới. Thế giới ngày nay đi theo xu hướng "thế giới đại đồng". Việc một người Việt đi làm việc ở Mỹ hay Pháp không khác gì mấy việc một người "tỉnh lẻ" ra Hà Nội làm việc. Các anh tài từ khắp các nơi được thu hút về các trung tâm lớn nơi họ có nhiều điều kiện nhất để phát triển là điều dễ hiểu. Bởi thế nên một trường ĐH lớn ở phương Tây thường có rất nhiều GS là người gốc nước ngoài (và cũng nhiều SV người nước ngoài).
Ngày xưa người Anh đi chiếm các "vùng đất mới" ở khắp năm châu bốn biển. Ngày nay người Trung Quốc "chiếm lĩnh trận địa" tại mọi thành phố lớn nhỏ trên khắp thế giới. Một trong những thế mạnh của Trung Quốc nằm chính ở chỗ nơi đâu họ cũng có người, có quan hệ. Người VN, nếu trụ lại được và thành công (có vị trí xã hội cao) ở nước ngoài, thì sẽ thành cái cầu nối mở cửa cho VN với thế giới, giúp cho VN phát triển hòa nhập với thế giới.
Hiện tại, do điều kiện làm việc khoa học ở VN còn quá kém so với ở phương Tây (tuy điều kiện sống có khi hơn ở phương Tây đối với ai có tiền), nên nhiều nhà toán học trẻ xuất sắc nhất của VN chọn làm việc ở nước ngoài. Nếu một người có tài như Ngô Bảo Châu (GS ở Paris) mà làm việc ở VN, suốt ngày lo chuyện "cơm áo gạo tiền", và không được thường xuyên trao đổi với những nhà toán học lớn như Laumon (viện sỹ hàn lâm Pháp, thầy của GS Châu) và Lafforgue (người được giải thưởng Fields năm 2002, cũng là học trò của Laumon) thì chắc còn lâu mới làm được công trình dẫn đến giải thưởng Clay (chung với Laumon).
Khi nào ở VN có được trung tâm khoa học với điều kiện làm việc ngang tầm thế giới, trả lương cao như thế giới, thì sẽ thu hút được những nhà khoa học giỏi nhất, không chỉ người Việt mà cả người ngoại quốc, đến làm việc. (Để đạt tầm thế giới thì việc mở cửa mời chuyên gia nước ngoài đến làm việc dài hạn rất quan trọng).
Cụm từ "chảy máu chất xám" nên đổi thành "xuất khẩu chất xám" thì đúng hơn. Nếu xuất khẩu gạo có lợi cho VN, thì xuất khẩu chất xám cũng có lợi. "Chất xám thô" nếu dùng ở nước ngoài hiệu quả gấp nhiều lần dùng ở trong nước, thì xuất khẩu có lợi cho cả đôi bên.
Một trong những động lực phát triển kinh tế VN trong những năm vừa qua chính là nguồn vốn do hai triệu Việt kiều đổ vào VN. Những nhà toán học mà VN "xuất khẩu" ra nước ngoài không những đã đóng góp nhiều tiền của cho VN mà còn đã và đang giúp đỡ VN nhiều về toán học.
Mong có "Hội toán học Việt kiều"
Vào quãng năm 1995, các GS toán gốc Việt ở Pháp cùng các đồng nghiệp Pháp và đồng nghiệp ở VN lập ra một tổ chức gọi là ForMathVietNam với mục đích giúp đỡ đào tạo thế hệ trẻ làm toán của VN.
Tổ chức này không có nhiều tiền, nhưng mạnh về nhân lực (với sự tham gia trực tiếp hoặc ủng hộ của hàng chục nhà toán học Pháp trong đó có những người là viện sỹ hàn lâm Pháp), và đã giúp đỡ phía VN đào tạo hàng chục tiến sỹ toán trong hơn mười năm qua (nhiều người trong số đó được đào tạo theo kiểu cotutelle, có một thầy hướng dẫn ở VN và một thầy hướng dẫn ở Pháp).
ForMathVietNam hiện vẫn đang tồn tại và hoạt động tốt. Tuy nhiên, phạm vi hoạt động chỉ dừng lại ở nước Pháp nên hơi hạn chế. Nhiều GS toán người Việt ở Mỹ và các nước khác cũng rất quan tâm giúp đỡ VN, tham gia trực tiếp hướng dẫn nghiên cứu sinh VN hoặc giúp họ xin được vào học các trường tốt, nhưng theo tôi hiểu sự hợp tác giúp đỡ VN này đang chỉ ở mức độ cá nhân, không có tổ chức tương tự như ForMathVietNam.
Có một ý tưởng của một số Việt Kiều làm toán, hy vọng sẽ trở thành hiện thực, là sẽ có một tổ chức kiểu "Hội toán học Việt kiều", trao đổi thông tin qua mạng, liên hệ hợp tác thường xuyên với nhau trong công việc, đời sống, cũng như trong việc giúp đỡ và hợp tác với VN: tổ chức hội nghị hoặc đọc bài giảng ở VN, giúp sinh viên, nghiên cứu sinh và cán bộ khoa học của VN đi du học hoặc hợp tác với người nước ngoài, v.v.
Nếu làm được việc này, thì một trong các hệ quả là khả năng giúp đỡ đào tạo tiến sỹ toán cho VN sẽ tăng lên rất nhiều. (Như tôi có viết ở phía trước, hiện VN cần đào tạo thêm mỗi năm 50 tiến sỹ toán liên tục trong 20 năm tới, và một phần lớn trong số này cần được đào tạo ở nước ngoài vì khả năng và chất lượng ở trong nước hạn chế). Hy vọng là phía VN sẽ tăng cường đầu tư và tạo thuận lợi cho việc hợp tác này.
-
Nguyễn Tiến Dũng - Toulouse, Tết Bính Tuất 2006
Ghi chú của tác giả: Những ai quan tâm hơn nữa về loạt bài này có thể xem thêm phần phục lục: http://zung.zetamu.com/THVN_Appendix.pdf. Hiện tại, phần phụ lục gồm có: một danh sách người Việt làm toán ở nước ngoài; một danh sách các tạp chí toán; và một bảng thống kê nhỏ về các bài báo toán do người Việt đăng trên các tạp chí thuộc loại uy tín nhất.
Theo dòng sự kiện:
Ý kiến của bạn: