(VietNamNet) - Diện tích vài trăm hecta nằm sát đường quốc lộ, được quy hoạch tổng thể. Cụm giảng đường hiện đại. Khu nghiên cứu khoa học. Thư viện, KTX sinh viên và khu nhà ở cho giảng viên. Bệnh viện, bưu điện, siêu thị, nhà hàng, khách sạn, bến xe, bể bơi, công viên, nhà thi đấu, thậm chí cả rạp hát... Tất cả đều xoay quanh hạt nhân là các trường ĐH.
Ông Trần Hồng Quân (phải), chủ tịch Hiệp hội các trường ngoài công lập và ông Trần Xuân Nhĩ đang trao đổi về dự án "đô thị đại học" (Ảnh: Hoàng Lê) |
7, 8 năm nữa, Việt Nam sẽ có những "đô thị ĐH" như thế. Ý tưởng này hiện đang được hoàn thiện để trình Chính phủ trong tháng sau.
VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT giai đoạn 1981-1998, một trong những người đề xuất và tích cực tham gia xây dựng đề án "đô thị ĐH" trong giai đoạn đầu.
Đô thị ĐH: Phù hợp với xu hướng của thế giới
Thưa ông, ý tưởng này xuất phát từ đâu?
Ý tưởng đã có từ lâu. Trong nhiều lần tham quan, tôi và nhiều đồng nghiệp đều ngưỡng mộ mô hình "đô thị ĐH" tại nhiều nước phát triển. Chẳng hạn, cụm đô thị ĐH ở Quảng Đông (Trung Quốc) hay ở Malaysia.
Ở Việt Nam, đã có một số ý kiến trong các hội thảo, trong các bài báo nghiên cứu đề cập đến vấn đề này.
Xây dựng được một cụm dân cư tập trung, lấy hạt nhân và đối tượng phục vụ là các trường ĐH là tạo điều kiện và môi trường rất tốt cho phát triển giáo dục ĐH cả về quy mô lẫn chất lượng.
Chính phủ chủ trương đến năm 2010 phải có 40% SV ngoài công lập và số SV phải đạt 200/1 vạn dân. Nếu không có các cụm ĐH lớn thì không thể nào thực hiện được các mục tiêu đó.
Nhận thấy và mong muốn làm được như các mô hình của những nước phát triển là ý thức của nhiều ngành, nhiều người nhưng hiện thực hoá nó là một chuyện khác. Các ông bắt tay vào việc lên kế hoạch cho đề án này từ bao giờ?
Lâu nay, hệ thống trường ĐH nằm khá rải rác, không thuận tiện cho việc xây dựng môi trường đào tạo tập trung. Chưa kể, do thiếu tính chuyên biệt, trường nào cũng phải lo từ A-Z, lo tất cả mọi thứ. Từ Hiệu trưởng đến ban lãnh đạo đều phải trăn trở từ khâu tuyển sinh đến chỗ ăn ở, thực hành, thể thao... cho sinh viên, rất vất vả mà chưa chắc đã làm được tốt.
Đặc biệt, các trường dân lập hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đất đai. Họ chưa được Nhà nước hỗ trợ về mặt bằng xây dựng, nhiều khi phải đi thuê đất, thuê nhà, rất khổ sở, tạm bợ, nhếch nhác. Nhiều trường có 3 cơ sở (như ĐH Phương Đông) thì nằm rải rác ở 3 nơi, rất khó khăn cho việc quản lý và cũng không thành một trường bề thế. Diện tích sử dụng cho quy mô hiện nay vẫn còn thừa vì Bộ GD-ĐT hàng năm giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường không tương xứng với những điều kiện cơ sở vật chất hiện có.
Thế nên, tháng 5/2004, khi Hiệp hội các trường ĐH-CĐ ngoài công lập ra đời, chúng tôi có ý thành lập các đô thị ĐH, phù hợp với xu hướng của thế giới.
Một năm trước đây, trong buổi làm việc chính thức của Thường trực Hiệp hội với Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cùng nhiều Bộ, ngành Trung ương, chúng tôi đã báo cáo về ý định này và nhận được sự nhất trí. Từ đó, Hiệp hội mới bắt đầu đi làm việc với các tỉnh để xin đất.
Đô thị ĐH: "Đất sinh và dưỡng trí tuệ"
Các "làng SV, làng ĐH" cũng là một mô hình cụm dân cư xoay quanh hạt nhân "sinh viên", nhưng nhìn qua những ví dụ thực tế, hiệu quả xã hội chưa được như những gì người ta hình dung ban đầu. Mô hình đô thị ĐH sẽ giải quyết những vấn đề gì ngoài lợi thế về quy mô và sự tập trung?
Các trường ĐH dân lập ở Hà Nội đều đã đăng ký nhập hội "đô thị đại học", thậm chí, trong đó còn có trường tư thục sẽ thành lập (đang chờ Chính phủ phê duyệt). Ngoài ra, một số trường ĐH công lập cũng hào hứng. |
Mục tiêu lớn nhất của đô thị ĐH là tạo điều kiện, môi trường cho các trường ĐH. Trường ĐH, theo đúng nghĩa, không chỉ có mục tiêu đào tạo, mà còn phải đẩy mạnh nghiên cứu.
Hiện tại, nghiên cứu khoa học của Việt Nam thiếu phương tiện, thiết bị hiện đại. Nhiều trường công lập muốn xin nhà nước trang bị các thiết bị đắt tiền cũng khó, vì nếu để đầu tư theo đúng nghĩa thì nhiều tiền, mà công suất sử dụng chẳng được bao nhiêu.
Trong đô thị ĐH, sẽ xây dựng khu nghiên cứu khoa học hiện đại, gồm những phòng thí nghiệm công nghệ cao, chẳng hạn công nghệ Nano, ngân hàng Gene sinh học, phòng đo lường chính xác... dùng chung cho các trường.
Thậm chí, chúng tôi xác định, tương lai, phát triển theo cơ chế dịch vụ. Trung tâm nghiên cứu khoa học sẽ làm dịch vụ (những phần việc nghiên cứu chuyên môn hẹp: đo lường, tính toán...) cho các trường ĐH, cả trong khu "đô thị ĐH" đó và cả các trường ở ngoài.
Một nơi đặt cơ sở xây dựng "đô thị ĐH" tương lai cần những tiêu chuẩn gì?
Trước hết, mặt bằng phải thật rộng, cỡ vài trăm hecta, để phục vụ mục đích quy hoạch và xây dựng theo chuẩn quy mô "đô thị". Nếu được thêm lợi điểm địa hình bằng phẳng, dễ cải tạo... là lý tưởng nhất.
Thứ nữa, vị trí phải gần trung tâm, nằm trên mặt đường quốc lộ để thuận tiện giao thông. Tất nhiên hiện tại, trong nội đô của các thành phố lớn không còn những khu đất trống như thế nữa, nhưng chúng tôi cũng chú ý đến những nơi không xa so với Hà Nội, TP.HCM và các thành phố lớn khác.
Các ông đã làm việc với những địa phương nào?
Ở phía Bắc, chúng tôi đã làm việc với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Ninh. Vào miền Trung, chúng tôi đến Huế và miền Nam thì về Long An, Bình Dương và Đồng Nai.
Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh đã đồng ý cấp 240 hecta đất ruộng, nằm ngay bên quốc lộ số 1A từ Hà Nội đi Lạng Sơn, cách Hà Nội khoảng 25 km. Chính quyền tỉnh cũng hứa, nếu dự án "chạy" suôn sẻ, họ có thể cấp thêm 200 - 300 hecta nữa ở bên đối diện.
Ở Vĩnh Phúc, tỉnh sẵn sàng cấp một khoảng đất rộng 500 hecta, ở khu vực gần Tam Đảo, hạ tầng rất tốt, tuy nhiên có chút bất lợi là hơi xa (cách Hà Nội khoảng 60 km).
Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện đã cấp 50 hecta, cho một trường do Hiệp hội bảo trợ, ở phía Bắc Huế, tại cây số 23, và tương lai Tỉnh uỷ, UBND tỉnh dự định cấp thêm 250 hecta để thành khu vực lớn cho cụm ĐH miền Trung. Hiện tại, từ Huế đã có các tuyến xe bus đi đến đây, chỉ mất khoảng 30 phút, rất thuận tiện cho việc đi lại.
Long An đã thông báo cấp cho chúng tôi một khu đất 180 hecta, cạnh một con sông (sẽ rất hấp dẫn khi quy hoạch), chỉ cách TP.HCM 18 km. Địa phương cũng hứa hẹn sẽ cấp thêm cho cụm đại học ở đây khoảng vài trăm hecta nữa.
Ngoài ra, còn 2 cụm, mỗi cụm khoảng 200 hecta ở Bình Dương (đi đường cao tốc, cách TP.HCM 40 km) và Đồng Nai.
Lúc này, chúng tôi đang tập trung làm dự án ở Bắc Ninh và Long An, sau đó đến Huế.
Nếu dự án suôn sẻ, Chính phủ đồng ý thì sẽ tiếp tục tiến hành ở các điểm khác.
'Nếu Chính phủ đồng ý thì phất cờ"
Một góc khu đất ruộng ở Bắc Ninh - sẽ trở thành đô thị đại học trong tương lai (Ảnh: Minh Quyên) |
Một hình dung rõ nét hơn về "đô thị ĐH", cụ thể, 250 hecta đất ruộng ở Bắc Ninh sẽ như thế nào trong 5-7 năm nữa, nếu đề án trên được Chính phủ chấp thuận?
Với dự án ở Bắc Ninh, hiện chúng tôi dự tính quy hoạch cho khoảng 150.000 SV, tương ứng sẽ có số cán bộ, giảng viên, nhân viên của trường và gia đình họ đi kèm... ước khoảng hàng trăm ngàn người nữa. Có nghĩa là sẽ hình thành một khu vài trăm ngàn dân, hình thành một đô thị.
Có thể hình dung, về mặt kiến trúc, "hạt nhân" của đô thị sẽ là cụm khu vực giảng dạy của các trường. Kế đến là khu vực chung phục vụ giảng dạy: Thư viện, các phòng thí nghiệm công nghệ cao. Ngoài ra là các khu vực thể dục thể thao, khu KTX và nhà ở cho cán bộ...
Khu vực vệ tinh sẽ gồm các dịch vụ: Bệnh viện, bưu điện, siêu thị, nhà hàng, khách sạn, bến xe, bể bơi, công viên, nhà thi đấu, thậm chí cả rạp hát...
Bắc Ninh sẽ "ứng xử" với "đô thị ĐH" này như thế nào? Hiệp hội có được toàn quyền sử dụng khu đất theo đúng nghĩa: địa phương giao? Các yếu tố thuế sẽ tính toán ra sao?
Trước hết, Hiệp hội phải quy hoạch, báo cáo chính phủ, được duyệt mới kêu gọi các nhà đầu tư vào. Khi chọn được công ty xây dựng, lên kế hoạch chi tiết thì tỉnh mới giao đất.
Trên cơ sở đó, các trường sẽ đăng ký, chọn vị trí... để công ty xây dựng quy hoạch tổng thể. Quy hoạch toàn bộ như khu công nghiệp, mục tiêu là khai thác tối đa, tiết kiệm, hiện đại, không phải xây lôm côm.
Ông nói về đề án này một cách rất tự tin. Có phải các ông đã có được sự ủng hộ từ nhiều cấp Bộ, ngành?
Chúng tôi đã làm việc với các đồng chí lãnh đạo, như bên Bộ GD-ĐT, Bộ KH-ĐT, UB Văn hoá Giáo dục Thanh thiếu niên Nhi đồng của quốc hội, UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đều nhận được sự đồng tình.
Hiện tại, Hiệp hội đã làm xong báo cáo đầu tư và dự kiến sẽ tổ chức hội thảo về "đô thị ĐH" để lấy ý kiến và sự đồng thuận ở những cấp tương đương.
Khi có được sự đồng thuận này, Hiệp hội sẽ phối hợp cùng với Bộ GD-ĐT và tỉnh Bắc Ninh ra một đề án khả thi để trình Chính phủ. Nếu Chính phủ đồng ý thì "phất cờ".
Xin ông cho biết kỹ hơn về lộ trình đó?
Nếu Chính phủ đồng ý thì Hiệp hội sẽ đẩy mạnh tiến độ quy hoạch và đầu tư xây dựng. Không đồng ý thì thôi (cười). Trong khu vực này, ngoài các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, chúng tôi còn kêu gọi cả các nhà đầu tư nước ngoài mở các trường quốc tế, và cũng không ngoại trừ các trường công lập.
Tôi dự tính sơ bộ như sau. Công đoạn làm hạ tầng: san lấp mặt bằng, cống rãnh, điện nước, quy hoạch mất từ 1-2 năm.
Sau đó, các nhà đầu tư bao gồm các trường, các công ty dịch vụ sẽ vào xây dựng. Ít ra khoảng 5-7 năm nữa mới hoàn thành đầy đủ.
Có nghĩa là có thể tin năm 2015 sẽ có một hoặc vài "đô thị ĐH"?
Tôi hi vọng thế.
Cảm ơn ông!
-
Hoàng Lê (thực hiện)
Những lý do mà ông Trần Xuân Nhĩ lý giải về nhu cầu phải có "đô thị ĐH" có hợp lý? Việt Nam có thể áp dụng những mô hình "đô thị ĐH" nào trên thế giới? Mời bạn tham gia gửi ý kiến, bài viết hoặc tranh luận xoay quanh ý tưởng "đô thị ĐH" của Hiệp hội các trường ĐH ngoài công lập VN? Thư từ, bài vở xin gửi về: bangiaoduc@vasc.com.vn hoặc theo cách sau. Cảm ơn các bạn!