(VietNamNet) - "Đến năm 2015, hoàn thành triển khai đại trà chương trình dạy và học ngoại ngữ đối với tất cả cấp học, tạo điều kiện đến năm 2020, phần lớn thanh niên Việt Nam có đủ năng lực dùng ngoại ngữ một cách độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập và làm việc trong môi trường đa ngôn ngữ, đa văn hóa".
Để chuẩn bị nộp hồ sơ vào các trường ĐH ở Singapore, nhiều HS Việt Nam đã sang đây học tiếng Anh tại các trung tâm (Ảnh: H.A) |
Đây là mục tiêu chung của đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân mà Chính phủ đã đồng ý giao Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn chỉnh (theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2006 ký ngày 3/4).
Ban soạn thảo đề án đã đưa ra 4 mục tiêu cụ thể và 6 nhóm giải pháp cơ bản.
Theo đề án, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai chương trình ngoại ngữ 10 năm và biên soạn các sách giáo khoa tương ứng. Xác định thời điểm triển khai chương trình ngoại ngữ 10 năm ở các mốc thời gian: 2008-2009, 2010-2011 và 2015-2016.
Chương trình bắt đầu từ lớp 3 cho đến hết lớp 12, có thời lượng 1.295 tiết.
Việc đánh giá trình độ sẽ căn cứ vào "Bảng trình độ năng lực ngoại ngữ" chi tiết với 6 bậc.
Học sinh tiểu học đạt bậc 1, học sinh THCS đạt bậc 2 và học sinh THPT đạt bậc 3. SV tốt nghiệp ĐH không chuyên ngữ sẽ đạt trình độ bậc 4. Bậc 5 là "chuẩn" dành cho SV tốt nghiệp ĐH chuyên ngữ/sư phạm ngoại ngữ.
Ngay trong năm 2007, các tỉnh, thành phố phải hoàn thành việc xác định một trong các ngoại ngữ gồm tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc để ưu tiên dành các nguồn lực cho dạy và học ngoại ngữ đó ở địa phương mình.
Dự kiến, kinh phí thực hiện đề án cần tới 16.000 tỷ đồng.
Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn chỉnh đề án, báo cáo Thủ tướng để trình xin ý kiến Ban Bí thư Trung ương Đảng và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi quyết định.
- Hạ Anh