Phòng phẫu thuật. Tiếng trẻ con khóc ré lên. Đứa trẻ co rúm người lại trước mặt ông bác sĩ. “Nếu chịu được thì cháu sành điệu đấy, được không nào?” Vị bác sĩ động viên “Có muốn sành điệu hay không nào? Cháu sẽ hợp tác với bác chứ hả?”
Giờ học tại "làng tiếng Anh" ở Hàn Quốc |
Đó là cảnh tượng trong một bộ phim tài liệu Hàn Quốc mang tựa đề “Tongue Tied” (tạm dịch: Líu lưỡi”).
Bộ phim kể về cha mẹ của một bé trai, vì muốn con mình phát âm tiếng Anh chuẩn hơn, đã đưa cậu đi làm phẫu thuật lưỡi.
Người ta cho rằng, cắt đi một màng mỏng ở dưới lưỡi sẽ làm cho trẻ em phát âm chữ “L” và “R” trong tiếng Anh chuẩn hơn.
Trên thực tế, không biết bao nhiêu trẻ em Hàn Quốc đang bị cha mẹ đưa đi phẫu thuật chỉ vì niềm tin thiếu cơ sở khoa học này. Đây là một minh chứng tiêu biểu cho cơn sốt “người người tiếng Anh, nhà nhà tiếng Anh” đang rộ lên ở xứ sở kim chi.
Chính phủ quyết liệt một, người dân quyết tâm mười
Tháng 5/2005, Bộ GD Hàn Quốc đã ra kế hoạch tổng thể 5 năm (2006-2010); trong đó, có dự án củng cố việc dạy và học tiếng Anh trong nhà trường, với những nhiệm vụ chính: lựa chọn tốt giáo viên tiếng Anh, tăng cường các khoá đào tạo cho giáo viên, tăng số giảng viên nước ngoài nói tiếng Anh, và xây dựng các “làng” tiếng Anh.
Kế hoạch này tiếp tục khẳng định quyết tâm dạy và học tiếng Anh cho toàn bộ học sinh-sinh viên của Hàn Quốc, một trong những nước đang thực hiện chiến dịch phổ cập tiếng Anh triệt để nhất trong các nước châu Á không nói tiếng Anh hiện nay.
Một trong 10 điểm chính của kế hoạch 5 năm này là kế hoạch dạy thí điểm tiếng Anh từ lớp 1 cho 48 trường tiểu học trên toàn quốc, bắt đầu từ tháng 9/2006. Đây là một bước phát triển mới từ quyết định đưa tiếng Anh vào chương trình chính khoá từ lớp 3 đến lớp 6 được áp dụng từ năm 1997 đến nay. Đến năm 2008, Bộ GD Hàn Quốc cũng lên kế hoạch một chương trình thí điểm tiếng Anh chuyên sâu với các trường tiểu học và trung học ở các vùng kinh tế đặt biệt và thành phố quốc tế Jeju, trong đó tiếng Anh được sử dụng làm ngôn ngữ chính để dạy các môn khoa học.
Đối với các hầu hết các gia đình Hàn Quốc, chính sách chỉ là chất xúc tác. Với mong muốn con em tìm được công việc tốt ở các công ty nước ngoài và du học, các bậc phụ huynh đã coi việc tạo điều kiện cho con học tiếng Anh càng sớm càng tốt là đương nhiên. Rất nhiều gia đình cho con đi học gia sư hoặc đưa đến lớp học thêm tiếng Anh từ lúc con học lớp 1.
Nhiều gia đình có điều kiện cũng gửi con đi học ở nước ngoài một thời gian, từ các nước nói tiếng Anh bản địa như Mỹ, Canada, Úc, New Zealand, đến các nước láng giềng có kế thừa truyền thống nói tiếng Anh trong lịch sử thực dân như Malaysia và Philippines. Thông thường, người mẹ đi cùng con sang nước ngoài học tiếng, còn bố ở lại kiếm tiền để trang trải cho việc ăn học trong hang năm trời.
Các bậc cha mẹ cũng rất chú trọng việc con nói được tiếng Anh “xịn” vì nó biểu hiện vị thế xã hội của gia đình. Chính vì vậy, họ đã đầu tư cho con tiếp xúc với tiếng Anh từ sớm bằng đủ mọi cách khác nhau. Có người cho con nghe các bài ru bằng tiếng Anh từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Các bé 1 tuổi có gia sư riêng kèm tiếng Anh, các cháu 4-5 tuổi thì vào các lớp mẫu giáo dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Lớn hơn chút nữa thì đến các lò luyện hoàn toàn cấm sử dụng tiếng Hàn Quốc.
Thậm chí, một số gia đình đã đưa con đi phẫu thuật lưỡi vì cho rằng như vậy con sẽ nói âm “R” với âm sắc chuẩn hơn. Việc làm này hoàn toàn thiếu cơ sở khoa học, vì thực tế cho thấy người Mỹ gốc Hàn không hề phải phẫu thuật lưỡi mà vẫn nói tiếng Anh chuẩn. Nhà báo Mark Simkim của đài ABC (Úc) nhận đinh: “Phẫu thuật lưỡi thể hiện nỗi ám ảnh của người Hàn Quốc với việc học tiếng Anh”.
“Làng tiếng Anh”
Nằm cách biên giới phía Tây với Bắc Hàn chỉ một vài km có một khu làng biệt lập khá kỳ lạ, trông giống như thị trấn nhỏ của nước châu Âu được cấy vào một miền nông thôn Hàn Quốc, xen lẫn với các rừng thông nhỏ, vạt lúa và hàng rào dây thép... Với tổng diện tích lên tới 280.000 m2, khu này có cơ quan di cư, phòng uỷ ban, hiệu sách, nhà ăn, phòng tập thể dục riêng, một con đường cái với nhiều cửa hàng mặt phố dáng dấp châu Âu, và nhà ở cho 160 người nước ngoài. Đây chính là làng tiếng Anh lớn nhất trên thế giới và là 1 trong 10 làng tiếng Anh hiện có ở Hàn Quốc nhằm phục vụ việc nâng cao tiếng Anh của học sinh sinh viên nước này.
Ngôn ngữ duy nhất được phép sử dụng ở đây là tiếng Anh. Người Hàn cũng như người nước ngoài đều nói tiếng Anh. Mỗi học viên vào đây đóng 80,000 won (tương đương 82 USD) để tham gia một chương trình tập trung luyện tiếng Anh trong vòng 6 ngày. Trong thời gian này, các học viên không được phép nói tiếng Hàn vào bất kỳ lúc nào, nếu sai phạm sẽ bị phạt bằng tiền riêng của làng hoặc bằng cách đóng dấu đỏ vào “hộ chiếu” làng.
Đây là một trong những nỗ lực của chính phủ Hàn Quốc nhằm xoá đi ấn tượng rằng người Hàn chỉ biết “học gạo” mà không biết nói tiếng Anh và rất ngại giao tiếp với người nước ngoài.
Jeffrey Jones, giám đốc làng tiếng Anh và một thành viên cũ của Phòng Thương mại Hoa Kỳ ở Hàn Quốc, nhận xét: “Thật buồn cười là người Hàn Quốc biết tiếng Anh và dành rất nhiều thời gian để học tiếng Anh, nhưng lại không nói được tiếng Anh. Nhiều người Hàn vẫn có tâm lý “sợ” nói tiếng Anh và thường lảng tránh khi nhìn thấy người nước ngoài trên đường phố.”
Sự “ngược đời” không còn là buồn cười nữa mà có nguy cơ ảnh hưởng đến thể diện quốc gia khi các đại biểu Hàn Quốc khi đi dự hội thảo quốc tế chỉ co cụm lại một chỗ, không giao tiếp với bạn bè quốc tế khác. Theo các nhà ngôn ngữ học, đây là hậu quả của việc chỉ chú tâm vào học đọc, ngữ pháp, và từ vựng, chứ không rèn kỹ năng nghe nói trong các chương trình đào tạo ngoại ngữ truyền thống.
Làng tiếng Anh chính là một giải pháp hữu hiệu Hàn Quốc đang tích cực sử dụng để giải quyết tình trạng này. “Một trong những điều chúng tôi cố gắng thực hiện ở đây là đập tan bức tường sợ hãi của học viên. Khi rời khỏi làng, họ không còn sợ nói chuyện với người nước ngoài, đặc biệt là người Âu Mỹ, nữa.
Cùng với các làng tiếng Anh, chính phủ Hàn Quốc đang cho xây dựng một vùng kinh tế tự do quốc tế ở bờ biển phía tây của Seoul và xác định tiếng Anh sẽ là ngôn ngữ chính. Thành phố cảng Busan ở phía nam cũng có kế hoạch xây dựng một thị trấn trong đó chỉ sử dụng tiếng Anh.
Những lo ngại
Đành rằng việc học tiếng Anh trong thời đại toàn cầu hoá là cần thiết, song không ít người Hàn Quốc đã tỏ ý kiến lo ngại trước cơn sốt tiếng Anh của chính phủ cũng như trong các gia đình Hàn.
Trước hết là nỗi lo ngại “mất đi bản sắc dân tộc” từ việc đưa tiếng Anh vào dạy trong chương trình lớp 1. Tiếng Hàn Quốc vốn có nguồn gốc từ chữ Hán và gắn liền với lịch sử và văn hoá Hàn. Một người đã viết trên diễn đàn điện tử của Quốc hội Hàn Quốc: “Hàn Quốc đã luôn tôn trọng văn hoá và ngôn ngữ Trung Hoa, vì vậy tiếng Hàn cũng đã chịu ảnh hưởng lớn của tiếng Trung. Một số người còn cho rằng phải học tiếng Hán để có thể sử dụng tiếng Hàn chính xác. Việc đưa tiếng Anh vào dạy trong giáo trình tiểu học sẽ mang lại kết quả tương tự. Tiếng Anh sẽ hoà vào tiếng Hàn, và rồi người ta sẽ phải học tiếng Anh nếu muốn hiểu tiếng Hàn”.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến phản bác rằng việc học tiếng nước ngoài sẽ chỉ làm tăng bản sắc dân tộc qua việc tiếp xúc với các ngôn ngữ và văn hoá khác.
Mối lo lớn hơn của rất nhiều người Hàn Quốc, đặc biệt là những người nông thôn nghèo khó, là “cơn sốt tiếng Anh” này sẽ làm tăng khoảng cách giàu-nghèo bằng cách tạo lợi thế cho những người biết nói và viết tiếng Anh.
Nỗi lo này không phải là không có cơ sở. Hiện nay, 48% các trường tiểu học Hàn Quốc đã bắt đầu dạy tiếng Anh từ lớp 1 (dưới hình thức các hoạt động ngoại khoá), trong khi đó chỉ có 23% các trường tiểu học nông thôn làm được điều này.
Cuối cùng là bài toán kinh tế đau đầu đặt ra cho chính phủ Hàn Quốc. Với cơn sốt giáo dục nó chung và tiếng Anh nói riêng hiện nay, giáo dục đang có nguy cơ bị thương mại hoá trầm trọng.
Hơn 90% số trẻ em Hàn Quốc đi học ở các hagwon, lò luyện dạy cách môn toán, khoa học, và dĩ nhiên là cả tiếng Anh. Số tiền bỏ ra cho việc học tiếng Anh (trong nước và ngoài nước) của các gia đình Hàn Quốc lên tới 10 tỷ tỷ won (tương đương 104 nghìn tỷ USD), trong khi đó tổng chi phí bỏ ra cho việc học thêm còn nhiều hơn ngân sách của chính phủ dành cho giáo dục.
Những lo ngại này không phải là không có cơ sở. Trước những mâu thuẫn này, chính phủ Hàn Quốc sẽ phải phân tích kỹ lưỡng các kết quả thí nghiệm của mình trước khi đưa ra những chính sách giáo dục tiếng Anh phù hợp mà không ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế-văn hoá, đồng thời thực hiên thành công sứ mạng - nói như nhà báo Mark Simkin của đài ABC - “giành được một vị trí thực sự trong sân chơi toàn cầu, và nói được ngôn ngữ của sân chơi đó".
-
Khánh Ngọc (Tổng hợp)