(VietNamNet) - Tháng 3/2006, Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn chỉnh Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân của VN, giai đoạn 2006-2015. Nhận thấy, đây là một vấn đề còn có những ý kiến khác nhau trước khi thống nhất, VietNamNet mong nhận được những tranh luận, có thể, sẽ ít nhiều có ích trong việc mang lại một nhận thức tổng quát về chiến lược dạy ngoại ngữ trong nhà trường.
Dưới đây là ý kiến mà Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Thanh Huyền gửi tới VietNamNet.
Một lớp dạy tiếng Anh tại Singapore cho các HS Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia...chuẩn bị thi vào các trường ĐH, CĐ ở nước này (Ảnh: H.A) |
"Dẫu ít nhiều đã được chuẩn bị trước về tinh thần, song tôi vẫn không khỏi "sốc" khi đọc bài trả lời phỏng vấn của TS Nguyễn Lộc, Phó Viện trưởng Viện chiến lược và Chương trình giáo dục (Bộ GD-ĐT) về đề án.
Không ai có thể phủ nhận tính chất tích cực cùng mục tiêu tốt đẹp của đề án, trước một thực tế là trình độ ngoại ngữ của người VN nói chung chưa cao mà quá trình hội nhập đang đòi hỏi chúng ta phải tạo sự chuyển biến nhanh, mạnh về mọi mặt, trong đó có việc nâng cao năng lực ngoại ngữ của lực lượng lao động, đặc biệt là của lớp trẻ.
Tuy nhiên, bên cạnh rất nhiều điểm tích cực, có một vấn đề lại gây tranh cãi gay gắt ngay cả trong những người làm chính sách giáo dục và đã làm chậm tiến độ soạn thảo đề án. Đó là chọn một hay nhiều ngoại ngữ để dạy như ngoại ngữ 1. Mỗi người một ý cùng những lý lẽ rất thuyết phục từ phía mình.
Căn cứ nội dung trả lời phỏng vấn của TS Nguyễn Lộc thì cuộc tranh luận này đã gần đến hồi kết thúc: “Chính phủ đề nghị tiếng Anh”. Nói nôm na là nếu đề án này được phê duyệt, cả nước sẽ được phủ sóng bằng một ngoại ngữ duy nhất là tiếng Anh. Muốn đưa các ngoại ngữ khác vào dạy, dù chỉ là với vị trí ngoại ngữ 2 cũng phải chờ 14 năm nữa, tức là đến năm 2020!
Nhu cầu người học ở đâu?
Có cái gì đó không ổn về tính logic trong việc làm chính sách, có cái gì đó không ổn về tư duy văn hoá. Bởi lẽ, quyết định dạy ngoại ngữ nào, ngoại ngữ nào là ngoại ngữ 1, ngoại ngữ nào là ngoại ngữ 2? Dạy 1, dạy 4 hay nhiều hơn thế nữa... như ngoại ngữ 1, thì cơ sở của những quyết định động chạm đến nhiều người ấy phải là sự điều tra thực tế về nhu cầu của người học và dựa trên sự phân tích chiến lược phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội tương lai của đất nước. Đã qua rồi cái thời "bắt buộc người ta phải học cái mà ta quyết định, đã không còn phù hợp nữa cái tư duy học để thi, hàm ý rằng có điểm, có bằng rồi thì cất sách vào một xó!”.
Nói về nhu cầu của người học, ngày nay không ai có thể phủ nhận nhu cầu to lớn về tiếng Anh, ở VN cũng như ở nhiều nước trên thế giới. Trong hệ thống giáo dục của một số nước, Tiếng Anh chiếm đến 96-97%, song trong 3-4% còn lại đó là hàng chục ngôn ngữ khác nhau. Nghĩa là, vẫn có chỗ để giảng dạy các thứ tiếng khác nếu người học có nhu cầu. Cũng do lấy căn cứ xuất phát là nhu cầu của người học nên cơ cấu, tỷ lệ giữa các thứ tiếng có thể dễ dàng chuyển dịch khi có sự thay đổi hay khi phát sinh nhu cầu mới.
Nhìn qua thế giới, chẳng có một nước nào quyết định chỉ dạy một ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân như ta. Ở Pháp, 17 ngoại ngữ được cho phép dạy ở bậc phổ thông, 25 ngoại ngữ được cho phép thi ở kỳ thi tốt nghiệp THPT. Hàng chục ngôn ngữ đang được dạy trong hệ thống giáo dục của các nước lớn trên thế giới.
Ở nước ta hiện nay, nhu cầu học tiếng Anh rất lớn, song chắc chắn rằng không phải 100% HSSV đều có nhu cầu học tiếng Anh như một ưu tiên hàng đầu. Nếu tôi muốn định hướng cho con tôi đi du học tại Trung Quốc, Nga, Pháp, Đức, Nhật,…thì đương nhiên là tôi muốn con mình dành ưu tiên cho việc học ngôn ngữ của những nước này và chỉ học tiếng Anh như ngoại ngữ 2 mà thôi. Khi vào đời, các cháu vẫn có thể tiếp tục học tiếng Anh để đến một lúc nào đó có thể làm chủ được 2 ngoại ngữ.
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Bộ GD-ĐT, hiện nay có khoảng 5.500 SV đang du học tại Hoa Kỳ, 6.500 tại Úc, 4.200 tại Anh, 4.200 tại Singapore, 5.500 tại Nga, 4.500 tại Pháp, gần 6.000 tại Trung Quốc, 2.200 tại Đức và 1.600 tại Nhật Bản.
Tỷ lệ SV theo học bằng tiếng Anh và bằng các thứ tiếng khác cũng gần xấp xỉ 50%-50%. Trong giáo dục phổ thông, bên cạnh tiếng Anh, tổng số HS học tiếng Pháp như ngoại ngữ 1 là gần 130.000 HS, hệ song ngữ tiếng Pháp bước sang năm hoạt động thứ 12, với 17.000 HS, chương trình dạy thí điểm tiếng Pháp như ngoại ngữ 2 sau 5 năm triển khai, từ 2001-2006, đã thu hút hơn 40.000 HS. Chương trình dạy thí điểm tiếng Nhật sẽ bắt đầu triển khai từ năm 2006 tại 8 trường phổ thông của VN, chương trình dạy thí điểm tiếng Đức cũng đang được triển khai tại 4 trường THPT...
Chưa hết, các nước tiếp nhận lao động xuất khẩu của ta cũng bắt đầu có yêu cầu về ngoại ngữ - tiếng bản xứ đối với người lao động. Tháng 8/2005, Bộ Lao động Hàn Quốc đã chính thức yêu cầu mọi lao động VN muốn sang lao động tại Hàn Quốc phải qua kỳ kiểm tra năng lực tiếng Hàn. Việc tổ chức thi và đặc biệt là tổ chức dạy tiếng Hàn cho khoảng 10.000 người đăng ký đi lao động tại Hàn Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn. Rồi sẽ đến lúc các thị trường lao động lớn của VN như Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản sẽ có những yêu cầu tương tự. Việt Nam sẽ làm gì để đáp ứng yêu cầu này?
Ngôn ngữ là văn hoá, những ngôn ngữ mà ta cho là “hiếm hoi”, là “ngoại lai” lại đang là tiếng nói của 3/4 nhân loại. Cùng với sự phát triển của khoa học, công nghệ, việc bứt phá rào cản về ngôn ngữ làm cho thế giới ngày càng nhỏ đi. Những ngôn ngữ “quý hiếm” đó sẽ giúp ta tìm hiểu những nước láng giềng của Việt Nam, những nước đồng minh của VN hay những đối thủ cạnh tranh của VN. Làm tất cả việc này chỉ qua tiếng Anh, tôi e rằng hơi khó.
Nếu chỉ có "đồng phục tiếng Anh"...
Thử hình dung “đề án một ngoại ngữ” được đi vào thực hiện theo đúng mục tiêu đã được đề ra. Điều gì sẽ xảy ra đối với nước ta sau đó?
Về giáo dục: Việc học một ngoại ngữ là tiếng Anh thu hẹp sự lựa chọn của giới trẻ khi họ muốn du học nước ngoài. Giới trẻ VN sẽ chỉ biết nhiều đến tiếng Anh, nền giáo dục và văn hoá của những nước nói tiếng Anh, tập trung vào nền văn hoá Anh-Mỹ, ảnh hưởng đến chính cơ sở của nền văn hoá Việt. Nếu bên cạnh tiếng Anh, ta vẫn chủ trương dạy các ngôn ngữ khác thì giới trẻ VN sẽ thấy rằng văn hoá Anh - Mỹ không phải là “các nền văn hoá khác” mà chỉ là “một trong các nền văn hoá khác”.
Về chính trị, quyết định phủ sóng tiếng Anh trên phạm vi toàn quốc của VN, một nước thành viên của Cộng đồng Pháp ngữ cho thấy VN không thực sự muốn tham gia vào Cộng đồng Pháp ngữ. Vấn đề không phải ở chỗ VN không dành vị trí xứng đáng cho tiếng Pháp mà ở chỗ cũng chẳng còn chỗ nào để phát triển đa ngôn ngữ. Các nước Cộng đồng Pháp ngữ chắc chẳng “vui vẻ” gì khi tiếp nhận thông tin này, còn nó ảnh hưởng đến đâu về mặt chính trị, ngoại giao thì cá nhân tôi không dám bàn.
Còn một số vấn đề khác liên quan đến chuẩn năng lực ngoại ngữ xác định cho mỗi cấp học, bậc học, cho người học, cho người dạy; việc chỉ đưa ngoại ngữ 2 vào dạy từ năm 2020, trong khi việc này đã được thực hiện tại miền Nam VN từ trước năm 1975 và Chương trình dạy thí điểm tiếng Pháp ngoại ngữ 2 đã rất thành công; việc chỉ dạy một ngoại ngữ trong khi nhu cầu của xã hội ngày nay là càng biết nhiều ngoại ngữ càng tốt; việc phải tăng nhanh chóng đội ngũ giáo viên tiếng Anh và chuyển đổi đội ngũ giáo viên dạy tiếng Pháp và các thứ tiếng khác sang tiếng Anh như ta đã làm đối với đội ngũ giáo viên tiếng Nga trước đây…Đó là hàng loạt những vấn đề phức tạp mà tôi xin nhường lời cho các tác giả khác.
Chỉ mới cách đây hơn 1 tháng, trong những ngày đầu tháng 3/2006, tại TP.HCM, 6 nước VN, Lào, Campuchia, Pháp, Canada, Bỉ đã cùng nhau làm việc hàng tuần liền để xây dựng “Dự án phát triển tiếng Pháp khu vực Đông Nam Á-VALOFrASE”. Văn bản còn đang được chỉnh sửa và chưa kịp trình lên lãnh đạo Bộ GD-ĐT, Bộ Ngoại giao và Văn phòng Chính phủ.
Viết bài này, tác giả rất mong các cấp có thẩm quyền trong cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước xem xét vấn đề kỹ lưỡng trước khi quyết định.
-
Nguyễn Thanh Huyền (Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ GD-ĐT)
Theo dòng sự kiện 16.000 tỷ đồng để thanh niên VN thạo ngoại ngữ năm 2020 2020: Thanh niên Việt Nam thạo ngoại ngữ Bạn trẻ lập nghiệp: Loay hoay vì ngoại ngữ Tiếng Việt cũng phải cạnh tranh!
Ý kiến của bạn: