221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
792816
Một hay nhiều ngoại ngữ? Lựa chọn để vứt bỏ!
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Một hay nhiều ngoại ngữ? Lựa chọn để vứt bỏ!
,

"Nhìn một sự việc dưới nhiều chiều rất đáng học hỏi. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nguồn lực cho giáo dục có hạn, chúng ta phải sắp xếp các thứ tự ưu tiên cho đầu tư, hay nói cách khác. Phải lựa chọn để vứt bỏ’’.

Bạn Vũ Việt Dũng, MBA -ĐH Stuttgart, CHLB Đức tham gia tranh luận về đề án dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông ở VN đến năm 2015.

Nhiều nước châu Á cũng xác định dạy ngoại ngữ cho HS trong nhà trường bắt đầu từ lớp 3 (Ảnh: HA)

Birgit Kohlert, 7 tuổi, được bố dẫn đến lễ tốt nghiệp của chúng tôi. Bé đĩnh đạc nói tiếng Anh với các anh chị SV, ríu rít tiếng Đức với bố - một GS người Đức- và bập bẹ một chút tiếng Ý với mẹ. Bố của bé bảo: ’’Dù mẹ là người Ý nhưng chúng tôi vẫn ưu tiên thực hành tiếng Anh với cháu nhiều hơn.’’

Ali, 33 tuổi, người Philipines, cùng vợ sang VN 6 tháng nay, kể chuyện: ’’Chúng tôi sang đây với mong muốn mở một trường mẫu giáo với môi trường giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Anh. Ở Philipines, con gái tôi nói tiếng Anh ở trường nhiều đến nỗi về nhà cháu luôn hỏi mẹ ’’Mama, mama...what is Kahua?’’

Ray Lee, 37 tuổi, người Singapore, sau một buổi thuyết trình bằng giọng đặc sệt Singlish, kể rằng con trai Daren 3 tuổi của anh bập bẹ nói song ngữ Trung-Anh ra sao khi tôi tán dương khả năng Anh ngữ linh hoạt của anh.

Ở công ty tôi thực tập, hầu hết nhân viên là người Đức nhưng ngôn ngữ họ sử dụng hàng ngày để giao dịch với khách hàng khắp 5 châu vẫn là tiếng Anh - cũng là ngôn ngữ chính thức của công ty.

Một nghiên cứu nhỏ trên Google cho thấy 35,8% nội dung trên Internet được đăng tải bằng tiếng Anh (http://global-reach.biz/globstats/index.php3).

Hầu như tất cả trang web của Trung Quốc đại lục vốn nổi tiếng tự tôn đều có bản dịch tiếng Anh.

Chợ bán buôn online www.alibaba.com nổi tiếng với hầu hết hàng hoá có xuất xứ từ Trung Quốc cũng có giao diện bằng Tiếng Anh.

Sự lựa chọn này không chỉ đơn giản bởi vì Bill Gates nói tiếng Anh, có lẽ thế. Thế giới hội nhập phẳng (’’The world is flat’’ - Thomas L. Friedman) và dòng chảy ngôn ngữ hội nhập chính thức là tiếng Anh.

Hãy lắng nghe, cả thế giới đang nói tiếng Anh với bạn.

Tôi chỉ muốn đưa ra những ví dụ trên để nhấn mạnh tầm quan trọng của tiếng Anh đối với việc hội nhập và phát triển đất nước.

Đề án 16.000 tỷ cho dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân là một dấu hiệu đầy hứa hẹn dù việc thực hiện chắc chắn có nhiều điểm đáng bàn. Việc lựa chọn tiếng Anh chứ không phải bất cứ ngôn ngữ nào khác cho đề án này, theo như TS Nguyễn Lộc nói là một lựa chọn ’’dành nguồn lực để phát triển mũi nhọn trước’’.

Nếu được chọn: HS sẽ chọn "không ngoại ngữ nào"

Về ý kiến của Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Thanh Huyền, trước hết, tôi thấy thấp thoáng sự liên hệ giữa việc phổ cập tiếng Anh ngày nay và phổ cập tiếng Nga ngày xưa như một kinh nghiệm thất bại.

So sánh này phần nào khập khiễng. Thời chiến tranh lạnh, chúng ta có rất nhiều lợi ích khi phổ cập tiếng Nga. Đó là ngôn ngữ hoà nhập của một khối thống nhất ngày ấy và cũng không thể phủ nhận những thành tựu gặt hái về văn hoá, khoa học, kỹ thuật từ những ngày trồng tiếng Nga đấy. Vậy nên, không thể coi là một sai lầm cần phải rút kinh nghiệm cho việc phổ cập tiếng Anh ngày nay.

Sai lầm để rút ra bài học có chăng là sự kém nhạy bén, thiếu tầm nhìn trong việc điều chỉnh đổi mới chính sách cho phù hợp với thời đại mới (khi Liên Xô tan rã) trong điều kiện nguồn lực có hạn.

Ý thứ hai, tôi muốn trao đổi là ’’Nhu cầu người học ở đâu?’’ (theo lời chị).

Thứ nhất, việc dẫn chứng trong hệ thống giáo dục các nước khác, HS có quyền lựa chọn ngoại ngữ mình yêu thích để đề xuất chính sách tương tự cho nền giáo dục VN với điều kiện hiện nay là chưa phù hợp. Có lẽ, chị cũng thấy chương trình học của HS ở các nước tiên tiến so với VN nhẹ hơn rất nhiều.

Hơn nữa, ở những nước Âu Mỹ, việc học thêm 1, 2 ngôn ngữ có gốc ngôn ngữ gần giống tiếng mẹ đẻ (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha) dễ dàng hơn nhiều so với các bạn HS đồng lứa châu Á. Việc ra chính sách phần nào đòi hỏi ’’Think global, act local’’, tức sự tiếp thu và điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện sở tại. Không phải tất cả những gì hay tốt ở các nước tiên tiến đều có thể áp dụng ở VN.

Theo tôi, nếu được lựa chọn theo nhu cầu, sẽ có rất rất nhiều HS lựa chọn không học ngoại ngữ nào. Ở VN, với sức ép thi cử, học hành quá tải như hiện nay, việc nắm vững và sử dụng một ngoại ngữ đã đòi hỏi nhiều cố gắng. Điều này hoàn toàn có thể kiểm chứng tại các trường cấp III ở Hà Nội, nơi HS có nhiều điều kiện tiếp xúc tốt hơn nhiều lần so với các địa phương. Thế nên, vì mục tiêu chuẩn bị nền tảng ngôn ngữ tốt cho sự hội nhập tốt hơn, cũng như phổ cập giáo dục cấp I, II là bắt buộc, việc học tiếng Anh, nếu thực sự làm được, cũng rất nên bắt buộc.

Thứ hai, trong phần này, chị đưa số liệu dẫn chứng về các du HS đang theo học tại các nước không nói tiếng Anh và đề cập đến một bộ phận HS có nhu cầu đi học ở các nước Trung Quốc, Malaysia, Indonesia,v.v...

Tôi nghĩ, phần này chị đã đi xa khỏi chủ đề đang thảo luận. Chúng ta đang thảo luận về một đề án phổ cập Anh ngữ, có nghĩa là trên diện rộng, trên toàn quốc, tính cả những địa phương xa xôi nơi người dân thu nhập chưa tới 100USD/năm.

Đem nhu cầu du học của một bộ phận rất nhỏ (bố mẹ) HS con em gia đình khá giả nơi thành phố để cân nhắc quyết định chính sách chung cho cả cộng đồng đóng thuế, liệu có đúng đắn không?

Ngoài ra, nếu xét kỹ hơn, sẽ thấy ngay, ở các nước không nói tiếng Anh như Đức, Pháp, Nhật Bản để thu hút SV và đẩy mạnh hội nhập văn hoá, kinh tế, ngày càng có nhiều chương trình quốc tế dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh hơn.

Về phần đối tượng đi xuất khẩu lao động, tôi tin là không bậc phụ huynh nào có định hướng cho con mình ngay từ bậc tiểu học là học tiếng Hàn để sau đi Hàn Quốc xuất khẩu lao động. Vậy nên, những dẫn chứng trong phần này quả thực chưa đủ tầm bao quát để bảo vệ lý lẽ.

Ý thứ ba, tôi xin gộp các ý kiến của chị về việc đa dạng ngôn ngữ để có điều kiện tiếp cận văn hoá đa chiều, duy trì các quan hệ ngoại giao với các nước cộng đồng Pháp ngữ,v.v...

Việc nhìn một sự việc dưới nhiều chiều như trên quả thật rất đáng học hỏi. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nguồn lực cho giáo dục có hạn. Chúng ta phải sắp xếp các thứ tự ưu tiên cho đầu tư, hay nói cách khác ’’Phải lựa chọn để vứt bỏ’’.

VN là một nước độc lập tự chủ, giàu truyền thống tự lực tự cường, hoàn toàn có thể quyết định ngôn ngữ nào tốt cho sự phát triển tương lai, không bị ảnh hưởng bởi các tác động khác, nhất là những ’’sân chơi’’ như cộng đồng Pháp ngữ.

  • Vũ Việt Dũng (MBA -ĐH Stuttgart, CHLB Đức)

Các tranh luận

16.000 tỷ đồng để thanh niên VN thạo ngoại ngữ năm 2020

"Một ngoại ngữ" hay làm nghèo đất nước về văn hóa?

Tiếng Việt cũng phải cạnh tranh!

"Tiếng Anh là sự lựa chọn duy nhất!"

Chọn tiếng Anh có làm nghèo đất nước?

"Đề án một ngoại ngữ": Đâu là tính chiến lược?

Ý kiến của bạn:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,