221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
794644
"Đổi mới ĐH: Giải phóng cho các trường!"
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
'Đổi mới ĐH: Giải phóng cho các trường!'
,

(VietNamNet) - "Có phần ngạc nhiên và vui mừng", GS.TS Trần Hồng Quân, nguyên là Bộ trưởng Bộ GD - ĐT, hiện là Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập. chia sẻ suy nghĩ về đề án đổi mới giáo dục ĐH - một đề án hệ trọng mà ảnh hưởng của nó tác động không nhỏ tới giáo dục ĐH VN sau này.

Ý kiến của ông được xem là "đáng giá" nhất trong hội nghị hiệu trưởng diễn ra ngày 10/5. VietNamNet đã có cuộc trao đổi với GS Trần Hồng Quân về câu chuyện "để có một nền giáo dục ĐH dồi dào sinh khí" - theo cách diễn đạt của ông.

GS Trần Hồng Quân: "Thật lo ngại nếu để sự trì trệ của cơ chế cũ cộng hưởng với mặt trái tiêu cực của cơ chế mới" (Ảnh: H.A)

- Cảm giác của ông khi đón nhận đề án đổi mới giáo dục ĐH VN 2020?

Đề án thể hiện được ở mức độ nhất định tư duy mới của Đảng và Nhà nước, cũng phản ảnh được một phần xu thế tiến bộ của ĐH thế giới.

Mức độ đổi mới tư duy ở các phần khác nhau trong đề án là không như nhau, có cảm giác như là của những tác giả khác nhau. Ở chỗ này, chỗ khác, có cái gì đó do dự, ngập ngừng. Cũng có thể là chưa thật tự giác, chưa thật cảm nhận mà phải chấp nhận xu thế.

Đề án đề ra hệ thống mục tiêu, tạo thành các tầng mục tiêu tương đối hợp lý. Đề án cũng nêu rải rác nhiều giải pháp nhưng thiếu tính hệ thống, thiếu những tư duy về giải pháp mang tầm chiến lược, tìm những nút bấm làm chuyển động toàn hệ thống ĐH nước nhà.

Thực tiễn điều hành vẫn còn một khoảng cách lớn so với những tư duy trong văn bản của Đảng, Chính phủ và so với bản thân đề án. Trong báo cáo, Bộ đã dám nhìn thẳng vào sự thật. Nhưng còn cần phải phân tích đến ngọn nguồn vấn đề cốt lõi đang tồn tại về quản lý giáo dục ĐH hiện nay.

- Những phân tích đến ngọn nguồn cốt lõi đó là gì?

Có thể nói ngắn gọn rằng, nền giáo dục ĐH chúng ta còn lạc hậu. Biểu hiện ở 2 mặt: chất lượng thấp, quy mô nhỏ và một nền ĐH nghèo nàn và trì trệ, tức luôn luôn thiếu nguồn lực và thiếu động lực tự hoàn thiện. Tình trạng đó rất giống nền kinh tế ở đêm trước của công cuộc đổi mới mà có lúc, ta tưởng là định mệnh. Tại sao ta không thu hút được thêm nguồn lực, tại sao hệ thống lại thiếu động lực và sinh khí?

Xin lỗi khi tôi nêu ra nhận xét thế này: bóng dáng của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp còn đặc trưng là sự trì trệ của nó đang đậm nét nhất trong ngành giáo dục của chúng ta so với tất cả những ngành khác. Ngược lại, những điều tốt đẹp của thời kỳ tồn tại cơ chế đó lại không còn bao nhiêu. Thật lo ngại nếu để sự trì trệ của cơ chế cũ cộng hưởng với mặt trái tiêu cực của cơ chế mới.

- Những kiến nghị gì để khắc phục "cộng hưởng tai hại" này?

Bỏ qua những biện luận logic để đi tới kiến nghị tổng quát, tôi muốn nêu một cách trực tiếp như sau:

Đổi mới giáo dục ĐH phải bắt đầu từ đổi mới quản lý hệ thống. Chủ yếu là đổi mới cơ chế. Tôi từng viết ở một số báo, "cơ chế quản lý giáo dục chưa tương thích với cơ chế kinh tế xã hội đã đổi mới". Hôm nay, tôi xin nói một cách không rào đón, không tránh né, bản chất của đòi hỏi đổi mới cơ chế quản lý giáo dục ĐH là giải phóng cho các trường công cũng như tư để phát triển, cho xã hội dễ dàng tham gia phát triển giáo dục ĐH, giống như bản chất của việc đổi mới kinh tế, là giải phóng lực lượng sản xuát, là xã hội hóa và tự do hóa nền kinh tế.

Nhà nước chỉ nên xây dựng chiến lược và kế hoạch chiến lược, không nên xây dựng quy hoạch cụ thể, chi tiết rồi áp đặt toàn hệ thống phải làm theo. Hãy để hệ thống được chuyển động theo cơ chế tự lựa chọn, tự sàng lọc, tự tối ưu hóa dưới sự định hướng và quản lý của Nhà nước. Nhà nước phải khôn khéo sử dụng bàn tay vô hình kỳ diệu của cơ chế thị trường.

Cơ chế thoáng: Sẽ có ĐH ngoài dự định trở thành hàng đầu!

- Bàn tay khôn khéo ấy, theo hình dung của ông?

Phải để các trường có quyền tự chủ cao, tự chịu trách nhiệm trước xã hội, tự xây dựng và bảo vệ uy tín của mình để tồn tại và phát triển. Bộ GD - ĐT nên ngồi ở vị trí cao hơn để làm quản lý nhà nước, không nên làm thay các trường.

- Ý chúng tôi là muốn đề cập tới những công việc cụ thể. Tức là những công việc khi ngồi ở cao hơn" mà Bộ GD - ĐT, Chính phủ phải làm?

Tôi muốn nhấn mạnh đến việc triệt để phân cấp trong quản lý giáo dục. Cụ thể thì có nhiều, trong đó, phải mạnh dạn xoá bỏ nhiều tồn tại hiện nay.

Chẳng hạn, xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản. Xóa bỏ việc giao chỉ tiêu cho từng trường mà để họ từ cân đối. Xóa bỏ việc tuyển sinh "ba chung". Xóa bỏ các chế độ tài chính cứng nhắc trói buộc các trường công mà thực hiện khoán ngân sách. Xóa bỏ quy định trần học phí. Nhà nước có chính sách học bổng đủ nhiều về số lượng, đủ cao về giá trị, cùng với chính sách tín dụng giáo dục để người nghèo có thể đi học. Học phí phải được phép vượt chi phí đào tạo để không lỗ mà còn có phần tích lũy tái đầu tư.

Cùng với đó, phải cho phép các trường công xây dựng một cách dân chủ quy chế sàng lọc và đào tạo đội ngũ cán bộ giảng dạy, cán bộ công nhân viên. Cho phép các trường tự quyết định chương trình, nội dung, phương pháp tiên tiến mà không cần xin phép.

Hay như chuyện mở trường mới. Phải khuyến khích đầu tư mở trường, không hạn chế mở ở Hà Nội, TP.HCM, không hạn chế mỗi tỉnh chỉ mở được một hoặc 2 trường. Việc cấp phép mở trường cần được đơn giản hóa  nhưng lại phải kiểm tra nghiêm túc về điều kiện đào tạo trước khi cho phép hoạt động. Nếu tạo được cơ chế thoáng để có thể có nhiều ĐH khác vươn lên mạnh mẽ thì biết đâu, có một ĐH ngoài dự định trở thành hàng đầu?

- Tại hội nghị hôm nay, phát biểu của ông nhận được nhiều sự đồng tình của các trường. Từng là Bộ trưởng Đại học, những việc ông nêu đã thực hiện như thế nào khi ông còn đương nhiệm?

Nhiều nhà báo hay hỏi tôi điều này. Tôi nói, đây là tư duy xuyên suốt, không có gì mâu thuẫn. Năm 1987, một hội nghị hiệu trưởng ở Nha Trang, tôi đã nêu "4 tiền đề, 3 chương trình" gọi là đột phá khi đó.

Chẳng hạn, đào tạo không nhất thiết phải theo chỉ tiêu nhà nước giao mà còn phải theo dự báo nhu cầu tương lai, đào tạo không chỉ phục vụ cho cơ quan Nhà nước và kinh tế quốc doanh mà còn phục vụ cho các thành phần khác, đào tạo không chỉ bằng ngân sách Nhà nước mà còn bằng cả học phí, đào tạo không nhất thiết phải phân công công tác mà phải tự tìm việc làm.

Bốn tiền đề đó là chưa từng có trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, là tư duy mới thích nghi với cuộc đổi mới kinh tế vừa bắt đầu.

Đáng tiếc là chúng ta đã lãng phí quá nhiều thời gian để khẳng định.

- Xin cảm ơn ông!

  • Hạ Anh (thực hiện)

Ý kiến của bạn:

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,