(VietNamNet) - Trước đòi hỏi mạnh mẽ thay đổi cách giao chỉ tiêu tuyển sinh của các trường, Bộ trưởng Giáo dục cam kết 2008 sẽ bắt tay vào đổi mới này. Trong khi, bộ phận soạn thảo đề án đang gặp lúng túng.
Một giờ học tại trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội). Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ thí điểm "cơ chế ĐHQG" cho 12 trường ĐH trọng điểm. Ảnh: Lê Anh Dũng |
'Giao chỉ tiêu một cách cơ học, không kiểm soát chỉ tiêu theo các nguyên tắc phổ biến", ý kiến của Giám đốc ĐH Đà Nẵng Bùi Văn Ga nhận được sự hưởng ứng của các đại biểu dự hội nghị hiệu trưởng ĐH, CĐ (diễn ra trong hai ngày 10 và 11/5).
"Từ năm 2008, sẽ xoá bỏ cơ chế phân bổ chỉ tiêu mang tính áp đặt. Trước mắt, trong năm 2006, Bộ sẽ hoàn tất các văn bản hướng dẫn nhằm cụ thể hoá hơn việc phân cấp", Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển trong phần phát biểu khá dài trước khi kết thúc hội nghị, khẳng định.
Ông Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Giáo dục, cho rằng, việc "thả" chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường có thể làm ngay trong năm tới.
Theo ông Nguyễn Văn Ngữ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, có 3 phương án đang được xem xét trong đề án đổi mới cách thức chỉ tiêu đào tạo.
Phương án ít thay đổi nhất là giữ nguyên cơ chế giao chỉ tiêu hiện nay trên cơ sở hoàn chỉnh một số bất cập.
Phương án thứ hai, gia tăng "phần" tự chủ cho các trường với việc giảm chỉ tiêu "giao" từ Nhà nước, tăng chỉ tiêu "đề xuất" từ các trường. Chỉ tiêu thuộc diện "nhà nước" tập trung cho hệ sau ĐH, dự bị, cử tuyển, sư phạm, những ngành mà Nhà nước có nhu cầu.
Với phương thức này, dự kiến Bộ sẽ ban hành những tiêu chí đảm bảo về chất lượng, từ đó làm căn cứ để xây dựng chỉ tiêu như: tỷ lệ sinh viên/giảng viên; diện tích cơ sở vật chất; chi phí thường xuyên.
Phương thức thứ ba "cởi trói" hoàn toàn các trường đăng ký chỉ tiêu đào tạo, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để dân giám sát. Tuy nhiên, ở phương thức này, ông Ngữ xác nhận, Bộ đang lúng túng vì chưa xác định được cơ chế giám sát như thế nào.
Song song với đổi mới cách thức giao chỉ tiêu tuyển sinh, một câu hỏi cho các nhà quản lý là cơ chế giao ngân sách cho giáo dục ĐH sẽ thay đổi như thế nào cho tương thích. Bởi, nguồn tài chính cung cấp cho hoạt động của các cơ sở giáo dục ĐH không chỉ có ngân sách Nhà nước, mà còn từ học phí, đầu tư thông qua các dự án vay nợ của Chính phủ, các khoản thu gắn với hoạt động của cơ sở giáo dục như hợp tác quốc tế, lệ phí tuyển sinh, hoạt động nghiên cứu khoa học, dịch vụ hoạt động phục vụ sinh viên...
- Hạ Anh - Kiều Oanh