221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
796458
Bao giờ Đại học "trăm tuổi" đạt đẳng cấp quốc tế?
1
Article
null
Bao giờ Đại học 'trăm tuổi' đạt đẳng cấp quốc tế?
,

(VietNamNet) - "Diễn đàn quốc tế về giáo dục ĐH trong thế kỷ 21" quy tụ gần 300 nhà quản lý và chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước đã diễn ra chiều 15/5, trong chuỗi hoạt động kỷ  niệm 100 năm ĐH Đông Dương - tiền thân của ĐHQG Hà Nội. Bên lề diễn đàn, VietNamNet đã ghi nhanh ý kiến các đại biểu, xung quanh câu chuyện ĐH trăm tuổi đang ở đâu và cần gì trong dòng chảy hội nhập khu vực, quốc tế?

GS Furuta Motoo (Phó Giám đốc ĐH quốc gia Nhật Bản): Cần phát huy sức sáng tạo của SV

GS Furuta Motoo. Ảnh: Bùi Tuấn

Trong những năm gần đây, ĐHQG Hà Nội có phát triển một số lĩnh vực khoa học xã hội (có liên quan đến chuyên ngành của tôi) đạt trình độ khu vực như lĩnh vực nghiên cứu khu vực và nghiên cứu lịch sử. Sở dĩ, chưa được xếp hạng trong khu vực, bởi những thông tin chủ yếu về thành tựu của ĐHQG Hà Nội gửi ra nước ngoài chưa nhiều. Mặc dù, ĐHQG có website bằng tiếng Anh tương đối tốt nhưng những thông tin chưa đủ để quốc tế đánh giá, xếp hạng.

Để được xếp hạng, phải có đầu tư đúng của nhà nước về quy mô, cũng như thời gian thực hiện. Trong đó, nên tập trung đầu tư vào một số ngành mũi nhọn...

Chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam, nói chung, tôi không hiểu cặn kẽ. Nhưng tôi thấy chất lượng SV VN sang Nhật mấy năm gần đây đã có tiến bộ tương đối nhanh. Nói chung, giáo dục ĐH VN cũng được đổi mới nhiều, nhưng phương pháp giảng dạy chưa được cải tiến một cách cơ bản.

Cụ thể, phương pháp giảng vẫn theo lối SV nghe và chép lại bài giảng của giáo viên chiếm tỷ lệ cao. Tình trạng "đọc - chép" ở Nhật cũng vẫn còn nhưng chúng tôi đang phân bổ, cải tiến trong thời gian tới. Còn ở VN, đây là vấn đề lớn vì sức sáng tạo của SV ĐH chưa được phát huy toàn diện.

Cũng có một vấn đề nữa tôi cho rằng về mặt tổ chức giáo dục của các trường ĐH Việt Nam không ổn định, đổi mới liên tục... Cá nhân tôi thấy những thay đổi này hơi nhiều quá. Trong khi, đối với giáo dục, tính ổn định về mặt tổ chức trong thời gian tương đối dài là rất quan trọng.

TS Mahendra Chandra (Phó Khoa Quốc tế và Thương mại - trường ĐH Edith Cowan, Australia): "Chương trình tốt sẽ tạo nên trường đẳng cấp..."

TS Mahendra Chandra. Ảnh: Bùi Tuấn

Để đặt đẳng cấp quốc tế thì cần phải so sánh với những trường trong khu vực, chẳng hạn như ĐH Bắc Kinh (Trung Quốc).

Vấn đề là so sánh như thế nào trong khi chất lượng giáo dục của ĐHQG mới đang đặt mục tiêu đạt trình độ khu vực? Để đánh giá một trường ĐH đạt đẳng cấp quốc tế, theo quan điểm cá nhân tôi, cần phải đạt 3 yêu cầu:

Phải có những SV giỏi, tài năng.

Phải có chương trình tốt. Mà để có chương trình tốt thì phải được so sánh bởi những tổ chức trên thế giới. Ví như: Chương trình kế toán thì phải được tổ chức kế toán trên thế giới họ đánh giá, xếp hạng là một chương trình tốt. Các chương trình tốt sẽ tạo nên một trường ĐH có đẳng cấp.

Cuối cùng là đội ngũ giảng dạy, nếu đội ngũ giảng dạy tốt cũng là một trong nhiều yếu tố để đánh giá chất lượng một trường ĐH đẳng cấp.

Củng cố đội ngũ giảng dạy, theo tôi, cần cố gắng thu hút những giảng viên giỏi; liên kết thật nhiều với các trường ĐH nước ngoài; đồng thời, cử những SV ra nước ngoài chọn những khóa học tốt, xây dựng tinh thần "học tập để giúp đỡ Tổ quốc". Chỉ cần làm tốt những điều như vậy, tôi tin sẽ thu hút được rất nhiều người nước ngoài đến Việt Nam giảng dạy.

PGS.TS Phùng Xuân Nhã (Phó Chủ nhiệm khoa Kinh tế, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Phát triển): Thị trường đòi hỏi cạnh tranh, trường ĐH buộc phải nghĩ tới chất lượng

Theo tôi, trong bối cảnh hiện nay, đưa ra những kế hoạch quá mạnh dạn, quá nhảy vọt phải nhìn trên 2 góc độ nội lực và bối cảnh quốc tế.

"Đột phá để đạt đẳng cấp khu vực vào 2010"

"Cần phải sáng tạo, năng động và chủ động hơn nữa để tạo ra những đột phá làm chuyển biến mạnh mẽ chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học để trong tương lai không xa, đến 2010, ĐHQG Hà Nội phát triển theo định hướng ĐH nghiên cứu, đạt trình độ ngang tầm với các đại học tiên tiến trong khu vực, trong đó có một số ngành, chuyên ngành đạt trình độ quốc tế". Chủ tịch nước Trần Đức Lương

Điều kiện phát triển của một ĐH không thể tách khỏi điều kiện phát triển của một quốc gia. Trong một đất nước đang chuyển đổi, đặc biệt từ điều kiện rất khó khăn chuyển sang hội nhập quốc tế, việc đưa ra những kế hoạch để hướng tới chuẩn khu vực, quốc tế không thể một sớm, một chiều.

Gần đây, Việt Nam tham gia ngày càng sâu vào hội nhập quốc tế, trong các lĩnh vực kinh tế đi trước. Hoà chung vào đó, kế hoạch xây dựng ĐH đẳng cấp quốc tế... cũng nằm trong hoạt động hội nhập của toàn bộ đất nước, nếu không làm được thực sự thì sẽ muộn.

Nhưng từ nhận diện đến tổ chức và quyết tâm thực hiện... từ đó đưa ra được những kế hoạch và lộ trình thích hợp và khả thi mới là quan trọng.

Giáo dục cũng là một ngành dịch vụ, và nó cũng không thể thoát ly khỏi quy luật thị trường. Khi nền kinh tế thị trường đòi hỏi cạnh tranh, lúc ấy các cơ sở đào tạo phải buộc nghĩ tới chất lượng. Nền kinh tế của ta đang chuyển đổi, những yếu tố thị trường chỉ là ban đầu, nên chất lượng sản phẩm đào tạo chưa phải là cạnh tranh, tư duy đào tạo theo hướng thị trường chưa phải là nhiều.

Giáo dục là lĩnh vực cung cấp các hàng hoá dịch vụ rất đặc biệt. Chất lượng được quyết định bởi nhu cầu của thị trường. Nếu có cạnh tranh thì người tiêu dùng được lợi nhất.

Diễn đàn "Giáo dục ĐH trong thế kỷ 21" quy tụ gần 300 nhà quản lý và chuyên gia giáo dục, trong đó có hơn 100 đại biểu quốc tế đến từ 38 trường ĐH nước ngoài. Ảnh: Bùi Tuấn

TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Khoa học - Công nghệ: "Xây mới: Không phải gánh những lỗi nặng của quá khứ"

Tại ĐHQG Hà Nội, một số ngành  như Toán và Vật lý có nhiều GS có trường phái riêng ở trong và ngoài nước. SV những ngành này học hệ cử nhân tài năng khi đi ra nước ngoài thì được học tiếp luôn, không phải học lại.

Chủ trương của ĐHQG Hà Nội là hiện nay đã có một số ngành mũi nhọn đã đạt đẳng cấp quốc tế, nhưng mục đích tổng thể thì phấn đấu để trường đạt tầm khu vực.

ĐH đẳng cấp quốc tế có nhiều tiêu chí, trong đó có cả số lượng bài báo trên một cán bộ giảng dạy, số lượng kinh phí trên một cán bộ giảng dạy... Hiện tại, nước ta còn nghèo như vậy mà đặt nhanh mục tiêu ĐH đẳng cấp quốc tế, thử hỏi kinh phí có được tầm quốc tế không?

Những trường ĐH đẳng cấp trên thế giới là những trường có truyền thống. Lý do, vì những trường mới xây dựng có lợi thế hơn về cơ sở vật chất, nhưng đội ngũ cán bộ thì phải có thời gian nhất định. Trong khi, các trường lâu đời, đã có sẵn đội ngũ khoa học. Trong 2 nguồn lực, cơ sở vật chất và con người thì nhân lực là quan trọng hơn. Đi thuê cũng khó đáp ứng được.

Việt Nam phải có trường ĐH đẳng cấp quốc tế, nhưng vấn đề là xây dựng như thế nào? Kinh nghiệm cho thấy, nếu một trường ĐH mà xây mới hoàn toàn thì rất thuận lợi ở chỗ không phải gánh những lỗi nặng của quá khứ, và cơ sở vật chất thì xây mới hiện đại.

  • Kiều Oanh - Khánh Ngọc - Hoàng Lê (thực hiện)

Ý kiến của bạn:

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,