Ký sự coi thi tập 2: Giám thị tự vệ!
(VietNamNet) - "Chạy ra đây với bọn chị, lơ ngơ trong đó vỡ đầu như chơi đấy em ạ", chị đồng nghiệp giám thị số 1 đang đứng ngoài hành lang đưa tay vẫy tôi. Không khí phòng thi lúc này "nóng" lên cực độ. Chỉ ba mươi phút nữa là hết giờ. Phòng tôi trông thi ở tầng 2. Cửa sổ, cửa chớp đã đóng kín, vậy mà không hiểu bật tung ra từ lúc nào. Bảo vệ, công an địa phương, chẳng còn thấy ai.
>>Ký sự coi thi tập 1: "Đúng quy chế"
Lũ choai choai, mặt mũi đen nhẻm, tóc tai bù xù đu người trên gờ tường nhoai đầu vào khung cửa. Các thí sinh nhốn nháo í ới gọi người nhà.
Thôi thì đủ cả "câu 2b, có câu 2b chưa, sắp hết giờ rồi đấy?", "bài hình chúng mày mua lời giải ở đâu mà vẽ hình sai mất rồi, đề bài hình thang cơ mà", "chúng nó cướp mất câu 3 rồi, ném cho tao câu 3"...
Những tờ giấy giải đề được bọc trong các viên sỏi, gạch vụn, bi để ném vào cho trúng...
Khởi động
Buổi sáng, khi giao ban trong phòng hội đồng, các anh chị từng đi coi thi đã ngao ngán lắc đầu:"Hôm nay căng đây. Chuẩn bị chiến đấu đi là vừa". Buổi thi môn cuối cùng nên thí sinh và gia đình sẽ cố sống cố chết vớt vát thêm đôi chút, đặc biệt là những thí sinh làm chưa tốt các môn trước đó. Sáng nay, lại là buổi thi môn Toán, tài liệu không sẵn như các môn xã hội, lại cũng chẳng có câu lý thuyết như Lý, Hóa nên thí sinh không biết bấu víu vào đâu để "vẽ hươu vẽ vượn". Chỉ biết trông chờ bên ngoài.
Không khí phòng tôi coi thi, ngay từ phút đầu đã khác hẳn những ngày trước đó (tất nhiên, mỗi ngày giám thị sẽ luân phiên trông thi một phòng khác nhau). Thay vì lặng phắc, ngoan hiền cặm cụi ghi tên tuổi, số báo danh (để mong thầy cô thương tình), lũ học trò í ới gọi nhau từ đầu phòng đến cuối phòng, công khai thái độ "hôm nay là buổi thi cuối rồi đấy, thầy cô liệu xem thế nào chứ...". Vẫn biết, một bộ phận học sinh các trường bán công ý thức chưa được cao như học sinh khối công lập, nhưng phản ứng của thí sinh trong buổi thi cuối này vẫn làm tôi kinh ngạc.
Đề vừa phát ra được dăm ba phút, một cậu đầu húi cua ngồi sát cửa sổ đã hí hoáy chép lại ra một tờ giấy nháp. Chị đồng nghiệp nhanh chân đứng sát ngay cửa sổ. Không để cho đề thi được lọt ra ngoài ngay từ phút đầu. Chỉ cần lọt đề, khu vực quanh hội đồng thi sẽ sôi sục lên, không cách nào kiềm chế được.
Gần 1/3 thí sinh trong phòng, nhấp nhổm chép đề, vo tròn lại, rồi bực bội nhét vào ngăn bàn...Một số khác nhẩn nha ngồi cắn bút, liếc thầy cô, kiên lòng đợi ứng cứu. Cậu bé húi cua nhìn chúng tôi cười giả lả, rồi cắm cúi đo đo, vẽ vẽ vào tờ giấy thi (thi môn Toán bao giờ cũng phải chuẩn bị nhiều giấy nhất, vì thí sinh liên tục đòi thay giấy). Trong phòng, chỉ vỏn vẻn năm thí sinh chăm chú đọc đề và viết những dòng đầu tiên lên tờ giấy với thái độ nghiêm túc. Tôi cố ý đi sát lại bàn, thấy các em đã giải quyết ngay được câu 1.
Bên ngoài, các giám thị hành lang chật vật giám sát các thí sinh cứ nối gót nhau xin ra ngoài đi vệ sinh. Chưa môn thi nào giám thị hành lang phải chạy nhiều như môn Toán này.
Gần tiếng đồng hồ trôi qua trong không khí thăm dò.
Đề lọt....
Vậy mà, rốt cuộc đề vẫn lọt ra ngoài. Bài giải đầu tiên "bay" từ ngoài vào rơi trúng chân một cô bé ngồi ngay đầu bàn. Cả phòng thi rộ lên. Nhưng thấy tôi lừ mắt, cô bé im thít, không dám nhặt. Nửa mẩu giấy học sinh nhàu nát chép tay bọc vào một viên sỏi nhỏ. Chữ viết vội, nguệch ngoạc, ghi đáp án câu 1b, khảo sát hàm số. Nhin mẩu giấy lem nhem, lại ném tầm phào thế này, chẳng biết đúng hay sai. Ném kiểu này, trúng đầu thí sinh và giám thị như chơi...
Thế là bắt đầu một cuộc đột kích. Vẫn là cậu bé ngồi sát cửa sổ. Tôi vừa nhìn thấy một cái mũ phớt nhô vào cửa sổ, thì lập tức một nắm giấy đã bay lả tả xuống các bàn trong phòng. Lần này là giấy photocoppy hẳn hoi. Nguyên vẹn câu số 2. Cậu bé tóc húi cua hì hục ngồi ghi ghi, chép chép. Thì ra, người nhà lần này có chiến lược nghi binh. Cứ ném búa xua dăm bảy tờ cho chắc ăn. Ném một, giám thị bắt hoặc rơi vào tay lũ bạn ngồi gần đó sẽ mất. Cứ phân tán thật nhiều, thầy cô chẳng biết đằng nào mà lần.
Có tiếng lục cục ngoài cửa sổ và những cánh tay đeo bám lên hai bậu cửa. Một vài thanh niên địa phương công khai đập vào cửa sổ và gọi toáng lên ở bên ngoài những là tên của Minh, Hưng, Thúy...
Tôi và chị giám thị nữa kiên quyết yêu cầu HS giữ nguyên vị trí, không được mở cửa sổ cho người nhà. Và băn khoăn không hiểu sao, công an viên địa phương bảo vệ vòng ngoài, bảo vệ nhà trường giữ vòng trong. Mà người nhà thí sinh đứng bên ngoài gờ tường tầng hai gọi tên con em mình cả tiếng. Trao đi, đổi lại như ong vỡ tổ. Không ít lời hăm dọa, chửi thề buông ra lộ liễu...
"Phải gọi công an thôi", chị đồng nghiệp vừa nói vừa chạy ra ngoài hành lang. Ba anh công an địa phương được cử đến tăng cường bảo vệ hội đồng thi, vừa thấy đứng lớ xớ ngoài hàng rào, giờ đã chạy vào cổng trường ngồi uống trà bên bàn bảo vệ. Nghe phản ánh, một anh áo vàng xanh chậm rãi đứng dậy, thong thả vòng ra phía tường rào, đe nẹt dăm ba câu. Cửa sổ phòng tôi trông thi nhìn ngay ra ruộng lúa. Thế nên, tôi nghe rõ tiếng chạy rầm rập.
Anh áo vàng xanh quay lại bàn. Lại rầm rập tiếng chân quay vào. Vì đây là hướng tấn công vào các cửa sổ đắc dụng nhất. Lại trèo, lại í ới...
Gửi gắm
Chỉ bốn lăm phút nữa hết giờ. Thấp thoáng ngoài hành lang, bảo vệ, phục vụ, lao công của nhà trường tay xách ấm nước chè xanh, gọi là phục vụ thêm cho thầy cô, mắt bao quát phòng thi tìm xem con em được gửi gắm của mình ngồi ở đâu. Nhìn thấy giám thị chúng tôi, không ai dám ném bài vào công khai. Nhưng vẫn đứng ngoài cửa, chờ cơ hội.
Tôi chợt nhớ lúc sáng sớm vừa xách bao đề thi ra khỏi phòng hội đồng thì chị lao công chạy theo dúi vào tay SBD 211, gọi là gửi gắm. Số báo danh 211 này nhút nhát ngồi cắn bút nửa buổi, làm được nửa câu 1, là câu đơn giản nhất. Nghe người nhà gọi bên ngoài nhưng thấy tôi lừ mắt nên cũng không dám lên tiếng mách vị trí.
Chị lao công nhìn, ra ý trách móc "cũng là người trong trường với nhau cả". Xung quanh, những học trò ngỗ ngược hối hả chép bài. Tờ giấy thi cứ kín dần lên. SBD 211 là con một giáo viên trong trường gửi gắm lại. Tôi quay lưng đi, vờ như không biết gì.... Nghe loạt xoạt. Chị lao công tong tả xách ấm nước đi sang phòng bên.
Cảm giác về sự bất lực dâng lên trong lòng, "mình là giám thị, mình đứng đây để làm gì?". Trong các câu chuyện phiếm, tôi đã từng nhiều lần nghe kể về việc, đi trông thi là "trông cho thí sinh chép an toàn vì, có ai trượt tốt nghiệp bao giờ đâu".
Ở các trường công lập, mỗi phòng luôn có dăm bảy học sinh khá, giỏi, tự giác làm bài và "san sẻ" cho các bạn trong phòng. Học trò khối C nhìn bài của khối A, và ngược lại. Năm nào đề thi "rơi" vào nhiều môn xã hội hơn môn tự nhiên, học trò hai khối A, C đều hỉ hả như nhau. Bởi môn xã hội chỉ cần trông chừng giám thị rồi tranh thủ chép bài. Khỏi lo nhìn ngó hay chờ viện trợ.
Nhưng với các hệ bán công hay dân lập thì tình hình khác hẳn. Cả làng, cả xã đi thi... Cơ hội vào ĐH rất ít, nên cả nhà trông hết vào kỳ thi tốt nghiệp. Tỷ lệ tốt nghiệp cũng nói lên sự sống còn, uy tín, "chất lượng" cho mùa tuyển sinh năm sau nên ban giám hiệu các trường cũng "quán triệt" anh em đến nơi đến chốn.
Giờ chót
Một đồng chí công an đang mặc sắc phục thoải mái nói chuyện bằng điện thoại di dộng trong sân hội đồng thi trường THPT Quốc Oai (Hà Tây) với thời gian khá dài. Ảnh chụp chiều 31/5/2006. Kiều Oanh |
Phòng thi lúc này náo loạn. Lũ thí sinh công khai chạy ra ngoài cửa sổ yêu cầu người nhà ném cho câu a, câu b này nọ. Hoặc yêu cầu ném câu khác vì thấy câu của mình sai. Thí sinh được người nhà ném bài giải chép tay lại đem đi so sánh với bài giải được photo và chỉ tin vào tờ photo. Thử "bắt" hai mẩu giấy một photo, một chép tay giải đề câu 3a, tôi đã thấy hai kết quả khác hẳn. Có thí sinh đang chép câu này, nghe loáng thoáng có người bảo sai thế là chạy lên xin ngay tờ giấy khác, hí hoáy chép lại theo lời giải mà đứa bạn cam đoan là đúng.
5 thí sinh chăm nhất phòng, suốt thời gian đầu bị lũ bạn quây lại, giờ cũng hoang mang nhấp nhổm. Có hai em vẫn kiên quyết lặng lẽ ngồi làm tiếp. Ba em khác lén nhìn chúng tôi rồi chạy lại chỗ đám bạn đang ghi chép, ngó nghiêng, so sánh... Tôi nhớ lại lời một đồng nghiệp trong trường cũng có con đi thi: "Con mình học khá, không lo. Nhưng chỉ sợ vào phòng thi, thấy bạn bè chép bài nhốn nháo, nó lại không đủ bản lĩnh mà thôi".
Anh dự định sẽ kiên quyết làm nghiêm. Chỉ là để bảo vệ cho những thí sinh có thái độ làm bài thi nghiêm túc.
Nhưng gặp tôi lúc kết thúc buổi thi chiều qua, anh cười buồn, nói:"cả phòng chẳng đứa nào làm được bài. Mình làm nghiêm, cũng có ai bảo vệ mình đâu".
***
... Viết lại những chuyện này khi năm nay tôi đã không còn tiếp tục làm công tác coi thi nữa. Một kỳ thi tốt nghiệp không thể là cơ sở để đánh giá chất lượng 12 năm phổ thông của một học sinh. Những đồng nghiệp cũ, cười buồn vì vào mùa ôn thi, thầy lẫn trò thức trắng cày bài. Nhưng học trò minh đi thi về, lại trách móc: "biết thi dễ thế này, bọn em tập trung vào mấy môn ĐH cho đỡ mất thời gian".
-
Lê Nhung
Ý kiến của bạn: