(VietNamNet) - "Trong việc đổi mới ra đề văn, chúng tôi cũng khuyến khích giáo viên kết hợp dạng đề thông thường và dạng đề “mở”. Loại đề này đòi hỏi HS cần sáng tạo, biết nêu những suy nghĩ cá nhân, không dựa vào những tài liệu có sẵn".
Tiến sĩ văn học Đỗ Ngọc Thống (Viện Chiến lược và Chương trình Giáo dục), người tham gia viết sách giáo khoa Ngữ văn theo chương trình mới từ lớp 6 đến lớp 12, bắt đầu câu chuyện với chúng tôi nhân câu chuyện đề văn "Trái tim có điều kỳ diệu" gây tranh cãi.
Ông Thống bày tỏ: "Tôi thấy đề văn trên không có gì sai, nhưng khó với HS đại trà nói chung. Không sai ở chỗ, dạng đề này theo chương trình và SGK Ngữ văn mới các em HS đã được làm quen.
Từ lớp 7, HS đã được học bài đề văn nghị luận với các đề văn như: Lối sống giản dị của Bác Hồ, Tiếng Việt giàu đẹp, Thuốc đắng dã tật, Thất bại là mẹ của thành công, Không thể sống thiếu bạn, Hãy biết quý trong thời gian, Chớ nên tự phụ, Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng...
Trong sách Ngữ văn 9, ở kiểu bài nghị luận xã hội, các em lại được tiếp xúc với các đề tương tự như thế: Đạo lí “uống nước nhớ nguồn”, Đức tính khiêm nhường, Có chí thì nên, Đức tính trung thực, Tinh thần tự học, Hút thuốc có hại, Lòng biết ơn thầy, cô giáo...
Nhưng khó, vì loại đề này đòi hỏi HS cần sáng tạo, biết nêu những suy nghĩ cá nhân, không dựa vào những tài liệu có sẵn... và làm đáp án cũng khó mà chi tiết, cụ thể được. Loại đề này đúng là phù hợp với HS giỏi hơn.
Trong việc đổi mới ra đề văn, chúng tôi cũng khuyến khích giáo viên kết hợp dạng đề thông thường và dạng đề “mở” như trên đã nêu.
Chính vì thế, nếu thi vào THPT, cần có sự phân hoá để chọn cho đúng chất lượng HS khá giỏi hoặc vào đúng ban, thì việc Sở GD-ĐT Ninh Thuận ra hai câu: câu 1 theo cách ra đề thông thường (có mệnh lệnh) và câu 2 theo dạng đề “mở” để phân hoá chọn HS khá giỏi, cũng có thể chấp nhận được.
- Thưa ông, khái niệm "đề không mệnh lệnh" trong chương trình SGK Ngữ Văn được hiểu như thế nào?
- Thực ra, không có khái niệm đề không mệnh lệnh. Trong một vài tài liệu bồi dưỡng giáo viên, chúng tôi gọi đó là “đề mở”. Loại đề này chỉ nêu vấn đề cần bàn luận trong bài nghị luận hoặc đề tài để viết văn tự sự, miêu tả...không nêu mệnh lệnh gì về thao tác nghị luận như kiểu "hãy chứng minh, hãy giải thích, hãy phân tích.." hoặc phương thức biểu đạt như "hãy kể, hãy phát biểu cảm nghĩ...".
“Đề mở” khác với loại đề có đầy đủ từ câu dẫn đến yêu cầu như nhiều người đã nghĩ, có thể gọi là dạng “đề đóng”, “đề khép kín”.
Dạng đề này không phải là mới mẻ hoàn toàn. Thời trước, tôi đi học 2 dạng đề này thường gọi là đề nổi để phân biệt với đề chìm.
Như trên tôi đã nói, dạng đề này được đưa vào sách Ngữ văn THCS mới, thí điểm từ năm 2000, đại trà từ năm 2002. Đây không phải thuộc phần nâng cao hay phổ thông gì cả, vì cấp THCS không phân biệt, nhưng nên dùng loại này để phân hoá trình độ của HS trong kiểm tra đánh giá thì phù hợp hơn.
Khi biên soạn chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn, chúng tôi cũng có tham khảo một số sách giáo khoa nước ngoài. Những đề văn như thế ở sách nước ngoài không thiếu, tôi xin nêu mấy ví dụ. Đề văn trung học của Trung Quốc năm 1998 có những câu như: Tác hại của thuốc lá, Con người phải có khí tiết, Suy nghĩ từ ngọn lửa.. Hay đề của Đức, có câu như “Cuộc sống rất buồn tẻ”, nhiều bạn thanh niên nói như vậy, anh (chị) có những lời khuyên nào?...Còn ở Mỹ, người ta ra đề cho học sinh như sau: "Sự bất lợi của thực phẩm Mỹ đối với HS, sinh viên nước ngoài", "Gây tổn thương trong bóng đá: có thể ngăn chặn được không", "Sức truyền tin rộng rãi của ti-vi..." (xem chi tiết ở box phía dưới - tác giả).
- Nếu nhìn ở góc độ, một đề thi tuyển vào lớp 10, ông nghĩ, đề Văn dạng này" có nét gì hay, dở?
Học sinh thi vào lớp 10 tại hội đồng thi trường THCS Lam Sơn (TP.HCM).Ảnh: Đoan Trúc |
- Tôi cũng đã trả lời một phần ở trên. Ở đây, chỉ xin nêu ngắn gọn: Nét hay của dạng đề này là phân hoá được HS rất rõ, người viết bài khó mà chép được “văn mẫu”, phải tự mình suy nghĩ và viết ra những suy nghĩ của chính mình...
Tên đề văn này trùng với tên cuốn sách Trái tim có điều kỳ diệu của NXB Trẻ xuất bản năm 2004. Nét dở của nó, nếu có là chỗ khá khó đối với những HS đại trà. Đề như thế cũng khó làm đáp án cho rõ ràng rành mạch và GV chấm bài phải rất “vững tay”.
Với dạng đề như thế này, theo ông, đáp án và bảng biểu chấm điểm nên như thế nào?
Tôi không được biết người ra đề văn này nêu đáp án như thế nào, nhưng tôi cho rằng đáp án cho dạng đề văn này cũng phải là “đáp án mở”. Tức là, không nên bó chặt HS vào một số ý nào (có sẵn, cho trước) mà chỉ nêu định hướng về cách giải quyết.
Còn nội dung cụ thể thì để cho HS tự xác định, tự bộc lộ và trình bày. Người giáo viên căn cứ vào nội dung và hình thức trình bày của HS mà đánh giá, cho điểm. Bài viết cũng không thể lấy ngắn dài mà đo được. Vấn đề là HS viết gãy gọn, sáng sủa trình bày những suy nghĩ hoặc kể lại câu chuyện nào đó một cách trung thực, cảm động.
Trong sách Ngữ văn 9 có học về dạng bài tự sự kết hợp với biểu cảm và nghị luận. Tôi cho đề văn trên nên hướng HS kể một câu chuyện nào đó, dù nhỏ thôi nhưng cảm động và giàu ý nghĩa, những việc làm tuy nhỏ nhoi nhưng góp phần làm cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. Trên cơ sở câu chuyện nhỏ ấy mà phát biểu những suy nghĩ, tình cảm và thái độ như tán thành hay phản đối, phê phán hay ngợi ca... của bản thân người viết.
Qua việc này, ông có ý kiến gì giữa việc dạy hàng ngày và việc kiểm tra thi cử?
Một trong những yêu cầu đổi mới Chương trình và SGK lần này là cần tiến hành một cách đồng bộ giữa mục tiêu, nội dung, phương pháp và kiểm tra-đánh giá. Nếu không đổi mới kiểm tra-đánh giá thì tất cả đều trở nên vô nghĩa.
Trong việc ra đề văn, từ rất lâu, các kì thi thường chỉ chú ý ra đề nghị luận văn học mà không ra đề nghị luận xã hội. Chúng tôi rất buồn là ngay kì thi tốt nghiệp THPT vừa qua, cả hệ chuyên ban và đại trà của chương trình cải cách giáo dục, cách ra đề vẫn y nguyên như cũ, vẫn chỉ ra đề nghị luận văn học, trong khi chương trình và SGK đều có yêu cầu chú trọng văn nghị luận xã hội (nhất là chương trình và SGK chuyên ban mới, nghị luận xã hội chiếm 50%).
Trong bối cảnh đó, nếu trong đề thi của Sở GD&ĐT Ninh Thuận có câu 1 về văn học và câu 2 về xã hội thì đó là một định hướng đúng đắn và cách ra đề cũng có đổi mới.
Tuy nhiên vấn đề quan trọng là đề văn ra cụ thể như thế nào để phù hợp với đối tượng và tính chất của kì thi là điều cần chú ý. Cũng theo định hướng trên, nhưng giá như chọn một câu nói, một nhận xét về tư tưởng, đạo lý, hoặc một nhận xét về cách sống có nội dung phù hợp hơn, dễ hiểu hơn đối với HS đại trà thì sẽ tránh được sự phức tạp không cần thiết.
Cảm ơn ông!
-
Hoàng Lê (thực hiện)
>>"Tác giả" đề Văn "Trái tim có điều kỳ diệu" nói gì?
>> Ý kiến của các thầy cô giáo dạy Văn
Đề văn của các nước |
Đề văn trung học của Trung Quốc (năm 1998): 1. Tác hại của thuốc lá. 2. Con người phải có khí tiết. 3. Suy nghĩ từ ngọn lửa. 4. Đọc sách phải hiểu sâu. 5. Thiếu tôi thì chợ vẫn đông sao?
Đề văn trung học của Cộng hoà liên bang Đức:
1. “Hãy nhận rõ bản thân anh”. Câu cách ngôn ấy có ý nghĩa gì đối với bạn trẻ ? 2. Người già và người trẻ khác nhau ở chỗ nào, vì sao như vậy? 3. Anhxtanh nói: “Tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức”. Anh (chị) có đồng ý với ý kiến đó không? 4. “Cuộc sống rất buồn tẻ”, nhiều bạn thanh niên nói như vậy, anh (chị) có những lời khuyên nào?
Đề văn của nhà sư phạm Ucraina nổi tiếng Xukhômlinxki:
1. Thành thực là thế nào? 2. Vì sao con người phi sống ở trên đời? 3. Vì sao chúng ta cần có kiến thức? 4. Vì sao mà tôi sống ở trên đời? 5. Chúng ta và người lớn.
Đề văn nghị luận của Mỹ:
1. Sự bất lợi của thực phẩm Mỹ đối với HS, sinh viên nước ngoài. 2. Chì trong dầu hoả: một dấu hiệu của tình trạng ô nhiễm. 3. Sự trôi nổi của dầu và mỡ trong nước: lợi và bất lợi ? 4. Gây tổn thương trong bóng đá: có thể ngăn chặn được không? 5. Sức truyền tin rộng rãi của ti-vi.
Đề văn của CHLB Nga
1. Tác phẩm “Con quỷ” của Lecmantốp và “con quỷ” của Bruybelia. 2. Cội nguồn sáng tạo của Bunhin 3. Những nét độc đáo trong nghệ thuật kịch của M.Gorki. 4. Những xung đột cơ bản trong tiểu thuyết "Người mẹ' của M. Gorki. 5. Những bài thơ tình yêu của Puskin và Blok . |
Ý kiến của bạn: