'VN cần xây dựng vài ĐH đẳng cấp quốc tế'
Xem giới thiệu về GS Malcom Gillis
GS
Malcom Gillis tới Việt Nam mới được 3 ngày, vừa kịp có buổi làm việc với Bộ GD - ĐT về đề tài xây dựng ĐH đẳng cấp quốc tế. Trong gần 200 câu hỏi gửi tới, có một số nội dung, như ông nói "chưa có nhiều cơ hội làm việc với SV VN" nên GS chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng.Ông bày tỏ hy vọng, nếu được mời, sẽ rất vui lòng giúp VN xây dựng một trường ĐH tư thục, chất lượng cao, quy mô vừa phải.
Dưới đây là nội dung buổi giao lưu:
Bùi Quý Thuấn - Nam 26 tuổi - Gia Lộc - Hải Dương
Chào mừng GS Malcon Gillis đến Việt Nam! Xin GS cho biết cảm nghĩ của GS khi đặt chân đến VN? GS đã có nhiều dịp tiếp xúc với SV VN chưa, và GS nghĩ gì về SV VN? Theo GS, ĐH đẳng cấp quốc tế tại VN nên theo mô hình như thế nào? Nếu Chính phủ VN mời tham gia vào Hội đồng tư vấn, thậm chí tham gia nhóm thành lập trường ĐH này ở VN thì GS có tham gia không?
GS Malcon Gillis: Ấn tượng của tôi thật tuyệt! Vì có rất nhiều lý do, vì Việt Nam khiến tôi nhớ lại ấn tượng của Jakarta những năm 70, 80: những tòa nhà, những món ăn. Tôi cảm thấy như trở lại Jakarta, ngôi nhà thứ 2 của mình.
Tôi chưa có nhiều cơ hội làm việc với SV VN, vì suốt 20 năm qua, tôi là "lãnh đạo" các trường ĐH ở Mỹ nên không có nhiều dịp dìu dắt các SV một cách trực tiếp. Tôi có một số SV Mỹ và SV gốc Latinh. Tôi rất mong có cơ hội làm việc với các SV VN ở bậc cử nhân cũng như cao học, tiến sỹ trong tương lai gần.
Nếu chính phủ VN đề nghị tôi giúp họ để bắt đầu xây dựng một trường ĐH tư thục, chất lượng cao, quy mô vừa phải, tôi rất vui lòng. Nhưng cần lưu ý, khi tôi nói "đại học tư" có nghĩa là ĐH phi lợi nhuận, vì hình như ở VN, các bạn thường nghĩ các trường tư thục là để kiếm lợi.
Tường Vi - Nữ 18 tuổi - TP.HCM
Khi nghĩ đến một ĐH đẳng cấp quốc tế, chúng tôi sợ rằng học phí của trường sẽ rất cao, đặc biệt so với mức học phí trung bình ở VN hiện nay. Ông có nghĩ đó sẽ là một rào cản khiến SV VN không thể theo học ở trường? Ông có giải pháp nào giúp Chính phủ chúng tôi không?
GS Malcon Gillis: Câu hỏi về học phí là một câu hỏi rất quan trọng, nhưng học phí không bao giờ được là rào cản cho những SV nghèo khát khao được học. Những người có thể trả học phí cao thì nên trả học phí cao, vì giáo dục chất lượng cao thì không thể rẻ. Nhưng những người không có điều kiện nên có cơ hội nhận học bổng. Ở ĐH quốc tế Bremen (IUB), 40% SV được nhận học bổng, còn ở ĐH Rice thì có tới 50%.
Thu học phí cao đối với những SV giàu là một trong những điều kiện để có thể tặng học bổng cho những SV nghèo học giỏi. Bản thân tôi cũng sinh ra trong một gia đình nghèo, và không có khả năng trả học phí khi học ở Florida quê hương mình. Nhưng tôi đã nhận học bổng đủ để trả chi phí này. Nhiều bạn bè của tôi cũng vậy. Học phí cao sẽ đồng nghĩa với việc có nhiều học bổng hơn cho người nghèo.
Le Minh - Nam 34 tuổi - Singapore
Thưa GS, ông có nghĩ một ĐH chất lượng cao là không thể thiếu cho sự tương lai phát triển của VN? Nếu chúng tôi bỏ rất nhiều công sức và tiền bạc mà dự án vẫn thất bại thì sao? Theo ông, Hội đồng quản trị cần có những thành phần nào? Ai sẽ hoạch định chiến lược cho trường?
GS Malcon Gillis: Chúng ta đang sống trong một thế giới với sự phát triển công nghệ nhanh chóng. Trong phần còn lại của thế kỷ 21, chúng ta sẽ kiếm sống bằng trí tuệ của mình, hoặc sẽ không thể tồn tại. Sự tiến bộ không ngừng của công nghệ Nano, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin sẽ ảnh hưởng lớn đến cách chúng ta sống, đến chất lượng cuộc sống, đến tuổi thọ. Hiện nay, chúng ta đang chia thế giới thành những nước phát triển và đang phát triển, nhưng trong tương lai sẽ không như thế.
Trong tương lai, thế giới sẽ có 3 loại quốc gia: những nước thông minh, những nước thông minh hơn, và những nước thông minh nhất. Sự khác biệt sẽ do cách mỗi quốc gia đầu tư vào giáo dục, đặc biệt là giáo dục ĐH. Những nước có các ĐH có thể thích nghi với sự phát triển công nghệ nhanh chóng sẽ là những nước thông minh nhất. Trong thời của tôi, mỗi người chỉ thay đổi công việc 3, 4 lần trong đời. Nhưng trong thời đại của các cháu tôi, họ sẽ thay đổi cả nghề nghiệp 3, 4 lần trong đời. Chúng sẽ cần hệ thống giáo dục hiện đại nhất, cập nhật nhất để có thể làm được điều này.
Để tôi kể một ví dụ: Nghe về những điều ĐH quốc tế Bermen đã làm được, Chính phủ Serya đã mời tôi đến để nói về mô hình ĐH tư thục hiện đại như ĐH Bremen. Tôi đã tìm hiểu hệ thống giáo dục ở đây, và chính phủ Serya hỏi tôi "Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng tôi không cải cách, đổi mới hệ thống giáo dục ĐH".
Tôi đã trả lời thẳng thắn rằng: "Nếu các bạn không đổi mới, con cháu các bạn sẽ chỉ là những người giúp việc, người lao động chân tay, vì chúng không thể theo được sự phát triển nhanh đó".
Câu trả lời của tôi là, mọi đất nước đều phải đổi mới giáo dục ĐH. Và không có lý do gì, VN không cải cách. Việc thành lập một trường ĐH đẳng cấp quốc tế như đề án mà Thủ tướng đã đồng ý về chủ trương sẽ giúp quá trình đổi mới này.
Tôi vừa trở về từ Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên, nơi một trường chất lượng cao như thế đang được xây dựng. Nhiều nước khác cũng sẽ muốn học theo Đức, Bắc Triều Tiên, và cả Trung Quốc trong việc này.
Xin GS cho biết những đặc điểm chung của các trường ĐH đẳng cấp quốc tế trên thế giới hiện tại? Liệu VN có thể thành lập một trường theo tiêu chuẩn ấy? Hay trường cần có những đặc điểm riêng phù hợp và đáp ứng được nhu cầu cho giáo dục VN?
GS Malcon Gillis: Đặc điểm đầu tiên là sự thu hút và giữ chân được những GS giỏi nhất.
Thứ 2 là sự tuyển chọn và sự tốt nghiệp thành công của những SV chăm chỉ và thông minh.
Thứ 3 là sự thành công của những SV tốt nghiệp khi tìm việc, trong công việc hay khi họ tiếp tục học cao hơn ở các trường ĐH lớn khắp thế giới.
Thứ 4 là sự độc lập thật sự trong chính sách quản lý mà không gặp phải những ràng buộc, ảnh hưởng của chính phủ cũng như giới doanh nghiệp trong việc ra quyết định.
Trường ĐH không hoàn toàn độc lập với chính phủ và những nhà đầu tư sẽ không thể thu hút những GS và những SV giỏi.
Trần Bình Minh - Nam 18 tuổi - Hà Nội
Vì sao ông lại quan tâm đến đất nước chúng tôi nói chung và giáo dục VN nói riêng? Trường ĐH Bremen đã đạt những thành công rất lớn chỉ sau 3 năm. Ông có thể chia sẻ những bí mật thành công mà VN có thể học?
GS Malcon Gillis: Tôi luôn quan tâm đến VN vì lịch sử ngàn năm của các bạn trong việc lưu giữ những giá trị văn hóa riêng chân thật.
Tôi quan tâm đến giáo dục ĐH VN vì những lý do rất cá nhân. Tổ tiên tôi đến từ vùng cao nguyên của Scotland, nơi cuộc sống thật sự khó khăn. Đất đai cằn cỗi, và trong 200 năm, chúng tôi phải chiến đấu chống sự xâm lược của người Anh. Cách duy nhất để tồn tại là dùng trí thông minh. Để phát triển, phải có giáo dục.
Vì thế, chúng tôi luôn coi trọng giáo dục từ cả ngàn năm nay. Câu cửa miệng của gia đình chúng tôi là "bạn có thể bị thất vọng, có thể bị áp bức. Nhưng nếu trẻ và được giáo dục tốt, bạn sẽ không bao giờ thất bại". Điều này cũng giống như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh của các bạn đã nói: "Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người".
Trường IUB được thành lập vì những người lãnh đạo thành phố Bremen thật sự tin rằng: Một mô hình giáo dục khác với những gì đang có ở Đức là thật sự cần thiết.
Các trường ĐH ở đây quá đông SV, không đủ tiền và bị nhà nước quản quá chặt, nên sẽ không đáp ứng được những đòi hỏi của thế kỷ 21. Họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro, vì chưa ai nghĩ đến việc thành lập một ĐH tư, thu học phí cao nhưng lại có nhiều học bổng. Chưa có trường ĐH nào ở Đức dạy bằng tiếng Anh.
IUB có tất cả những điều này: trường tư thục, quy mô nhỏ, dùng tiếng Anh là ngôn ngữ cho việc dạy - học, cấp học bổng cho SV. Và, SV tốt nghiệp Bremen đã rất thành công, tìm được công việc tốt, được tiếp nhận vào các chương trình sau ĐH (MBA, tiến sỹ) ở các trường ĐH lớn trên thế giới như ĐH Cambridge ở Anh, hay Harvard, Standford, Rice... ở Mỹ.
Một nhóm những người Đức có tầm nhìn và có dũng cảm để biến tầm nhìn đó thành hiện thực. Tầm nhìn, sự dũng cảm kết hợp với sự chuẩn bị chu đáo là những điều kiện dẫn đến sự thành công của IUB.
Trần Thanh Phuơng - Nữ, 22 tuổi - Hà Nội
Theo ông, ĐH mang đắng cấp quốc tế có phù hợp với hoàn cảnh ở VN hiện tại hay không khi mà nguồn giảng viên ở ĐH này sẽ phải phụ thuộc rất nhiều vào các giảng viên quốc tế. Bởi vì, nếu sử dụng giảng viên trong nuớc thì chỉ đếm trên đầu ngón tay những người có khả năng giảng dạy đúng ngành bằng tiếng Anh?
GS Malcon Gillis: Tôi nhận được rất nhiều câu hỏi về chuyện "Có cần thiết xây dựng một ĐH đẳng cấp quốc tế ở VN không?". Tôi sẽ hỏi ngược lại những người đó rằng: "Có bao nhiêu người đang sống VN, và 10 năm nữa dân số VN sẽ là bao nhiêu? Có thể sẽ có 100 triệu người sống trên đất nước các bạn. Và biết bao nhiêu vấn đề cần giải quyết. Sẽ cần không chỉ một mà một vài trường đẳng cấp quốc tế để có thể giải quyết những vấn đề, phát minh những ý tưởng trong khoa học, nghệ thuật trên chính đất nước các bạn.
Làm sao có thể tưởng tượng những vấn đề của VN lại được giải quyết ở Califonia, ở Trung Quốc mà không phải là ở HN, Huế, TP.HCM.
Các bạn có thể thấy ở Mỹ, những ý tưởng lớn nhất được phát minh từ các trường ĐH. Bạn muốn những ý tưởng như thế chỉ bắt đầu từ Tokyo, London, Bắc Kinh... hay bạn muốn sẽ có ít nhất một vài ý tưởng như thế được phát minh ở VN. Đất nước các bạn quá lớn, và mọi phát minh có thể bắt đầu ở đây.
Thanh Lan - Nữ 26 tuổi - Singapore
Từ những kinh nghiệm với trường quốc tế Bremen, ông có thể gợi ý những bước đi sáng suốt cho dự án của chúng tôi được thực hiện nhanh hơn và hiệu quả hơn không? Theo ông, chúng tôi nên đi các nơi để học từ những thành công và thất bại của các dự án tương tự, sau đó mới từng bước thực hiện dự án. Hay chúng tôi nên tìm một trường ĐH lớn, mời họ làm đối tác chính cùng làm với chúng tôi? Lúc bắt đầu, quy mô của trường nên như thế nào? Bao nhiêu SV, bao nhiêu khoa, bao nhiêu ngành học? Khi bàn luận về đề án ĐH đẳng cấp quốc tế, nhiều người băn khoăn về số tiền quá lớn phải đầu tư cho dự án. Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm trong việc kêu gọi đầu tư từ các nguồn cho dự án này?
GS Malcon Gillis:
Các bạn nên học kinh nghiệm từ các nước, và tôi đề nghị các bạn đến thăm IUB (Đức), Thamasak (Thái Lan).Tôi cũng gợi ý các bạn nên mời những nhà quản lý ĐH hàng đầu như ông Larry Summers, cựu Hiệu trưởng của ĐH Harvard đến Việt Nam để thảo luận. Họ có rất nhiều ý tưởng để đóng góp cho dự án của các bạn.
Nếu các bạn có quyết tâm, tôi tin sẽ có rất nhiều người, nhiều đối tác muốn giúp đỡ các bạn.
Hãy bắt đầu từ quy mô nhỏ, một trường ĐH với 100 - 200 sinh viên. Ở IUB, chúng tôi rất cân nhắc khi quyết định nên thành lập những khoa gì, ngành gì?
Năm 2004, chúng tôi quyết định thành lập 3 ngành: Công nghệ Nano, Công nghệ Sinh học, Công nghệ Thông tin. Chúng tôi chỉ có 2 trường: trường khoa học - công nghệ và trường Khoa học xã hội Nhân văn mà không phân thành những khoa nhỏ trong các trường đó, dù chúng tôi có dạy nhiều môn.
Chúng tôi chưa dạy Kinh tế, không phải vì Kinh tế không quan trọng, mà vì chúng tôi bắt đầu với quy mô nhỏ.
Việt Nam sẽ thành công vì Chính phủ Việt Nam sẵn sàng đầu tư tiền, vì có sự giúp đỡ của các tổ chức lớn như ADB, Ngân hàng thế giới.
Điều quan trọng hơn, khi các Chính phủ thật sự quyết tâm thì các cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài sẽ sẵn sàng đóng góp, như tôi đã thấy cộng đồng Trung Quốc, Bắc Triều Tiên đã làm. Tôi tin, mỗi năm các bạn sẽ dễ dàng nhận được ít nhất 10 triệu đôla đóng góp từ cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài cho dự án này.
-
Thực hiện: Bùi Văn - Khánh Linh - Hạ Anh - Thanh Hảo
-
Ảnh: Lê Anh Dũng