221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
814021
Đối mặt với sự thật:"Bệnh" gian lận thi cử có tổ chức
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Đối mặt với sự thật:'Bệnh' gian lận thi cử có tổ chức
,

(VietNamNet) - Ông Quách Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Tin học (Bộ GD-ĐT) vừa gửi đến VietNamNet bài viết phân tích "Hà Tây đối mặt với sự thật: "Bệnh" gian lận thi cử có tổ chức, có truyền thống" từ kết quả phân tích dữ liệu thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH. Dưới đây là bài viết của ông.

 Phổ điểm thi ĐH của các thí sinh trường Phú Xuyên A trong kì thi ĐH năm 2005 với mức điểm trung bình  là 11.87/30 tương đương 4 điểm/môn, trong khi năm nay 100% học sinh thi tốt nghiệp đạt điểm trung bình trở lên, với điểm trung bình là 7 điểm/môn.

Trung tâm Tin học đã tích luỹ dữ liệu thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ 4 năm thi 3 chung vừa qua. Khi xử lí điểm thưởng học sinh (HS) giỏi, Trung tâm đã phát hiện ra Hà Tây là nơi điển hình nhất của thưởng ẩu: thưởng trên diện rộng ở nhiều trường trong toàn tỉnh, thưởng cho nhiều HS trong một trường ... nhưng khi đi thi ĐH, kết quả lại kém.

Năm nay, qua xử lí dữ liệu, Hà Tây có nhiều hội đồng thi có điểm thi chỉ chụm lại một chỗ ở hầu hết các phòng thi. Đây là những nơi đáng nghi ngờ nhất về việc cho chép bài giải có tổ chức. Gọi là "truyền thống" vì vụ việc kéo dài nhiều năm qua mà báo chí đã phản ánh cũng như dữ liệu hiện lên.

Đó cũng là lí do tại sao những năm trước, Hà Tây lại có nhiều HS được thưởng điểm khi thi ĐH với lý do tốt nghiệp THPT loại giỏi.

Hệ thống phân tích dữ liệu đã cho ra danh sách tất cả các hội đồng và phòng thi có nghi vấn gian lận thi cử, mà Hà Tây chỉ là một thí dụ điển hình. Trong Hà Tây thì trường THPT Phú Xuyên, Xuân Mai, Đông Quan cũng chỉ là những "trường án điểm" như là ví dụ về hiện trạng gian lận thi cử.

Chúng tôi sẽ chuyển kết quả này cho các bộ phận chức năng của Bộ GD-ĐT và công an để tiếp tục xác minh, thanh tra và xử lí. Công việc thanh tra xác minh đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức.

Những năm trước đây, qua xử lí dữ liệu, Trung tâm Tin học đã phát hiện ra hàng chục trường hợp nghi vấn thi hộ. Các bộ phận chức năng của Bộ GD-ĐT và công an phải mất cả 6 - 7 tháng đi xác minh một cách cẩn thận, nghiêm túc để cuối cùng, tìm ra nhiều trường hợp đích thị thi hộ. Sau đó, các trường đã xử lí buộc thôi học.

Vấn đề thực ra không còn là bệnh thành tích. Chúng ta phải gọi là căn bệnh gian lận thi cử có tổ chức. Căn bệnh này tai hại hơn bệnh thành tích nhiều. Bệnh thành tích có thể ví như bôi son phấn làm dáng. Còn bệnh gian lận thi cử có tổ chức được ví như thường xuyên tự uống thuốc ngủ quá liều nên sẽ mắc bệnh tâm thần, chẳng còn biết đâu là thật, đâu là giả.

Và phổ điểm tốt nghiệp THPT 2006 của trường Phú Xuyên A tính cho tổng 6 môn (thang tối đa là 60 điểm). Trung bình 6 môn là 42,5 điểm, nghĩa là 7 điểm/môn. Tỉ lệ trên trung bình là 100%

Lỗi tại ai?

Trước hết, phải nói lỗi tại người lớn. Đầu tiên là Chủ tịch hội đồng thi, cán bộ thanh tra thi tại hội đồng, các giám thị. Thứ đến mới đến nhân viên văn phòng, bảo vệ. Vì những người có trách nhiệm này buông lỏng kỉ cương, bị mua chuộc (có thể do được bồi dưỡng hậu hĩnh) nên đã dẫn đến buông lỏng kỉ luật thi cử, thông đồng với nhau đến mức tổ chức tiếp tay cho gian lận thi cử.

Dư luận xã hội mong muốn cần xử lí thật nghiêm những người này để từ nay trở đi, không còn tái diễn gian lận thi cử. Cũng phải nói thêm lỗi của một số lãnh đạo tỉnh thích tỉ lệ đỗ tốt nghiệp cao, không chỉ đạo kịp thời tổ chức kì thi nghiêm túc…

HS cũng có lỗi vi phạm qui chế thi. Tuy nhiên có thể nói, các em cũng là nạn nhân của người lớn. Do kì thi tuyển sinh đã cận kề, nên việc xử lí HS cần ở mức độ hợp tình hợp lí vì đây là việc rất phức tạp.

Trước mắt Bộ GD-ĐT đã có chủ trương để các em đi thi ĐH bình thường, tránh gây xáo động tâm lí lo sợ cho HS. Bản thân các em cũng phải thấy sai phạm nghiêm trọng, không thể tiếp diễn tiêu cực như vậy. Sức học của HS Hà Tây vào hàng thứ 9 trên toàn quốc trong bảng xếp loại thi ĐH. Bởi vậy, việc quay cóp chép bài để tốt nghiệp THPT loại giỏi là điều thật ra không cần thiết.

Qua hiện tượng tiêu cực trong thi cử, chúng ta đã thấy những cách giải quyết khác nhau, thể hiện sự nghiêm túc và nhận thức khác nhau.

Tỉnh uỷ và UBND tỉnh Tiền Giang chủ động xử lí ngay các tiêu cực thi cử, kể cả ra quyết định huỷ kết quả đến gần 500 bài thi của thí sinh mà hầu hết là các cán bộ đi thi, được dư luận xã hội hoan nghênh. Đó là cơ chế phân cấp quản lí.

Tuy nhiên, trong trường hợp lãnh đạo tỉnh, Sở không nghiêm túc để đến có đơn tố cáo thì Bộ GD-ĐT sẽ phải can thiệp như ở Hà Tây. Đặc biệt, Hà Tây năm nay đã được Ban chỉ đạo thi "ưu tiên" đến tận nơi để chỉ đạo giám sát nhắc nhở ngay từ trước khi kỳ thi diễn ra, được cảnh báo trước. Vậy mà...vẫn không khắc phục được.

Tất cả chúng ta đều mong muốn từ nay trở đi, chuyện thi cử sẽ nghiêm túc trở lại trên qui mô toàn quốc chứ không cứ chỉ ở Hà Tây. Và điều đầu tiên cần nhất là nghiêm túc từ nhận thức của toàn ngành và sự ủng hộ làm nghiêm túc của cả xã hội, trong đó kể cả hàng triệu phụ huynh học sinh và lãnh đạo 64 tỉnh chứ không phải chỉ riêng ngành giáo dục.

  • Quách Tuấn Ngọc (Trung tâm Tin học - Bộ GD -ĐT) 

Phó Chánh Thanh tra Giáo dục Trần Bá Giao:

Báo cáo ngày 1/7 của Sở GD&ĐT Hà Tây chủ yếu là các số liệu kết quả chấm phúc khảo bài thi tại ba hội đồng thi (HĐT). Trong đó cũng đã đề cập đến hướng xử lý đối với sai phạm của từng HĐT và những cá nhân liên quan ở những mức độ khác nhau.

Đối với nhiều HĐT khác mà dư luận và báo chí cũng đã phản ánh có tình trạng lộn xộn, vi phạm qui chế thi chưa được Sở GD&ĐT Hà Tây đề cập, hướng xử lý cũng sẽ phải tách bạch rõ ràng: phần sai phạm bên trong HĐT liên quan đến cán bộ, giám thị. Sở GD&ĐT Hà Tây phải có trách nhiệm xử lý; phần lộn xộn bên ngoài liên quan đến phụ huynh, nhân dân sở tại sẽ do cơ quan công an điều tra, xác minh. Hiện nay, chúng tôi đã đề nghị cơ quan công an phối hợp điều tra làm rõ đối với một số nội dung, vụ việc cụ thể, nếu cần phải xử lý theo pháp luật chứ mình ngành giáo dục không thể xử lý trọn vẹn được...

Thanh Hà (Tuổi Trẻ)

Ý kiến của bạn:

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,